Nên để nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên?

18/03/2022 06:46
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các địa phương nên cân đối mức độ đầu tư vào trường chuyên, tránh tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục giữa trường chuyên và trường thường.

Đến nay nhiều địa phương dành sự ưu tiên lớn trong phát triển trường chuyên trên địa bàn tỉnh, thậm chí còn ban hành chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường trung học phổ thông chuyên.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, rất khó để khẳng định sự cần thiết hay không cần thiết đầu tư cho trường chuyên vì mỗi tỉnh sẽ có kế hoạch, chiến lược riêng trong phát triển giáo dục. Và dựa trên bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh mà các nhà quản lý, lãnh đạo sẽ cân nhắc để đưa ra những quyết sách phù hợp.

"Việc đầu tư cho trường chuyên là một trong những việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nhà nước cũng như các địa phương phải cân đối sự đầu tư này với cả hệ thống giáo dục đại trà để tránh tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục giữa trường chuyên và trường thường. Chúng ta không thể đầu tư nhiều cho trường chuyên mà bỏ bê các trường phổ thông khác", bà Dung cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, chính sách đãi ngộ 1 tỉ đồng hay 300 triệu đồng hay những hỗ trợ về mặt vật chất thu hút giáo sư, phó giáo sư về dạy tại trường chuyên không phải là vấn đề cốt lõi. Điều quan trọng là phải tạo ra môi trường học thuật, khuyến khích, động viên tinh thần để họ cống hiến và phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. (Ảnh: Nhân vân cung cấp)

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. (Ảnh: Nhân vân cung cấp)

Mặt khác, giáo sư, phó giáo sư mạnh về làm công tác nghiên cứu. Vì vậy, khi giải một đề toán, đề văn, phát huy năng khiếu của người học thì thế mạnh về năng lực giảng dạy của người thầy sẽ chiếm ưu thế hơn năng lực nghiên cứu.

"Theo tôi đã đến lúc nhìn nhận lại mô hình giáo dục trong trường trung học phổ thông nói chung và các trường chuyên nói riêng để có đánh giá khoa học, toàn diện, tránh đầu tư lãng phí khi thực hiện chính sách.

Không riêng gì trường chuyên mà bất cứ các mô hình giáo dục khác đều phải được đánh giá cụ thể trong khoảng thời gian 5-10 năm. Mỗi đề án, chính sách khi áp dụng, triển khai vào thực tế sẽ có mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. Chính vì vậy, các nhà quản lý phải quan sát, đánh giá để đi đến kết luận mô hình đó có đáp ứng được mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách hay không.

Tôi lấy ví dụ, trong thời gian thực hiện chính sách mà mô hình giáo dục hoạt động ì ạch, không hiệu quả, bắt đầu có biểu hiện tiêu cực thì bản thân người đứng đầu cơ sở giáo dục đó phải xem xét lại, người đưa ra chính sách đầu tư cũng phải cân nhắc.

Ngược lại, nếu mô hình giáo dục đó phát triển tốt, mang hiệu ứng tích cực, đào tạo được nhiều học sinh tiềm năng, tăng nguồn nhân lực chất lượng cao thì địa phương cũng nên tính toán, tiếp tục đầu tư để phát triển mô hình này", bà Dung nêu quan điểm.

Khi phóng viên đặt băn khoăn việc cho khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên, Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt nhận định: "Câu chuyện nên để nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên, có mấy vấn đề đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, thế giới bây giờ chấp nhận sự đa dạng, sự đa dạng đó cho thấy rằng khi khối tư nhân tham gia vào thị trường thì có thể làm giảm bớt gánh nặng của nhà nước đối với khối trường chuyên, lớp chọn. Khi giảm gánh nặng đó thì cơ hội cho trẻ em nghèo, trẻ em hiếu học tiếp cận môi trường giáo dục chất lượng cao sẽ nhiều hơn.

Thứ hai, nếu tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cán cân giữa tư thục và công lập sẽ dần được cân bằng. Trước đây, nhiều người vẫn hay quan niệm khối công mới chất lượng, chất lượng đào tạo của khối tư thục thấp, các em học không giỏi thì mới vào trường tư. Tôi nghĩ quan điểm này không hợp lý với tình hình thực tế.

Một vài năm trở lại đây, để có được một suất học trong trường trung học phổ thông công lập là rất khó, thậm chí đã xuất hiện tình trạng chạy trường, chạy điểm để vào trường công. Nếu cân đối được sự đầu tư giữa khối công lập và tư thục thì những tệ nạn như mua điểm, chạy trường chuyên theo đó cũng sẽ giảm bớt".

Nói về một số điểm cần lưu ý, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung cho rằng, để tạo ra sân chơi công bằng, đánh giá đúng chất lượng đào tạo của cả hệ thống trường chuyên công lập lẫn trường chuyên tư thục sẽ cần sự chuyên nghiệp, tinh thần làm việc, trách nhiệm cao hơn từ phía các nhà quản lý giáo dục.

"Khi tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì việc đánh giá hiệu quả, đánh giá về mục tiêu họ đề ra có đạt được hay không cũng sẽ rất khác so với nhà nước. Theo tôi, cần nhìn nhận khách quan và hướng tới những giá trị tích cực để có một môi trường giáo dục công bằng thay vì chạy theo lợi ích, tạo ra xu hướng cạnh tranh nhưng không lành mạnh. Dù là công lập hay tư thục thì mục đích tốt đẹp ban đầu của trường chuyên vẫn là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài", Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt chia sẻ.

Ngọc Ánh