Năm mới Quý Mão, Thứ trưởng Bộ GD chia sẻ kế hoạch triển khai bình đẳng giới

23/01/2023 06:42
Linh An (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước.

LTS: Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lắng nghe chia sẻ của bà về kế hoạch triển khai bình đẳng giới của ngành giáo dục trong giai đoạn tới.


Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, triển khai từng bước những kế hoạch, chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 như thế nào?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT ngày 26/01/2022 về Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch hành động đã nêu rõ 02 mục tiêu tổng quát, 05 mục tiêu cụ thể, bao gồm 17 chỉ tiêu; đề ra 07 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó có 36 nhiệm vụ giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, được phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Việc tổ chức thực hiện, chia làm 02 giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm tổ chức quán triệt các nội dung trong Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong toàn đơn vị; xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch hằng năm với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; bố trí, phân bổ kinh phí hằng năm đối với hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới theo quy định.

Năm 2022, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung tổ chức quán triệt, tuyên truyền các nội dung của Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT, chủ trương, chính sách pháp luật về bình đẳng giới và về sự tiến bộ của phụ nữ; nhiệm vụ, vai trò của ngành Giáo dục trong thực hiện bình đẳng giới; thay đổi nhận thức về giới và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đồng thời, Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra nội dung này tại các cơ sở giáo dục để chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Phóng viên: Được biết, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng về thúc đẩy bình đẳng giới và được đánh giá là một trong những quốc gia có khung pháp lý về bình đẳng giới khá tiến bộ cùng việc thực hiện bình đẳng giới trong thực tiễn và đã đạt những kết quả đáng tích cực. Với vai trò Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ và công bằng giới đã được Liên Hợp quốc đư­a ra bằng chỉ số phát triển liên quan đến giới tính (GDI - Gender Development Index) bên cạnh chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index) khi đánh giá mức độ phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Vị thế của phụ nữ trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ rõ rệt đã đạt được về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực, đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, cải thiện sức khỏe bà mẹ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Theo báo cáo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) năm 2022, chỉ số phát triển con người năm 2021 của Việt Nam là 0,703, xếp vị trí 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Báo cáo phát triển con người 2021/2022, năm 2021, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam tiếp tục được cải thiện là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Chỉ số phát triển giới của Việt Nam đạt được khá cao so với các nước trong khu vực, khoảng cách bất bình đẳng giới được thu hẹp đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ năm 1990 - 2020, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng hơn 48%, từ 0,475 lên 0,703, thuộc các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.

Trong thời gian qua, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Hiến pháp, Luật của Quốc hội; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.

Nhận thức về bình đẳng giới và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ công chức và người dân được nâng lên rõ rệt. Sự cam kết trách nhiệm được thể hiện: Nhiều bộ, ngành và địa phương đã có nghị quyết và chương trình hành động về thực hiện bình đẳng giới.

Hầu hết các bộ, ngành và tỉnh thành đều xây dựng, quy hoạch cán bộ bao gồm tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp chính sách về bình đẳng giới được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới và phụ nữ tham gia chính trị. Công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hành động và chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ được thực hiện theo định kỳ có tác động nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện bình đẳng giới.

Nhiều văn bản như chỉ thị, hướng dẫn của tổ chức Đảng, nghị định, thông tư, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có liên quan về nhân sự, trong đó có cán bộ nữ được ban hành trong các kỳ đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân, nhân sự chủ chốt ủy ban nhân dân các cấp và nhân sự các bộ ngành liên quan đến phụ nữ.

Nhận thức về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia chính trị cũng được nâng cao, bản thân cán bộ nữ đã chủ động, tự tin, nỗ lực phấn đấu vươn lên; đội ngũ cán bộ nữ nhìn chung đã phát triển cả về số lượng và chất lượng so với trước đây.

Bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại thời điểm quý II năm 2022, lực lượng lao động nữ đạt 24,0 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước. Lao động nữ ngày càng khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng quốc gia phồn thịnh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Giai đoạn 2021-2026, tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội là 30,26%, trung bình toàn cầu 25,5% (01/6/2021); nữ Bộ trưởng là 9% (02 trong số 22 bộ, cơ quan ngang Bộ), trung bình toàn cầu là 22,6% (2021); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân là 29%, 29,08% và 28,98 % tương ứng ở cấp tỉnh, huyện và cấp xã; tỷ lệ nữ đảng viên là 33% (2019).

Phóng viên: Dù đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình song thực tế cho thấy vẫn còn thách thức trong quá trình triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nói chung và ngành Giáo dục nói riêng, vậy rào cản điển hình là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Như đã nói ở trên, được sự quan tâm của Đảng và hệ thống pháp lý về bình đẳng giới, chúng ta đã đạt được những tiến bộ lớn về thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, có thể thấy vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nói chung và ngành Giáo dục nói riêng. Có nhiều rào cản, tuy nhiên có hai rào cản điển hình đó là định kiến giới và nhận thức về công tác bình đẳng giới .

Định kiến giới là những quan điểm, thái độ, ý thức, sự đánh giá có xu hướng tiêu cực về vấn đề giới tính nam, nữ như vị trí, vai trò, tầm quan trọng, năng lực… Định kiến giới chủ yếu tác động đến nữ giới, đặc biệt là cơ hội phát triển, thăng tiến của họ. Định kiến giới làm cho người phụ nữ trở nên yếu thế hơn, thiệt thòi hơn so với nam giới và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng giới.

Theo Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 công việc chăm sóc và việc nhà không được trả công, phụ nữ cho biết dành 275 phút mỗi ngày so với 170 phút mỗi ngày ở nam giới (2016); số giờ làm việc nhà trung bình 20,2 giờ mỗi tuần đối với nữ và 10 giờ mỗi tuần đối với nam, gần 20% nam giới cho biết không dành thời gian cho việc này (2019).

Trong lĩnh vực giáo dục, sự chênh lệch rõ rệt ở trình độ sau đại học khi phụ nữ chỉ chiếm 28% ở trình độ tiến sĩ; tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo chỉ có 13% giám đốc sở và 34,8% phó giám đốc. Sự phân biệt và phân luồng nghề nghiệp trên cơ sở giới trong dạy nghề và định hướng nghề nghiệp mang tính khuôn mẫu giới đã hạn chế khả năng tiếp cận đầy đủ các công việc của cả phụ nữ và nam giới.

Để xóa bỏ định kiến giới cần nhiều thời gian, cần sự tham gia của toàn xã hội. Việc giáo dục về bình đẳng giới, định kiến giới cần được gia đình, nhà trường, xã hội thống nhất tiến hành. Việc đưa nội dung giáo dục về bình đẳng giới, định kiến giới phải từng bước lồng ghép đưa vào chương trình giáo dục các cấp kết hợp tuyên truyền sâu rộng mới hy vọng làm chuyển biến về chất đối với định kiến giới.

Rào cản thứ 2, có thể nói là nhận thức về công tác bình đẳng giới đối với một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, cấp ủy các cấp. Chưa nhận dạng được bình đẳng giới thực chất với bình đẳng giới hình thức. Chưa nhận diện được, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới là công tác quản lý nhà nước, đôi khi vẫn còn nghĩ đây chỉ là hoạt động phong trào. Vì vậy thời gian tới, cần tuyên truyền sâu rộng, tăng cường công tác tập huấn không chỉ đối với đối tượng là những người làm về công tác này mà phải mở rộng tới các đối tượng lãnh đạo, quản lý.

Phóng viên: Để sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai hiệu quả, bám sát các mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 thì năm 2023 các đơn vị cần chú trọng đến nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Căn cứ Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT ngày 26/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, năm 2023, các đơn vị cần tập trung vào 04 nhiệm vụ, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu, nội dung về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; đẩy mạnh tập huấn, kiểm tra để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền về bình đẳng giới. Trong đó tập trung sâu vào các giải pháp cụ thể sau:

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ và thực hiện bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên theo thẩm quyền. Tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia hoạch định các chính sách vĩ mô, góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc, nâng cao sức khỏe và phát huy trí tuệ, năng lực của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nghiên cứu, xây dựng nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản vào giảng dạy trong các cấp học.

Xây dựng nội dung về bình đẳng giới vào chương trình đào tạo sư phạm.

Tổ chức tập huấn kiến thức giới, bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới trong việc lập kế hoạch và thực thi chính sách cho các thành viên trong Ban biên soạn sách giáo khoa, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, cán bộ quản lý về bình đẳng giới, cán bộ làm công tác bình đẳng giới và thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị.

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tăng hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phóng viên: Cuối cùng, nhân dịp Xuân Qúy Mão, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo có gửi gắm gì tới đội ngũ học sinh, sinh viên và giáo viên, cán bộ quản lý là nữ giới để tạo ra bình đẳng giới bền vững?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng luôn luôn tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp…. Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội những lúc thuận lợi cũng như khó khăn.

Giai đoạn đến năm 2030, phát huy vai trò, thế mạnh của phụ nữ ngành Giáo dục trong công tác, quản lý và nghiên cứu khoa học, xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng các chính sách và bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ, trẻ em gái người dân tộc thiểu số, khuyết tật; thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục công tác xóa mù chữ đặc biệt là nữ vùng dân tộc.

Tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em gái được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, phòng, chống bạo lực học đường trên cơ sở giới. Tôn vinh, khen thưởng những phụ nữ có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Để thực hiện tốt yêu cầu nêu trên, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục cần tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT ngày 26/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 với 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã đặt ra nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, được phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chúng ta cần ghi nhớ lời nhắc nhở của Bác: Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Phụ nữ chúng ta hãy nỗ lực và quyết tâm hơn nữa nhằm hiện thực hóa những mong ước, khát vọng chính đáng của bản thân, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cuối cùng, thay mặt Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin gửi tới đội ngũ học sinh, sinh viên và giáo viên, cán bộ quản lý là nữ giới lời chúc sức khỏe, lời chào năm mới và lời chúc hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Linh An (thực hiện)