Năm học mới, Bộ trưởng Bộ GDĐT mong xã hội, phụ huynh tiếp tục ủng hộ ngành GD

05/09/2023 06:13
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Năm học 2023-2024 được ngành Giáo dục xác định chủ đề: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

LTS: Hôm nay (5/9) học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới, nhân sự kiện long trọng này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về một năm học được dự báo sẽ có nhiều thách thức khi đây là năm học vừa nhìn lại kết quả 3 năm đã triển khai, trực tiếp triển khai các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị các điều kiện triển khai các lớp cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm học học mới đã bắt đầu. Bộ trưởng có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm học 2023-2024 là năm hứa hẹn nhiều đổi mới. Năm học này được ngành Giáo dục xác định chủ đề: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đây là năm học có ý nghĩa, vai trò quan trọng của lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, mà trọng tâm là triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, năm học này tập trung triển khai mới với các lớp 4,8,11, và chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5,9,12 (bao gồm cả phần việc biên soạn sách giáo khoa, thẩm định, chuẩn bị các điều kiện phát hành). Vì vậy đây là một năm với lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, chất lượng công việc có tác động lớn tới chất lượng đổi mới giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Việc chuẩn bị sách giáo khoa cho các năm cuối cấp 5-9-12 có yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt hơn bởi đây là các lớp cuối cấp và cũng là cuối cùng của giai đoạn triển khai triển khai cuốn chiếu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chúng tôi xác định trong quá trình triển khai, năm học này phải tập trung chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông, năm nay chúng tôi cũng đặt ra nhiệm vụ cần tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông theo chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, từng hoạt động. Đổi mới ở các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Toán học, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, ... Có một số vấn đề trong quá trình đổi mới cũng đang đặt ra như giáo viên cần phải được hỗ trợ nhiều hơn, tăng cường hơn nữa về phương pháp và cần phải chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện để đảm bảo đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng trong sự đổi mới.

Bên cạnh nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề, nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được ngành Giáo dục triển khai trong năm học mới này. Trước mắt là thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Nhìn lại chặng đường 10 năm đổi mới, đồng thời xác định hướng phát triển giáo dục cho chặng đường tiếp theo.

Một trong những nhiệm vụ xây dựng và phát triển lớn, quan trọng là chuẩn bị, xây dựng Luật Nhà giáo, với dự kiến hoàn thành và trình Quốc hội vào năm 2024. Nếu được thông qua, bộ luật này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn tích cực về thể chế để phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng và phát triển giáo dục nói chung.

Năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ, Quốc hội giao rà soát các bộ luật quan trọng của ngành như Luật Giáo dục Đại học. Ban hành năm 2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đã mở đường cho tự chủ đại học. Đến thời điểm này có nhiều nội dung cần rà soát, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng, củng cố, tăng cường thể chế cho giáo dục, năm học này, ngành Giáo dục cần tập trung và các nhiệm vụ: tăng cường triển khai văn hóa học đường, tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, phòng chống bạo lực học đường,…

Năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Việc biên soạn đã được thực hiện, năm nay sẽ đưa vào thực nghiệm, sau đó mới triển khai thực tế. Bên cạnh đó, giáo dục thường xuyên cũng sẽ có một phen đổi mới, từ tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, tới dạy học kiểm tra, đánh giá trong hệ thống giáo dục thường xuyên.

Phóng viên: Năm học 2023-2024 được coi là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng có thể cho biết, sự quan tâm, chính sách, mức độ tập trung của năm học này được tăng cường và tập trung cao độ như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau một chặng đường đổi mới, đã có những kết quả quan trọng là tiền đề. Qua một chặng đổi mới, những thách thức, bỡ ngỡ, lúng túng dần được điều chỉnh để đi vào nền nếp. Giáo viên đã bắt đầu quen với chương trình giáo dục phổ thông mới, với cách dạy mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhiều hơn; học sinh quen hơn với cách học, xã hội biết và chia sẻ nhiều hơn,… đó chính là thuận lợi rất quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đi thăm, động viên học sinh, giáo viên trước thềm năm học mới (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đi thăm, động viên học sinh, giáo viên trước thềm năm học mới (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nhằm khắc phục các vấn đề đặt ra về đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2023-2024 và những năm tiếp theo thì trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh về đào tạo của các trường sư phạm để cung ứng nhiều hơn nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Bên cạnh đó, bộ cũng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên liên quan đến đào tạo sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ. Có thể tạm thời sử dụng, đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học và Ngoại ngữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học. Đồng thời, kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục. Chủ trương tinh giảm biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn tuy nhiên nên thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách; các địa phương cần chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục.

Trong chế độ chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình dự án khác, ngành giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó.

Còn đối với chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non, ngoài lương còn phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, trợ cấp khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…. nhưng lao động của giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc, vất vả. Về cơ bản, tổng cộng thu nhập của giáo viên mầm non vẫn thấp, chưa tương xứng với lao động mà giáo viên mầm non bỏ ra, đặc biệt là với giáo viên vùng khó khăn. Việc này lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hiểu và chia sẻ với các thầy cô.

Lãnh đạo Bộ trong các diễn đàn, trong các cuộc làm việc với Bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến đến vấn đề này. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ làm việc với các Bộ, ngành, trước hết là cân nhắc khả năng nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Về mong muốn thì chúng ta mong muốn phụ cấp ưu đãi cho tất cả các bậc học chứ không chỉ mầm non, tiểu học; tuy nhiên mầm non, tiểu học cần được chú ý trước hết.

Bước đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo đến Chính phủ và các bộ, ngành. Hi vọng việc này sớm được thống nhất, tuy con số nhỏ nhưng thực hiện được sẽ thêm một phần động viên cho giáo viên mầm non.

Tôi cũng muốn nói thêm, số lượng giáo viên hưởng lương hiện nay là rất lớn, chiếm 70% số lượng công chức, viên chức trong cả nước. Vì vậy, mỗi chính sách điều chỉnh, có thể rất nhỏ thôi nhưng cần phải có nguồn lực, điều kiện. Chúng ta mong muốn nhưng kiến nghị cũng phải từng bước điều chỉnh.

Thực tế cho thấy, giờ làm việc của giáo viên mầm non hiện nhiều hơn thời gian quy định, do trẻ đến sớm về muộn theo giờ làm việc của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên áp lực cho giáo viên mầm non. Về chính sách, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các Bộ, ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao cho giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.

Về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non - được đề cập và quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, hiện nay Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội và trong góp ý với dự thảo Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại. Gần đây nhất trên diễn đàn của Quốc hội với người lao động cả nước, tôi cũng thay mặt ngành Giáo dục tiếp tục nêu quan điểm giáo viên mầm non cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nữ vẫn giữ ở tuổi 55 nhưng đảm bảo thu nhập và chế độ để không có sự thiệt thòi.

Phóng viên: Đó là đối với giáo dục phổ thông, vậy vấn đề tự chủ đại học thì sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi. Chuyển đổi về mô hình, về cách thức tổ chức quản trị, hình thức quản lý nhà nước, hoạt động, phương pháp dạy và học, cơ cấu ngành nghề, về sử dụng nguồn lực... Bên cạnh đó, có những vấn đề mới đặt ra với các trường đại học. Đó là các trường phải đóng vai trò là động lực của vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Càng đi vào thời hiện đại, trách nhiệm, vai trò của các trường đại học càng lớn. Khi giáo dục là quốc sách, là một đột phá chiến lược, thì mũi nhọn đột phá chiến lược đó là giáo dục đại học.

Vấn đề tự chủ học thuật và vai trò của các giảng viên là yếu tố quan trọng trong các trường đại học và càng ngày chúng ta càng hiểu thêm rằng điều quan trọng nhất của tự chủ đại học là làm sao tự chủ đến được với các nhà khoa học, các giảng viên.

Tự chủ không không chỉ đến ở vấn đề về tài chính, về quản trị, không dừng ở cấp quản lý, cấp cơ sở giáo dục, không chỉ ở việc thành lập hội đồng trường, ban hành các quy chế mà điều quan trọng là quyền, trách nhiệm phải đến với các đơn vị cấp thấp, các đơn vị thành tố bên trong của các cơ sở giáo dục đại học - cấp khoa, cấp bộ môn, đến từng giảng viên, nhà khoa học. Đây là việc quan trọng để phát triển lực lượng các nhà khoa học và giải phóng sức sáng tạo, xây dựng môi trường thuận lợi cho các nhà giáo phát huy.

Đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục, dù mức độ tự chủ khác nhau thì cũng cần tìm hiểu sâu và thực hiện đầy đủ các quyền tự chủ đối với giảng viên. Họ cần tham gia tích cực trong việc xây dựng những quy tắc, nguyên tắc hoạt động nội bộ, những định hướng chiến lược của nhà trường, cũng như lựa chọn định hướng về chuyên môn, về chương trình đào tạo, về các chính sách, tuyển sinh...

Khi thực hiện tự chủ, có một câu hỏi được khá nhiều người đặt ra, ai là người đứng đầu các trường đại học? Hiện Bộ Nội vụ cũng chưa có văn bản chính thức để trả lời việc này. Tuy nhiên, vấn đề này đã nhiều lần được giải thích rõ.

Nếu nói về một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cá nhân đấy không ai khác là hiệu trưởng, đúng với tên gọi của nó. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, phụ trách về tài khoản, con dấu. Khi cần gọi đến một trường học để làm việc, mgười ta sẽ gọi hiệu trưởng, đó là điều đương nhiên.

Còn Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất, quyết định việc chọn hiệu trưởng. Chủ tịch là một thành viên điều hành hội đồng. Quyền lực của hội đồng trường là quyền lực tập thể và chủ tịch có một phiếu trong cơ chế tập thể đó.

Hội đồng trường và ban giám hiệu cần phải đúng vai, mỗi người có một chức năng, nhiệm vụ. Các hội đồng giải quyết công việc bằng các nghị quyết của tập thể, hoạt động định kỳ, xử lý công việc do ban giám hiệu trình, vai trò tương tự như Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân các cấp. Nếu làm điều đó một cách rạch ròi thì người nào việc đó.

Khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển và đổi mới nhanh như vũ bão, thì các nhà khoa học của chúng ta nếu đã giỏi rồi, cần giỏi hơn nữa, bởi vì sự giỏi không có giới hạn. Phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các khoa học cơ bản, khoa học công nghệ mũi nhọn, chúng ta mới có thể có những cải thiện thực sự về chất lượng giáo dục. Một trong các quyền tự chủ là phát triển đội ngũ, dành những gì tốt nhất để phát triển đội ngũ chuyên gia.

Trên thế giới, khi kể niềm tự hào của trường mình, các đại học không nói có bao nhiêu phòng học, không kể có bao nhiêu m2 đất, bao nhiêu gốc cây… mà người ta kể tên những chuyên gia hàng đầu mà thế giới biết tiếng. Hoặc họ kể trường tôi có những giải thưởng nổi tiếng nào... và kể về sinh viên của họ. Muốn có các sinh viên xuất sắc, thì không thể không có các thầy xuất sắc. Cho nên câu chuyện đặt ra là, cần có thêm những thầy giỏi đầu ngành để dẫn dắt, đất nước cần thêm những người như vậy.

Bên cạnh những công bố quốc tế, chúng ta cần cả những công trình giải quyết được các vấn đề nóng của đất nước, những công bố có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đó trách nhiệm xã hội của giáo dục đại học, là bản chất của trí thức. Trí thức thì chỉ có một, không có trí thức công và tri thức tư. Trách nhiệm xã hội của người trí thức cũng không có công có tư.

Thời gian tới, để thúc đẩy tự chủ đại học sẽ có nhiều việc phải làm, mong muốn làm. Tuy nhiên, có những việc sẽ làm sớm, có những việc cần thời gian; trong đó cần phải sớm tháo gỡ các khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ, mà trước mắt sửa Nghị định 99 và sớm điều chỉnh Luật số 34.

Ngoài ra, cần triển khai những chính sách đặc thù để phát triển khoa học cơ bản, lĩnh vực sư phạm và các lĩnh vực mũi nhọn. Đồng thời, cần thêm những chính sách để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức; đặc biệt là các nhà khoa học hàng đầu.

Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết cảm xúc của mình như thế nào khi bước vào năm học mới 2023-2024? Nhân dịp này, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì đến hàng triệu học sinh, sinh viên và nhà giáo trên cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một năm học mới bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn còn ở phía trước và cũng là một năm trọng tâm của quá trình đổi mới của giáo dục, khó khăn nhiều, nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước.

Tôi mong rằng toàn thể các nhà giáo và toàn thể các em học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước ngành, trước xã hội.

Mong rằng toàn thể xã hội, các quý vị phụ huynh tiếp tục ủng hộ cho ngành Giáo dục trong thời gian sắp tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Thùy Linh