Mức hỗ trợ học sinh DTTS giúp phụ huynh yên tâm gửi con, số trẻ ra lớp sẽ tăng

17/07/2023 06:43
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các lãnh đạo Phòng Giáo dục bày tỏ phấn khởi với Dự thảo, hy vọng mức hỗ trợ mới có thể giúp phụ huynh yên tâm gửi trẻ nhà trẻ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là Dự thảo).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Giang Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi Dự thảo mới thêm đối tượng trẻ nhà trẻ được hưởng chính sách.

Việc này sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ nhà trẻ ra lớp, đặc biệt tại những khu vực miền núi như huyện Ba Tơ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Ba Tơ là huyện nghèo vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc H’re.

Do chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp của huyện thấp (dưới 15%) nên trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen với tiếng Việt khi đi học mầm non.

Thầy mong rằng khi Dự thảo được triển khai, phụ huynh sẽ yên tâm khi gửi con tới lớp nhà trẻ.

Cô giáo và học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Khâm, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo và học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Khâm, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Khoảng 55% số trường trên địa bàn huyện chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức nhóm trẻ.

Nếu chính sách hỗ trợ được triển khai, tỷ lệ trẻ nhà trẻ được cha mẹ cho đến trường sẽ tăng lên, gây áp lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho các trường mầm non. Do đó, cũng cần tính thêm các phương án cho trường hợp này”, thầy Nam cho biết.

Cũng theo vị Trưởng phòng, một điểm mới của Dự thảo là gộp chung hai đối tượng học sinh bán trú và học sinh dân tộc nội trú học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Theo thầy, việc làm này giúp công tác theo dõi và thực hiện chính sách được thuận lợi và mang lại tác dụng tích cực hơn.

Thầy Nam đồng tình với việc các mức hỗ trợ được quy định cụ thể như trong Dự thảo thay vì theo mức lương cơ sở như trong các quy định hiện hành.

Theo đó, đối với học sinh bán trú, mức hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng là 900.000 đồng/học sinh (tăng 10% so với quy định hiện hành là 40% mức lương cơ sở), hỗ trợ tiền nhà ở mỗi tháng là 360.000 đồng/học sinh (tăng 10% so với quy định hiện hành là 10% mức lương cơ sở).

“Tôi thấy mức hỗ trợ như Dự thảo là hợp lý, nếu mức hỗ trợ cao hơn có thể sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, thầy nhận định.

Cũng theo thầy Nam, Dự thảo cần xem xét bổ sung quy định về hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh nội trú.

Bởi thực trạng hiện nay đối với trường phổ thông dân tộc nội trú tại địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế cấp dưỡng, nên đơn vị trường học tự thực hiện ký kết hợp đồng lao động ngoài quỹ tiền lương. Do đó, kinh phí thực hiện hợp đồng cấp dưỡng chưa được đảm bảo.

Khi Dự thảo được ban hành, thầy Nam hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giảm bớt tỷ lệ học sinh trung học cơ sở diện bán trú bỏ học do những khó khăn về kinh tế.

Tại huyện Ba Tơ, nhiều bậc phụ huynh thường đi làm ăn xa nên việc chăm sóc trẻ thường giao lại cho ông bà hoặc các em tự trông nhau.

Các em cũng gặp nhiều trở ngại trong việc di chuyển tới trường. Có những điểm trường cách nhà trên 10km, đường sá gập ghềnh, nhiều dòng suối nước chảy xiết vào mùa mưa.

Do đó, các thầy, cô tại đây rất vất vả trong việc vận động học sinh và trẻ mầm non ra lớp để duy trì sĩ số.

Cùng bàn về Dự thảo mới, cô Y Nhàn - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết hiện Phòng đã nhận được thông tin về Dự thảo và chuyển về các trường trên địa bàn huyện để ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên nhà trường cùng tham gia đóng góp ý kiến.

Từ góc độ cá nhân, cô Y Nhàn nhận xét, điểm mới của Dự thảo là đã bao quát được các đối tượng hưởng chính sách.

Các quy định về hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở của học sinh được tăng thêm và đã có sự chú ý, quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú.

Theo Dự thảo, định mức hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn là 2.700.000 đồng/tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức.

Theo cô, đối với trường bán trú mà học sinh chỉ ăn trưa tại trường thì mức hỗ trợ trên là phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các trường bán trú có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh, lao động làm công tác nấu ăn phải chuẩn bị 3 bữa/ngày thì mức hỗ trợ trên cần được điều chỉnh.

Cô Y Nhàn chia sẻ thêm, hiện tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp của huyện vẫn còn thấp (khoảng 12%).

Khi Dự thảo được chính thức ban hành, với những hỗ trợ kịp thời cho lứa tuổi nhà trẻ, cô Y Nhàn hy vọng tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp sẽ ngày càng được cải thiện.

Huyện miền núi Tu Mơ Rông có 11 xã, dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc Xơ Đăng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trẻ em ở độ tuổi dưới 36 tháng tuổi thường phải theo cha mẹ đi làm nương rẫy.

Hiện nay, do chưa có quy định hỗ trợ, đối với các lớp nhà trẻ hiện nay, bữa trưa tại trường của các em chủ yếu do phụ huynh quyên góp gạo, còn các thầy cô giáo hỗ trợ thêm thức ăn.

Trịnh Trang