Mong trẻ em là con của công nhân cụm công nghiệp được hưởng hỗ trợ như KCN

27/06/2023 06:39
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều địa phương mong muốn đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 105 của CP mở rộng với GV và trẻ em ở cơ sở giáo dục thuộc cụm công nghiệp.

Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có đề cập đến chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.

Theo đó, trẻ em thuộc đối tượng đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định sẽ được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Còn đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm điều kiện có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên theo một số ý kiến của đại diện phòng giáo dục và đào tạo ở một số địa phương có khu công nghiệp và cụm công nghiệp, việc thực thi nghị định này vẫn còn một số vướng mắc nhất định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Võ Trúc Quỳnh – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Phú (Bình Phước) cho biết, đến nay Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Phú đảm bảo mức hỗ trợ đối với giáo viên và trẻ em là đối tượng đủ điều kiện được hưởng theo Nghị định 105 của Chính phủ.

Theo đó, Nghị định đã phần nào tạo điều kiện khá thuận lợi giúp cho trẻ em ở các khu công nghiệp có cơ hội được đến trường đi học, đảm bảo sự phát triển toàn diện về giáo dục, giúp phụ huynh là công nhân tại các khu công nghiệp giảm áp lực tài chính khi cho con em đến trường.

Hiện nay trên địa bàn huyện Đồng Phú có khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú và cụm công nghiệp Hà Mỵ. Về cơ sở giáo dục, huyện Đồng Phú có 14 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 11 cơ sở công lập và 3 cơ sở tư thục.

Tại các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay về cơ bản đều bảo đảm cơ sở vật chất tối thiểu để giảng dạy, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cụm công nghiệp Hà Mỵ đến nay chưa có cơ sở giáo dục mầm non để phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân mà chỉ có các nhóm lớp tư thục. Vì vậy, phụ huynh có thể gửi con ở trường công lập, trường dân lập, hoặc nhóm lớp độc lập tư thục.

Được biết, thông thường chi phí ở các cơ sở tư thục luôn cao hơn so với các trường công lập. Trong trường hợp các cơ sở giáo dục mầm non công lập hết chỗ, phụ huynh của cụm công nghiệp Hà Mỵ buộc phải gửi con ở cơ sở dân lập hoặc nhóm lớp tư thục với chi phí đắt hơn.

Tuy nhiên, cô Trúc Quỳnh chia sẻ, theo quy định của Nghị định 105 chỉ áp dụng với đối tượng là giáo viên và trẻ em ở các khu vực có khu công nghiệp được hưởng chế độ hỗ trợ.

Trong khi đó thực tế tại nhiều địa phương cấp huyện lại có cả cụm công nghiệp, đời sống của công nhân cũng gặp không ít khó khăn.

Giáo viên cũng đảm nhận khối lượng công việc tương đối nhiều, đón trẻ sớm, trả trẻ muộn, giờ giấc còn phụ thuộc ít nhiều vào bố mẹ làm công nhân.

Đặc biệt, giáo viên đang làm việc tại trường tư thục còn nhiều vất vả, có cô phải làm việc hơn 10 tiếng, chịu nhiều áp lực trong khi đồng lương chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Ngoài ra, điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng giảng dạy của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng không được khang trang như các vùng thuận lợi.

Theo đó, để thu hút được nguồn lực giáo viên có chuyên môn rất cần có một cơ chế đãi ngộ phù hợp.

Hơn nữa, trẻ em ở các cụm công nghiệp còn khó khăn, cha mẹ đều là công nhân nên nguồn thu nhập có phần hạn chế. Môi trường giáo dục của các em còn thiệt thòi, thiếu thốn hơn so với các bạn đồng trang lứa ở các địa phương, vùng thuận lợi.

Như vậy, hiện nay chỉ con em của công nhân công tác tại hai khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú là được nhận hỗ trợ theo Nghị định 105 của Chính phủ, còn trẻ em ở cụm khu công nghiệp Hà Mỵ, cha mẹ phải chủ động trong các khoản chi phí sinh hoạt, học tập của con hàng năm.

Theo mong muốn của cô Trúc Quỳnh, Nghị định 105 về Chính sách phát triển giáo dục mầm non của Chính phủ nên mở rộng đến các đối tượng là giáo viên và trẻ em ở cả các cụm công nghiệp.

"Các đối tượng này cũng cần được hưởng chế độ hỗ trợ như đối với các vùng có khu công nghiệp. Nếu được như vậy chắc chắn cấp quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và trẻ em của các địa phương đó sẽ rất phấn khởi, có nguồn động lực để tiếp tục thực hiện tốt các công việc của mình đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.", Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Phú gửi gắm.

Cùng chung quan điểm trên, thầy Ngô Văn Quyền – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết địa bàn có 3 khu công nghiệp: Đồng Xoài 1, Đồng Xoài 2, Đồng Xoài 3.

Theo đó, trên địa bàn thành phố Đồng Xoài có 10 trường mầm non công lập, 10 trường mầm non tư thục (9 trường mầm non, 1 trường mẫu giáo) và 40 cơ sở mầm non độc lập tư thục.

Trên cơ sở Nghị định 105 của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước cũng có Nghị quyết 07 ngày 2/7/2021 quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập; trẻ em và giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, tỉnh Bình Phước từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2024 - 2025.

Tuy nhiên, thầy Quyền chia sẻ thêm, do Nghị định 105 ban hành vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn phức tạp, trẻ em mầm non, mẫu giáo chưa đi học, vì vậy, năm học 2021-2022 chưa được thực hiện toàn diện quy định này, bởi trẻ em chỉ học 2 tháng (tháng 4 và tháng 5).

Còn bước sang năm học 2022-2023 trẻ được đi học đầy đủ 9 tháng, thành phố Đồng Xoài đã thực hiện chi trả cho giáo viên và trẻ em đủ điều kiện đáp ứng theo quy định của Nghị định 105 và Nghị quyết 07 của tỉnh trong khoảng thời gian thực hiện chương trình học.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài, nhu cầu gửi trẻ của công nhân và nhân dân trên địa bàn thành phố, nhất là tại ba khu công nghiệp khá lớn với khoảng hơn 12.000 trẻ trong độ tuổi từ 0-5 tuổi.

Tuy nhiên các trường, lớp, cơ sở mới chỉ đáp ứng được khoảng tối đa chỉ 8.000 trẻ. Trong đó 10 trường công lập đáp ứng được 4.000 trẻ, ngoài ra có các trường tư thục hỗ trợ.

Tuy trên địa bàn hiện nay chưa có cụm công nghiệp được xây dựng nhưng qua quá trình quản lý thực tiễn thầy Quyền cho rằng cần áp dụng Nghị định 105 của Chính phủ với cả giáo viên và trẻ em ở cụm công nghiệp.

Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài lý giải: "Trong Nghị định 105 quy định rõ địa bàn có khu công nghiệp là địa bàn thuộc cấp huyện, nhưng một số huyện không có khu công nghiệp mà chỉ có cụm công nghiệp. Nghị định 105 hiện tại lại chưa nêu rõ vấn đề này nên khá khó trong việc áp dụng.

Nếu không thực hiện các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, trẻ em ở các cơ sở giáo dục thuộc cụm công nghiệp thì thiệt thòi cho các công nhân, giáo viên và trẻ em ở địa phương đó.

Bởi có cụm công nghiệp nghĩa là vẫn có con em của công nhân - những người trực tiếp thực hiện quá trình sản xuất, đóng góp cho đất nước. Hoàn cảnh của công nhân nhìn chung đều vất vả, thiếu thốn và ai cũng có nhu cầu gửi con em đi học".

Ngoài ra, thầy Quyền cũng đưa ra một số vướng mắc và kiến nghị trong việc thực hiện Nghị định 105 ở các khu công nghiệp trên địa bàn của thành phố.

Thứ nhất, đối với giáo viên được hưởng chế độ theo Nghị định 105 yêu cầu phải dạy trong lớp học có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp mới được nhận hỗ trợ.

Như vậy, con số 30% là hơi cao bởi thực tế trên địa bàn Đồng Xoài có những lớp chỉ có 28-29% trẻ đảm bảo yêu cầu này thì giáo viên lại không được nhận hỗ trợ vì không đủ điều kiện.

Theo thầy Quyền, nếu điều chỉnh thì nên dừng lại ở mức 15% trẻ là con em của công nhân là giáo viên đã được hưởng hỗ trợ sẽ phù hợp hơn.

Thứ hai, hiện nay mức hỗ trợ với trẻ em là con của công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp ấn định rất rõ là 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Tuy nhiên, hiện nay giá cả thị trường có sự thay đổi nhất định, các mặt hàng, tiền chi trả cho các sinh hoạt hàng ngày đều tăng, học phí ở các trường tư thục cũng cao hơn rất nhiều so với các trường công lập.

Như vậy, 160.000 đồng/tháng được áp dụng trong nền kinh tế chung hiện nay không còn phù hợp.

Theo đó, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài kiến nghị cần quy định hỗ trợ này theo mức lương cơ sở.

Theo đó, hiện nay mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng và sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 01/7/2023.

Như vậy, tùy vào điều kiện từng địa phương có thể tăng thêm 20-30% mức hỗ trợ đối với trẻ em ở các khu công nghiệp.

Thứ ba, về hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 01 lần với mức hỗ trợ tối thiểu là 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài thực tế 20 triệu đồng này lại không hỗ trợ được nhiều cho các cơ sở giáo dục tại khu công nghiệp.

Theo đó, có những thiết bị, đồ chơi ngoài trời với 20 triệu đồng không thể đủ để đầu tư, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho trường.

Như vậy, các giáo viên và trẻ em ở ngoài khu công nghiệp, cụ thể là thuộc cụm công nghiệp cũng cần được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị định 105 của Chính phủ.

Đây là cách giúp thu hút được nguồn lực để xây dựng thêm nhiều trường học phục vụ nhu cầu gửi trẻ, đồng thời đảm bảo được nhân lực giáo viên công tác và làm việc tại các cụm công nghiệp.

Phương Nga