Mong tinh thần thấu hiểu, lắng nghe của Bộ trưởng lan tỏa đến các Sở, Phòng, HT

17/08/2023 07:28
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN_Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có những trải lòng với ngành giáo dục và hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước khiến tôi kiên định hơn với nghề giáo.

Ngày 16/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ, trải lòng với ngành giáo dục và hơn 1 triệu giáo viên, nhân viên bậc mầm non, phổ thông trên cả nước đã để lại trong tôi - giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, những ấn tượng sâu đậm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những trăn trở của các thầy cô giáo. (Ảnh: giaoduc.net.vn)Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những trăn trở của các thầy cô giáo. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như:

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Thực lòng, lúc đầu tôi cũng rất băn khoăn, không biết chỉ trong vài ba tiếng thì bằng cách nào Bộ trưởng có thể chia sẻ thấu tình đạt lí vào các nhóm vấn đề lớn để thỏa lòng mong đợi của hơn 1 triệu giáo viên và cả dư luận xã hội quan tâm đến giáo dục.

Nhưng khi nghe Bộ trưởng trải lòng: "Đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi để gần gũi và thấu hiểu nhau hơn chứ không phải đối thoại của người sử dụng lao động và người lao động", tôi hiểu Bộ trưởng luôn luôn mong muốn lắng nghe chia sẻ từ giáo viên.

Và quan trọng hơn là sau cuộc gặp gỡ trao đổi này, Bộ trưởng sẽ có cách trả lời cho từng chủ đề, lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Đầu tiên, nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là bậc mầm non. Hiện tại, giáo viên mầm non phải làm việc nhiều thời gian, công việc áp lực, trong khi đồng lương rất thấp.

Lắng nghe những ý kiến này, Bộ trưởng nói công việc của giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc, tuy nhiên chế độ chính sách chưa đảm bảo.

"Ý kiến các cô, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chia sẻ. Bởi tất cả chúng ta trông một đứa trẻ thôi là đã vất vả", Bộ trưởng nói thêm.

Sự chia sẻ của Bộ trưởng không chỉ dừng lại ở lời nói, bởi thời gian qua, thừa lệnh Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc này cần thống nhất thêm với Bộ Tài chính, trình Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Nếu được đưa vào ngành nghề độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những hỗ trợ, phụ cấp như: tăng nghỉ phép năm, nghỉ hưu sớm, tăng số ngày nghỉ ốm đau...

Tôi rất cảm kích trước sự thấu hiểu, quan tâm, động viên, chia sẻ và có những hành động, việc làm rất thiết thực, ý nghĩa của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà đứng đầu là Bộ trưởng dành cho giáo viên mầm non.

Tiếp đến, Bộ trưởng thừa nhận điểm vướng nhất khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là dạy các môn tích hợp.

Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nên nó thách thức lớn.

Vì vậy, Bộ trưởng cho biết sẵn sàng điều chỉnh chương trình để phù hợp với thực hiện, song sẽ không gây ra xáo trộn, ảnh hưởng tới những giáo viên đã tham gia tập huấn đào tạo để dạy tích hợp.

Tôi thấy, Bộ trưởng đã thực sự cầu thị tiếng nói của giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở thời gian qua với tâm thế "sẵn sàng" - tức là đặt lợi ích của học trò và sự phát triển của giáo dục nước nhà lên trên hết.

Tôi cũng cảm nhận được Bộ trưởng biết lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học - "tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia", và "cân nhắc kỹ lưỡng" để điều chỉnh Chương trình mới, vì đây là việc làm khó khăn, phức tạp, cần thời gian, không thể một sớm một chiều.

Liên quan đến môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở, kể từ thời điểm năm học 2020-2021 cho đến nay, nhiều giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí đã có nhiều phản ánh về sự bất cập khi dạy những môn học này.

Giáo viên chủ yếu được đào tạo đơn môn thì làm sao có thể dạy tốt các môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý. Trong khi đó giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa thực sự hiệu quả.

Tiếp theo, là một nhà giáo bậc phổ thông, tôi đồng cảm sâu sắc với những trăn trở của Bộ trưởng, chẳng hạn "thiếu sót của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa truyền thông tốt về những đổi mới của ngành".

Hơn ai hết tôi hiểu rằng, chưa từng có quốc gia nào xem đổi mới hay cải cách giáo dục là việc làm dễ dàng. Giáo dục liên quan đến hàng chục triệu học sinh, gia đình, cho nên mỗi người sẽ có những ý kiến khác nhau theo nhận thức, quan điểm riêng.

Hơn nữa, cái khó của đổi mới là mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận những vấn đề về giáo dục theo nhãn quan của mình và ai cũng có thể trở thành “bình luận viên”, dẫn đến có những vấn đề gây tranh cãi không hồi kết.

Đó cũng là lí do khiến Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, ngành giáo dục đang có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể.

Tuy vậy, tôi và các đồng nghiệp nặng lòng với ngành giáo dục hoàn toàn ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Bộ trưởng vì "việc càng khó càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được".

Cuối cùng, qua sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục", tôi mong tinh thần cầu thị, sự lắng nghe chia sẻ với nhà giáo sẽ được lan tỏa xuống tất cả các cấp quản lý.

Trong đó, tôi đặc biệt có ấn tượng sâu sắc với quan điểm của Bộ trưởng về vai trò của lãnh đạo trường học: "Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó phải là người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp.

Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường".

Và tôi xin khắc ghi lời dạy của Bộ trưởng trong quá trình làm nghề dạy học: "Chúng ta kiên quyết chống tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và kiên quyết theo đuổi mục tiêu chất lượng, phát triển con người".

"Giáo viên cần kiên trinh với nghề giáo dục, vinh quang của nghề giáo dục dẫu có khó khăn đến đâu. Đây là truyền thống của ngành chúng ta".

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài