Mô hình Học viện trong Viện Hàn lâm: Than khó về GV cơ hữu khi đào tạo tiến sĩ

10/03/2023 09:12
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thực tế, hiện nay chúng ta có 2 mô hình Học viện tồn tại trong Viện Hàn lâm, và cả hai đơn vị đều đang gặp vấn đề giống nhau là câu chuyện giảng viên cơ hữu.

Vừa qua, trong buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đặt ra nhiều vấn đề phản biện liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ tại đơn vị này.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gồm 3 đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, gồm: Học viện Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Viện Toán học. Trong đó, Học viện Khoa học và Công nghệ là đơn vị đầu mối hiện đang quản lý khoảng hơn 90% số lượng nghiên cứu sinh đang học tập tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc diễn ra ngày 7/3/2023. Ảnh: TL

Toàn cảnh buổi làm việc diễn ra ngày 7/3/2023. Ảnh: TL

Thống kê giảng viên cơ hữu của Học viện nhưng lại lấy nhân lực từ các viện khác

Báo cáo với đoàn giám sát, Giáo sư Vũ Đình Lãm - Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện tại Học viện đang đào tạo 48 chương trình tiến sĩ với 522 nghiên cứu sinh. Đơn vị chính thức tuyển sinh trình độ tiến sĩ từ năm 2015 theo quyết định số 2348/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, Học viện Khoa học và Công nghệ đang có tổng 816 giảng viên kiêm nhiệm, trong đó chủ yếu đến từ các viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: 63 Giáo sư, 212 Phó giáo sư và 541 Tiến sĩ. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 70 tiến sĩ/48 mã ngành được cấp bằng.

Theo Giáo sư Lãm, đào tạo tiến sĩ ngành khoa học công nghệ rất khó, vì vậy đơn vị luôn chú trọng và đặt yêu cầu về chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Trên 90% các luận án tiến sĩ đều đảm bảo có công trình công bố quốc tế, hoặc sở hữu trí tuệ,...

Lãnh đạo Học viện Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, hiện nay đơn vị và các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong công tác đào tạo sau đại học, đặc biệt đào tạo trình độ tiến sĩ; Học viện đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực khcn tại các viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong công tác đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học.

Theo đó, các nghiên cứu sinh tại Học viện được khai thác hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm đồng bộ và hiện đại đã được trang bị trong suốt 40 năm qua tại các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Với những hiệu quả tích cực từ mô hình Học viện đang vận hành, Giáo sư Lãm kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép Học viện Khoa học và Công nghệ được thực hiện cơ chế giảng viên cơ hữu đối với cán bộ nghiên cứu của các đơn vị khác trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Học viện Khoa học và Công nghệ trong công tác đào tạo nguồn lực tiến sĩ cho đất nước. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo lắng và băn khoăn với mô hình tổ chức giữa Học viện và các viện trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện nay.

Theo đó, Đại biểu Nghĩa đề nghị Học viện làm rõ số lượng giảng viên cơ hữu từng ngành trong tổng số hơn 800 giảng viên kiêm nhiệm được Giáo sư Lãm đưa ra tại phần báo cáo. Đồng thời, làm rõ vai trò của Học viện Khoa học và Công nghệ - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tập trung hay tổ chức hoạt động, vận hành ra sao? Và đề xuất cơ chế vận hành phù hợp với chính sách pháp luật.

Thực tế, hiện nay có 2 mô hình Học viện tồn tại trong Viện Hàn lâm, và cả hai đơn vị đều đang gặp vấn đề giống nhau là câu chuyện giảng viên cơ hữu.

Một đại diện của Đoàn giám sát cũng thừa nhận thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao quát được thực tiễn như tại Viện Hàn lâm, chính vì thế nên quy định về giảng viên cơ hữu đã gây khó cho các Học viện.

Cùng chia sẻ với những đặc thù đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đào tạo tiến sĩ rất khác so với các bậc học khác, chưa kể kinh phí đào tạo cũng lớn hơn rất nhiều, đặc biệt với ngành đặc thù như khoa học công nghệ.

Đối với mức học phí đào tạo tiến sĩ 40-50 triệu đồng hiện nay nhìn chung chưa thể bù đắp được những tốn kém trong nghiên cứu. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lấy ví dụ đối sánh để thấy rõ mức chi phí tốn kém trong nghiên cứu khoa học; cụ thể, một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước thường có kinh phí thấp nhất cũng ở mức vài tỉ đồng. Do vậy, các nghiên cứu sinh tại Học viện chủ yếu dựa vào hệ thống các đề tài của các thầy, hoặc của cơ sở đào tạo. Đây là một trong những điểm đặc thù của Học viện trong việc xác định giảng viên cơ hữu đang tồn tại trong những năm qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về vấn đề giảng viên cơ hữu tại Học viện Khoa học và Công nghệ?

Phát biểu làm rõ những thông tin chất vấn từ đoàn đại biểu giám sát liên quan đến giảng viên cơ hữu, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: Mô hình Học viện đang vận hành hiện nay được đơn vị đầu tư rất nhiều công sức.

Cụ thể, mô hình Học viện đang vận hành giúp tận dụng được hết các trang thiết bị, máy móc từ các viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm. Đây là mô hình đơn vị học tập và vận dụng từ thực tiễn ở nước ngoài. Cụ thể, ở nước ngoài khi thực hiện các đề tài nghiên cứu, số lượng cán bộ cơ hữu rất ít, thay vào đó là chủ yếu các nghiên cứu sinh thực hiện, đây là hình thức hiệu quả cho cả hai bên.

Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn

Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn

Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thừa nhận, mô hình theo hướng quản lý tập trung tuy nhiên lại đang gặp vướng mắc về vấn đề giảng viên cơ hữu theo quy định của pháp luật; do vậy trong thời gian tới đơn vị sẽ xem xét cơ cấu lại các ngành đào tạo cho phù hợp với số lượng giảng viên (ví dụ không mở mới thêm quá nhiều ngành, chủ trương liên kết các ngành lại với nhau để đào tạo…). Giáo sư Minh cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét tạo điều kiện giúp đơn vị có lộ trình đảm bảo hoàn thiện quá trình đào tạo đang được thực hiện tại đơn vị trước khi có sự điều chỉnh phù hợp theo luật pháp.

Cũng góp mặt tại buổi làm việc cùng đoàn giám sát, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã có trao đổi thêm về vấn đề này.

Theo đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những điểm tốt của mô hình Học viện hiện nay, tuy nhiên cũng thấy rõ những điểm bất cập của mô hình này trong thực tiễn hoạt động.

Cụ thể, xác định đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện nhưng thực tế lại là nghiên cứu viên từ các viện khác. Đây là mô hình mang tính đặc thù giúp đào tạo tiến sĩ gắn với nghiên cứu khoa học mà hiện nay rất ít cơ sở thực hiện được; Mỗi nghiên cứu sinh đều được gắn với 1 đề tài cụ thể để có thể phát triển được nghiên cứu của mình, giúp đảm bảo có kết quả nghiên cứu ứng dụng thực sự, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thực chất.

“Điều này về phía Bộ Giáo dục cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của đơn vị”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, mô hình này lại không được áp dụng trong một quy phạm nào vì nếu chúng ta gắn mô hình trường (ở đây trường hợp này là Học viện) kết hợp doanh nghiệp để thực hiện đề tài thực hành của nghiên cứu sinh thì phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên cơ hữu theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, nếu Học viện thực hiện đúng theo quy định về giảng viên cơ hữu và các cộng tác viên là những người hướng dẫn, hay nói cách khác là giống với các doanh nghiệp vệ tinh để thực hiện nghiên cứu với đào tạo thì đó lại là một câu chuyện khác.

Do đó, đối với vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào sẽ xem xét, từ đó nếu cần thiết sẽ có đánh giá rõ và lấy đó làm cơ sở để đề xuất kiến nghị phù hợp, hoặc sửa đổi các quy định luật pháp liên quan nếu có để phù hợp với thực tiễn”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin.

Bắc Sơn