Giảng viên điều dưỡng tại Việt Nam có trình độ Tiến sĩ chỉ khoảng 2,9%

27/12/2022 06:34
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nguồn nhân lực đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt lực lượng giảng viên chuyên nghiệp.

Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, lực lượng điều dưỡng đã chứng tỏ là đội ngũ có đóng góp quan trọng giúp người bệnh hồi phục.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là lực lượng giảng viên chuyên nghiệp.

100% giảng viên điều dưỡng trình độ Tiến sĩ nước ta hiện nay đều do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng

Tại hội nghị “Đào tạo điều dưỡng và kỹ thuật y học trong bối cảnh hội nhập và phát triển” do Câu lạc bộ Khối đào tạo Điều dưỡng (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Tiến sĩ điều dưỡng Đặng Trần Ngọc Thanh - Trưởng khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết:

Phần lớn giảng viên điều dưỡng hiện nay đang ở trình độ Thạc sĩ với tỷ lệ 42,2%, kế đến là Cử nhân điều dưỡng 33,1%, Chuyên khoa I điều dưỡng chiếm 8,4% và Tiến sĩ điều dưỡng chỉ chiếm 2,9%, bên cạnh đó, vẫn còn số ít giảng viên điều dưỡng có trình độ Cao đẳng với tỷ lệ khoảng 1,1%.

Trình độ giảng viên
điều dưỡng

Tần số

%

Tần số

%

Trình độ chuyên môn của

giảng viên

Số giảng viên đang học nâng cao

trình độ

Cao đẳng điều dưỡng

16

1,1

0

0

Đại học điều dưỡng

499

33,1

4

2,1

Chuyên khoa I điều dưỡng

127

8,4

14

7,3

Thạc sĩ điều dưỡng

636

42,2

75

38,9

Tiến sĩ điều dưỡng

43

2,9

67

34,7

Thạc sĩ ngành khác *

137

9,1

23

11,9

Tiến sĩ ngành khác **

48

3,2

10

5,2

Tổng

1506

100%

193

100%

*Thạc sĩ ngành khác (Y tế công cộng; Dinh dưỡng; Quản lý giáo dục; Y khoa; Xét nghiệm; Tiếng Anh; Tin học)

**Tiến sĩ ngành khác (Quản lý giáo dục; Y tế công cộng, Y khoa, Răng hàm mặt, Dinh dưỡng,…).

Nhìn chung, với số lượng giảng viên hiện nay so với nhu cầu đào tạo điều dưỡng vẫn còn rất thấp. Trưởng khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có so sánh với số liệu điều tra cũ trước đó:

“So với thống kê của tác giả Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) năm 2016 báo cáo số giảng viên có trình độ Tiến sĩ điều dưỡng trên cả nước chỉ chiếm 0,92%; trình độ Thạc sĩ là 27,04% thì số lượng giảng viên điều dưỡng có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ hiện nay đã có tăng thêm. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ giảng viên Tiến sĩ điều dưỡng này còn thấp so với mặt bằng chung giảng viên có trình độ Tiến sĩ ở các ngành khác trên cả nước (28,8%)”.

Dự kiến số lượng giảng viên có trình độ sau đại học sẽ tiếp tục tăng trong những năm kế tiếp, trong đó, Thạc sĩ điều dưỡng là 38,9%, Tiến sĩ điều dưỡng là 34,7%, Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành khác chiếm 17,1%.

“Hiện nay, mặc dù các cơ sở đào tạo Thạc sĩ điều dưỡng tại Việt Nam có tăng hơn trước, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu nâng cao trình độ cho giảng viên điều dưỡng”, Tiến sĩ Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Hiện 100% giảng viên điều dưỡng trình độ Tiến sĩ tại nước ta đều do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng. Ảnh minh họa: Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Hiện 100% giảng viên điều dưỡng trình độ Tiến sĩ tại nước ta đều do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng. Ảnh minh họa: Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Trước đó, giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, thầy cô giảng viên có bằng Cử nhân điều dưỡng hoặc/và Thạc sĩ điều dưỡng muốn học lên Tiến sĩ phải đi học ở nước ngoài hoặc học sang một chuyên ngành khác như Y tế công cộng, Dinh dưỡng và Quản lý giáo dục.

Đến năm 2020, ở Việt Nam đã có 1 cơ sở giáo dục duy nhất đủ điều kiện để tiến hành đào tạo Tiến sĩ điều dưỡng, đó là Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Do đó, hiện 100% giảng viên điều dưỡng trình độ Tiến sĩ tại nước ta đều do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, số đề tài nghiên cứu khoa học được công bố còn hạn chế. Cụ thể, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của 78 trường tham gia khảo sát trong 5 năm chỉ đạt khoảng 1269 đề tài.

Đề xuất nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên điều dưỡng

Chia sẻ tại hội nghị, Tiến sĩ Ngọc Thanh đề xuất 3 kiến nghị nhằm phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên điều dưỡng:

Thứ nhất, cần duy trì và tăng cường tổ chức các hội thảo, buổi tập huấn chuyên môn cho giảng viên điều dưỡng

Thứ hai, đẩy mạnh liên kết quốc tế để cập nhật kiến thức và xu thế tiên tiến của thế giới

Đặc biệt, điều quan trọng chính là có những chính sách tạo điều kiện, ưu đãi cho giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ.

Bà Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam. Ảnh: BS

Bà Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam. Ảnh: BS

Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điều dưỡng, tham gia công tác giảng dạy và hoạt động tích cực với vai trò Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam, bà Nguyễn Bích Lưu đã cho rằng:

“Người giáo viên điều dưỡng có vai trò và nhiệm vụ hết sức nặng nề và quan trọng. Giáo viên điều dưỡng trước hết phải là một điều dưỡng viên - nhân lực tuyến đầu chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời cũng là giáo viên điều dưỡng - có vai trò tạo nên những điều dưỡng viên trong tương lai.

Do vậy, giáo viên điều dưỡng có sứ mệnh và nhiệm vụ trong cả đào tạo và chăm sóc sức khỏe cần duy trì, tăng cường năng lực chuyên môn giảng dạy”.

Từ đó, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực giáo viên qua các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị thông qua nhu cầu của các phân hội và hội viên nhằm nâng cao năng lực giảng viên điều dưỡng hiệu quả.

Đồng thời, theo bà, mỗi giáo viên điều dưỡng phải biết, hiểu và vận dụng 8 lĩnh vực năng lực và các tiêu chuẩn năng lực vào công tác giảng dạy.

Cụ thể, 8 tiêu chuẩn về năng lực cơ bản của giáo viên điều dưỡng Việt Nam do bà Nguyễn Bích Lưu đề xuất gồm: Giảng dạy; Phát triển chương trình đào tạo, học liệu dạy học; Lượng giá, đánh giá; Hỗ trợ, cố vấn học tập; Thực hành nghề nghiệp; Nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nghiệp; Đạo đức nghề nghiệp và pháp luật; Quản lý và lãnh đạo.

*Số liệu bài viết là từ kết quả khảo sát nhân lực giảng viên điều dưỡng của Tiến sĩ Ngọc Thanh cùng các cộng sự của mình.

Nhằm có thông tin khách quan, chính xác và cập nhật nhất về thực trạng đội ngũ giảng viên điều dưỡng tại các cơ sở giáo dục có đào tạo điều dưỡng ở nước ta hiện nay, Tiến sĩ điều dưỡng Đặng Trần Ngọc Thanh - Trưởng khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng các cộng sự của mình đã thực hiện Khảo sát nhân lực giảng viên điều dưỡng. Khảo sát có sự tham gia của 78 trường đào tạo điều dưỡng, gồm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp công lập, dân lập và quốc tế. Thời gian khảo sát từ ngày 01-20/8/2022, qua hình thức khảo sát trực tuyến với đường dẫn Google form.

Bắc Sơn