Lộ diện vi phạm trong mua sắm thiết bị y tế tại CDC và 11 BV thuộc Sở Y tế HN

19/01/2023 06:52
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tại CDC Hà Nội và 11 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm, phải chuyển thông tin sang Bộ Công an.

Thanh tra Chính phủ ngày 17/1/2023 đã ra Thông báo kết luận thanh tra số 218/TB-TTCP về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid - 19 tại thành phố Hà Nội, giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021.

Trong Thông báo Kết luận thanh tra nói trên cho biết, ngày 16/12/2022, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 1116/KL-TTCP về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid - 19 tại thành phố Hà Nội (giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021), Kết luận thanh tra đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tại Văn bản số 4663/VPCP-V.I ngày 27/12/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, tại Kết luận thanh tra số 1116/KL-TTCP ngày 16/12/2022 cho biết, đã trực tiếp thanh tra các nội dung nói trên tại CDC Hà Nội và 11 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.

Qua đó, Kết luận thanh tra này cho biết, trong việc tổ chức, thực hiện mua sắm thiết bị, chủ đầu tư lấy đơn giá tổng hợp của dự toán gói thầu mua sắm hàng hoá tương tự để phê duyệt dự toán mà không lập chi tiết cho thiết bị và các phụ kiện kèm theo; hồ sơ đề xuất của nhà thầu đối với tất cả các gói thầu cung cấp thiết bị đều có đơn giá tổng hợp, không tách riêng giá trị thiết bị, thuế, phí theo hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư.

11 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Ảnh: Mạnh Hùng
11 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Ảnh: Mạnh Hùng

Tại một số bệnh viện: Đông Anh, Bắc Thăng Long, Sơn Tây đã thực hiện mở thầu sớm hơn so với thời gian quy định tại hồ sơ yêu cầu của gói thầu mua sắm thiết bị nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng tải đăng tải thông tin điều chỉnh thời gian đóng thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Tờ khai hàng hoá nhập khẩu của các loại thiết bị y tế do nhà thầu cung cấp cho CDC và các bệnh viện (bản chụp) đều bị tẩy xoá, che khuất giá nhập khẩu của thiết bị. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện lựa chọn nhà thầu, pháp luật về đấu thầu chưa quy định về việc phải công khai giá nhập khẩu hàng hoá, do đó Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn cụ thể về việc này theo quy định của Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý thiết bị y tế.

Ngoài ra, một số nhà thầu được các hãng sản xuất thiết bị y tế có văn bản gửi đến Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Y tế và các bệnh viện về việc chỉ định nhà thầu phân phối cho hãng hoặc cam kết cung cấp đầy đủ thiết bị nếu trúng thầu, tuy nhiên sau khi trúng thầu, các đơn vị này không mua thiết bị của hãng mà lại mua qua các công ty khác làm tăng đơn giá thiết bị.

Về giá của trang thiết bị y tế, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, giá của 20 loại thiết bị do các nhà thầu cung cấp cho 31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế (58 gói thầu) được mua bán qua nhiều công ty trung gian, các công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, qua mỗi lần mua bán, giá trang thiết bị đều có mức chênh lệch tăng cao, dẫn đến giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu.

Sau khi các đơn vị thực hiện hợp đồng mua sắm thiết bị, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các nhà thầu giảm giá để cùng chung tay với thành phố chống dịch và nhiều nhà thầu đã tiến hành ký phụ lục hợp đồng về việc giảm giá, nhưng giá một số thiết bị vẫn cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu.

Cụ thể, tổng giá trị trúng thầu 134.764 triệu đồng, giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm 61.954,85 triệu đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu 72.809,16 triệu đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng, nhà thầu giảm giá còn 111.482,1 triệu đồng, chênh lệch là 49.527,25 triệu đồng.

Các gói thầu thiết bị còn lại có giá trúng thầu 30.521 triệu đồng; giá nhập khẩu 13.372,61 triệu đồng; chênh lệch 17.146,39 triệu đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng, nhà thầu giảm giá còn 22.279,6 triệu đồng; chênh lệch 8.906,98 triệu đồng.

Về giá một số loại sinh phẩm, hoá chất, vật tư, kít xét nghiệm, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng giá trị của các loại hoá chất, sinh phẩm, vật tư, kít xét nghiệm đã được 12 đơn vị (CDC và 11 bệnh viện) thuộc Sở Y tế Hà Nội trúng thầu và ký hợp đồng mua sắm giá trị 73.237,35 triệu đồng; giá trị nhập khẩu (hoặc sản xuất trong nước) là 37.572,81 triệu đồng; chênh lệch 35.664,53 triệu đồng. Giá trị trúng thầu sau khi giảm giá 70.728,16 triệu đồng, chênh lệch 31.155,35 triệu đồng.

Trong đó, có một số gói thầu của công ty 3TK trúng thầu cung cấp cho CDC Hà Nội (6 gói thầu) với tổng giá trị 40.923,9 triệu đồng; giá trị nhập khẩu 20.572,2 triệu đồng, chênh lệch 20.315,7 triệu đồng.

Còn lại đối với một số gói thầu sinh phẩm, kít xét nghiệm: giá trị trúng thầu 32.313,47 triệu đồng; giá nhập khẩu 17.000,63 triệu đồng; chênh lệch 15.312,84 triệu đồng. Giá trúng thầu sau khi giảm giá 29.804,28 triệu đồng, chênh lệch 12.803,65 triệu đồng.

Về việc đặt hàng xét nghiệm, Sở Y tế Hà Nội chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án, đơn giá đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR đợt 4 và CDC Hà Nội chưa ký hợp đồng với các đơn vị xét nghiệm nhưng vẫn gửi mẫu cho các đơn vị thực hiện xét nghiệm, dẫn đến không có căn cứ để thanh toán, gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện.

Ngoài ra, CDC ký hợp đồng đặt hàng với các bệnh viện, giá kít xét nghiệm và sinh phẩm đầu vào khác nhau, trong đó một số đơn vị đã mua kít, sinh phẩm của Công ty công nghệ Việt Á với giá 470.000 đồng/kít/734.000 đồng mẫu đơn. Đây là mức giá đầu vào đã được đánh giá là cao so với một số công ty nhập khẩu, sản xuất.

Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc CDC và các bệnh viện trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, còn để xảy ra một số tồn tại hạn chế trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh, quyết toán các gói thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm và đặt hàng xét nghiệm như đã nêu tại phần kết luận.

Qua đó, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý về trách nhiệm, đối với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành, cơ quan, đơn vị, CDC Hà Nội, các bệnh viện có liên quan đã nêu tại Kết luận thanh tra, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, các nhân và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đã để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19 đã nêu tại kết luận.

Đồng thời, căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tập thể, cá nhân thực hiện không đúng các quy định của pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Bên cạnh đó, chuyển thông tin để Bộ Công an giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ đối với một số gói thầu thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại một số đơn vị.

Cụ thể, 7 gói thầu mua sắm 7 máy X quang di động kỹ thuật số, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc do 7 bệnh viện làm chủ đầu tư, với tổng giá trị 30.450 triệu đồng, tổng giá trị nhập khẩu 10.532 triệu đồng, chênh lệch là 19.917,96 triệu đồng. Sau khi nhà thầu giảm giá còn 23.222,5 triệu đồng, chênh lệch 12.690,46 triệu đồng.

7 bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Hà Đông.

Đồng thời, tại các gói thầu do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Tùng Bách và Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trần Lê là đơn vị trúng thầu.

Xảy ra tại các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Ba Vì, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba, Bệnh viện Gia Lâm, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Phúc Thọ, Bệnh viện Chương Mỹ.v.v.

Ngoài ra, với 31 gói thầu mua sắm 35 máy thở xách tay kèm van PEEP, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần thiết bị y tế Ánh Sao, do 31 bệnh viện làm chủ đầu tư, với tổng giá trị 16.800 triệu đồng; tổng giá nhập khẩu 6.765,4 triệu đồng, chênh lệch 10.034,6 triệu đồng.

4 gói thầu mua sắm 0 máy lọc máu liên tục, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông do 4 bệnh viện làm chủ đầu tư, với tổng giá trị là 11.160 triệu đồng; tổng giá trị nhập khẩu 4.748,8 triệu đồng, chênh lệch 6.411,2 triệu đồng. Sau khi nhà thầu giảm giá còn 10.800 triệu đồng, chênh lệch 6.051,2 triệu đồng.

6 gói thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm, kít xét nghiệm, đơn vị trúng thầu là Công ty 3TK do CDC Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng giá trị 40.923,8 triệu đồng; tổng giá trị nhập khẩu 20.572,2 triệu đồng, chênh lệch 20.351,7 triệu đồng.

Trung Dũng