Lãnh đạo Sở không dự giám sát là vi phạm quy định, không hoàn thành trách nhiệm

19/04/2022 08:58
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Khi nhận được quyết định, thông báo, kế hoạch về cuộc giám sát nào, các đơn vị cũng cần sắp xếp, chuẩn bị để tham dự, đó là trách nhiệm", ĐB Nguyễn Thị Sửu nói.

Thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng, vi phạm quy định

Vụ việc Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phải hủy buổi giám sát vì lãnh đạo Sở Y tế và Sở Tài chính không có mặt theo lịch ngày 14/4 đã thu hút rất nhiều sự quan tâm dư luận.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hiền (nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Việc lãnh đạo các sở ngành vắng mặt trong buổi giám sát đã được lên kế hoạch như vậy là không đúng yêu cầu và trách nhiệm của cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ.

Khi thành lập một đoàn giám sát, bao giờ cũng đảm bảo đầy đủ về mặt yêu cầu, nội dung, thành phần tham dự buổi làm việc. Người đứng đầu các cơ quan có liên quan đến nội dung làm việc phải trực tiếp tham dự để xử lý những vấn đề khi đoàn giám sát phát hiện, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin. Nếu người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu không trực tiếp tham gia thì buổi giám sát chắc chắn sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn”.

Đồng tình với quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng: “Dù buổi giám sát ở cấp độ nào, cũng là xuất phát đã được phân công, chỉ đạo, có kế hoạch, nội dung cụ thể, được xây dựng hết sức bài bản, đúng quy trình... Đối tượng giám sát phải tuân thủ nghiêm ngặt, trước hết phải tuân thủ về mặt kỷ cương. Vậy, tại sao các Sở ngành lại không hợp tác? Hay có sự phân biệt giữa buổi giám sát của cấp này với cấp khác?

Trong trường hợp này, nếu nói rằng các đối tượng giám sát không nắm luật thì không đúng, vậy một khi đã nắm được luật mà cố tình làm sai thì lỗi lại càng nặng hơn.

Thứ hai, khi nhận được quyết định, thông báo, kế hoạch về bất kỳ cuộc giám sát nào, các đơn vị cũng cần sắp xếp, chuẩn bị để tham dự, đó là trách nhiệm.

Nhìn theo cách khác, có thể những đối tượng giám sát bị “bất ngờ”, áp lực bởi chương trình, nội dung nên tìm cách thoái thác. Tuy nhiên, xét về tinh thần, thái độ của đối tượng giám sát, đặc biệt là người đứng đầu, như vậy là không hoàn thành trách nhiệm”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cũng phân tích: “Trong quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện quyền lực nhà nước tại địa phương và có chức năng xây dựng các văn bản dưới luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trong của địa phương đó.

Trường hợp như vừa rồi tại thành phố Hồ Chí Minh hay tương tự tại một số địa phương khác, khi Thường trực Hội đồng nhân dân hay các ban trực thuộc tổ chức giám sát mà các cơ quan hành chính, cơ quan chuyên môn tại địa phương lại vắng mặt, là thể hiện của việc vừa thiếu trách nhiệm, vừa thiếu tôn trọng đối với Hội đồng nhân dân.

Bởi lẽ, các quyết định giám sát của Hội đồng nhân dân tại địa phương là các quyết định buộc các cơ quan hành pháp phải chấp hành, tức là các sở, ban, ngành buộc phải chấp hành. Và cũng chính trong văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định phải có trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân về những vấn đề mà Hội đồng nhân dân yêu cầu.

Nếu người đứng đầu vắng mặt, thì ai báo cáo? Vậy nên, những cuộc giám sát không có người đứng đầu của cơ quan đó đến báo cáo, như vậy thì bị hủy bỏ là điều đương nhiên. Nhiều khi lại có chuyện ủy quyền cho cấp dưới đến tham dự, như vậy cũng không đúng luật. Cũng giống như ở Quốc hội, yêu cầu các Bộ trưởng có mặt để giải trình, chất vấn, không thể ủy quyền cho Thứ trưởng hay các cấp cục, vụ, viện đến báo cáo được. Như thế là không nghiêm túc, không có tinh thần trách nhiệm, và cũng vi phạm cả quy định của pháp luật”.

“Qua những sự việc như vừa rồi, tôi thấy rung lên một tiếng chuông cảnh báo, rằng các cơ quan cấp dưới vừa thiếu tôn trọng, vừa có dấu hiệu, biểu hiện của việc xem thường pháp luật, các quy định của pháp luật”, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Cần tăng cường 'hậu giám sát'

Trong sự việc vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cũng tán thành việc Trưởng ban Văn hóa xã hội thông báo hủy buổi giám sát và sẽ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố.

“Tôi cho rằng, với tinh thần và thái độ làm việc như vậy cũng nên có sự chấn chỉnh kịp thời, đồng bộ. Tiếp tục để như vậy sẽ tạo thành “tiền lệ” kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt lưu ý, nếu sự việc tương tự lặp lại thì có thể xem là cố tình. Đồng thời, điều này cũng sẽ tạo hiệu ứng để điều chỉnh hành vi đối với đối tượng giám sát tại các địa phương khác” - nữ đại biểu cho hay.

Trao đổi thêm về vấn đề này ông Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, để xảy ra tình trạng đó cũng có một lý do mà ở đâu đó, hoạt động giám sát vẫn còn tình trạng mang tính hình thức. Việc thực hiện kết luận giám sát chưa được đầy đủ, nghiêm túc, chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề “hậu giám sát”, nên kết quả, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể chưa được làm rõ và xử lý kịp thời.

Từ đó, để nâng cao hiệu quả giám sát, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng: “Khi tiến hành các hoạt động giám sát, cần phải chuẩn bị rất kỹ về đề cương, yêu cầu của công tác giám sát. Đồng thời, các thành viên trong đoàn giám sát phải có nghiệp vụ, chuyên môn về lĩnh vực được giám sát, có kinh nghiệm giám sát và có bản lĩnh trong vấn đề giám sát.

Và đặc biệt, cần phải quan tâm đến vấn đề “hậu giám sát”, đeo đuổi đến cùng những vấn đề đã được kết luận trong giám sát. Nếu chúng ta làm tốt điều này, thì uy tín của đoàn giám sát, uy tín của tổ chức giám sát sẽ được nâng lên”.

Ngân Chi