Làm sao để ngày khai trường ý nghĩa và giáo dục thực chất ngay từ đầu?

03/09/2023 06:49
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu ngày khai trường được tổ chức ngay đầu năm học với sự chuẩn bị chu đáo và có tính giáo dục cao sẽ rất ý nghĩa.

Ngày khai trường trực tuyến trong mùa dịch COVID, ngồi xem tivi ở nhà nhiều người chia sẻ cảm xúc thật khó quên.

Tất cả đều mong cho hết dịch để học sinh được đến trường, thầy được gặp trò, bạn bè gặp nhau và để trường học thực hiện đúng vai trò giáo dục chứ không phải là cơ sở cách li, chăm sóc người bệnh.

Thế nhưng, khi hết dịch, trường học mở cửa, lễ khai trường trực tiếp được thực hiện thì cũng xuất hiện những tiếng thở dài và câu hỏi là làm thế nào để ngày khai trường thực sự có ý nghĩa được đặt ra.

Ngày khai trường - một sự kiện thiêng liêng

Giáo dục đúng nghĩa là để khai tâm, khai trí cho mỗi con người. Ngày xưa, dân mình có tục chọn ngày tốt đưa con đến gặp thầy để khai tâm.

Ngày nay, về cơ bản, xã hội vẫn còn nhiều người tin và ngày đầu tiên cho con đi học cũng được xem trọng.

Ngày khai trường hiểu đơn giản là ngày khai mở cho một năm học mới. Tuy nhiên, nhiều khi cũng chỉ là 1 sự kiện kết hợp nhiều mục tiêu của nhà trường, và cũng chưa hẳn ngày đó chính là những ngày đầu của năm học.

Tất nhiên, nếu ngày khai trường được tổ chức ngay đầu năm học với sự chuẩn bị chu đáo, có tính giáo dục cao sẽ rất ý nghĩa, không chỉ ngay ở hiện tại mà còn tác động vào tâm trí của mỗi người và trở thành kí ức khó quên.

Từ đó, người học, người thầy sẽ gắn bó nhiều hơn và cũng có thể sẽ có nhiều đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của nhà trường cũng như cho sự nghiệp giáo dục nói chung.

Thầy và trò cùng đánh trống khai giảng. (Ảnh minh họa: Phạm Linh)

Thầy và trò cùng đánh trống khai giảng. (Ảnh minh họa: Phạm Linh)

Ngày khai trường với học sinh mầm non có thể là ngày rất đặc biệt đối với con trẻ và với phụ huynh. Có lẽ cảm giác chung là vừa lo vừa mừng. Nếu giúp trẻ cảm nhận được sự mừng vui khi tham gia lễ khai trường thì xem như đã thành công ngay ở buổi đầu.

Mỗi khi các con còn sợ sệt, còn âu lo… thì càng phải cố gắng nhiều hơn trong những ngày tiếp theo, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Với học sinh đầu cấp như lớp 1, 6, 10, khai trường chính là ngày lên một bậc học, thêm một bậc cảm xúc.

Với học sinh cuối cấp như lớp 5, 9, 12 cũng không kém phần, vinh dự là học sinh lớp lớn, là anh là chị của cấp học và cũng chuẩn bị đến lúc phải chia tay bạn bè, trường lớp cũ.

Với học sinh các lớp còn lại cũng có những cảm nhận khác nhau mỗi khi lên lớp mới, gặp bạn bè cũ và thầy cô mới.

Nói chung, tuổi học trò với trái tim nhạy cảm, dễ rung động, nếu giáo dục chạm tới được những trái tim và hướng các em suy nghĩ những điều tích cực, hành động có ý nghĩa thì việc học ở nhà trường sẽ thành công.

Ngày khai trường nếu được tổ chức ý nghĩa, chạm đến trái tim của người học thì sẽ trở thành sự kiện thiêng liêng đối với mỗi một con người.

Không chỉ có ý nghĩa đối với người học mà đối với mỗi thầy cô giáo, ngày khai trường cũng đem lại nhiều cảm xúc, nếu tổ chức tốt sẽ thêm động lực để gắn bó với nghề hơn. Với người mới vào nghề, ngày khai trường cũng là ngày “khai nghề”.

Với tất cả các thầy cô, ngày khai trường là ngày xốc lại tinh thần để bước vào năm học mới. Với phụ huynh, ngày khai trường cũng là ngày làm việc đáng phải nhớ, khi vừa suy nghĩ về công việc vừa nghĩ về con.

Ngày khai trường cũng là ngày mà các hoạt động xã hội rộn ràng… Tiếng trống trường vang lên, xã hội cũng cảm nhận được một năm học mới đã bắt đầu!

Ngày khai trường, đôi khi là một sự kiện chỉ để lo…

Khai trường là sự kiện ai cũng hiểu đó là một ngày ý nghĩa nhưng đôi khi ngày ấy nếu tổ chức không tốt cũng có những tác động rất tiêu cực.

Trong ngày đầu năm học, có những phụ huynh treo rất nhiều phần thưởng nào là hứa sẽ mua đồ chơi, mua xe, mua điện thoại hay những chuyến du lịch… để khuyến khích con em học tập giỏi, hơn bạn hơn bè.

Và điều đó vô hình trung khiến cho những đứa con mất đi cảm giác hạnh phúc khi phải đến trường với quá nhiều mục tiêu phải thực hiện.

Có em tranh thủ xem thời khoá biểu để tìm hiểu thầy cô sắp lịch học thêm. Em ở xa thì phải lo việc đi lại, ăn ở như thế nào cho thuận tiện.

Phụ huynh khá giả không phải lo chi phí học tập thì lo sợ con mình hư hỏng, bỏ bê học hành.

Phụ huynh khó khăn thì lo tiền học, tiền áo quần, đồ dùng học tập kể cả lo con mình không đầy đủ dễ tủi thân bỏ học…

Đầu năm học, người thì lo chọn trường, xếp lớp, lo chuyện sách giáo khoa, lo cho kì thi cuối khoá, môn thi tốt nghiệp…

Nhà trường thì lo triển khai các hướng dẫn, chỉ đạo; lo thiếu bàn thiếu ghế, lo phân công giảng dạy cho công bằng,...

Địa phương thì lo các chỉ tiêu phấn đấu, tỉ lệ phải đạt được; lo chuyện thiếu giáo viên, thiếu trường, thiếu phòng…

Mỗi khi còn quá nhiều thứ lo thì khó mà có được niềm vui ngay ngày đầu năm học.

Mặt khác cũng có những nơi không thiếu, không khó nhưng lễ khai trường không phải là sự kiện khai mở cho năm học mà là ngày hội để phô trương. Những sự kiện đó ít có tính giáo dục mà chỉ nặng về thương mại.

Đâu đó cũng có việc tổ chức lễ hoành tráng, cờ hoa rộn ràng, trống cũng dội vang, diễn văn ngân vang với những lời hay ý đẹp, nhưng thầy cô nói chuyện phần thầy cô, học trò chọc ghẹo với nhau bên dưới thoả thích.

Mọi thứ vẫn diễn ra vui vẻ nhưng chẳng lắng đọng điều gì ngoài là một ngày vui – không phải dạy và chẳng phải học. Những sự kiện như trên có thể gây ra nhiều tai hại cho xã hội và cho nền giáo dục.

Để ngày khai trường mở ra những tín hiệu tích cực

Ngày khai trường là mở đầu cho một năm học mới. Nhưng khai trường không chỉ có nhà trường mở cổng chào đón người học, mà cả xã hội cũng đón chào năm học mới.

Một năm học với những nguồn năng lượng tích cực sẽ tạo động lực cho toàn xã hội. Và khi cả xã hội cùng đồng hành với giáo dục theo hướng tích cực thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, tương lai chắc chắn sẽ rạng ngời hơn.

Ngày khai trường nên là một ngày hội, được tổ chức với không khí vui tươi, phấn khởi, được chuẩn bị chu đáo để chào đón năm học mới; không nên là sự kiện trình diễn, phô trương, màu mè, hình thức… hay chỉ đơn giản là buổi quán triệt, chỉ đạo, tuyên truyền…

Thông điệp năm học mới của nhà trường cũng cần được phát đi trong ngày khai trường một cách rõ ràng và thực chất, để tất cả cùng nhớ, cùng hiểu và cùng nhau hành động nhằm hiện thực hoá.

Tiếng trống trường cũng rất cần ngân vang, thúc dục những trái tim nhiệt huyết hành động. Trống trường ngày nay không còn là tín hiệu để báo giờ mà là biểu tượng thúc giục hành động trong giáo dục ở nhà trường.

Tất nhiên, những gì thuộc về giáo dục trong nhà trường nên để cho nhà trường, cho nhà giáo thực hiện.

Ngày khai trường cũng cần những nhà lãnh đạo, đại diện phụ huynh, đại diện các tổ chức xã hội đến tham dự và chứng kiến, để cùng thấu hiểu và chia sẻ, để cùng đồng hành và lan toả những giá trị tốt đẹp từ nhà trường.

Sự tham dự của những tổ chức liên quan và các cá nhân có uy tín trong xã hội… thể hiện tinh thần trách nhiệm với giáo dục.

Nếu xã hội thể hiện sự kính trọng nhà giáo, tôn trọng giáo dục ngay trong ngày khai trường thì hình ảnh ấy, các giá trị ấy cũng sẽ được lan toả.

Điều đó sẽ có ý nghĩa nhiều hơn so với những lời hay ý đẹp trong các bài diễn văn dài và có sức mạnh hơn cả là những lời hứa hoặc những lời chỉ huấn.

Lễ khai trường cần ngắn gọn và lắng đọng. Sau khai trường cũng cần “khai lớp”, để thầy trò gặp nhau, chia sẻ những cảm nhận và tình cảm, cùng bàn bạc về kế hoạch năm học mới với những tinh thần đoàn kết và hợp tác.

Tất cả những hoạt động trong ngày đầu năm cần hướng đến những điều tích cực nhất, để ngay sau ngày khai trường là bắt đầu năm học mới với khí thế thực chất, thực học. Để ngày khai trường vui và niềm vui ấy được duy trì trong năm học.

Ngạn ngữ có câu “học chưa vui chưa phải là học” và tất nhiên là “dạy chưa vui cũng chưa phải là dạy”.

Nhà giáo được ví là “nghệ sĩ tâm hồn” và người nghệ sĩ chỉ có thể thăng hoa mỗi khi có được cảm hứng. Có cảm hứng thì mới truyền được cảm hứng cho người khác.

Để giáo dục thành công, nhà giáo trước hết phải cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc không tự nhiên mà có hay tụng niệm mà thành. Mà trước hết, mỗi nhà giáo phải nỗ lực để thiết lập cho mình tư duy tích cực, yêu sự học, không ngừng rèn luyện bản thân để có tinh thần khai phóng.

Từ khía cạnh xã hội, nhà giáo cũng rất cần được quan tâm để ít nhất bản thân mỗi nhà giáo không phải sống chật vật. Tiếp đến là rất cần sự chung tay chia sẻ để xây dựng trường học tốt hơn từ cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường làm việc…

Điều này nếu xã hội thấu hiểu và chia sẻ, thì không phải là việc quá khó. Nếu ngân sách nhà nước không đủ đầu tư thì cũng cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay góp sức thay vì kêu gọi phụ huynh “ủng hộ” đồng đều.

Khi nhà trường có môi trường tốt, con em có chỗ học hành đàng hoàng, nơi vui chơi an toàn… thì gia đình mới hạnh phúc, xã hội sẽ thái bình, an vui.

Điều cũng đáng nói là, cơ sở vật chất, trường lớp rất cần, nhưng trong giáo dục quan trọng hơn cả là rất cần sự tôn trọng.

Đó là văn hoá, là vấn đề căn bản cần đổi mới để giảm bớt những nỗi lo. Mỗi khi không còn nhiều mối lo toan, ngày khai trường sẽ ý nghĩa và giáo dục sẽ thực chất hơn.

Hướng Sáng