Làm sao để ngăn 'ma lực' đồng tiền trong đấu thầu thiết bị giáo dục

23/01/2022 06:40
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đứng trước cám dỗ của đồng tiền, có người trụ vững được nhưng có người đã “hoa mắt” nên đã “dính” vào cạm bẫy của đồng tiền mà khó rút ra được.

Ngày 17/1, Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Huy Thao (Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Việt Yên), Nguyễn Thị Song Hà (Phó trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Việt Yên) để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Nhan, cựu chuyên viên Phòng Tài chính kế hoạch huyện Việt Yên và Bùi Thị Huế, cựu Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn sách và thiết bị giáo dục Thái Nguyên.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, các bị can đã thông đồng, chia nhỏ dự án, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu; thực hiện hành vi lập chứng từ mua bán hàng hóa lòng vòng để đẩy giá hàng hóa là thiết bị giáo dục (chủ yếu là đồ điện tử nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc) lên từ 3 - 5 lần [1].

Trước đó, ngày 24/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đồng thời, cơ quan này cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh khám xét đối với 15 bị can, trong đó: Ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 09 bị can. Trong số 09 bị can này có Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh [2].

Ngày 29/3/2021, ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Điện Biên cũng bị Cơ quan điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến đấu thầu thiết bị dạy học gây thiệt hại tài sản nhà nước [3].

Ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu Quốc hội khóa 14. Ảnh: quochoi.vn
Ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu Quốc hội khóa 14. Ảnh: quochoi.vn

Các vụ việc vi phạm trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục xảy ra tại nhiều địa phương khiến dư luận bức xúc.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho rằng: “Công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta trong những năm gần đây được thực hiện rất quyết liệt. Qua đó, nhiều đối tượng từng là lãnh đạo chủ chốt có hành vi vi phạm pháp luật cũng đã bị truy tố, trong có có lãnh đạo, từng là lãnh đạo giáo dục một số địa phương.

Cũng phải thừa nhận rằng, khi xử lý những cán bộ chủ chốt của giáo dục các địa phương chúng ta cũng rất buồn, thậm chí là tiếc vì một số cán bộ vướng vào lao lý trước đó là những người được đánh giá là cao về năng lực.

Tuy nhiên, trước “ma lực” và cám dỗ của đồng tiền, họ đã bị sa ngã, thoái hóa biến chất.

Trong đó, việc tham nhũng về mặt chính sách, đất đai hay về mặt tổ chức thì trước đây từng diễn ra nhiều và thường được nhắc đến. Tuy nhiên, gần đây việc tham nhũng trong y tế, giáo dục được phát hiện nhiều hơn. Thậm chí, nó còn biểu hiện ở mức độ trầm trọng và cách thức thực hiện của các đối tượng cũng tinh vi hơn”.

Ông Cao Đình Thưởng cho rằng: “Một số bộ phận cán bộ đang công tác tại vị trí cao là ở bất cứ nơi nào có lợi ích, lợi nhuận thì họ đều tìm cách để trục lợi. Kể cả về tài chính, vật chất, tổ chức hay nhân sự.

Trong giáo dục cũng như vậy, ngoài việc chúng ta có thể tạo ra thu nhập hợp pháp từ việc hưởng lương thông qua các buổi dạy học đơn thuần thì có nhiều lợi ích khác dễ đưa con người đến các việc làm phi pháp nếu người đó ngồi ở một vị trí có vai trò quyết định.

Có thể kể đến các tình huống như: mua bán sách giáo khoa, sửa chữa cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp và đặc biệt là mua bán các trang thiết bị dạy và học.

Nhiều trường hợp chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là quá lớn mà không nghĩ đến hậu quả, cứ thế thực hiện hành vi sai trái hoặc tiếp tay cho các hành vi sai trái. Đứng trước cám dỗ của đồng tiền, có người trụ vững được nhưng có người đã “hoa mắt” nên đã “dính” vào cạm bẫy của đồng tiền mà khó rút ra được.

Những trường hợp bị cơ quan điều tra phanh phui, chúng ta nhận thấy không phải chỉ một người thực hiện mà là theo hệ thống để cấu kết, chia sẻ lợi ích và tính toán để bịt các kẽ hở của pháp luật.

Bên cạnh đó, quá trình vận hành của giáo dục luôn xảy ra các tình huống mới, nhu cầu mới trong khi hệ thống quản lý pháp luật lại chưa can thiệp được hết vào các tình huống phát sinh ấy. Những đối tượng làm việc trong lĩnh vực đó họ nắm rõ được các kẽ hở, lợi dụng vào đó để lách luật và thực hiện hành vi sai trái.

Bên cạnh đó, có nhiều sai phạm nằm ở “góc khuất”, người thực hiện hành vi đó tránh được sự giám sát của quần chúng và bao quát của lãnh đạo cấp trên. Vì thế, họ ung dung thực hiện các hành vi của mình và nghĩ rằng không ai có thể phát hiện ra được.

Chưa kể đến một bộ phận cấp dưới sợ sệt, vô trách nhiệm, thờ ơ với công cuộc chống tham nhũng. Có thể họ thấy được các việc làm sai trái đó của cấp trên nhưng không dám đứng ra tố cáo hoặc coi đó là việc của người khác, không liên quan đến mình, mặc kệ một bộ phận cán bộ sâu mọt đục khoét.

Thậm chí, có trường hợp những hành vi ấy bị thanh tra, kiểm tra, các cơ quan quản lý cấp cao hơn dù phát hiện ra sai phạm nhưng do tác động của các mối quan hệ, xin xỏ hoặc chia chác lợi ích khiến cho sự việc không được xử lý dứt điểm.

Biểu hiện của việc này là chúng ta đã chứng kiến có vụ viêc, nhiều đoàn đến thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện ra sai phạm. Sự việc đó chỉ lộ ra khi nó bị liên đới từ việc cơ quan chức năng phanh phui ở một vụ án khác”.

Nhiều đối tượng bị truy tố liên quan đến sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị dạy học từng là những lãnh đạo chủ chốt trong ngành giáo dục một số địa phương. Ảnh: Bộ Công an

Nhiều đối tượng bị truy tố liên quan đến sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị dạy học từng là những lãnh đạo chủ chốt trong ngành giáo dục một số địa phương. Ảnh: Bộ Công an

Nêu ra một số giải pháp để hạn chế những sự việc tương tự trong công tác tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị dạy học, ông Cao Đình Thưởng cho rằng: “Từ lâu, việc hạn chế và ngăn chặn những sự việc như thế này vốn đã là một bài toán hóc búa và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ, nó liên quan mật thiết đến thể chế và chính sách pháp luật.

Vì thế, trước hết các cơ quan quản lý cấp cao hơn cần thực hiện nghiêm túc việc chỉnh đốn đảng, giám sát cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Đặc biệt là phải công khai, minh bạch và có sự giám sát của các cơ quan nhà nước, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các đoàn thể trong quá trình cơ quan đó tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu mua sắm các trang thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục các công chức, viên chức, người thi hành công vụ thấm nhuần tư tưởng là đặt lợi ích của việc dạy học, của giáo viên, học sinh và của xã hội lên trên hết. Để làm sao cho những người có ý định thực hiện sẽ không dám, không muốn hoặc không cần, đó mới là “điều trị” tận gốc vấn đề.

Ngoài ra, việc thực hiện đấu thầu, mua bán các trang thiết bị dạy học phải đảm bảo diễn ra một cách khách quan, công tâm. Nếu vẫn còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thì bản chất sự việc cũng không hề thay đổi”.

Tư liệu tham khảo:

[1]. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truong-pho-phong-nang-khong-gia-tri-thiet-bi-giao-duc-gap-5-lan

[2]. https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/khoi-to-hang-loat-bi-can-lien-quan-den-sai-pham-o-so-giao-duc-dao-tao-quang-ninh

[3]. https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/giam-doc-so-giao-duc-dien-bien-va-cac-dong-pham-bi-khoi-to-bat-tam-giam

Trung Dũng