Làm sao để học sinh không mang pháo đến trường?

08/01/2020 06:36
Lê Mai
(GDVN) - Nhà trường cần có chương trình truyền thông về tác hại của đốt pháo, tai nạn do đốt pháo, quy định không được đốt pháo của nhà nước.

Đang trong giờ học, bỗng một tiếng nổ vang lên chấn động cả trường, học trò và giáo viên nhốn nháo nhìn ra nơi tro bụi đang bốc lên, có tiếng rầm rì trong lớp “pháo nổ đó”.

Pháo ở đâu ra? Sao pháo lại nổ khi đốt rác?

Câu hỏi được trả lời khi quan sát camera của trường. Ngay từ sớm có một nhóm học sinh chuyền nhau một vật hình tròn, màu xanh bắt mắt, nghi là pháo.

Đến giờ vào lớp, một học sinh đã giấu vào đống lá cây, vô tình đống rác được cô lao công gom lại, đốt nơi góc trường, thế là … nổ.

Học sinh mang pháo đến trường đã được xác định. Do người nhà mua pháo để chơi Tết, em giấu trộm một quả đến “khoe” bạn, vì sợ bị lộ khi đưa vào lớp nên giấu đại vào đống lá khô.

Sự việc được công an xã tiếp nhận, gia đình phải đóng phạt hành chính vì tội “Tàng trữ pháo trái phép”.

Làm sao để học sinh không mang pháo đến trường? (Ảnh minh họa: Thcsvantien.vinhphuc.edu.vn)
Làm sao để học sinh không mang pháo đến trường? (Ảnh minh họa: Thcsvantien.vinhphuc.edu.vn)

Làm sao để học sinh không đốt pháo, mang pháo đến trường?

Từ xa xưa, đốt pháo nổ vào dịp Tết Nguyên đán là một trong những hoạt động truyền thống của nhân dân.

Trên thực tế việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo nổ gây ra không ít hậu quả, thiệt hại về tài sản cũng như sức khỏe của người sử dụng. Không ít tai nạn do đốt pháo đã xảy ra với học sinh, sinh viên.

Bên cạnh các nguy cơ về thương tích, hỏa hoạn, việc sử dụng thuốc nổ tràn làn dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, tích trữ thuốc nổ để sự dụng vào các mục đích trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự.

Ngày 15/4/2009, Chính phủ ra Nghị định 36/2009/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa, thuốc pháo nổ, thuốc pháo hoa.

Pháo sân trường, tai nạn chực chờ học trò
Pháo sân trường, tai nạn chực chờ học trò

Để giáo dục học sinh, gia đình phải là nơi đầu tiên gương mẫu thực hiện đúng quy định của nhà nước, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo nổ trước, trong, sau Tết.

Nhà trường cần có chương trình truyền thông về tác hại của đốt pháo, tai nạn do đốt pháo, quy định không được đốt pháo của nhà nước.

Chương trình này có thể cho học sinh tổ chức trong tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt ngoại khóa trước Tết.

Nghiêm túc xử lý kỷ luật hành vi mang pháo, thuốc nổ đến trường; kết hợp với cơ quan công an tuyên truyền vận động học sinh và gia đình thực hiện nếp sống văn minh, Tết không đốt pháo.

Giáo viên có đốt pháo không? Thực tế là có, đó là điều đáng xấu hổ khi xuân về.

Giáo viên phải làm gương với nhân dân nơi mình cư trú, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo nổ; kiên quyết kỷ luật thích đáng bất cứ giáo viên, nhân viên nào đốt pháo trong dịp Tết.

Nghỉ Tết an vui, đầu tiên phải chấp hành nghiêm chính sách của nhà nước; giữ được nhà trường không tiếng pháo, học sinh được an toàn là nhiệm vụ của bất cứ trường học nào hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-36-2009-nd-cp-quan-ly-su-dung-phao-1550b.html                       

Lê Mai