Là bác sĩ lao phổi và các bệnh truyền nhiễm nhiều rủi ro nhưng cũng đầy ý nghĩa

23/03/2024 06:12
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo các bác sĩ hiện nay lương và chế độ đãi ngộ của nhân viên y tế tham gia phòng chống lao và các bệnh truyền nhiễm còn thấp nên chưa thu hút người học. 

Bệnh truyền nhiễm gây ra bởi tác nhân gây nhiễm trùng như ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, vi nấm. Bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người, từ động vật sang người và có nguy cơ phát triển thành dịch. Là đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam rất cao.

Truyền nhiễm là một ngành tương đối lớn. Thậm chí, có những bệnh còn tách ra được thành một chuyên ngành riêng như Lao và bệnh Phổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới [1].

Để phòng ngừa và tiến tới chấm dứt căn bệnh nguy hiểm này cần đội ngũ nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, lương và chế độ đãi ngộ thấp cũng như công việc có nguy cơ lây nhiễm cao đã trở thành rào cản khó thu hút người học lĩnh vực truyền nhiễm nói chung và lao nói riêng.

Công việc có rủi ro cao nhưng đầy ý nghĩa

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hồng Ngọc - Trưởng khoa bệnh phổi 2 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; Giảng viên Bộ môn Lao và bệnh Phổi - Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Hiện nay, ngành lao hay chuyên ngành Lao và bệnh Phổi trong các chương trình bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II ở các trường đại học gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển sinh bởi nhiều thí sinh và gia đình cho rằng học lĩnh vực này sẽ nguy hiểm. Đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng chống lao cũng thiếu hụt khá nhiều, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

“Đây là một vấn đề đang tồn tại và ngày càng nghiêm trọng hơn. Việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều gia đình sợ lây nhiễm nên không đồng ý cho con em làm việc trong ngành. Lương thấp, công việc quá tải, khó tham gia các phòng khám tư hơn là các chuyên ngành khác, sự kỳ thị,… là những khó khăn mà nhân viên y tế làm việc trong chuyên ngành này đang phải đối mặt”, cô Ngọc bày tỏ.

Hình 1.jpg
Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hồng Ngọc - Trưởng khoa bệnh phổi 2 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; Giảng viên Bộ môn Lao và bệnh Phổi - Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Kim Thư - Trưởng bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại Học Y Hà Nội kiêm Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: Chuyên ngành Truyền nhiễm là một chuyên ngành vất vả vì bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở nước ta. Bởi Việt Nam là một quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm ướt tạo môi trường thuận lợi cho nhiều virus, vi khuẩn lây lan nhanh.

Ngoài ra, hết đợt dịch này lại có thể xuất hiện đợt dịch khác và bác sĩ truyền nhiễm luôn luôn phải là người đầu tiên nắm bắt xu hướng dịch. Và khi dịch bệnh xảy ra thì bác sĩ truyền nhiễm cũng là những người ở tuyến đầu tham gia phòng chống bệnh nên rất vất vả. Đó cũng là một trong những nguyên do khiến nhiều bạn trẻ hiện nay không mấy mặn mà với chuyên ngành Truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, y bác sĩ cũng cho nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra một thách thức nữa là bệnh truyền nhiễm cũng không phải ngành hot về mặt kinh tế.

"Các bạn trẻ bây giờ cũng thực tế hơn chúng tôi ngày xưa, các bạn phải cân nhắc nhiều thứ. Còn trước đây chúng tôi chỉ thấy chuyên ngành nào hay, có thể giúp ích được cho nhiều người, có hiệu quả điều trị là chúng tôi chọn”, cô Thư cho hay.

Tuy nhiên, theo Trưởng bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại Học Y Hà Nội, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng khi học chuyên ngành Truyền nhiễm các bạn sẽ thấy rất hay và thiết thực.

“Khi có kiến thức về bệnh truyền nhiễm, chúng ta có thể giúp đỡ bệnh nhân, giúp đỡ cho cộng đồng và thậm chí là chính bản thân, gia đình. Bệnh truyền nhiễm có thể điều trị khỏi hoàn toàn và thấy được hiệu quả ngay khi được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Ví dụ khi bệnh nhân vào viện có một số triệu chứng như sốt không rõ căn nguyên là gì, sau khi thăm khám dựa trên các triệu chứng, bác sĩ tiến hành điều trị. Sau đó chỉ khoảng 3-5 ngày là có thể thấy sự cải thiện rõ rệt của bệnh nhân. Đó cũng là một điều rất vui với những người thầy thuốc.

Hay nhiều bệnh nhân mắc phải các bệnh truyền nhiễm rất nặng. Sau vào bệnh viện, được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị thành công. Nhiều bệnh nhân xúc động, thấy họ được trở về đoàn tụ với gia đình khiến chúng tôi rất vui. Đó cũng là ý nghĩa tích cực mà người thầy thuốc mong muốn đem lại cho cộng đồng”.

Còn với bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hồng Ngọc, cô được truyền cảm hứng từ cha của mình theo đuổi ngành y. Ngay từ khi lựa chọn, cô cũng chấp nhận bản thân dấn thân vào nguy hiểm vì có rủi ro cao, nhất là với bệnh lao.

“Tôi nghĩ khi đã chọn ngành Y là mình đã dấn thân vào công việc có nhiều rủi ro và nguy cơ nhưng cũng rất ý nghĩa. Tôi lựa chọn công tác trong ngành lao vì căn bệnh này vẫn còn là một thách thức của ngành y tế, dù rằng bệnh đã có thuốc chữa hơn 70 năm qua.

Hơn nữa, cha tôi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Nhi, vốn là chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới về bệnh lao tại khu vực Tây Thái Bình Dương là người truyền lửa cho tôi theo công việc này. Và tôi nghĩ rằng một trong những cách có thể tạo ra sự thay đổi là thông qua giáo dục nên tôi chọn nghề giáo”, cô Ngọc chia sẻ.

Hình 2.jpg
Theo cô Ngọc mặc dù công tác trong ngành lao nhiều rủi ro nhưng cũng đầy ý nghĩa. (Ảnh: NVCC)

Lương và chế độ đãi ngộ của nhân viên y tế ngành lao và các bệnh truyền nhiễm còn thấp

Theo Trưởng khoa bệnh phổi 2 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tuy Nhà nước cũng đã có một số chính sách để hỗ trợ như miễn học phí sau đại học hay có phụ cấp độc hại (vài trăm ngàn mỗi tháng) cho những nhân viên y tế làm trong ngành, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.

“Tôi nghĩ để cải thiện điều này, cần phải cải cách tiền lương và chế độ đãi ngộ, đi vào thực chất, cho các ngành khó tuyển dụng như ngành lao. Lương cao và đãi ngộ tốt thì sẽ thu hút được nhiều ứng cử viên”, cô Ngọc bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật cho các bệnh truyền nhiễm bị quên lãng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: Lý do ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của các bạn trẻ cũng như gia đình khi lựa chọn sự nghiệp của mình đó là chế độ đãi ngộ và lương bổng.

GDVN_THAY-DAT-2.jpg
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Hiện nay, Luật khám chữa bệnh năm 2023 cũng đã có hỗ trợ rất lớn cho chuyên ngành ở điểm là đã có quyết định miễn học phí. Thậm chí là có hỗ trợ cho các bác sĩ đang học chuyên ngành Truyền nhiễm nhưng khó khăn của chuyên ngành là ở chỗ thời gian đi học của một bác sĩ mặc dù dài nhưng chưa là gì so với thời gian họ cống hiến và công tác ở trong chuyên ngành.

“Ví dụ một bác sĩ nếu tốt nghiệp vào năm 24 tuổi và nghỉ hưu vào năm 60 tuổi thì họ có khoảng 36 năm công tác trong chuyên ngành. Trong 36 năm công tác, thời gian họ đi học chính thức để được cấp bằng có lẽ chỉ kéo dài khoảng 6-7 năm. Điều đó có nghĩa là 30 năm còn lại họ vẫn làm việc trong ngành Y này mà các chế độ đãi ngộ trong 30 năm đó vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Hiện tại, Nhà nước cũng đã cố gắng có chế độ đãi ngộ về học phí cho sinh viên trong 6 năm học chuyên khoa. Nhưng rõ ràng là các bác sĩ chuyên ngành Truyền nhiễm vẫn còn 30 năm công tác nữa và cần rất nhiều sự hỗ trợ, động viên. Đó mới là khoảng thời gian khó khăn, bởi hiện nay nếu xét về lương, chúng ta vẫn chưa có một chế độ đặc thù cho ngành Truyền nhiễm. Mặc dù có một số chế độ về phụ cấp cho chuyên ngành nhưng nó cũng chưa bao phủ được tất cả hoạt động của chuyên ngành Truyền nhiễm và chưa thực sự tạo ra sức hút để các bạn trẻ có thể tiếp tục đam mê trong chuyên ngành”, thầy Đạt bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt đối với chuyên ngành Truyền nhiễm nói chung khó khăn mà rất nhiều bác sĩ gặp phải là cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn thiếu thốn.

“Rõ ràng với chuyên ngành Truyền nhiễm chúng ta cần rất nhiều nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất để có thể thiết kế được một cơ sở làm việc tốt. Chỉ khi có cơ sở làm việc tốt thì mới hạn chế nguy cơ lây lan từ người bệnh cho bác sĩ. Và cơ sở vật chất tốt mới hạn chế được sự lây lan bệnh từ người bệnh này qua người bệnh khác. Cho nên, việc đầu tư cho cơ sở vật chất của khoa Truyền nhiễm là rất quan trọng.

Thứ hai là chuyên ngành Truyền nhiễm sẽ phải đầu tư rất nhiều về kỹ thuật và công nghệ chẩn đoán. Nếu nhìn vào lịch sử của hệ thống y khoa nói chung thì các phát minh trong lĩnh vực truyền nhiễm đóng góp rất nhiều vào lĩnh vực y khoa khác. Một trong những điểm chúng ta có thể khống chế và phát hiện được bệnh Covid-19 như vừa rồi là phải nhờ vào những khoa học kỹ thuật và tiến bộ của chuyên ngành. Cho nên, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất cần đầu tư vào con người. Tiếp đó là đầu tư vào các trang thiết bị bên cạnh mặt bằng để chuyên ngành được phát triển hơn”, thầy Đạt bày tỏ.

Ngoài ra, theo thầy Đạt một thách thức khác đối với sinh viên theo học chuyên ngành Truyền nhiễm là hiện nay không phải bất cứ bệnh viên đa khoa nào cũng có khoa Truyền nhiễm. Chính vì thế, các bác sĩ mới ra trường sẽ ít có cơ hội lựa chọn.

"Thực tế luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm quy định là đối với các bệnh viện đa khoa cần phải thành lập khoa Truyền nhiễm. Nhưng hiện nay không phải tất cả các bệnh viện đều đáp ứng được yêu cầu này. Do đó khi số lượng khoa Truyền nhiễm ít đồng nghĩa với việc số lượng vị trí việc làm ít. Từ đó các bác sĩ mới ra trường sẽ có ít cơ hội lựa chọn hơn", thầy Đạt chia sẻ.

GDVN_THAY-DAT.jpg
Bác sĩ Truyền nhiễm có thể điều trị rất đa dạng các loại bệnh. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành Truyền nhiễm rất rộng nên các bác sĩ khi đã được đào tạo Truyền nhiễm thì họ có thể làm rất tốt các điều trị nội khoa khác cũng như họ có thể điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau. Bởi trong cơ thể của chúng ta bất kỳ một cơ quan nào cũng có thể bị nhiễm trùng. Cho nên các bác sĩ truyền nhiễm có một kiến thức nền tảng rất rộng giúp cho họ có thể điều trị và làm việc tương đối thoải mái ở các chuyên ngành gầ.

"Điều đó làm cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở chuyên ngành Truyền nhiễm sang các chuyên ngành khác có phần dễ dàng hơn vì họ đã có được kiến thức nền tảng tương đối tốt. Để có thể giữ chân được các bạn trẻ ấy thì cá nhân tôi nghĩ là nên có một chế độ đãi ngộ thực sự xứng đáng bởi nếu chúng ta so sánh với các chuyên ngành khác có tính rủi ro cao như: phòng cháy chữa cháy, an ninh, quốc phòng thì Truyền nhiễm cũng nên được coi là chuyên ngành đóng góp đáng kể vào sự ổn định của một quốc gia bởi nó đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh dịch bệnh.

Do đó cần có những chính sách đãi ngộ để các bạn sống được bằng nghề. Thử tưởng tượng nếu dịch Covid-19 hay một loại đại dịch khác bùng nổ mà không có bác sĩ chuyên khoa điều trị thì sẽ là một tổn thất rất lớn cho quốc gia.

Đối với cả các bác sĩ truyền nhiễm, chính vì rủi ro và công việc như vậy nên đặt trên bối cảnh sức khỏe của một quốc gia cũng như toàn cầu, ngoài bệnh truyền nhiễm ra thì có lẽ chúng ta sẽ rất hiếm gặp những sự khủng hoảng, thảm họa khác mà số lượng tử vong có thể lên tới hàng triệu người. Chính vì thế cần phát triển đội ngũ chuyên ngành truyền nhiễm để các bạn có thể làm được nghề, sống được với nghề, từ đó đảm bảo sức khỏe của nhân dân", thầy Đạt nhấn mạnh.

GDVN_THAY-DAT-3.jpg
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt cần có thêm chế độ đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ. (Ảnh: Nhật Lệ)

Nâng cao nhận thức về phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao (24/3), đội ngũ cán bộ y bác sĩ cũng mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống lao nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung.

Theo Trưởng bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội: Bệnh lao là bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, các nhân viên y tế làm về lĩnh vực lao và truyền nhiễm thì cũng có nguy cơ bị lây nhiễm, nhất là trong các vụ đại dịch mà số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Chính vì thế, theo Bác sĩ Kim Thư cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng bệnh còn quan trọng hơn cả chữa bệnh.

Trước hết cần giáo dục, thay đổi nhận thức cộng đồng trên các kênh truyền thông, giáo dục học đường, phổ biến ở cộng đồng. Đồng thời, phát triển các trung tâm tiêm chủng, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, phòng bệnh.

“Với đội ngũ y bác sĩ chính là người chăm sóc những bệnh nhân đã bị, đang bị các bệnh truyền nhiễm. Trong quá trình chăm sóc chúng tôi không chỉ điều trị bệnh nhân mà còn đưa ra những tư vấn bệnh nhân phòng bệnh hoặc phòng tái nhiễm bệnh.

Nội dung này cũng nằm chương trình giáo dục, giảng dạy của bộ môn Truyền nhiễm. Một bài học về bệnh truyền nhiễm lúc nào cũng có các phần về dịch tễ học, để sinh viên biết là bệnh này phổ biến ở các nước như thế nào, đường lây truyền, căn nguyên các vi sinh vật gây bệnh ra sao, cơ chế bệnh sinh, đặc điểm lâm sàng, cách điều trị và phòng bệnh như thế nào… ”, cô Thư thông tin.

Trong khi đó, theo Trưởng khoa bệnh phổi 2 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, cô cũng thường nhắc các em đừng quên giáo dục phòng tránh lây nhiễm cho bệnh nhân, cho người thân của bệnh nhân. Bản thân các em khi đi khám bệnh cũng phải nhắc nhở bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân mang khẩu trang đúng cách, ho đúng cách,…

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt nhận định: Tỷ lệ nhân viên y tế mắc các bệnh truyền nhiễm tương đối cao bởi họ sống và làm việc trong môi trường thường hay có các bệnh truyền nhiễm. Đối với sinh viên y khoa nói chung việc phòng bệnh truyền nhiễm tương đối đơn giản bởi có rất nhiều loại vacxin có thể phòng được các bệnh nhiễm trùng thông thường. Cho nên tất cả sinh viên trước giai đoạn các bạn đi lâm sàng nên tiêm phòng đầy đủ. Việc đó sẽ giúp chúng ta bảo vệ bản thân cũng như hạn chế lây truyền từ bệnh nhân sang nhân viên y tế và ngược lại.

Đồng thời, theo bác sĩ Đạt khi đi lâm sàng các bạn bắt buộc phải nắm được các biện pháp chống nhiễm khuẩn và các biện pháp dự phòng chuẩn. Các biện pháp này sẽ được đào tạo riêng và yêu cầu các bạn phải thuần thục.

Cũng theo thầy Đạt, điều cuối cùng và rất quan trọng nhưng nằm ngoài khả năng can thiệp của hệ thống y tế là chúng ta phải cải thiện nhận thức của cộng đồng đối với bệnh truyền nhiễm. Bởi thực tế đã có rất nhiều bài học vì rất nhiều bệnh nhân, rất nhiều cộng đồng họ mắc bệnh truyền nhiễm nhưng lại giấu đi vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội.

Điều đó làm họ không thẳng thắn chia sẻ tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng của mình và che dấu bệnh. Khi họ che dấu bệnh sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người thân và những người xung quanh. Cho nên chắc chắn chúng ta sẽ phải quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục cộng đồng để mọi người hiểu thêm về bệnh truyền nhiễm, tránh sự kỳ thị hay sự phân biệt đối xử.

GDVN_THAY-DAT-5.jpg
Kết thúc giờ dạy trên giảng đường Bác sĩ Vũ Quốc Đạt lại cùng các đồng nghiệp thảo luận công tác chữa trị cho bệnh nhân. (Ảnh: Nhật Lệ)

Thầy Đạt cũng cho biết thêm, đối với bệnh lao hiện nay có rất nhiều biện pháp phòng bệnh mà mỗi người đều có thể thực hiện tại nhà:

Thứ nhất là chúng ta nên tạo một môi trường thông thoáng, môi trường có lưu chuyển khí một cách tự nhiên và thường xuyên thì sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm lao trong hộ gia đình.

Thứ hai trong trường hợp hộ gia đình có người mắc lao thì những người sống cùng có thể chủ động tới khám tại các cơ sở y tế để có thể làm các xét nghiệm sàng lọc. Từ đó sẽ giúp cho chúng ta hạn chế được nguy cơ mắc bệnh và có thể phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Thứ ba là làm sao giúp cho cộng đồng hiểu được mắc lao nói riêng hay các bệnh truyền nhiễm khác nói chung không phải điều gì đó quá đáng sợ mà họ hoàn toàn có thể được điều trị. Đặc biệt, đa phần các bệnh truyền nhiễm có khả năng điều trị khỏi được hoàn toàn, trong đó có bệnh lao.

"Hiện nay có rất nhiều bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý không lây nhiễm đòi hỏi bệnh nhân phải uống thuốc và điều trị cả đời. Ví dụ như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường thì người bệnh phải uống thuốc gần như cả cuộc đời. Nhưng đối với các bệnh lý truyền nhiễm, đặc biệt là những bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu như lao thì bệnh nhân có thể được điều trị trong một liệu trình xác định và sau đó họ không cần dùng thuốc nữa.

Có lẽ đối với các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh lao nói riêng thì một trong những điều làm cho sự kiểm soát dịch ở cộng đồng tương đối khó khăn đó chính là sự lãng quên của xã hội. Có thể lấy ví dụ như “Covid-19” chẳng hạn. Rõ ràng trong đại dịch Covid-19 ai cũng thận trọng, ai cũng đề phòng và có những biện pháp tối đa để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm. Nhưng khi đại dịch đã đi qua mọi người có xu hướng chủ quan hơn. Từ đó dẫn tới các đại dịch khác có thể tiếp nối.

Chính vì thế cần nâng cao ý thức của cộng đồng để mọi người cùng nhìn nhận là những bệnh truyền nhiễm nói chung và lao nói riêng lúc nào cũng có mặt quanh ta. Cho nên việc phòng bệnh còn quan trọng hơn cả chữa bệnh", thầy Đạt nhận định.

GDVN_THAY-DAT-.jpg
Các bác sĩ tới từng giường bệnh thăm khám, động viên bệnh nhân. (Ảnh: Nhật Lệ)

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24/03/2024, các bác sĩ cũng gửi lời chúc tới các thầy cô, cán bộ y tế đang chung tay vào công cuộc phòng chống bệnh lao nhiều sức khỏe và luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề. Đặc biệt, với sự chung sức, đồng lòng của xã hội, chúng ta có thể tiến tới chấm dứt bệnh lao trong tương lai không xa.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/viet-nam-xep-thu-11-trong-30-quoc-gia-co-ganh-nang-benh-nhan-lao-tren-the-gioi-i320026/

Nhật Lệ