Kiến nghị ưu tiên đầu tư, xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia

14/06/2023 11:42
Phạm Linh
GDVN- Hưng Yên đề xuất với các Bộ, Ngành ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được.

Sáng 14/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên cho biết, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc liền kề với Thủ đô Hà Nội là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế – xã hội.

Giai đoạn 2011-2022, Hưng Yên là một tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh và toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 -2020 đạt 8,32% (mục tiêu tăng từ 7,5-8%/năm).

Kết quả giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2022

Giai đoạn từ năm 2011 đến 2022, giáo dục tỉnh Hưng Yên đã có những thay đổi đáng kể.

Về quy mô mạng lưới trường lớp được quy hoạch phát triển tương đối hài hòa, cân đối, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục, đa dạng hoá các loại hình giáo dục, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở các bậc học mầm non, phổ thông đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục

Về cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học từng bước được đảm bảo theo xu hướng chuẩn hóa.

Về đội ngũ giáo viên có số lượng và chất lượng từng bước đảm bảo so với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Về nội dung dạy học từng bước được đổi mới theo lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo yêu cầu triển khai giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Tăng cường đổi mới căn bản phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội những vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực.

Chất lượng giáo dục đào tạo, tỉ lệ lao động được đào tạo, được cấp bằng, chứng chỉ tăng lên từng bước đảm bảo nhu cầu phát triển địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên trình bày tham luận tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên trình bày tham luận tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, giai đoạn từ năm học 2010-2011 đến năm học 2020-2021, giáo dục mầm non tăng thêm 154 trường mầm non công lập (năm 2011 là 7 trường, năm 2022 là 161 trường) và tổng số tăng thêm 21 trường (năm 2011 là 171 trường, năm 2022 là 192 trường); giáo dục phổ thông giảm 30 trường; giáo dục thường xuyên- giáo dục nghề nghiệp tăng thêm 161 trung tâm học tập cộng đồng và tăng thêm 4 trường đại học.

Toàn tỉnh có 10.099 phòng học; trong đó phòng học kiên cố 9.451 phòng.

Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm và tạo điều kiện phát triển với sự tham gia đóng góp của toàn xã hội.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thường xuyên tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội, mọi cá nhân, tập thể, cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của công tác xã hội hoá giáo dục trong sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo phát triển.

Quỹ Khuyến học Tô Hiệu Hưng Yên: 44.510 tỷ đồng, tăng 17.850 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, quỹ cấp tỉnh là 1.349 tỷ đồng và quỹ cấp huyện và cơ sở là 43.161 tỷ đồng.

Kết quả năm học 2020–2021, 100% các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh thực hiện Kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non. 100% các cơ sở nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với cấp tiểu học, tỷ lệ lên lớp thẳng: 96,1%; rèn luyện trong hè: 3,9%. Hoàn thành chương trình tiểu học: 99,7%. Còn cấp trung học cơ sở, tỷ lệ tốt nghiệp là 100% và cấp trung học phổ thông là 99,86%.

Đặc biệt, đối với kết quả giáo dục mũi nhọn, năng khiếu, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông năm học 2021-2022, tỉnh Hưng Yên có 37/69 thí sinh tham gia dự thi đoạt (01 giải nhất, 04 giải Nhì, 14 giải Ba, 18 giải Khuyến khích).

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có 1/2 dự án đạt giải Nhất và được Bộ chọn cử tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022); Cuộc thi vô địch tin học văn phòng thế giới có 02 học sinh đoạt giải Khuyến khích quốc gia.

Hưng Yên kiến nghị, đề xuất gì để phát triển giáo dục trong giai đoạn tới?

Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên có quan điểm xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, nhân bản, khoa học, hiện đại.

Trong đó, giáo dục là ưu tiên hàng đầu, là nền tảng phát triển bền vững. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Phát triển giáo dục gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp.

Giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Thực hiện giáo dục theo phương châm lấy người học và việc học làm trung tâm. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đặc biệt, phát triển giáo dục phải cân đối cả phát triển số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hưng Yên định hướng xây dựng nền giáo dục hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Giáo dục đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và góp phần cùng giáo dục cả nước đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Tại hội nghị, Hưng Yên kiến nghị, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội với nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, của người học, gia đình và xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ và nội dung đổi mới giáo dục đào tạo.

Sớm ban hành “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để địa phương có căn cứ trong việc định hướng chiến lược phát triển giáo dục của địa phương.

Hưng Yên cũng đề xuất với các Bộ, Ngành ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch.

Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới quản lí giáo dục, bảo đảm tính dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, coi trọng quản lí chất lượng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lí, điều hành, thực hiện nhiệm vụ.

Nâng cao năng lực quản lý ở cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục đào tạo.

Tiếp tục đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục “mở”, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Tăng cường đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục để xây dựng một hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện học tập cho mọi người.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục: Song song với sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục đào tạo, sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới ở các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, Hưng Yên đề xuất với các địa phương trong vùng tăng cường công tác phối hợp, hợp tác chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, phương pháp cách làm hay trong phát triển giáo dục ở cấp mầm non, phổ thông.

Hợp tác quy hoạch theo vùng trong việc quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tránh gây ra việc đầu tư dàn trải lãng phí thiếu hiệu quả.

Phạm Linh