Giám đốc Sở GD Ninh Bình mong Nhà nước có thêm chính sách để GV yên tâm công tác

14/06/2023 06:42
Phạm Minh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Nhiều năm qua, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Ninh Bình luôn đứng trong tốp 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi.

LTS: Theo kế hoạch, ngày 14/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước thềm Hội nghị, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Phan Thành Công - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình để tìm hiểu về hoạt động giáo dục và đào tạo của địa phương trong thời gian qua. Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang sát cánh cùng các tỉnh/thành phố trong Vùng cùng thực hiện đổi mới giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Ông Phan Thành Công - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: NVCC

Ông Phan Thành Công - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 14/6?

Ông Phan Thành Công: Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2023), xác định quan điểm: “Phát triển giáo dục - đào tạo chất lượng cao, hiện đại, tương đương với các quốc gia phát triển trong khu vực” với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; tập trung đầu tư và thu hút mọi nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông;…

Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định rõ mục tiêu, lộ trình, cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động theo Nghị quyết số 14 của Chính phủ đối với các nhiệm vụ của lĩnh vực giáo dục và đào tạo; trong chương trình, Hội nghị sẽ rà soát, đánh giá thực trạng giáo dục và đào tạo đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011 – 2022, rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục đào tạo của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ đi đến sự thống nhất cao về ý chí và hành động, sẽ tạo ra một bước đà mạnh mẽ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, đưa giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn tới đây tiếp tục có những bước đột phá.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về những “trái ngọt” mà ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình đã gặt hái được trong thời gian qua, đặc biệt là những nỗ lực của địa phương trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Ông Phan Thành Công: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành giáo dục và đào tạo Ninh Bình đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, tích cực đổi mới và đạt được nhiều kết quả góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Một số kết quả nổi bật của giáo dục và đào tạo Ninh Bình có thể kể đến như:

Quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố và nâng cao, giữ vững trong tốp các tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Cơ sở vật chất được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 89%; 97,2% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng không ngừng nâng cao; tỷ lệ nhà giáo có trình độ trên chuẩn chiếm 33%.

Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Ninh Bình không ngừng được nâng cao. Ảnh minh hoạ: Báo Ninh Bình

Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Ninh Bình không ngừng được nâng cao. Ảnh minh hoạ: Báo Ninh Bình

Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng cao, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm liên tục xếp trong tốp 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi; phong trào và chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh được quan tâm thúc đẩy và có nhiều chuyển biến tích cực với những kết quả tiến bộ rõ nét.

Cùng với giáo dục toàn diện, ngành cũng tập trung nâng cao chất lượng học sinh giỏi, ươm mầm tài năng nhằm đáp ứng mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Đối với việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đã tham mưu và chuẩn bị tốt các điều kiện về khuôn khổ pháp lí, về tâm thế cho cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và người dân; chuẩn bị đội ngũ về cơ cấu, số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ và các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực… nhờ vậy việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ, hạn chế được những vướng mắc, bước đầu tạo được hiệu quả.

Phóng viên: Bên cạnh những thành quả đã đạt được, tỉnh Ninh Bình có gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình phát triển, đổi mới giáo dục đào tạo, thưa ông?

Ông Phan Thành Công: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, giáo dục và đào tạo Ninh Bình vẫn còn những khó khăn, hạn chế cụ thể như: số lượng giáo viên biên chế trong toàn tỉnh còn thiếu so với định mức quy định.

Còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các bộ môn, thiếu giáo viên đào tạo chuẩn để dạy một số môn học mới và hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi đổi mới; nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống trường ngoài công lập còn hạn chế...

Phóng viên: Thưa ông, đối với những chính sách hỗ trợ và phát triển, đặc biệt trong đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tỉnh Ninh Bình có gặp khó khăn, bất cập gì trong thực tiễn triển khai không? Thời gian tới, chính sách này sẽ được địa phương thực hiện như thế nào?

Ông Phan Thành Công: Tỉnh Ninh Bình đã cụ thể hóa kịp thời các chính sách của Trung ương và ban hành nhiều chính chính sách riêng của địa phương; trong đó quan tâm huy động được các nguồn lực xã hội hóa phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Các chính sách được ban hành tạo động lực quan trọng cho phát triển giáo dục và đào tạo Ninh Bình thời gian qua.

Tuy nhiên, thực tế việc thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống trường ngoài công lập, đặc biệt là trường chất lượng cao kết quả còn hạn chế,

Thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực giáo dục – đào tạo, ưu tiên đầu tư để xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao, các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động trên địa bàn.

Phóng viên: Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, ông có kiến nghị, đề xuất gì để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Ninh Bình phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong thời gian tới?

Ông Phan Thành Công: Thời gian qua, giáo dục và đào tạo nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Tôi mong muốn thời gian tới Nhà nước tiếp tục có thêm các chính sách đối với giáo viên để họ yên tâm công tác, đồng thời tăng sức hút vào nghề dạy học. Tiếp tục có chính sách phát triển giáo dục mầm non, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt quan tâm đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình.

Phạm Minh (thực hiện)