PCT tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng GD vùng ĐB sông Hồng trở thành “đầu tàu” cả nước

14/06/2023 07:13
Phạm Linh
GDVN- Quảng Ninh kỳ vọng sau hội nghị của Bộ GD&ĐT, giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng sẽ ngày càng phát triển và trở thành “đầu tàu” của cả nước.

Trong giai đoạn 2010 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng và Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược…đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng.

Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là thời cơ lớn để giáo dục đào tạo của tỉnh phát triển tốt.

Để có góc nhìn toàn diện về giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2011 – 2022 cũng như mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Toà soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.

Phóng viên: Là một trong 11 địa phương tham gia Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 14/6, bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của hội nghị này?

Bà Nguyễn Thị Hạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo là bộ đầu tiên tổ chức hội nghị có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Là một trong 11 địa phương tham dự Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Quảng Ninh có sự kỳ vọng rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh được gắn kết, trao đổi với các địa phương khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng về kinh nghiệm phát triển giáo dục và đào tạo.

Tỉnh Quảng Ninh tin rằng sau hội nghị này, ngành giáo dục và đào tạo của vùng đồng bằng sông Hồng sẽ ngày càng phát triển và trở thành “đầu tàu” của cả nước.

Phóng viên: Giai đoạn 2011 - 2022, ngành giáo dục và đào tạo tại địa phương đã và đang có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hạnh: Quảng Ninh đã chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý trong quá trình chỉ đạo tổ chức, thực hiện.

Từ năm học 2010-2011 đến nay, Quảng Ninh đã ban hành hàng trăm văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến giáo dục đào tạo, nhất là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Tính đến năm học 2021-2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 646 trường thuộc cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 14 trường so với năm học 2010-2011).

Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Quảng Ninh từ năm học 2010 – 2011 đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế ngày càng được nâng lên.

Trong đó, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học ở mức cao (đến nay đạt 88,9%); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,1%; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo đạt 84,2%.

Tỉnh cũng hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về đích trước 1 năm so với yêu cầu của Trung ương.

Nhiều nội dung đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra như: Chỉ tiêu huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo; chỉ tiêu chăm sóc trẻ chống suy dinh dưỡng cả hai thể; thanh niên có trình độ trung học phổ thông và tương đương, các chỉ tiêu về xóa mù chữ; học sinh đi học đúng độ tuổi ở tiểu học, trung học cơ sở.

Giai đoạn 2011 - 2022, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ninh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu mà tỉnh đã đặt ra (Ảnh: Phạm Linh)

Giai đoạn 2011 - 2022, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ninh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu mà tỉnh đã đặt ra (Ảnh: Phạm Linh)

Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thôn, miền núi và thành thị dần được thu hẹp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng đáp ứng yêu cầu của xã hội; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực, thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn vướng mắc, do thiếu nguồn để tuyển, nhất là giáo viên giảng dạy các môn học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới như giáo viên Tiếng Anh, giáo viên Tin học, giáo viên Công nghệ....

Thực tế, trong những năm gần đây, số giáo viên, nhân viên đang công tác ở các cơ sở giáo dục công lập xin nghỉ việc để chuyển sang công tác tại khu vực tư có xu hướng gia tăng do chế độ đãi ngộ, tiền lương tại khu vực tư linh hoạt, hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở một số trường đã xuống cấp hoặc một số trường được xây dựng từ lâu về diện tích không đảm bảo cho việc tổ chức lớp học để phù hợp với đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, có tình trạng quá tải số lượng học sinh/lớp.

Thiết bị dạy học được đầu tư, song do quy trình mua sắm khó khăn dẫn đến thiếu so với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thiếu phòng thực hành bộ môn, thiết bị đồ dùng dạy học theo quy định mới về trường đạt chuẩn quốc gia.

Phóng viên: Từ những khó khăn, hạn chế đã và đang hiện hữu, bà có kiến nghị, đề xuất gì để tạo sự đột phá cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Hạnh: Để tạo sự đột phá cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, kiến nghị Chính phủ xem xét:

Thứ nhất, đảm bảo đủ định biên cho giáo viên đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn 2022-2026 đáp ứng yêu nâng cao chất lượng.

Thứ hai, xem xét, sớm áp dụng chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức được hưởng mức lương phù hợp, đảm bảo chi phí sinh hoạt.

Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, đề xuất một số nội dung để tạo sự đột phá cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới (Ảnh: Phạm Linh)

Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, đề xuất một số nội dung để tạo sự đột phá cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới (Ảnh: Phạm Linh)

Tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị với Bộ, ngành trung ương xem xét:

Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm phù hợp với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng giáo viên cho các địa phương đảm bảo cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong khâu xác định giá và tổ chức in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương theo đúng quy định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành chính sách/chế tài về việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (phân luồng học sinh theo lực học từ các trường trung học cơ sở để học sinh vừa học văn hóa vừa kết hợp học nghề), nhằm đảm bảo chỉ tiêu 30% học sinh học nghề sau khi học xong trung học cơ sở theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

Phạm Linh