Giai đoạn 2011 – 2022: Giáo dục và đào tạo của Quảng Ninh từng bước "lột xác"

10/06/2023 06:33
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giai đoạn 2011 – 2022, giáo dục và đào tạo Quảng Ninh từng bước ”lột xác” khi đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện đảm bảo chất lượng GD.

Tỉnh Quảng Ninh luôn được trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại (là địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc).

Tỉnh có diện tích đất liền 6.206,9 km2 (trong đó trên 80% là đồi núi) và trên 6.000 km2 mặt biển; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 4 thành phố và 2 thị xã), 177 đơn vị cấp xã, 1.452 thôn, bản, khu phố; có dân số khoảng 1,38 triệu người, 43 thành phần dân tộc.

Từ năm học 2010 – 2011 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật. Về tình hình kinh tế - xã hội, năm 2022, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng ước đạt 10,28% so với cùng kỳ.

Đây là năm thứ 7 tỉnh Quảng Ninh liên tiếp (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 176,32 triệu đồng/người, tăng 10,5 lần so với năm 2005, tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Thu nhập bình quân đầu của Quảng Ninh năm 2019 đạt 5,198 triệu đồng/người/tháng, năm 2020 đạt 4,539 triệu, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016 - 2020 đứng trong top 5/63 tỉnh, thành có số thu cao) và là một trong 16 địa phương của cả nước có điều tiết ngân sách cho quốc gia (35% tổng thu ngân sách).

Song song với sự phát triển kinh tế, chất lượng giáo dục của tỉnh Quảng Ninh cũng có chuyển biến tích cực khi đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Quảng Ninh đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (Ảnh: Phạm Linh)

Quảng Ninh đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (Ảnh: Phạm Linh)

Mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp

Về quy mô, mạng lưới trường lớp theo từng cấp học, hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh Quảng Ninh đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Tính đến năm học 2021-2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 646 trường thuộc cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 14 trường so với năm học 2010-2011).

Năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022, trong đó hỗ trợ các địa phương xây dựng trường phổ thông chất lượng cao và tổ chức mua sắm thiết bị tập trung cho các cấp học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Giao dự toán chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2022 là 37.751 tỷ đồng, chiếm 38% trong tổng dự toán chi thường xuyên (99.022 tỷ đồng).

Theo đó, số trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021 là 553/632 trường, đạt 87,18%, tăng cao so với năm 2005 (chỉ có 92/548 cơ sở giáo dục, đạt 16,79%). Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ước tính đến tháng 6 năm 2023 đạt 92,1%.

Đặc biệt, Quảng Ninh luôn ưu tiên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, đảm bảo tập trung, trọng tâm, trọng điểm; Quảng Ninh đã xây dựng “Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Năm học 2021-2022, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh mua sắm thiết bị lớp 1 tập trung toàn tỉnh; thiết bị lớp 2, lớp 6 Uỷ ban nhân dân tỉnh giao kinh phí các địa phương chủ động mua sắm thiết bị dạy học. Năm 2023, tỉnh đã rà soát để xác định được nhu cầu của các địa phương để làm cơ sở mua sắm thiết bị tập trung cho các cấp học theo lộ trình.

Những điểm trường vùng cao Quảng Ninh nay "đẹp như mơ" (Ảnh: Phạm Linh)

Những điểm trường vùng cao Quảng Ninh nay "đẹp như mơ" (Ảnh: Phạm Linh)

Mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học cùng với khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo của hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, so với năm 2010 -2011, đã có những bước phát triển và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Quy mô ngày càng được mở rộng, phát triển cả về quy mô và năng lực đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh nhà.

Cơ cấu đào tạo ngành nghề đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã chuyển hướng đào tạo từ cung sang cầu phù hợp với thị trường lao động.

Thực hiện tốt mô hình “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp”, tăng cường công tác liên doanh, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh.

Qua đó đã thúc đẩy, nâng cao được chất lượng, số lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề.

Tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng Trường Đại học Hạ Long từ năm 2014 theo hướng đa ngành và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Đồng thời, xây dựng 3 trường nghề đạt tầm quốc tế, hiện tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý

Thời điểm năm học 2010-2011, khi ngành giáo dục của tỉnh còn đứng trước những khó khăn, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ của ngành giáo dục cũng còn hạn chế. Xác định ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục.

Tỉnh luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch và đúng quy định các chế độ chính sách của nhà nước đối với người lao động. Khen thưởng kịp thời các nhà giáo đạt thành tích trong giảng dạy học sinh giỏi, có nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

Các chế độ chính sách tiền lương, nâng lương trước thời hạn, nâng lương thường xuyên, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề...đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo xây dựng các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới hải đảo của tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, bổ sung tăng tỉ lệ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số công tác tại địa bàn các trường học vùng núi, biên giới và hải đảo của tỉnh.

Từ đó, từng bước củng cố, tăng cường phát triển đội ngũ cả về số lượng và chất lượng; chủ trương xây dựng ngành giáo dục “đi trước, đón đầu”.

Quảng Ninh từng bước tăng cường phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng (Ảnh: Phạm Linh)

Quảng Ninh từng bước tăng cường phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng (Ảnh: Phạm Linh)

Cụ thể, đến năm học 2021-2022 số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 22.815 người (tăng 3.825 người so với năm học 2010-2011). Trong đó, số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ là 1.047 người (tỷ lệ 5,14%); cử nhân 14.862 người (tỷ lệ 72,99%); cao đẳng 3.185 người (tỷ lệ 15,64%); trung cấp 1.268 người (tỷ lệ 6,23%).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục từ năm học 2010-2011 đến nay được bổ sung, tăng cường, thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao trình độ.

Hằng năm, các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện để đội ngũ được tham gia học tập nâng chuẩn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, phương pháp giáo dục mới đáp ứng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được quan tâm và có nhiều đổi mới.

Trong đó, công tác tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập luôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng quy định nhằm kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành giáo dục.

Khởi sắc trong chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn

Trong giai đoạn 2011 – 2022, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện của tỉnh Quảng Ninh năm sau cao hơn năm trước ở tất cả các cấp học, bậc học.

Trong đó, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em không ngừng được nâng cao. Cụ thể, năm học 2021 - 2022, toàn cấp học có 100% trẻ em độ tuổi mầm non ra lớp (nhà trẻ, mẫu giáo) được kiểm tra sức khỏe, dinh dưỡng (tăng 11,6%) so với năm học 2010 – 2011.

Đối với kết quả giáo dục đại trà, năm học 2021 – 2022, tỷ lệ học sinh lên lớp cấp tiểu học đạt 99,19% (tăng 0,15% so với năm học 2010 – 2011). Tương tự, tỷ lệ học sinh cấp trung học cơ sở lên lớp đạt 97.18% (tăng 1,17% so với năm học 2010 – 2011) và học sinh trung học phổ thông đạt 97,59% (tăng 2,92%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2021-2022 đạt 99,92%, (tăng 0,41%) và tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 đạt 97,60%.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 , tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 36/63 tỉnh/thành, tăng 14 bậc so với năm 2020; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 cao hơn năm trước đạt 97,4% (năm 2020 đạt 96,30%).

Về chất lượng đào tạo nhân lực có trình độ đại học, sau đại học tại các cơ sở giáo dục đại học, tỉnh Quảng Ninh có 8 chương trình đạt kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế. Số lượng, tỷ lệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tuyển được/ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 – 2022 đạt 73,33%; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng, sau 12 tháng tốt nghiệp cũng tăng theo từng năm.

Ngoài ra, kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh Quảng Ninh cũng được duy trì, giữ vững và không ngừng nâng cao.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-BGDĐT về việc công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, năm 2022. Theo đó, Quảng Ninh là địa phương thứ 17/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.

Đặc biệt, trong công tác giáo dục mũi nhọn, năng khiếu, giai đoạn 2011 – 2022, tỉnh Quảng Ninh có 3 học sinh đoạt giải tại các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2022 năm sau cao hơn năm trước ở tất cả các cấp học, bậc học (Ảnh: Phạm Linh)

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2022 năm sau cao hơn năm trước ở tất cả các cấp học, bậc học (Ảnh: Phạm Linh)

Qua 12 năm học, tỉnh Quảng Ninh tham dự 12 Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia đã đoạt 605 giải gồm: 11 giải Nhất, 113 giải Nhì, 215 giải Ba, 266 giải Khuyến khích. Tỷ lệ học sinh đoạt giải trên học sinh dự thi là 59,3% (cao hơn tỷ lệ chung của cả nước: trên 9,3%).

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông trong những năm gần đây năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm học 2020-2021, toàn tỉnh đoạt 41 giải (1 Nhất, 8 Nhì, 13 Ba, 19 Khuyến khích), năm học 2021-2022 đoạt 48 giải (1 Nhất, 12 Nhì, 13 Ba, 22 Khuyến khích) và đặc biệt năm học 2022-2023, tỉnh đoạt 59 giải (3 giải Nhất, 12 giải Nhì, 18 giải Ba, 26 giải Khuyến khích) tăng 11 giải so với năm 2021-2022.

Số học sinh đạt giải năm 2023 chiếm 65,56% số thí sinh dự thi, cao nhất trong 5 năm gần đây (năm 2022: 53,33%; năm 2021: 45,56%; năm 2020: 58,89%; năm 2019: 48,89%; năm 2018: 55,68%).

Theo thống kê số lượng giải học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2022 - 2023 của 69 đơn vị dự thi (gồm 63 tỉnh thành và các trường chuyên thuộc trường đại học), tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 13.

Trong Kỳ thi Khoa học kỹ thuật dành học sinh cấp quốc gia năm học 2022 - 2023, tỉnh Quảng Ninh có 4 Giải: 2 giải Nhì, 2 giải Ba (tăng 3 giải so với năm học trước). Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cũng có 10 giải Điền kinh học sinh toàn quốc và có 3 giải Giai điệu tuổi hồng toàn quốc.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến ngày 14/06/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phạm Linh