Kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá 10 năm thực hiện Luật GD nghề nghiệp

Kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá 10 năm thực hiện Luật GD nghề nghiệp

19/02/2024 06:36
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-ĐBQH hy vọng Quốc hội và Chính phủ sẽ tổng kết, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về nhà giáo và các chính sách khác giúp GDNN phát triển lên tầm cao mới.

Giáo dục nghề nghiệp thời gian vừa qua đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, các trường đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn đó không ít khó khăn, thách thức.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đăc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo nghề. Bởi, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay mọi chính sách đưa ra đối với giáo dục nghề nghiệp, mục đích cuối cùng cũng là để tạo ra những con người lao động có tay nghề cao, chuyên nghiệp, thích ứng được sự thay đổi của xã hội và của các doanh nghiệp, đặc biệt trong xu thế thời đại công nghệ số, robot và trí tuệ nhân tạo đã và đang thay thế con người làm được những công việc từ đơn giản đến phức tạp như hiện nay. Do vậy, chất lượng đào tạo nghề thời gian vừa qua được cải thiện là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, để đánh giá được chất lượng được cải thiện như thế nào, nâng lên bao nhiêu... thì cần phải xem số liệu minh chứng cụ thể, như vậy sẽ thuyết phục hơn”.

GDVN_DB DMA.png

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng cho biết: “Hiện nay, điều mà các nhà trường quan tâm nhất đó là chính sách cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảng dạy và ký học bạ văn hoá chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Chính sách này nếu được tổ chức tốt, sẽ giúp cho việc phân luồng học sinh; đồng thời sẽ giảm được chi phí của người học và xã hội, giảm được những thủ tục không đáng có đối với các cơ sở đào tạo nghề và tăng nguồn tuyển sinh cho các trường nghề.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã một lần nữa khẳng định “... thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hoá, hình thành năng lực nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...”. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và hy vọng trong thời gian tới chính sách này sẽ được cụ thể hoá và đi vào cuộc sống”.

Nói thêm về công tác phân luồng học sinh, vị đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận: “Phân luồng học sinh vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ năm 2023 vừa qua, chúng ta vẫn không đạt được chỉ tiêu phân luồng học sinh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được chỉ tiêu này, cần có sự quyết tâm rất cao của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương. Cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền thật tốt về giáo dục nghề nghiệp để người học và gia đình nắm rõ lợi ích từ việc học nghề, làm nghề, chế độ tiền lương cùng các chính sách khác đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tích hợp trên một hệ thống Phiếu đăng ký dự thi đại học và cao đẳng, trung cấp để học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể lựa chọn đăng ký thi vào các trường.

Thứ ba, Chính phủ giao chỉ tiêu cho các địa phương và cơ sở giáo dục và đào tạo về việc phân luồng học sinh và lấy đó là một trong những chỉ tiêu đánh giá đơn vị.

Thứ tư, nhân rộng các mô hình, cách làm hay của các đơn vị để triển khai diện rộng”.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn khi thực hiện lộ trình tự chủ

Nhắc đến một số khó khăn trong thực tiễn hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chỉ ra: “Khó khăn của các cơ sở đào tạo nói chung trong mấy năm gần đây, có thể kể đến việc yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có y tế và giáo dục phải thực hiện lộ trình tự chủ.

Hằng năm, các đơn vị chủ quản yêu cầu các trường phải nâng mức tự chủ nhưng lại không cho tăng học phí, thực hiện theo Nghị quyết 165/NQ-CP và Nghị định 97/2023/NĐ-CP, trong khi nguồn thu chủ yếu của các trường dựa vào nguồn thu học phí.

Ngoài nguồn thu này, các cơ sở đào tạo có thể khai thác từ cơ sở vật chất được Nhà nước giao cho nhà trường sử dụng, quản lý, nhưng chưa sử dụng hết công suất, có thể liên doanh, liên kết hoặc cho thuê để tăng nguồn thu cho nhà trường.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các cơ sở đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, do các quy định còn rườm rà, phức tạp dẫn đến không thực hiện được, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của nhà trường và chất lượng đào tạo”.

“Do vậy, Chính phủ cần xem xét để thống nhất và điều chỉnh các chính sách về quy định mức thu học phí với mức tự chủ tài chính của các đơn vị, để nghị sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 151/2017/NĐ-CP, Nghị định 60/2021/ NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư 56/2022/TT-BTC về hướng dẫn cơ chế tự chủ về tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo điều kiện cho các trường hoạt động” - vị đại biểu kiến nghị.

Kiến nghị sớm ban hành chính sách dành riêng cho khối đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật

Đối với riêng lĩnh vực nghệ thuật, nữ đại biểu cho hay: “Không riêng gì các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực nghệ thuật, mà cả các trường đại học đào tạo nghệ thuật cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi đây là lĩnh vực đào tạo đặc thù, nhưng đến nay, vẫn chưa có những chính sách đặc thù cho việc đào tạo lĩnh vực này.

Ví dụ như: Thời gian của các ngành đào tạo trình độ trung cấp lĩnh vực nghệ thuật là 3, 4, 5, 6, 7, 9 năm tuỳ vào từng ngành. Nhưng quy định ở Khung năng lực trình độ quốc gia thì trung cấp chỉ quy định đào tạo từ 1 đến 2 năm. Do tính chất đặc thù của nhiều chuyên ngành lĩnh vực nghệ thuật, đa phần giảng dạy 1 thầy/1 trò, nhưng theo quy định thì sĩ số lớp giảng dạy thực hành là 10 học sinh/lớp, lớp tích hợp không quá 18 học sinh/lớp, lớp lý thuyết không quá 35 học sinh/lớp; hay các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay không phù hợp với đặc thù các trường đào tạo nghệ thuật, nên các trường này khó có thể đạt chuẩn chất lượng theo yêu cầu... Ngoài ra, còn rất nhiều bất cập khác mà tôi không muốn kể ra đây”.

“Do đó, các cơ quan chủ quản cần quan tâm để sớm ban hành các chính sách dành riêng cho khối đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh.

GDVN_ảnh.png

10 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp cần đánh giá sơ kết

Năm 2023, một trong những thay đổi tích cực có thể nhắc đến chính là chính sách tiền lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Đại biểu Dương Minh Ánh, thay đổi chính sách tiền lương đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới vấn đề an sinh xã hội, trong đó có các viên chức là nhà giáo.

“Tuy nhiên, đối với các nhà giáo nói chung, trong đó có nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nói riêng, vẫn còn băn khoăn trong việc cải cách tiền lương tới đây đã tính đến việc lương của nhà giáo có được xếp cao nhất so với thang bảng lương của các ngành nghề khác hay không?

Đây là nội dung mà Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương đã đề cập đến.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương khiến cho các nhà giáo “vừa mừng lại vừa lo”, bởi, khi tăng lương thường đi đôi với lạm phát cũng tăng.

Do vậy, Nhà nước cần quan tâm đến bình ổn giá trên thị trường vào những thời điểm tăng lương” - nữ đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Dương Minh Ánh hy vọng một năm mới sẽ đem lại những khởi sắc cho ngành giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Năm 2024 là tròn 10 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, tôi hy vọng Quốc hội và Chính phủ sẽ tổ chức đánh giá Sơ kết 10 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về nhà giáo và các chính sách khác giúp cho ngành giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng được phát triển lên tầm cao mới.

GDVN_TD.png

Chia sẻ với phóng viên, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cũng bày tỏ: “Năm 2023, tôi tâm đắc nhất với Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó đã tổng kết: Những năm qua, giáo dục nghề nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng:

Nhận thức về giáo dục nghề nghiệp trong xã hội được nâng lên. Chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo hướng mở, liên thông, cơ bản phù hợp với các nước trên thế giới.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo được tăng cường, bước đầu hình thành một số cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ; tỉ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng; nhiều học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới; lao động Việt Nam từng bước tham gia và đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm.

Kết quả của giáo dục nghề nghiệp đã góp phần quan trọng hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Mộc Trà