Dù đã cống hiến 15-20 năm nhưng giáo viên khối GDNN vẫn chỉ ở hạng III

22/08/2023 06:30
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên đã cống hiến 15-20 năm, nhưng vẫn chỉ là GV hạng III. Đây là một nỗi trăn trở của rất nhiều thầy cô giáo đang cống hiến trong hệ thống GDNN.

Thời điểm học sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông được xem là giai đoạn tuyển sinh cao điểm nhất của các trường nghề (cao đẳng, trung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác tuyển sinh năm nay, thầy Nguyễn Phan Anh Quốc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho biết, tính đến hiện tại trường đã nhận được 80% hồ sơ đăng kí trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh 700.

Số lượng hồ sơ đăng kí so với cùng kỳ năm ngoái tăng đến 90%. Trong bối cảnh chung về tuyển sinh khối giáo dục nghề nghiệp vẫn còn khó khăn, tuy nhiên vị Hiệu trưởng cho rằng, hàng năm các đơn vị đang có sự khởi sắc từng bước.

Được biết, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận có thế mạnh đào tạo các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, điện, cơ khí và du lịch. Theo thầy Quốc, những năm qua, thí sinh có xu hướng lựa chọn các ngành điện, quản trị khách sạn và công nghệ ô tô.

Phụ huynh, học sinh nhận giấy báo nhập học cho năm học 2023-2024 tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận: Ảnh: Fanpage nhà trường

Phụ huynh, học sinh nhận giấy báo nhập học cho năm học 2023-2024 tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận: Ảnh: Fanpage nhà trường

Nói về ưu điểm của việc chọn học cao đẳng, thầy Quốc chia sẻ, đào tạo cao đẳng nói riêng và các bậc học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung về cơ bản sẽ thiên về đào tạo kỹ năng, thái độ, chú trọng năng lực thực hành cho người học. Điều này giúp người học sẽ tự tin và làm được việc ngay sau khi tốt nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp không phải tốn nhiều thời gian để đào tạo lại.

Đối với đào tạo hệ cao đẳng, thời gian cũng ngắn hơn so với hệ đại học (khoảng 2,5 - 3 năm). Nhấn mạnh thêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho rằng, muốn tạo ra sự chuyển biến tâm lý mạnh mẽ về nhận thức học nghề đối với học sinh, phụ huynh cần vai trò rất lớn của truyền thông đại chúng.

Giáo viên cống hiến hơn chục năm nhưng vẫn chịu cảnh “ngậm ngùi” là giáo viên hạng III

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính là vấn đề về đội ngũ giáo viên. Theo nhiều lãnh đạo chia sẻ, chỉ tiêu biên chế ít, chế độ đãi ngộ thấp, không có nhiều chính sách hỗ trợ khiến việc tuyển dụng giáo viên luôn là bài toán khó.

Hiệu trưởng Nguyễn Phan Anh Quốc cho biết, đối với giáo viên dạy khối giáo dục nghề nghiệp, ngoài bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, yêu cầu cần có thêm chứng chỉ kỹ năng nghề nhằm đảm bảo người dạy có đủ năng lực để dạy nghề. Yêu cầu với giáo viên khá nhiều, tuy nhiên chế độ lương và đãi ngộ lại không cao, do đó dù có thông báo tuyển dụng biên chế, tuy nhiên vẫn rất nhiều vị trí “trắng” ứng viên suốt nhiều năm qua.

“Số lượng giáo viên biên chế mới những năm qua không có nhiều. Vì rất ít trường hợp đăng ký dự tuyển vào, hoặc có người muốn dự tuyển nhưng bằng tốt nghiệp lại không đúng chuyên ngành nhà trường đang cần.

Một số ngành nhà trường rất cần biên chế nhưng lại không có ứng viên đăng ký như kỹ thuật, nhà hàng khách sạn, nuôi trồng thủy sản,... Trong khi đó, các ngành như luật, quản trị kinh doanh, kế toán,... ứng viên có nhiều, nhưng những ngành này nhà trường lại không đào tạo, vậy nên việc tuyển dụng giáo viên khá khó khăn”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận tham gia chương trình tập huấn "Tăng cường năng lực vận hành cơ chế ngành Năng lượng tái tạo" của Hội đồng Giáo dục Nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Fanpage nhà trường

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận tham gia chương trình tập huấn "Tăng cường năng lực vận hành cơ chế ngành Năng lượng tái tạo" của Hội đồng Giáo dục Nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Fanpage nhà trường

Được biết, năm 2023, Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận tuyển 10 vị trí giáo viên, và đến nay có khoảng 5-6 hồ sơ đăng ký. Riêng ngành nuôi trồng thủy sản và ngành ô tô luôn “trắng” ứng viên đăng kí trong những năm qua.

Một trăn trở khác với những thầy cô giáo đang công tác ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp là việc thi thăng hạng. Theo đó, đến nay các thầy cô giảng dạy trong khối giáo dục nghề nghiệp vẫn đang “chờ đợi” về một kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

“Nhiều giáo viên đã cống hiến 15-20 năm, nhưng vẫn chỉ là giáo viên hạng III. Do vậy, tiền lương người làm dù 10 năm hay 20 năm thì mức tăng cũng không đáng kể”, thầy Quốc trăn trở.

Vị Hiệu trưởng chia sẻ thêm, đơn vị đã có kiến nghị lên Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ghi nhận và có chỉ đạo tới các sở, ban, ngành nghiên cứu. Tuy nhiên, do Bộ nội vụ chưa có hướng dẫn cụ thể, vậy nên mong ngóng về một kỳ thi thăng hạng vẫn là nỗi niềm của các thầy cô.

“Rất mong sớm có các hướng dẫn về thi thăng hạng để các thầy cô công tác lâu năm có điều kiện được ghi nhận những nỗ lực, đóng góp suốt thời gian qua. Đây cũng là cách để khuyến khích những đội ngũ thầy cô giáo trẻ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, thầy Quốc đề xuất.

Đồng thời, thầy Quốc cũng chia sẻ, hi vọng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ban, ngành liên quan sẽ có thêm các chính sách quan tâm, hỗ trợ đội ngũ giáo viên khối giáo dục nghề nghiệp. Hỗ trợ thầy cô giáo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chuyên tâm hơn trong việc đào tạo. Đội ngũ thầy cô giáo giỏi là tiền đề quan trọng để đào tạo ra lực lượng lao động tốt.

Đề xuất cần tăng chỉ tiêu biên chế cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cũng trăn trở về vấn đề đội ngũ giáo viên, thầy Cao Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An nhận định, khó tuyển dụng giáo viên là vấn đề nhức nhối với các trường cao đẳng hiện nay.

Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đợt 2 cho sinh viên, tháng 6/2023. Ảnh: website nhà trường

Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đợt 2 cho sinh viên, tháng 6/2023. Ảnh: website nhà trường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Tuấn cho biết, nhu cầu giáo viên dạy nghề rất nhiều, tuy nhiên với chế độ lương quá thấp, cùng cơ chế tuyển dụng “ra 2 mới vào 1” (trong bối cảnh tinh giản biên chế, có 2 giáo viên nghỉ hưu mới có 1 chỉ tiêu biên chế mới - PV) nên việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, việc ký hợp đồng thỉnh giảng lại không đảm bảo được đầy đủ các quyền lợi của người lao động. Thời gian hợp đồng ngắn hạn, không được đóng bảo hiểm nên dễ hiểu khi không có nhiều lựa chọn đăng ký dự tuyển.

Năm 2023, Trường Cao đẳng Việt Đức Nghệ An tuyển sinh 710 chỉ tiêu. Đến nay, trường đã nhận được hơn 1300 hồ sơ đăng kí, số hồ sơ ghi nhận tăng khoảng 25% so với cùng kỳ các năm. Chất lượng đào tạo, cùng hiệu quả của công tác hướng nghiệp, phân luồng là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả tuyển sinh của nhà trường.

Thầy Cao Anh Tuấn cho biết, vừa qua, đã có những thí sinh của nhà trường có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 25 điểm. Đây là điểm sáng, khẳng định chất lượng đào tạo văn hóa kết hợp đào tạo nghề của đơn vị.

Để khắc phục khó khăn, Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An đang tự xây dựng quy chế về việc thu hút giáo viên, nhân tài về làm việc. Cụ thể, ngoài hợp đồng thỉnh giảng, nhà trường sẽ có hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội; nếu giáo viên đạt các danh hiệu như giáo viên dạy giỏi, hay được các cấp có thẩm quyền công nhận năng lực tại các hội thi,... đơn vị cũng có thêm chính sách thu hút 5 năm (giáo viên được hưởng thêm 1/3 lương cơ bản hàng tháng). Dù vậy, khó tuyển dụng vẫn là từ khóa chung của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Đối với việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cũng như thầy Quốc, thầy Tuấn cho biết hiện rất nhiều giáo viên của trường đã đủ điều kiện để thi thăng hạng. Tuy nhiên, nhiều năm qua vẫn chịu cảnh “ngậm ngùi” là giáo viên hạng III.

Công việc giáo viên nhiều vất vả và trọng trách trên vai, nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Bởi vậy, rất cần những chính sách thiết thực, giúp động viên các cán bộ, nhà giáo đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người trăm năm.

Chia sẻ thêm, thầy Tuấn đề xuất cần tăng chỉ tiêu biên chế cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội cho các đơn vị được quyền kí hợp đồng dài hạn để các giáo viên có cơ hội tham gia bảo hiểm, như vậy mới đảm bảo thầy cô yên tâm công tác lâu dài.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.

Theo đó, liên quan đến việc sửa Nghị định 115/NĐ-CP/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Doãn Nhàn