Lương GV không đảm bảo, trường nghề đối mặt với tình trạng "chảy máu chất xám"

18/08/2023 06:29
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lương không đảm bảo, có trường nghề từng xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám" khi đội ngũ nhà giáo lần lượt xin ra ngoài làm.

Thời điểm học sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông được xem là giai đoạn tuyển sinh cao điểm nhất của các trường nghề (cao đẳng, trung cấp).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Thành Hoàng Hiếu - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Công nghệ Nha Trang cho biết, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1400 học viên, chia đều cho cả hai hệ trung cấp và cao đẳng.

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng hồ sơ nộp về đã đạt khoảng 90% chỉ tiêu đề ra. Theo thầy Hiếu, tỷ lệ này so với cùng kỳ các năm không có sự thay đổi quá lớn. Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Công nghệ Nha Trang có thế mạnh đào tạo các ngành liên quan tới kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, công nghệ kỹ thuật điện điện tử,...

Đối với hệ trung cấp, học viên chủ yếu là người tỉnh Khánh Hòa. Trong khi đó, với hệ cao đẳng, ngoài địa phương, trường còn thu hút học viên tại một số tỉnh lân cận khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Ninh Thuận,...

Trường Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang tổ chức tập huấn kỹ thuật hàn cho giảng viên nghề công nghệ ô tô (ảnh website nhà trường)

Trường Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang tổ chức tập huấn kỹ thuật hàn cho giảng viên nghề công nghệ ô tô (ảnh website nhà trường)

“Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Công nghệ Nha Trang là trường trực thuộc Ủy ban nhân tỉnh, do đó trường nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh. Đội ngũ nhà giáo thường xuyên được cử đi tập huấn, tham gia chương trình chuyên môn với các nước tiên tiến như Đức, Malaisia, Nhật Bản,...

Nhà trường cũng chú trọng liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp ngay từ sớm”, thầy Hiếu chia sẻ.

Đánh giá công tác phân luồng đã có sự chuyển biến trong những năm gần đây, tuy nhiên thầy Hiếu cho rằng sự chuyển biến này vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Bởi không phải tất cả học sinh không tiếp tục học lớp 10 công lập hay vào học đại học sẽ chọn học nghề. Chưa kể, cánh cửa vào đại học dễ dàng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển sinh của khối các trường nghề.

Cũng theo Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Công nghệ Nha Trang, bên cạnh tuyển sinh, vấn đề về đội ngũ giảng dạy là cũng là một trong những khó khăn đối với nhà trường nói riêng và các trường thuộc khối hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung.

Cụ thể, Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Công nghệ Nha Trang là trường công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, do vậy việc tuyển dụng vẫn theo biên chế và phải thực hiện có lộ trình. Trong khi đó, cùng lúc thực hiện tinh giản biên chế, số lượng tuyển dụng biên chế mới trong những năm qua khá hạn chế.

Không chỉ khó khăn về chỉ tiêu tuyển dụng, mà việc tuyển được giáo viên cũng là một bài toán khó. Theo thầy Hiếu lý giải, yêu cầu đối với giáo viên dạy ở khối giáo dục nghề nghiệp rất nhiều, trong khi đó chế độ chi trả lương vẫn phải theo hệ số nên không phải ai cũng “mặn mà” theo nghiệp nhà giáo. Do vậy, thầy Hiếu kiến nghị để thu hút được nhà giáo cần có chính sách về thu nhập đảm bảo.

Bên cạnh đó, thầy Hiếu đề xuất Nhà nước cần tăng cường thêm sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực cho các trường cao đẳng. Đây là cơ sở để giúp các trường có điều kiện nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng chia sẻ với khó khăn về đội ngũ trong khối các trường cao đẳng, thầy Nguyễn Văn Đồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết, khoảng 4-5 về trước, tại đơn vị cũng từng xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám" khi đội ngũ nhà giáo lần lượt xin ra ngoài làm.

“Lương của giáo viên dạy ở trường cao đẳng vẫn tính theo hệ số lương nhà nước, do vậy so với tiền lương doanh nghiệp trả thì chỉ bằng một phần nhỏ”, vị Phó hiệu trưởng chia sẻ.

Sinh viên các khoa: Điện - Điện tử, Cơ khí (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc) đi trải nghiệm tại Công ty TNHH YAZAKI Hải Phòng, Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh

Sinh viên các khoa: Điện - Điện tử, Cơ khí (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc) đi trải nghiệm tại Công ty TNHH YAZAKI Hải Phòng, Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh

Chia sẻ thêm, thầy Đồng cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND về một số chính sách thu hút, trọng dụng người có tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh có chính sách tuyển thẳng vào biên chế đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các ngành kĩ thuật về công tác tại trường. “Tuy nhiên các yêu cầu đưa ra rất khắt khe, do vậy những năm qua hầu như chúng tôi chưa tuyển dụng được biên chế nào từ chính sách này”, vị lãnh đạo nói.

Được biết, trong những năm gần đây, nhà trường đã nỗ lực xây dựng nhiều chính sách ưu đãi nhằm giữ chân và thu hút thêm đội ngũ giáo viên trẻ công tác tại trường.

“Nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện cho các thầy phát huy năng lực của mình như cử đi tập huấn, tham gia nghiên cứu khoa học, dạy thêm giờ,... Nhờ vậy, trong 2 năm gần, chúng tôi đã tuyển được nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học top đầu về làm việc tại trường”, thầy Đồng nói.

Tuy nhiên, số giáo viên tuyển mới đa số là giáo viên theo dạng hợp đồng ngắn hạn. Được biết, hàng năm, nhà trường được tỉnh giao tối đa 53 hợp đồng giáo viên, các giáo viên này đều được ký hợp đồng tối đa với thời gian 1 năm, kinh phí chi trả lấy từ nguồn tiết kiệm của nhà trường.

Hiện Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc có tổng 184 cán bộ giáo viên, trong đó số giáo viên thuộc biên chế là 125 người, còn lại là giáo viên hợp đồng.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh, thầy Đồng cho biết, năm nay nhà trường dự kiến tuyển hơn 300 chỉ tiêu trình độ cao đẳng và khoảng 800 chỉ tiêu trình độ trung cấp. Tính đến nay, số hồ sơ hệ trung cấp đã đạt 90%. Trong khi đó, với hệ cao đẳng, số hồ sơ đạt khoảng 50%. Cuộc chạy đua tuyển sinh hệ cao đẳng sẽ “sôi nổi” hơn khi học sinh có kết quả xét tuyển đại học 2023.

Nhìn từ thực tế, thầy Đồng đánh giá, chất lượng học viên ngày càng được nâng cao. Hàng năm, có không ít thí sinh dù có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông khá cao lựa chọn tham gia học nghề; Hay thậm chí có cả các học viên đã có trình độ cử nhân, thạc sĩ vẫn lựa chọn quay lại học cao đẳng hoặc trung cấp để tìm kiếm thêm cơ hội việc làm.

Theo thầy Đồng, ngoài khối các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của trường cao đẳng phải cạnh tranh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các huyện (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên), các doanh nghiệp, đặc biệt ngày càng có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động không qua đào tạo,...

Bên cạnh đó, việc mất cân đối giữa các ngành nghề trong tuyển sinh cũng là khó khăn với các trường hiện nay. Thầy Đồng phân tích, học sinh thường lựa chọn nghề nghiệp theo xu hướng, vì vậy sẽ có những ngành tuyển vượt, nhưng lại có ngành tuyển không đủ chỉ tiêu, hoặc khó tuyển.

“Ví dụ cùng là ngành cơ khí, nhưng những ngành cơ khí chế tạo, hàn,... thì ít bạn lựa chọn, nhưng ngành công nghệ kỹ thuật ô tô thì lại rất nhiều thí sinh đăng kí. Hay ngành nông nghiệp, các ngành trồng trọt, thủy sản, thú ý cũng không có nhiều thí sinh lựa chọn”, thầy Đồng nêu thực tế.

Để khắc phục khó khăn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết nhà trường phải liên tục mở mã ngành mới, cử giáo viên đi học thêm hoặc tuyển dụng thêm giáo viên mới để phù hợp nhu cầu xã hội.

Được biết, ngoài các chính sách hỗ trợ về học phí của Chính phủ, hiện tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút riêng. Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quy định chính sách hỗ trợ cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.

Theo đó, sau khi hoàn thành khóa học tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và làm việc ít nhất đủ 12 tháng liên tục tại 01 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, người học sẽ được hỗ trợ học phí với số tiền từ 6 triệu - 34 triệu đồng, tùy hệ đào tạo.

Các chính sách hỗ trợ người học hấp dẫn, cùng công tác phân luồng hiệu quả đang góp phần thay đổi hiệu quả tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bắc Sơn