Kiểm định theo chuẩn FIBAA giúp nâng vị thế cho cơ sở giáo dục đại học

21/03/2023 10:00
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia, chương trình đào tạo ở Việt Nam được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn quốc tế có thể đối sánh với chương trình đào tạo trên thế giới.

Với mong muốn hỗ trợ các trường có thêm thông tin về kiểm định chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế, ngày 20/03/2023, Viện nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức phiên thứ nhất của buổi tổ chức buổi tọa đàm “Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn FIBAA” dưới hình thức trực tuyến với mong muốn chia sẻ về những lợi ích, quy trình, và các tiêu chuẩn chất lượng mỗi chương trình cần đáp ứng khi kiểm định theo tiêu chuẩn FIBAA với các cơ sở giáo dục đại học có quan tâm về đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tham dự tọa đàm có sự góp mặt của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bà Mag Diane Freiberger – Giám đốc FIBAA; bà Viktoria Tischanski – Trưởng phòng giải quyết các thủ tục quốc tế FIBAA; bà Adriane Janosch - quản lý dự án của FIBAA cùng đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học.

Các chuyên gia của Việt Nam và đại diện của FIBAA tham dự tọa đàm “Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn FIBAA”.

Các chuyên gia của Việt Nam và đại diện của FIBAA tham dự tọa đàm “Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn FIBAA”.

Phát biểu tại toạ đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, giáo dục đại học nước ta hiện đang phải đối mặt với những thay đổi và thách thức liên tục bởi sự thay đổi liên tục của khoa học công nghệ. Điển hình trong đó là những áp lực về tài chính, về yêu cầu đảm bảo chất lượng, về sự đa dạng hóa đối với giáo dục đại học ngày càng tăng, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường của mỗi quốc gia cũng như trong khu vực và trên thế giới, dẫn đến nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao.

Trong bối cảnh như vậy, các cơ sở giáo dục đại học phải khẳng định được chất lượng đào tạo của mình, định vị thương hiệu của mình trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động (trong nước cũng như trong khu vực). Và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục đại học rất cần sẵn sàng thích ứng với những thách thức mới và hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến dẫn chứng, tại Điều 49 của Luật Giáo dục đại học quy định hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng. Các cơ sở đào tạo cần xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục đại học; và phải tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

"Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã làm tốt công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng. Thông qua kiểm định chất lượng mà các chương trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học ngày càng được cải tiến và nâng cao chất lượng. Trong đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ABET, AUN, FIBAA, HCERES, ACBSP ( trong danh sách kiểm định chương trình đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi tháng 2/2023).

Theo đó, các chương trình này được đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp cho các cơ sở đào tạo có thể đối sánh chương trình của mình với các chương trình đào tạo ở các trường đại học trên thế giới để có thể điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế; văn bằng được cung cấp từ các chương trình này dễ dàng được công nhận lẫn nhau với các nước trong khu vực và trên thế giới; mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn giữa cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và các trường đại học trên thế giới", Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin.

Hoạt động kiểm định chất lượng của tổ chức FIBAA

Phát biểu tại tọa đàm, bà Mag Diane Freiberger – Giám đốc FIBAA cho biết, FIBAA (tên viết tắt của Foundation for International Business Administration Accreditation –Tổ chức Kiểm định Quản trị Kinh doanh Quốc tế) là một cơ quan kiểm định đảm bảo chất lượng quốc tế cho các tổ chức giáo dục đại học.

Với bề dày phát triển hơn 25 năm kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng và phát triển chất lượng trong giáo dục đại học, FIBAA đã tiến hành đánh giá và công nhận chất lượng cho hơn 2700 chương trình tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Đức, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Kazakhstan, Georgia, Azerbaijan, Slovenia, Ukraine, Jordan, Lebanon, Oman, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Việt Nam, Indonesia,…và từ tháng 6/2021, FIBAA đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.

Cũng tại tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, FIBAA là một cơ quan đảm bảo và phát triển chất lượng theo định hướng quốc tế, chuyên thực hiện các thủ tục kiểm định tại các trường đại học trên cơ sở các tiêu chuẩn chất lượng được quốc tế công nhận. FIBAA tiến hành quá trình kiểm định với tuyên bố thực hiện công việc chất lượng cao, minh bạch và hỗ trợ phát triển chất lượng bền vững tại các trường đại học.

Tháng 10 năm 2017, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã có một buổi tập huấn cho một số trường đại học tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu long về các tiêu chuẩn kiểm định FIBAA, do Dr. Heinz-Ulrich Schmidt, nguyên là giám đốc của FIBAA trực tiếp tập huấn. Qua đó, một số trường đã biết và thực hiện được việc đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn FIBAA.

Được thành lập vào năm 1994, hiện FIBAA là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập hoạt động theo Luật của Thụy Sĩ với hai cơ quan đại diện được đặt tại thành phố Bonn, Đức và thành phố Zurich, Thụy Sĩ.

Các khu hoạt động chủ yếu của FIBAA nằm chủ yếu ở khu vực Châu Âu, Trung Á, Đông Nam Á. FIBAA cũng là thành viên của Hiệp hội châu Âu về đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học (ENQA), được liệt kê trong danh sách đăng ký các tổ chức đảm bảo chất lượng châu Âu về giáo dục đại học (EQAR).

Bà Viktoria Tischanski – Trưởng phòng giải quyết các thủ tục quốc tế của FIBAA cho hay, FIBAA sử dụng hai hướng dẫn đánh giá cho các chương trình cử nhân, thạc sĩ và cả tiến sĩ, gồm:

Thứ nhất là, hướng dẫn đánh giá chứa các câu hỏi được trả lời bởi các trường đại học, nhằm đảm bảo các trường đại học cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan.

Thứ hai là, hướng dẫn đánh giá chứa tất cả các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng với đánh giá của hội đồng chuyên gia. Do đó, hướng dẫn này sẽ xác định rõ ràng và minh bạch về phạm vi đánh giá.

Bà Viktoria Tischanski cũng chia sẻ về 08 bước thực hiện thủ tục đánh giá của FIBAA, gồm:

Bước 1: Thảo luận chuẩn bị giữa đơn vị đào tạo và FIBAA

Bước 2: Tổng hợp các báo cáo tự đánh giá của trường theo hướng dẫn đánh giá của FIBAA

Bước 3: FIBAA chỉ định hội đồng chuyên gia FIBAA cung cấp cho đơn vị đào tạo các thông tin có liên quan để có thể nâng cao mục tiêu

Bước 4: Thực hiện tham quan trực tiếp (trong 2 ngày) tại cơ sở giáo dục đại học cùng sự thảo luận với người quản lý chương trình; giáo sư/giảng viên; sinh viên/cựu sinh viên; nhân viên quản lý và có thể là đối tác hợp tác.

Bước 5: Lập báo cáo công nhận bởi các chuyên gia, trong đó sẽ có mô tả sự việc và đánh giá các tiêu chí chưa đạt, đạt và vượt yêu cầu.

Bước 6: Thực hiện tuyên bố về báo cáo kiểm định của trường đại học và thẩm định báo cáo của nhóm chuyên gia.

Bước 7: Đưa ra quyết định công nhận cuối cùng của FIBAA

Bước 8: Công bố báo cáo công nhận và quyết định trên trang web của FIBAA và trong cơ sở dữ liệu châu Âu DEQAR.

Như vậy, có thể thấy, các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể thực hiện đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn FIBAA để định vị chương trình đào tạo của mình trong khu vực và cả trên thế giới.

Tường San