Khoản 1, Điều 52, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) quy định: "Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, tính độc lập của một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở nước ta chưa được đảm bảo.
Ảnh minh họa: nguồn: Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh |
Đảm bảo tính độc lập thì kết quả kiểm định mới có giá trị
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, chỉ có đảm bảo tính độc lập của tổ chức kiểm định chất lượng thì các hoạt động, các kết luận, các khuyến cáo của tổ chức kiểm định chất lượng mới đảm bảo tính khách quan, độc lập khỏi bất kỳ những tác động nào từ bên ngoài. Nếu tổ chức kiểm định chất lượng không độc lập sẽ xuất hiện rủi ro của việc đánh giá thiên lệch về chất lượng cơ sở giáo dục.
Tính độc lập của tổ chức kiểm định còn đảm bảo lòng tin của công chúng và của cộng đồng giáo dục đại học cũng như các bên liên quan khác. Vì kiểm định là công cụ cực kỳ quan trọng của hệ thống giáo dục đại học, là khía cạnh mà xã hội đặt sự tin tưởng vào quá trình các tổ chức kiểm định chất lượng tiến hành.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 cũng quy định về trách nhiệm giải trình của các tổ chức này, tuy chưa quy định thật chi tiết. Tổ chức kiểm định chất lượng chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Việc quy định những trách nhiệm này là cần thiết bởi quyết định kiểm định có tác động đáng kể đối với cơ sở giáo dục đại học; tổ chức kiểm định chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, những tác động của các kết luận kiểm định.
Tính độc lập còn giúp tránh đi xung đột lợi ích có thể phát sinh nếu tổ chức này liên kết với một trường hoặc một nhóm cơ sở giáo dục đại học. Các tổ chức kiểm định cần đưa ra những đánh giá công bằng và khách quan.
Vậy những đặc trưng của tính độc lập sẽ như thế nào?
Theo kinh nghiệm của thế giới, tính độc lập của tổ chức kiểm định chất lượng được thể hiện chủ yếu qua đặc trưng về hoạt động kiểm định, quản trị, cơ cấu tổ chức, tài chính, và các quyết định công nhận.
Về mặt hoạt động kiểm định: tổ chức kiểm định chất lượng tiến hành đánh giá toàn diện và khách quan các cơ sở và chương trình giáo dục đại học; cung cấp thông tin phản hồi cho các trường để giúp họ cải thiện chất lượng giáo dục; thiết lập các tiêu chuẩn kiểm định và thường xuyên rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn đó; đảm bảo rằng các tổ chức đang đáp ứng các tiêu chuẩn và tiêu chí cần thiết.
Về mặt quản trị: có một hội đồng quản trị độc lập, đa dạng và bao gồm đại diện từ các lĩnh vực khác nhau của xã hội, đảm bảo rằng hội đồng có chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết để giám sát quá trình công nhận và đưa ra các quyết định sáng suốt, minh bạch; đảm bảo hội đồng quản trị không bị chi phối bởi bất kỳ nhóm lợi ích hoặc tổ chức cụ thể nào.
Về cơ cấu tổ chức: phải là một thực thể pháp lý riêng biệt với bất kỳ tổ chức; có cơ cấu tổ chức minh bạch, trách nhiệm giải trình và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất; có chính sách và thủ tục rõ ràng cho tất cả các khía cạnh của quá trình kiểm định.
Về mặt tài chính: tổ chức kiểm định chất lượng rất cần độc lập và bền vững về tài chính, có nguồn vốn rõ ràng, minh bạch; có đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động của mình một cách hiệu quả; đảm bảo không có xung đột lợi ích liên quan đến nguồn tài trợ.
Về vấn đề này, một số tác giả cho rằng một khi đã liên quan đến tài chính thông qua hợp đồng đánh giá ngoài thì tính độc lập sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trên thực tế một tổ chức kiểm định tính phí cho các dịch vụ của mình không có nghĩa là tổ chức đó không độc lập. Nhiều tổ chức kiểm định độc lập thu phí đối với các tổ chức mà họ công nhận để trang trải chi phí đánh giá, giám sát và xem xét liên tục các tổ chức và chương trình của họ. Tổ chức kiểm định chất lượng không được có xung đột lợi ích, “đi đêm” với cơ sở đào tạo bởi điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan và công bằng của mình trong việc tiến hành các hoạt động kiểm định.
Về quyết định công nhận: tổ chức kiểm định chất lượng ra quyết định dựa trên các tiêu chí và bằng chứng khách quan; có quy trình ra quyết định rõ ràng và minh bạch; cung cấp lý do cho các quyết định của mình và cho các tổ chức được kiểm định cơ hội để phản hồi.
Tóm lại, một tổ chức kiểm định độc lập cần có nhiệm vụ rõ ràng để đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học, hoạt động liêm chính và vô tư, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động của mình. Nó cần có một cơ cấu quản trị lành mạnh, nguồn tài chính minh bạch và bền vững, và một quy trình ra quyết định mạnh mẽ dựa trên các tiêu chí và bằng chứng khách quan.
Như vậy, căn cứ vào các quy định hiện hành, một số trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập hiện nay chưa đảm bảo tính độc lập được quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018. Vì chưa độc lập về tổ chức với các cơ sở giáo dục đại học.
Hiện có một số trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục do các đại học thành lập đã hoặc sắp hết hạn về giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, cần có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để gia hạn giấy phép hoạt động. Nhưng lại vướng ở quy định về tính độc lập của tổ chức kiểm định chất lượng nên nhùng nhằng chưa giải quyết được.
Điều này đòi hỏi sự kiên quyết của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ý thức trách nhiệm của chính các tổ chức kiểm định chất lượng. Vấn đề đặt ra là nếu hết thời hạn cho phép hoạt động theo giấy phép mà trung tâm kiểm định vẫn hoạt động thì giá trị pháp lý của việc công nhận chất lượng sẽ như thế nào?
Trong lúc chưa giải quyết được vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cần ban hành thông tư giám sát và đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng để đảm bảo hoạt động kiểm định khách quan, tin cậy, minh bạch và tính độc lập trong hoạt động kiểm định, quản trị, tổ chức bộ máy, tài chính và những vấn đề khác liên quan.