Không phải thí sinh nào cũng phù hợp để theo đuổi ngành Luật Kinh tế

22/04/2025 09:16
Đình Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng, ngành Luật Kinh tế đang trở thành lựa chọn hấp dẫn bởi tiềm năng nghề nghiệp rộng mở.

Luật Kinh tế là ngành học cung cấp nguồn nhân lực trong việc tư vấn, hỗ trợ những vấn đề liên quan đến pháp lý cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa của nền kinh tế thị trường, mọi doanh nghiệp đều cần có bộ phận pháp chế riêng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh đúng với quy định, giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề pháp lý lẫn những tranh chấp thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Những năm gần đây, tại nhiều cơ sở đào tạo nhóm ngành pháp luật trên cả nước, ngành Luật Kinh tế luôn nằm trong top những ngành có điểm chuẩn cao, thu hút đông đảo thí sinh đăng ký.

Sức hút đến từ nhu cầu thực tiễn

Thế giới đang chứng kiến một làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ, nơi các giao dịch thương mại quốc tế, đầu tư xuyên biên giới và các mô hình kinh doanh số phát triển không ngừng. Trong bối cảnh đó, những chuyên gia pháp lý am hiểu kinh tế đang trở thành một mắt xích không thể thiếu trong bất kỳ tổ chức nào - từ doanh nghiệp, ngân hàng đến các cơ quan nhà nước và tổ chức phi chính phủ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Long - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật - Đại học Huế cho biết sự hấp dẫn của ngành Luật Kinh tế đến từ sự giao thoa giữa hai lĩnh vực thiết yếu: pháp luật và kinh tế.

unnamed (66).jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Long - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật - Đại học Huế. (Ảnh: website nhà trường)

“Ngành Luật Kinh tế thu hút đông đảo thí sinh bởi thị trường lao động đang có nhu cầu cao đối với đội ngũ chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh. Đây là ngành học kết hợp giữa hai lĩnh vực thiết yếu trong xã hội: pháp luật và kinh tế. Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực có kiến thức pháp luật và kinh tế ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, ngành học này mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, mức thu nhập cạnh tranh, và tiềm năng phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa. Trường Đại học Luật - Đại học Huế hiện đang tuyển sinh ngành Luật Kinh tế với điểm chuẩn khá tương đồng qua các năm. Khảo sát của nhà trường trong những năm gần đây cho thấy, ngành Luật Kinh tế nhận được sự quan tâm không chỉ từ học sinh mà cả phụ huynh”, thầy Long thông tin.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để theo đuổi ngành học này. Theo Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật - Đại học Huế, để học tốt ngành Luật Kinh tế, bản thân sinh viên cũng cần có những tố chất nhất định như: khả năng phân tích, tư duy logic, sự kiên trì, kỹ năng giao tiếp và trên hết là tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp. Đây là những phẩm chất được chú trọng rèn luyện trong chương trình đào tạo của trường với các khối kiến thức từ đại cương, cơ sở ngành đến chuyên ngành chuyên sâu.

Trường Đại học Luật - Đại học Huế cũng đang đẩy mạnh đào tạo theo hướng thực hành và song ngữ, trang bị cho sinh viên kỹ năng pháp lý và kỹ năng mềm để thích nghi với môi trường làm việc hiện đại.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thái Hà - Trưởng khoa Luật, Học viện Ngân hàng nhấn mạnh: “Luật Kinh tế là ngành học gắn liền với nhu cầu của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có thể làm việc tại tòa án, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính. Đây đều là những môi trường đòi hỏi hiểu biết sâu sắc cả về pháp luật và kinh tế.

Về tố chất, sinh viên ngành Luật Kinh tế cần có tư duy logic, khả năng lập luận chặt chẽ, và đặc biệt là niềm yêu thích với việc tìm hiểu các quy định pháp luật. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, tinh thần trách nhiệm, sự nhạy bén với các vấn đề kinh tế - xã hội cũng là những yếu tố rất quan trọng để học tốt và hành nghề hiệu quả.

Khi xét tuyển vào ngành Luật Kinh tế, Học viện Ngân hàng sử dụng các tổ hợp có nền tảng khoa học xã hội hoặc tổ hợp có sự kết hợp với toán học, phản ánh đúng tính chất liên ngành của chương trình. Bên cạnh điểm thi, chúng tôi cũng khuyến khích thí sinh tìm hiểu kỹ về ngành để có sự lựa chọn phù hợp với định hướng cá nhân”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Hà, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Luật Kinh tế có hiểu biết về pháp luật quốc tế, kinh doanh, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, thương mại số,… ngày càng cao. Đây là xu hướng tất yếu khi doanh nghiệp và tổ chức trong nước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.

Với vai trò là một cơ sở đào tạo gắn liền với thực tiễn ngành nghề, Học viện Ngân hàng nói chung và Khoa Luật nói riêng xác định rõ trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập tốt, có năng lực giải quyết vấn đề pháp lý trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Nhà trường không ngừng cải tiến chương trình, mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực giảng dạy và hỗ trợ sinh viên để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai.

unnamed (67).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thái Hà - Trưởng khoa Luật, Học viện Ngân hàng. (Ảnh: website nhà trường)

Cơ hội việc làm rộng mở trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng

Một trong những yếu tố khiến ngành Luật Kinh tế luôn giữ được sức hút là nhờ triển vọng nghề nghiệp lớn. Trưởng khoa Luật, Học viện Ngân hàng khẳng định cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Luật Kinh tế sau khi tốt nghiệp rất đa dạng.

“Trong khu vực công, sinh viên có thể làm việc tại tòa án, viện kiểm sát, sở tư pháp hay các cơ quan quản lý kinh tế - tài chính. Trong khu vực tư, cơ hội của các bạn cũng rất phong phú như: chuyên viên pháp chế doanh nghiệp, tư vấn pháp lý, làm việc tại ngân hàng, tổ chức tài chính, thậm chí theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy.

Để hỗ trợ sinh viên tiếp cận thị trường lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Học viện Ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động như thực tập, tham quan thực tế, hội thảo chuyên đề và các cuộc thi học thuật, sinh viên được tạo điều kiện tiếp cận môi trường làm việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới nghề nghiệp”, thầy Hà chia sẻ.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Long cho biết sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều vị trí từ chuyên viên pháp lý trong các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính đến công chức tại các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, họ có thể hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, trọng tài viên, công chứng viên, hoặc tiếp tục học lên cao để trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu. Trong xu thế khởi nghiệp, nhiều cử nhân luật cũng chọn con đường tư vấn pháp lý độc lập, làm việc cho các công ty luật quốc tế hoặc mở văn phòng luật riêng.

Trường Đại học Luật - Đại học Huế đặc biệt chú trọng việc kết nối giữa đào tạo và thị trường lao động thông qua các chương trình kiến tập, thực tập, tọa đàm nghề nghiệp và hội thảo kết nối doanh nghiệp. Đó không chỉ là nơi để sinh viên cọ xát thực tế mà còn là cơ hội để nhà tuyển dụng “chọn mặt gửi vàng” ngay từ khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường.

unnamed (68).jpg
Sinh viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng thực hành Phiên tòa giả định. (Ảnh: website nhà trường)

Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh Dương Thanh Tùng, cựu sinh viên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật - Đại học Huế, hiện đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho biết, anh nhanh chóng tìm được công việc đúng ngành học chỉ sau chưa tới một năm ra trường.

“Việc theo học ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật - Đại học Huế đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc hiện tại, đặc biệt là trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản.

Theo đánh giá của cá nhân tôi thì mức thu nhập hiện tại của công chức nói chung cũng như bản thân tôi nói riêng tương đối ổn định trong môi trường công. Lương của kiểm sát nhân dân được tính theo hệ thống bậc lương cơ sở. Với sinh viên mới ra trường có bằng đại học thì hệ số lương khởi điểm là 2,34 còn nếu có bằng thạc sĩ sẽ là 2,67.

Trong giai đoạn đầu mới vào nghề, mức lương này nhìn chung còn chưa cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh tích cực, thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến chế độ tiền lương, đãi ngộ dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong thời gian tới, khi Nhà nước thực hiện sắp xếp bộ máy, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì chắc chắn mức lương của những người làm việc trong môi trường công cũng sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn. Trong môi trường làm việc Nhà nước, việc có thu nhập cao hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thâm niên công tác, mức độ cống hiến, vị trí công việc và cả những đề án sắp xếp nhân sự theo yêu cầu thực tiễn.

Đối với những bạn sinh viên mới ra trường làm việc tại các cơ quan Nhà nước muốn đạt được mức thu nhập tốt cần đầu tư thời gian, công sức, kiên trì rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Trong đó, nền tảng kiến thức và kỹ năng được trang bị từ giảng đường đại học giữ vai trò cốt lõi và định hướng phát triển lâu dài”, anh Tùng bày tỏ.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động nhanh chóng và hệ thống pháp luật không ngừng đổi mới, các cơ sở đào tạo ngành Luật Kinh tế đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật chương trình học để bắt kịp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

Đình Nam