Những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế - đặc biệt là IELTS được sử dụng ngày càng phổ biến trong xét tuyển đại học. Nhiều trường đưa IELTS vào các phương thức tuyển sinh như xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên, thường áp dụng từ mức 5.5 trở lên.
Tuy nhiên, cách triển khai trên thực tế bộc lộ không ít bất cập. Đáng chú ý nhất là sự thiếu thống nhất trong quy đổi điểm IELTS giữa các trường, gây khó khăn cho thí sinh khi tính toán cơ hội xét tuyển và làm dấy lên lo ngại về tính công bằng.
Cùng một điểm IELTS, nhiều cách quy đổi
Với cùng mức điểm 5.5 IELTS, có trường quy đổi thành 7,5 điểm, nhưng cũng có trường quy đổi thành 10 điểm - tức mức điểm tuyệt đối, tức chênh lệch lên tới 2,5 điểm. Trong khi đó, trong tuyển sinh đại học, chỉ chênh lệch khoảng 0,1 – 0,25 điểm cũng tạo nên sự khác biệt giữa thí sinh đỗ và trượt.

Cụ thể, theo thống kê dữ liệu tuyển sinh năm 2024 của hơn 20 trường đại học trên cả nước, cho thấy cùng một mức điểm IELTS nhưng thang quy đổi lại rất khác nhau và có sự chênh lệch khá lớn. Chẳng hạn:
Với mức IELTS 4.5: Trường Đại học Tôn Đức Thắng quy đổi thành 6,5 điểm; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh quy đổi thành 7,5 điểm; Trong khi đó, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Đại học Phan Chu Trinh quy đổi thành 8,0 điểm.
Với mức IELTS 5.5, sự chênh lệch còn lớn hơn: Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Đại học Tôn Đức Thắng quy đổi thành 7,5 điểm; Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Thăng Long, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh quy đổi thành 8,0 điểm; Một số trường như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông Vận tải quy đổi thành 8,5 điểm; Trường Đại học Phan Chu Trinh quy đổi thành 9,0 điểm; Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) quy đổi thành 9,5 điểm; Đáng chú ý, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội quy đổi IELTS 5.5 thành 10 điểm - mức điểm tuyệt đối.
Như vậy, cùng một mức IELTS 5.5 nhưng có thể được quy đổi từ 7,5 đến 10 điểm – mức chênh lệch lên tới 2,5 điểm.
Không chỉ dừng lại ở quy đổi điểm, các trường đại học còn áp dụng mức điểm IELTS khác nhau để xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh.
Ví dụ: Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận IELTS từ 5.0; Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu từ 5.5 trở lên; Trong khi đó, Trường Đại học FPT và Đại học Phenikaa yêu cầu tối thiểu IELTS 6.0.
Ở một số trường khác, IELTS không dùng để quy đổi trực tiếp mà là tiêu chí cộng điểm khuyến khích, với mức cộng điểm dao động khá lớn.
Đơn cử, với IELTS 5.5, Trường Đại học Dược Hà Nội cộng 0,25 điểm, trong khi Học viện Kỹ thuật Mật mã cộng đến 1,5 điểm; IELTS 8.0 được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cộng 3,0 điểm, Trường Đại học Dược Hà Nội cộng 1,5 điểm, còn Học viện Kỹ thuật Mật mã cộng 2,.5 điểm.
Sự đa dạng này phản ánh cách tiếp cận khác nhau của từng trường, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự thiếu thống nhất, gây khó khăn cho thí sinh trong việc tính toán, lựa chọn và so sánh cơ hội xét tuyển giữa các trường.

Khởi động mùa tuyển sinh năm 2025, đến nay nhiều trường đã công bố bảng quy đổi điểm IELTS, kết hợp một số tiêu chí để xét tuyển đầu vào, với mức từ 4.0 trở lên.

Tuy nhiên, tương tự các năm trước, mức quy đổi giữa các trường vẫn không đồng nhất: Học viện Ngân hàng và Trường Đại học CMC yêu cầu thí sinh đạt IELTS 8.0 mới được quy đổi thành 10 điểm; Trong khi đó, Trường Đại học Thương mại lại quy đổi IELTS 5.0 thành 10 điểm - mức điểm tối đa.
Ngoài ra, các trường như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Sài Gòn quy đổi điểm cho thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên, với mức tương đương 6 - 8 điểm.
Một số trường còn kết hợp đồng thời cả hai hình thức: quy đổi điểm và cộng điểm khuyến khích cho thí sinh có chứng chỉ IELTS.
Chẳng hạn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội áp dụng cộng thêm từ 1 đến 3 điểm cho thí sinh có IELTS từ 6.5 trở lên, đối với các ngành giảng dạy bằng tiếng Anh như Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Toán học, Vật lý, Hóa học.
Tương tự, Trường Đại học Sài Gòn sử dụng điểm IELTS để quy đổi trong tổ hợp có môn tiếng Anh, đồng thời cộng điểm ưu tiên (từ 1 đến 2 điểm) nếu tổ hợp xét tuyển không có tiếng Anh.
Quy định mới: Siết quy đổi điểm, bỏ chỉ tiêu riêng
Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các trường đại học sẽ không được phân bổ mã xét tuyển hay chỉ tiêu riêng cho từng phương thức hoặc tổ hợp. Ngoại lệ duy nhất là các trường hợp xét tuyển thẳng được quy định tại Điều 8 của Quy chế.
Thực tế, trước khi Quy chế tuyển sinh đại học được ban hành, trong phương án tuyển sinh 2025, nhiều cơ sở đào tạo từng lên kế hoạch phân bổ chỉ tiêu riêng cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế. Chẳng hạn, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến dành chỉ tiêu cho thí sinh có SAT từ 1.200, ACT từ 26, hoặc học sinh chuyên có điểm trung bình ba năm từ 8,0 trở lên. Tuy nhiên, với quy định mới, các nhóm này buộc phải gộp vào diện xét tuyển chung và quy đổi điểm tương đương để xếp hạng cạnh tranh với các phương thức khác.
Không chỉ Trường Đại học Xây dựng, nhiều trường khác cũng phải điều chỉnh phương án tuyển sinh. Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng tuyển thẳng thí sinh có SAT từ 1.200; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ưu tiên thí sinh có IELTS 8.0 nếu chưa đủ chỉ tiêu học sinh giỏi quốc gia; hay Trường Đại học Luật Hà Nội xét tuyển riêng thí sinh từng lọt vào vòng tháng, quý, năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Tất cả những trường hợp này, từ năm 2025, đều phải xét tuyển theo diện chung, không được dành suất riêng.
Bên cạnh đó, quy chế mới cũng siết chặt giới hạn cộng điểm và quy đổi điểm. Cụ thể:
Điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ không được vượt quá 50% tổng điểm tổ hợp (tức tối đa 15/30 điểm). Điểm cộng khuyến khích không vượt quá 10% thang điểm tối đa (tức tối đa 3 điểm). Tổng điểm xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên, không được vượt quá điểm tuyệt đối.
Như vậy, trong trường hợp thí sinh đã đạt 30 điểm theo tổ hợp xét tuyển, việc có thêm chứng chỉ IELTS gần như không còn giá trị cộng điểm.
Đáng chú ý, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường thực hiện việc quy đổi điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo. Mục tiêu là đảm bảo sự công bằng trong đánh giá năng lực thí sinh.
Như vậy, trước những bất cập nhất định còn tồn tại xung quanh việc sử dụng chứng chỉ quốc tế (như IELTS) để tuyển sinh, những điều chỉnh mới tại Quy chế tuyển sinh đại học 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng trong quá trình xét tuyển.