Cùng ngành đào tạo nhưng điểm chuẩn giữa các tổ hợp có chênh lệch đáng kể

21/04/2025 06:25
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển đại học trong cùng một ngành là thực trạng kéo dài nhiều năm của hầu hết các cơ sở giáo dục. 

Hiện nay, một thực trạng đáng lưu ý trong tuyển sinh đại học là có sự chênh lệch đáng kể về điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển trong cùng một ngành.

Điểm chuẩn của một ngành xét theo từng tổ hợp có sự chênh lệch đang khiến nhiều người đặt ra băn khoăn về tính công bằng trong xét tuyển, khi mà thí sinh có điểm cao xét theo tổ hợp này không trúng tuyển, trong khi thí sinh khác xét bằng tổ hợp khác có điểm thấp hơn lại trúng tuyển vào cùng ngành. Điều này đặt ra yêu cầu cần xem xét lại cách xác định điểm chuẩn từng ngành để đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh.

Nguồn ảnh minh họa: Website Trường Đại học Luật Hà Nội
Nguồn ảnh minh họa: Website Trường Đại học Luật Hà Nội

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành thống kê điểm trúng tuyển theo từng tổ hợp xét tuyển của một số ngành đào tạo tại các trường đại học trong vài năm gần đây để độc giả tiện đối sánh.

Trường Đại học Luật Hà Nội hiện đào tạo các ngành như: Luật kinh tế, Tiếng Anh pháp lý, Luật thương mại quốc tế, Luật. Đối với mỗi ngành, nhà trường xác định nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau để tuyển sinh. Tuy nhiên, mức điểm chuẩn theo từng tổ hợp xét tuyển trong cùng một ngành có sự chênh lệch đáng kể.

Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo bảng trên, đối với ngành Luật (tại Hà Nội), điểm chuẩn tổ hợp C00 luôn giữ mức điểm cao nhất qua các năm. Ví dụ, năm 2024, điểm chuẩn ngành này theo tổ hợp C00 là 28.15 điểm, cao hơn điểm chuẩn tổ hợp A00, A01 (26.15 điểm) tới 2 điểm.

Hay năm 2022, điểm chuẩn ngành này theo tổ hợp C00 là 28.75 điểm, cao hơn điểm chuẩn tổ hợp A01 (24.95 điểm) khoảng 3.8 điểm.

Tại phân hiệu Đắk Lắk, ngành Luật có điểm chuẩn thấp hơn nhiều so với cơ sở chính ở Hà Nội. Năm 2024, tại phân hiệu, điểm chuẩn tất cả các tổ hợp xét tuyển đều là 22.85 điểm.

Trong các năm trước đó, điểm chuẩn ngành này theo các tổ hợp nhìn chung thấp (từ 18-19.9 điểm), ngoại trừ tổ hợp C00 (năm 2022 là 24.5 điểm, năm 2021 là 22.75 điểm). Mức chênh lệch điểm chuẩn giữa tổ hợp C00 và các tổ hợp còn lại khá lớn (ví dụ, năm 2022, điểm chuẩn theo tổ hợp C00 cao hơn các tổ hợp khác khoảng 5 điểm).

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở giáo dục đại học áp dụng hai thang điểm khác nhau trong xét tuyển đầu vào. Trong đó, đối với các ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn năng khiếu (như Năng khiếu báo chí), học viện áp dụng thang điểm 40 (môn năng khiếu nhân hệ số 2); còn với các ngành không có môn năng khiếu, điểm xét tuyển được tính theo thang điểm 30, tương ứng với tổng điểm ba môn thi không nhân hệ số.

Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Theo số liệu trên, điểm xét tuyển theo thang điểm 40 và thang điểm 30 của học viện đều có sự chênh lệch.

Ví dụ, năm 2024, với thang điểm 40, thì mức chênh giữa điểm cao nhất (36.48 điểm) và điểm thấp nhất (34.98 điểm) của ngành Báo chí (chuyên ngành Báo in) là đáng kể (khoảng 1.5 điểm).

Đối với ngành Chính trị học (chuyên ngành Truyền thông chính sách), năm 2022, ngành này có điểm chuẩn các tổ hợp xét tuyển đều là 25.15 điểm. Tuy nhiên, năm 2024, mức điểm chênh lệch cao nhất giữa các tổ hợp xét tuyển của ngành Chính trị học là 0.76 điểm (giữa C15 và A01, A16).

Đối với ngành Truyền thông đại chúng, trước năm 2024, học viện cũng áp dụng 3 tổ hợp xét tuyển và bổ sung tổ hợp A01 vào năm 2024. Từ số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, điểm chuẩn xét theo tổ hợp C15 khoảng hơn 28 điểm, nhưng điểm chuẩn theo các tổ hợp còn lại chỉ khoảng hơn 26 điểm (chênh lệch khoảng 2 điểm).

Tương tự, năm 2023 và năm 2022, tổ hợp C15 cũng có điểm chuẩn cao hơn hẳn so với các tổ hợp khác (chênh lệch nhau gần 2 điểm).

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đào tạo 37 chương trình chuẩn, 7 chương trình chuẩn quốc tế và 4 chương trình liên kết quốc tế. Theo dõi bảng thống kê dưới đây để thấy rõ sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển trong cùng một ngành học.

Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Đối với ngành Giáo dục học, trong cả bốn năm (từ năm 2021 đến năm 2024), tổ hợp C00 luôn có điểm chuẩn cao hơn hẳn các tổ hợp khác. Năm 2024, điểm tổ hợp C00 là 26.6 điểm, trong khi các tổ hợp như B00, C01 và D01 chỉ dao động từ 23.9 – 24.5 điểm, chênh lệch lên tới 2.7 điểm. Tình trạng tương tự diễn ra ở các năm trước, khi ngành này có mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp duy trì trên 1.5 – 2 điểm.

Điểm trúng tuyển ngành Báo chí của nhà trường tiếp tục phản ánh rõ nét tình trạng chênh lệch điểm giữa tổ hợp truyền thống C00 và các tổ hợp còn lại (điểm trúng tuyển đối với tổ hợp C00 luôn cao hơn từ 1 – 2 điểm so với D01 và D14).

Đơn cử, năm 2024, chênh lệch điểm chuẩn giữa C00 (28.8 điểm) và D01 (26.7 điểm) là 2.1 điểm - một khoảng cách lớn trong xét tuyển đại học. Dù các tổ hợp này đều có các môn thuộc Khoa học xã hội, nhưng mức điểm cao/thấp khác nhau có thể dẫn tới sự không đồng đều về chất lượng đầu vào, nhất là khi các trường áp dụng điểm chuẩn riêng theo tổ hợp.

Theo bảng số liệu, sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển ngành Quản lý giáo dục cũng rõ rệt. Năm 2024, điểm chuẩn theo tổ hợp C00 là 26.9 điểm, trong khi tổ hợp A01 chỉ là 24 điểm.

Điểm trúng tuyển đại học chính quy những năm gần đây của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho thấy sự chênh lệch giữa các tổ hợp xét tuyển. Ví dụ như 3 ngành đào tạo dưới đây.

Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Điểm trúng tuyển của một số ngành đào tạo đại học chính quy qua các năm gần đây của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Qua phân tích số liệu, ở cả ba ngành trên, tổ hợp C00 luôn có điểm chuẩn cao vượt trội so với các tổ hợp khác như A01, D01, D04,...

Đối với ngành Khoa học quản lý, số liệu trên cho thấy sự chênh lệch lớn trong điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển. Cụ thể, năm 2022, điểm chuẩn tổ hợp C00 là 29 điểm nhưng điểm chuẩn tổ hợp D04 chỉ 24 điểm (thấp hơn 5 điểm so với tổ hợp C00). Tương tự, năm 2024, điểm chuẩn tổ hợp C00 là hơn 28 điểm, cao hơn điểm chuẩn tổ hợp A01 (25.07 điểm) khoảng 3.5 điểm.

Đối với ngành Báo chí, tổ hợp C00 có điểm xét tuyển cao nhất qua cả ba năm (năm 2024 là 29.03 điểm; năm 2023 là 28.5 điểm, năm 2022 là 29.9 điểm). Trong khi đó, điểm chuẩn tổ hợp D01 chỉ dao động quanh mốc 26 điểm. Tổ hợp D04 và D78 cũng chỉ dao động từ 26-27 điểm.

Thống kê qua các năm, ở nhiều trường cho thấy, sự cách biệt khoảng 2–3 điểm giữa điểm chuẩn theo tổ hợp C00 và các tổ hợp còn lại.

Một số tổ hợp xét tuyển:

A00: Toán, Vật lý, Hóa học.
A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh.
A16: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn.
B00: Toán, Hóa học, Sinh học.
C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
C01: Ngữ văn, Toán, Vật lý.
C15: Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân.
D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.
D04: Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung.
D14: Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh.
D72: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh.
D78: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Pháp.
D83: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Trung.

Ngọc Mai