Tâm lý học, Tham vấn học đường tại ĐH Giáo dục: Lựa chọn nghề nghiệp triển vọng

Tâm lý học, Tham vấn học đường tại ĐH Giáo dục: Lựa chọn nghề nghiệp triển vọng

21/04/2025 06:48
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chương trình đào tạo các ngành Tâm lý học, Tham vấn học đường tại Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN có nhiều điểm mới, nổi bật, khác biệt và “chưa có tiền lệ”.

Với tốc độ phát triển ngày càng tăng của xã hội, con người cũng phải đối mặt với những áp lực tâm lý thường xuyên hơn. Những thay đổi về tâm sinh lý diễn ra ở mọi lứa tuổi: học sinh, sinh viên, người đi làm... Điều này khiến xã hội “khát” nhân lực về tư vấn tâm lý, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần nhiều hơn.

Hiện nay, ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) và Tham vấn học đường là những ngành học luôn thu hút đông đảo thí sinh đăng ký tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Công - Phó Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những đánh giá về cơ hội, thách thức của những ngành học nêu trên trong xã hội hiện đại.

Xã hội càng phát triển càng “khát” nhân lực chất lượng cao về tư vấn, trị liệu tâm lý

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Công cho biết, Tâm lý học là ngành khoa học về tâm trí con người. Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc sống dường như ngày càng phức tạp – dẫn đến những thay đổi trong cách con người ứng phó và nhìn nhận về các vấn đề, sức khỏe tâm thần đang ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng và các nhà nghiên cứu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm dễ có vấn đề về sức khỏe tâm thần và có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, các vấn đề hành vi, các rối loạn phát triển thần kinh...

“Trước đây, nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần bị che giấu hoặc hiểu nhầm sang vấn đề khác (ví dụ đạo đức, lối sống, do trải nghiệm sống và nuôi dạy…) thì hiện nay được gọi tên, được xác định, khiến các rối loạn tâm thần được phát hiện trong cộng đồng phổ biến hơn và tăng lên.

Ở các cơ sở y tế hay cộng đồng, nhu cầu được thăm khám và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần như các rối loạn cảm xúc - khí sắc (lo âu, trầm cảm), các rối loạn về hành vi, các rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành ngày càng gia tăng.

Do vậy, ngành Tâm l‎ý học nói chung, cũng như Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên và Tham vấn học đường nói riêng dần trở thành những lĩnh vực quan trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn cầu”, thầy Công đánh giá.

Một số văn bản như Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, Thông tư 11/2024/TT-BGDDT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hệ thống tham vấn học đường ở các cơ sở giáo dục.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành liên quan đến điều kiện hành nghề và thực hành nghề tâm lý lâm sàng cũng là minh chứng cho thấy ngành tâm lý, cụ thể là tâm lý lâm sàng ở nước ta đang ngày càng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đảm bảo chất lượng và quyền lợi cho cả người thực hành và người sử dụng dịch vụ. Hai văn bản này càng khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường trong đời sống xã hội hiện đại.

Cũng theo thầy Công, Tâm lý học (với chuyên ngành tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên ) và Tham vấn học đường được coi là ngành đào tạo cho những ngành nghề tương đối mới tại Việt Nam. Vai trò của các nhà tâm lý và chuyên viên tâm lý ở các cơ sở y tế ngày càng được công nhận và tôn trọng.

Ở các trường học, cha mẹ và giáo viên dần nhận ra tầm quan trọng của cán bộ tham vấn học đường trong việc giải quyết các khó khăn và thúc đẩy và phát triển các khía cạnh cảm xúc – xã hội của trẻ.

Thêm vào đó, cả hai ngành học trên đều là các ngành đào tạo theo hướng liên ngành. Đây là cơ hội để sinh viên các ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường mở rộng cơ hội nghề nghiệp hay mở rộng hiểu biết ở các ngành học có liên quan. Cùng với sự phát triển của công nghệ (như sự ra đời của các sản phẩm ứng dụng công nghệ hay hình thức tham vấn/trị liệu trực tuyến), cũng như sự đầu tư, hợp tác quốc tế cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần, ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường cũng cho thấy nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.

ANH REN NGHE 2.png

Tuy có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Công, Tâm lý học và Tham vấn học đường cũng gặp một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn, mặc dù Bộ Y tế đã bước đầu xây dựng khung pháp lý về cấp chứng chỉ hành nghề tâm lý lâm sàng, hay có những nghị quyết, đề án quốc gia về giáo dục toàn diện, nhưng các chức danh như nhà tâm lý lâm sàng hay cán bộ tham vấn học đường vẫn chưa được chính thức công nhận ở các cơ sở giáo dục, y tế. Nhiều giáo viên ở các trường học, cán bộ tâm lý ở các cơ sở y tế, trị liệu còn chưa được ghi nhận đúng vai trò, dẫn đến việc chồng chéo trách nhiệm hay kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường của chúng ta mặc dù đã có những nội dung mang tính thực tiễn, thực hành, nhưng dường như số giờ thực tập, thực hành ở các cơ sở tham vấn, trị liệu vẫn chưa đủ để sinh viên thành thạo các kỹ năng làm việc thực tiễn.

Hơn nữa, mặc dù nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chất lượng trong các lĩnh vực như tâm lý học lâm sàng còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Điều này có thể dẫn đến sự quá tải nhiệm vụ đối với các nhà tâm lý hay cán bộ tham vấn học đường (chẳng hạn, một cán bộ tâm lý phải đánh giá cho quá nhiều bệnh nhân hay một cán bộ tham vấn học đường phải lên kế hoạch phòng ngừa cho quá nhiều học sinh trong trường). Khi nhà tâm lý hay cán bộ tham vấn học đường bị kiệt sức vì công việc, chính họ lại không có đủ nguồn lực hỗ trợ phù hợp để vượt qua căng thẳng và duy trì lâu dài với nghề.

Cuối cùng, theo thầy Công, dù ngày càng có nhiều người quan tâm và tìm hiểu về sức khỏe tâm thần, nhưng nhắc đến việc đi thăm khám hay sử dụng dịch vụ “tâm lý, tâm thần”, nhiều người Việt Nam vẫn còn lo ngại. Việc này một phần do định kiến xã hội về ngành Tâm lý học, một phần cũng do sự thiếu nhận thức đúng đắn của xã hội về vai trò của ngành tâm lý học và tham vấn học đường trong xã hội hiện đại.

Chương trình đào tạo tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có gì nổi bật?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Công thông tin, tất cả các chương trình đào tạo của trường, trong đó có Tham vấn học đường và Tâm lý học, ngoài những điểm đáp ứng quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại học Quốc gia Hà Nội, thì cũng có rất nhiều điểm mới, nổi bật, khác biệt và “chưa có tiền lệ”.

th cong 1.png

Theo đó, chương trình đào tạo ngành Tham vấn học đường và Tâm lý học tích hợp thêm các học phần mang tính hiện đại như Nhập môn thống kê ứng dụng trong giáo dục, Đạo đức nghề nghiệp, Nhập môn khoa học quản lý trong giáo dục, Nhập môn đo lường đánh giá trong giáo dục, Nhập môn khoa học nhận thức… giúp sinh viên được học các kiến thức liên ngành, đa chiều, không chỉ về tâm lý học, mà còn cả giáo dục và khoa học sức khỏe.

Riêng về ngành Tham vấn học đường, chương trình đào tạo cũng tích hợp nhiều kiến thức liên ngành như Tâm lý học, Giáo dục học, Công tác xã hội... Nội dung các học phần lồng ghép các yếu tố thực hành như Hướng nghiệp học đường, Tổ chức dịch vụ tham vấn.

Trong quá trình học, sinh viên hai ngành cũng có cơ hội thực hành, thực tế tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, các trung tâm nghiên cứu… phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, trang bị cho các em các kinh nghiệm thực tiễn trước khi chính thức gia nhập vào thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cả hai chương trình đều được xây dựng theo chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục Đào tạo, ngoài ra có sự tham khảo, thích ứng từ các chương trình đào tạo nước ngoài. Hệ thống học phần được sắp xếp theo một thứ tự logic, giúp sinh viên dần hình thành nền tảng kiến thức vững chắc và sâu rộng, gồm cả kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, vận dụng công nghệ và đạo đức trong nghề.

Nhờ mạng lưới hợp tác sâu rộng, sinh viên có nhiều cơ hội rèn nghề

Dai hoc giao duc.png

Phó Trưởng khoa Các khoa học giáo dục cũng khẳng định, sinh viên ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều cơ hội thực hành, thực tập tại các cơ sở thực tế ở cả Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Từ đó giúp các em vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, bổ trợ kiến thức từ chiều rộng đến chiều sâu, từ các kỹ năng nói chung đến các kỹ năng nghề nghiệp nói riêng.

“Đối với ngành Tâm lý học, không chỉ được trang bị kiến thức về Tâm lý học nói chung, các em sinh viên được học chương trình tích hợp các khối kiến thức liên ngành, như Khoa học giáo dục, Thần kinh nhận thức, Khoa học sức khỏe... Ngành học này cũng giúp sinh viên hiểu sâu và có những can thiệp hiệu quả vào các rối loạn phát triển, rối loạn tâm thần ở trẻ em và vị thành niên – một lĩnh vực chuyên biệt mà chưa được nhiều cơ sở đào tạo trong nước tập trung sâu.

Đối với ngành Tham vấn học đường, đây cũng là một ngành học tương đối mới và trường Đại học Giáo dục là một trong số rất ít cơ sở tại Việt Nam có chương trình đào tạo chính quy về tham vấn học đường. Cũng như ngành Tâm lý học, sinh viên ngành Tham vấn học đường cũng được trang bị rất nhiều khối kiến thức liên ngành như tâm lý học, giáo dục học, công tác xã hội… giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn hiện nay khi các em ra trường và công tác tại các cơ sở học đường, giúp phòng ngừa các vấn đề về hướng nghiệp, bạo lực học đường, xâm hại”, thầy Công thông tin thêm.

Ngoài ra, sinh viên các ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường cũng được trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động thực tập, thực hành tốt và liên tục, từ chiều rộng sang chiều sâu, từ kỹ năng nói chung tới các kỹ năng nghề nghiệp từ năm nhất đến năm cuối.

Cụ thể, ở năm thứ nhất, các em sẽ có các trải nghiệm chung. Năm thứ hai, các em được bước đầu tiếp cận với các trải nghiệm nghề nghiệp ở một tỉnh khác. Năm thứ ba là các hoạt động trải nghiệm thực tế - thực tập nghề nghiệp ở giai đoạn 1. Năm thứ tư là hoạt động thực tập (thực tập nghề) chính thức, kéo dài, giúp các em thực sự bước chân vào hoạt động nghề nghiệp thực tiễn.

“Tất cả các hoạt động trải nghiệm và thực tập, thực tế đều có sự giám sát của cơ sở thực tập và cán bộ hướng dẫn là giảng viên khoa, để đảm bảo tốt nhất khả năng sẵn sàng nghề nghiệp khi các em ra trường, tốt nghiệp”, thầy Công nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Công cũng cho biết thêm, là một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục có quan hệ hợp tác sâu rộng với rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu tại các quốc gia lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Mỹ… Nhờ đó, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của nhà trường có cơ hội được tham gia các seminar (hội thảo trình bày về nghiên cứu chuyên đề), hội thảo chuyên ngành với các giáo sư nước ngoài. Đồng thời, các em cũng có cơ hội được trao đổi học thuật hàng năm với các trường tại quốc gia đối tác, tham gia nghiên cứu hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài.

ANH REN NGHE 1.png

Thầy Công cho hay: “Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng trao cho người học cơ hội được tham gia các chương trình liên kết đào tạo hay nhận các thông tin về các học bổng du học bậc cao của các trường đại học trên thế giới.

Như vậy, nhờ vào mạng lưới đối tác quốc tế mạnh và sâu rộng, sinh viên ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường tại trường Đại học Giáo dục có nhiều cơ hội để hợp tác phát triển với các cơ sở nước ngoài, từ học tập, nghiên cứu, đến nghề nghiệp và hội nhập chuyên môn.

Sau khi tốt nghiệp, với trải nghiệm trao đổi quốc tế và kiến thức ngoại ngữ được trang bị, sinh viên ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường của Trường Đại học Giáo dục có thể ứng tuyển vào hệ thống các trường quốc tế, song ngữ tại Việt Nam hay nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay các trung tâm trị liệu, trung tâm giáo dục đặc biệt có yếu tố nước ngoài”.

Các tố chất cần có để nhân sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động

Dưới góc nhìn của một giảng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Công cho rằng, để có thể thích ứng tốt với công việc sau khi tốt nghiệp, người học hai ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường cần có cả ba khối: kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và hệ giá trị, quan điểm đúng đắn đối với nghề nghiệp.

Theo đó, trước hết, các em cần có năng lực chuyên môn tốt, gồm hiểu biết vững chắc về lĩnh vực được đào tạo như các rối loạn tâm thần, các kĩ thuật tham vấn, trị liệu… đồng thời có khả năng vận dụng các hiểu biết ấy vào quá trình làm việc thực tiễn.

Tiếp đó, các em cũng cần hình thành các kỹ năng làm việc, không chỉ các kỹ năng chuyên môn mà cả các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại trong công việc…

Cuối cùng, điều quan trọng là làm sao để hình thành được ở các em sinh viên những phẩm chất nhân văn trong nghề như sự thấu cảm, lòng yêu nghề, động lực cống hiến và tâm thế học tập suốt đời trong bối cảnh tâm lý học giáo dục học đang thay đổi không ngừng như hiện nay.

Thi Thi