Ngày 9/9, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ (xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Tham dự hội thảo có thầy Triệu Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể thầy cô và hơn 500 em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ (xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).
Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về Business Marketing và truyền thông, diễn giả Nguyễn Trọng Tùng đã dẫn dắt học sinh khám phá và nắm bắt xu hướng triển mạnh trong thời đại 4.0. Với phong cách truyền đạt sinh động, ông giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về khởi nghiệp, mở ra những góc nhìn đầy thú vị, bất ngờ về con đường phát triển nghề nghiệp, liên kết giữa định hướng nghề nghiệp và con đường học tập.
Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng chỉ ra, nguyên tắc của hướng nghiệp, khởi nghiệp là hiểu bản thân, để biết và tập trung vào những điều bản thân giỏi. Có một số công thức học sinh có thể tham khảo để giúp học sinh hiểu rõ bản thân, xác định sở thích, điểm mạnh và đam mê, đó là những bài kiểm tra, những công cụ như Holland Code, MBTI để tự đánh giá tính cách.
Sau khi hiểu rõ bản thân, điều quan trọng tiếp theo là nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động. Trong quá trình hướng nghiệp và khởi nghiệp, bước cơ bản là xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho hành trình khởi nghiệp. Bước thứ ba là học bằng cách “thử”.
Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc trước khi bước vào cuộc sống. Ông ví von: "Nền tảng vững chắc giống như một cái cây có bộ rễ khỏe mạnh, khi gặp bão sẽ không bị đổ. Cũng như vậy, nếu muốn có công việc tốt và nhìn xa 10 đến 20 năm tới, chúng ta cần xây dựng một nền tảng vững vàng, bắt đầu từ những bài học ngay trong trường."
Ông cũng khuyến khích các em học sinh học tốt các môn văn hóa, môn học nền tảng, điều này giống như phát triển bộ rễ. Đồng thời, các em cần rèn luyện kỹ năng lắng nghe, đặt câu hỏi, phát biểu và phản biện thầy cô một cách văn minh cho thấy chúng ta không thụ động trong học tập, từ đó giúp nền tảng ngày càng vững chắc hơn.
Bên cạnh đó, diễn giả Nguyễn Trọng Tùng cho rằng những trải nghiệm trong cuộc sống như nuôi gà, trồng cây, trồng lúa hay làm những công việc thủ công khác đều là những kinh nghiệm quý giá, mỗi trải nghiệm như thêm một bộ rễ giúp chúng ta tự tin hơn khi bước vào cuộc sống. Khi có nhiều "bộ rễ" vững chắc, chúng ta càng có thêm niềm tin để đối diện với mọi thử thách.
Trong buổi hội thảo, các em học sinh đã giao lưu và thảo luận sôi nổi cùng diễn giả Nguyễn Trọng Tùng về chủ đề hướng nghiệp và khởi nghiệp.
Em Hà Tuấn Hưng học sinh lớp 11D đặt ra câu hỏi: “Thưa thầy, em cảm thấy băn khoăn về nghề phiên dịch viên mà em đã chọn, vì trong 10 đến 15 năm tới, ngành này có thể bị thay thế bởi AI. Thầy có thể cho em lời khuyên về vấn đề này không ạ?”
Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng cho rằng ngành phiên dịch viên không chỉ bị ảnh hưởng trong 10 hay 15 năm tới mà ngay từ bây giờ đã bị AI thay thế. Ông khuyên Tuấn Hưng nên cân nhắc lại nghề phiên dịch, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc từ bỏ mà là xác định cách để nổi bật trong lĩnh vực này, chẳng hạn như học và thông thạo nhiều ngôn ngữ.
“Việc biết tiếng dân tộc và tiếng Anh có thể giúp con nổi bật hơn, vì không phải ai cũng biết cả hai. Vì vậy, ngay từ bây giờ, con cần phải xem xét kỹ lưỡng. Dù chọn hay không chọn nghề phiên dịch là tùy thuộc vào con, nhưng nếu con quyết định theo đuổi, hãy nỗ lực trở thành người giỏi nhất trong ngành, bởi đây là lĩnh vực đang bị thay thế bởi AI”, ông nhắn nhủ.
Còn em Nguyễn Hà Lệ Sâm lớp 11C muốn xin lời khuyên của diễn giả về hai ngành Báo chí và Luật: “Thưa thầy, em nhận thấy mình có năng lực và khả năng theo đuổi cả hai ngành Báo chí và Luật. Tuy nhiên, em lo lắng ngành Luật yêu cầu nhiều thời gian và công sức, đồng thời tỷ lệ cạnh tranh cao khi ra trường. Ngành Báo chí cũng khiến em cảm thấy mông lung vì hiện nay người dân có xu hướng tiếp cận thông tin qua nhiều kênh khác nhau, không còn đọc báo truyền thống nhiều như trước. Thầy có thể cho em lời khuyên để giúp em lựa chọn ngành học phù hợp không ạ?"
Với câu hỏi này, vị diễn giả chia sẻ với học sinh rằng cả ngành Luật và Báo chí đều có sự cạnh tranh cao, nhưng điều này không có nghĩa là con nên từ bỏ. Ông khuyên rằng bất kể chọn ngành nào, các em cũng cần nỗ lực để phát triển trong nghề. Để biết bản thân có phù hợp với một trong hai ngành hay cả hai, học sinh có thể cân nhắc việc kết hợp chúng, chẳng hạn như trở thành nhà báo chuyên về pháp luật.
Trong thời gian gần đây, xu hướng liên ngành ngày càng phổ biến, ví dụ kiến thức về luật rất cần và hữu ích trong lĩnh vực báo chí. Điều quan trọng là hãy thử nghiệm và không cần quá lo lắng, vì cơ hội để kết hợp các lĩnh vực đang ngày càng rộng mở.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ:
Hội thảo không chỉ giúp học sinh tiếp thu nhiều kiến thức sâu sắc mà còn thúc đẩy các em sống có trách nhiệm hơn với tương lai của chính mình. Kết thúc hội thảo, thầy Triệu Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường, đã bày tỏ sự cảm ơn đến diễn giả và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vì đã đem đến cho thầy cô và các em học sinh buổi hội thảo đầy ý nghĩa.
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ được thành lập vào năm 1997, khuôn viên nhà trường rộng 4 hecta, tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Trường có nhiệm vụ nuôi và dạy các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh Phú Thọ.
Sau gần 30 năm phát triển, trường đã đào tạo gần 3000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó hơn 1000 em tiếp tục học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Nhiều em được đi du học theo học bổng Nhà nước.
Năm 2010, trường nhận Huân chương Lao động hạng Ba, và vào các năm 2012, 2017, được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Trường liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.
Với sự tham gia của diễn giả ông Nguyễn Trọng Tùng đã có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng Business Marketing và truyền thông cho sinh viên đại học và trung học, 10 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Khởi nghiệp và cố vấn nghề nghiệp của các trường giảng dạy chương trình quốc tế; là chuyên gia, diễn giả về truyền thông mới, báo chí trực tuyến và chủ đề giới trẻ trong các sự kiện do Đại sứ quán Đức, GIZ, Học viện Báo chí và truyền thông Việt Nam tổ chức.
Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được diễn giả Nguyễn Trọng Tùng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.
Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.
Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.