Không chỉ GVMN mà nhiều nhân viên nuôi dưỡng cũng chán việc, muốn bỏ việc

06/11/2022 06:40
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tình trạng nghỉ việc không chỉ diễn ra ở giáo viên mầm non mà hiện nay, nhiều nhân viên nuôi dưỡng cũng chán việc, muốn bỏ việc vì đồng lương quá thấp.

Mới đây, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương với cán bộ y tế cấp cơ sở.

Trước thông tin này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Như Ý - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín (Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi.

Ông Ý cho biết, hiện nay, lương giáo viên nói chung và lương giáo viên mầm non nói riêng đang rất thấp, chưa đảm bảo được nhu cầu cuộc sống khiến họ khó mà yên tâm với nghề.

Huyện Thường Tín có 30 trường mầm non công lập, hiện tượng giáo viên mầm non nghỉ việc đang diễn ra và có xu hướng tăng lên. Lý do các thầy cô đưa ra khi nghỉ việc là vì lương thấp.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín trăn trở, nếu tình trạng giáo viên chán việc, bỏ việc tiếp tục diễn ra thì trong thời gian tới huyện chưa biết sẽ lấy nguồn giáo viên ở đâu để giảng dạy. Nguyên tắc của ngành giáo dục là có học sinh thì phải có giáo viên, thiếu giáo viên thì bắt buộc phải dồn lớp, khi đó lại vướng một số quy định khác.

Vì còn thiếu giáo viên mầm non nên hiện tại, huyện Thường Tín đang hợp đồng với hơn 40 giáo viên, nguồn kinh phí trả cho đội ngũ giáo viên này được địa phương hỗ trợ. Trước đó, huyện có thông báo được bổ sung 46 chỉ tiêu biên chế giáo viên, trong đó, tiểu học 23 chỉ tiêu, trung học cơ sở 23 chỉ tiêu và không có chỉ tiêu nào của giáo viên mầm non.

“Việc hợp đồng với giáo viên mầm non chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài để giữ chân họ, khiến họ sẵn sàng gắn bó và cống hiến với nghề thì phải tăng lương, tăng phụ cấp, có chỉ tiêu biên chế thì lúc đó họ mới yên tâm công tác.

Giáo viên mầm non tiếp xúc với môi trường trẻ nhỏ, khối lượng công việc nhiều, rủi ro lớn, bản thân họ cũng phải trang bị đầy đủ những nghiệp vụ chuyên môn, cống hiến hết mình cho công việc nên cũng rất khó để có thể làm thêm, kiếm thêm thu nhập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%, dù mới chỉ là kiến nghị, tuy nhiên đây cũng là một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới ngành giáo dục mầm non nói chung và đời sống giáo viên mầm non nói riêng”, ông Ý nói.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ủng hộ đề xuất trên của Bộ trưởng, bà Bùi Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo phụ trách giáo dục mầm non huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, huyện có 26 trường mầm non công lập. Năm vừa rồi, đã có 4 giáo viên xin nghỉ việc với lý do lương thấp, khối lượng công việc lớn, tốn nhiều thời gian.

“Trong giai đoạn nghỉ dịch, một số giáo viên có công việc mới như bán hàng trực tuyến, công việc này đem lại cho các cô mức lương và thu nhập cao hơn. Chính vì vậy, sau khi các trường mầm non mở cửa đón trẻ trở lại, các cô sẽ có sự so sánh giữa hai công việc và chọn công việc lương cao hơn”, bà Hiền nói.

Thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên mầm non, bà Hiền chia sẻ, giáo viên mầm non làm việc từ sáng đến tối, buổi trưa ở lại tổ chức cho học sinh ăn, ngủ bán trú.

Theo Điều 3 Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND về việc quy định thu, sử dụng khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội (trừ cơ sở công lập chất lượng cao) nêu rõ “Chăm sóc bán trú (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng”.

"Khoản tiền này sẽ chi cho các giáo viên trực tiếp tham gia công việc chăm sóc bán trú. Mỗi tháng, tiền chăm sóc bán trú các cô nhận được đa phần ở mức 1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng, có cô cao nhất được 2 triệu đồng. Nhận tiền bán trú nhưng lại phải bù trừ vào tiền ăn trưa nên cuối tháng các cô cũng không nhận được bao nhiêu”, bà Hiền cho hay.

Tình trạng nghỉ việc không chỉ diễn ra ở giáo viên mầm non mà hiện nay nhiều nhân viên nuôi dưỡng cũng chán việc, muốn bỏ việc vì đồng lương quá thấp, không đủ cho họ trang trải cuộc sống.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, hàng ngày khối lượng công việc của nhân viên nuôi dưỡng rất nhiều.

7 giờ sáng mỗi ngày, họ phải thực hiện quy trình khép kín từ khâu nhận thực phẩm, sơ chế, tổ chức nấu ăn cho trẻ, chia đồ ăn. Đến buổi trưa, sau khi trẻ ăn xong thì họ tiến hành rửa bát và chuẩn bị bữa phụ chiều với mẫu giáo, bữa chính chiều đối với nhà trẻ.

4 giờ chiều dọn dẹp xong, họ có thể ra về. Dù được về sớm hơn các giáo viên mầm non tuy nhiên nhân viên nuôi dưỡng cũng mất nguyên ngày làm việc ở trường, không nghỉ trưa, khó mà làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Công việc vất vả nhưng lương của nhiều cô mới vào làm chỉ được khoảng 2,9 triệu đồng - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài lương cơ bản ra thì họ không có phụ cấp, rất thiệt thòi. Vì vậy, một số cô cũng đang xin nghỉ.

“Ngoài kiến nghị nâng phụ cấp giáo viên mầm non của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tôi cho rằng cần nâng mức tiền bán trú vì mức thu 150.000 đồng đã được áp dụng rất lâu mà chưa có sự thay đổi, trong khi giá cả thị trường lại tăng nhanh. Bên cạnh đó, cần xem xét hỗ trợ thêm cho nhân viên nuôi dưỡng vì họ là người giữ vai trò vô cùng quan trọng trong trường học, nhưng mức lương nhận được hiện nay còn quá thấp”, bà Hiền kiến nghị.

Anh Trang