Khoa Xây dựng - Trường ĐH Kiến trúc HN: Mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao

06/06/2024 06:38
An Nhiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - PGS.TS Chu Thị Bình - Trưởng khoa Xây dựng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) khẳng định, đơn vị luôn đặt mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Năm 2024, Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có những điểm mới trong tuyển sinh như, chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp bổ sung phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (năm 2023 Khoa xét dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông), Khoa tăng 50 chỉ tiêu tuyển sinh...

Hiện tại Khoa Xây dựng đang đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng và ngành Kỹ thuật xây dựng (với 3 chuyên ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Xây dựng công trình ngầm đô thị; Quản lý dự án xây dựng).

Để tìm hiểu thêm về công tác đào tạo, tuyển sinh của Khoa, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với PGS.TS Chu Thị Bình - Trưởng khoa Xây dựng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội).

Phóng viên: Năm 2023, chuyên ngành Xây dựng Công trình ngầm Đô thị, Quản lý dự án xây dựng và ngành Công nghệ kỹ thuật Vật liệu Xây dựng được Khoa Xây dựng dành 40% chỉ tiêu xét dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông và 60% chỉ tiêu xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông bằng các tổ hợp.

Còn với chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp được xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2024, Khoa có điểm mới trong phương thức xét tuyển với chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp là dành 20% cho xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông, tỷ lệ còn lại dành cho xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cô có thể chia sẻ về sự thay đổi trong công tác tuyển sinh nêu trên?

khoa-xay-dung-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (2).jpg
PGS.TS Chu Thị Bình - Trưởng khoa Xây dựng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Chu Thị Bình: Năm nay 2024, chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp bắt đầu có phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ.

Xét tuyển học bạ là phương thức xét tuyển sớm, gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh có điểm học bạ tốt, giảm bị áp lực thi cử cho học sinh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc trúng tuyển sớm tại các trường đại học chỉ là kết quả tạm thời. Những thí sinh đã trúng tuyển xét tuyển sớm vào trường bằng phương thức xét học bạ cần tiếp tục thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh trúng tuyển bằng kết quả học bạ đến từ mọi miền đất nước. Có nhiều em ở các tỉnh xa Hà Nội như Quảng Bình hay Thái Nguyên, có những em từ các trường trung học phổ thông có chất lượng cao ở Hà Nội như Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn,…

chi-tieu-tuyen-sinh-2024 khoa-xay-dung-HAU.JPG
Chỉ tiêu và phương thức xét tuyển với các chuyên ngành, ngành của Khoa Xây dựng năm 2024.

Mỗi năm, nhà trường đều khảo sát kết quả tuyển sinh bằng các phương thức, kết quả học tập của sinh viên năm nhất, qua đó điều chỉnh phương thức và tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh theo các phương thức.

Các điều chỉnh dựa trên nguyên tắc: đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh gây phức tạp cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển, sinh viên trúng tuyển theo các hình thức khác nhau có chất lượng tương đương nhau, từng bước nâng cao chất lượng đầu vào.

Phóng viên: Năm 2024, Khoa tăng 50 chỉ tiêu tuyển sinh, cô vui lòng chia sẻ số chỉ tiêu trên cho ngành, chuyên ngành nào?

PGS.TS Chu Thị Bình: Năm 2024, Khoa Xây dựng đề xuất tăng thêm 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành Quản lý dự án xây dựng. Đây là chuyên ngành được các thí sinh đặc biệt quan tâm trong xu hướng thích “quản lý” hiện nay.

Tuy nhu cầu thi vào chuyên ngành rất cao song chúng tôi cũng chỉ tuyển sinh hạn chế, để đảm bảo sau khi tốt nghiệp các em có công việc tốt. Khoa luôn đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phóng viên: Năm 2024, Khoa Xây dựng có điểm mới nào trong chương trình đào tạo, thực hành, thực tập, hoạt động nghiên cứu khoa học… ra sao, thưa cô?

PGS.TS Chu Thị Bình: Với định hướng đào tạo ứng dụng, từ khóa 2022, thời gian thực tập của sinh viên được tăng lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được dẫn dắt để ngày càng nhiều hơn các đề tài gắn với ứng dụng thực tiễn. Cuối năm 2024, các chương trình đào tạo lại được rà soát, cập nhật, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thí sinh có thể xem thêm thông tin về Khoa ở website và fanpage:

https://kxd-dhkt.edu.vn/gioi-thieu-khoa/

https://www.facebook.com/khoaxaydung.kientruchanoi

Phóng viên: Trải qua 52 năm đào tạo, đến nay Khoa Xây dựng có những sự đổi mới nào, thưa PGS?

PGS.TS Chu Thị Bình: Khoa Xây dựng được thành lập từ năm 1972. Trải qua hơn 50 năm đào tạo, hơn 16 nghìn sinh viên đã tốt nghiệp (cả hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm), tham gia vào thị trường xây dựng khắp mọi miền đất nước. Một số sinh viên học tập cao học, tiến sĩ hoặc hành nghề ở nước ngoài như Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật,…

Số giảng viên trong Khoa đã lên tới hơn 100 giảng viên, trong đó có 15 phó giáo sư, 54 tiến sĩ.

khoa-xay-dung-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (5).jpg
Đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng (Trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Hiện nay, Khoa đào tạo 4 chuyên ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng Công trình ngầm Đô thị, Quản lý dự án xây dựng và Công nghệ kỹ thuật Vật liệu Xây dựng. Cả 4 chuyên ngành đều đào tạo trình độ kỹ sư với thời gian chỉ 4,5 năm (trước đây chương trình đào tạo kỹ sư kéo dài 5 năm).

Đây là kết quả của cả một quá trình luôn đổi mới chương trình đào tạo, theo định hướng CDIO lấy chuẩn đầu ra là hướng để xây dựng chương trình, đào tạo chú trọng cả kiến thức và kỹ năng, nâng cao năng lực tự chủ cho sinh viên.

Phóng viên: Chất lượng đào tạo của Khoa và cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ra sao, thưa cô?

PGS.TS Chu Thị Bình: Khoa Xây dựng đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng (gồm 3 chuyên ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng Công trình ngầm đô thị, Quản lý dự án Xây dựng) và ngành Công nghệ kỹ thuật Vật liệu xây dựng, là các ngành có tính bền vững, luôn thiếu nhân lực trong bối cảnh công nghiệp xây dựng ngày càng phát triển ở Việt Nam.

Theo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp do Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam công bố đầu năm 2024: Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 3 năm gần nhất là 99,51%.

Mức thu nhập trung bình của sinh viên sau khi tốt nghiệp trong vòng 3 năm sau khi ra trường là 12,6 triệu/tháng và có xu hướng tăng lên.

Phóng viên: Báo cáo đánh giá thực trạng chất lượng nhân lực ngành Xây dựng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cả nước đang có hơn 7 triệu người lao động làm việc trong ngành.

Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng ở nước ta ngày càng tăng cao, số lượng lao động của ngành Xây dựng sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Các chuyên gia dự báo mỗi năm, ngành Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động. Số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt 12 - 13 triệu người.

Vậy, sinh viên học các chuyên ngành, ngành liên quan đến lĩnh vực xây dựng cần chuẩn bị những kỹ năng, kinh nghiệm ra sao để đáp ứng thị trường nhu cầu lao động đầy tiềm năng?

PGS.TS Chu Thị Bình: Sinh viên được trang bị cả kiến thức và kỹ năng. Những kiến thức cốt lõi, sâu rộng đảm bảo có thể đáp ứng các vị trí việc làm đa dạng. Các kỹ năng làm việc cá nhân, làm việc nhóm, năng lực tự chủ,… để ra trường có thể thực hành ngay.

Khả năng ngoại ngữ, thuyết trình, sử dụng phần mềm máy tính là những kỹ năng không thể thiếu được của kỹ sư trong thời đại hiện nay.

Phóng viên: Trong hoạt động đào tạo, Khoa Xây dựng ứng dụng công nghệ BIM và chương trình đào tạo tiên tiến, theo hướng tiếp cận CDIO, có tính thực hành và khả năng ứng dụng cao. Cô vui lòng chia sẻ thêm về nội dung này?

PGS.TS Chu Thị Bình: Từ năm 2020, chương trình đào tạo của cả 4 chuyên ngành của Khoa được điều chỉnh theo hướng tiếp cận CDIO theo đó xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra, chú trọng cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cũng như kỹ năng mềm.

Nhờ vậy, sinh viên khi tốt nghiệp có khả năng ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào công việc ngay. Công nghệ BIM cũng như các kiến thức cập nhật cần thiết cho ngành xây dựng được đưa vào giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

Phóng viên: Về các thành tích của Khoa Xây dựng và các sinh viên trong những năm qua ra sao, thưa PGS?

PGS.TS Chu Thị Bình: Hàng năm, sinh viên của Khoa đều tham gia các kỳ thi quốc gia dành cho sinh viên ngành xây dựng như: kỳ thi Olympic Toán học sinh -sinh viên toàn quốc, kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc, Cuộc thi Sáng tạo vật liệu xây dựng, dự giải Loa Thành dành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành kiến trúc – xây dựng,…

khoa-xay-dung-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (4).jpg
Sinh viên Khoa Xây dựng đoạt giải cuộc thi "Sáng tạo xây dựng" được tổ chức vào năm 2023.

Năm nào các em cũng có đạt giải thưởng. Ví dụ như các năm 2022, 2023, 2024 sinh viên Khoa Xây dựng đạt giải Ba kỳ thi Olympic Toán, đạt giải Nhất, Nhì và Ba giải Loa Thành, nhiều Giải Nhì và Ba trong cuộc thi Olympic cơ học toàn quốc.

Phóng viên: Có những hoạt hoạt động ngoại khoá nào dành cho sinh viên của Khoa (nghiên cứu khoa học, thể thao…), thưa cô?

PGS.TS Chu Thị Bình: Khoa có hơn 20 nhóm sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học mỗi năm với nhiều đề tài thiết thực, giải quyết các vấn đề xã hội đang quan tâm, ví dụ như: Nghiên cứu sử dụng neo đất để ổn định chống trượt sâu cho công trình trên sườn dốc tại thị xã Sapa; Thiết kế dầm bê tông cốt thép chịu lửa, Nghiên cứu chế tạo vật liệu xây nhẹ không nung sử dụng phế thải xốp EPS;…

Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3, Khoa tổ chức Giải thể thao sinh viên Khoa Xây dựng thu hút được đông đảo sinh viên tham gia.

Năm 2024, các môn thi đấu Bóng đá, Kéo co, Cờ vua và Cầu lông được tổ chức. Thông qua Giải thể thao, các em sinh viên nâng cao tinh thần, rèn luyện thể chất đồng thời có dịp giao lưu, gắn kết tình bạn, thêm hành trang quý giá của thời sinh viên.

Phóng viên:Khoa có những chương trình học bổng nào dành cho sinh viên và tiêu chí của những học bổng đó ra sao, thưa thầy cô?

PGS.TS Chu Thị Bình: Ngoài học bổng khuyến khích học tập do nhà trường trao ở cuối mỗi học kỳ, Khoa thường xuyên vận động được tài trợ học bổng cho sinh viên từ các doanh nghiệp.

khoa-xay-dung-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (7).jpg
Sinh viên Khoa Xây dựng nhận phần thưởng và học bổng doanh nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Chính các cựu sinh viên khi đi làm được đánh giá cao về chuyên môn đã làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và sinh viên. Học bổng doanh nghiệp thường được trao vào 2 đợt trong năm: đầu năm học và trước khi nghỉ Tết Nguyên đán.

Vào đầu năm học, các sinh viên đạt các giải thưởng ở các kỳ thi quốc gia thường được chọn để trao học bổng. Các sinh viên có kết quả học tập xuất sắc và sinh viên hoạt động Đoàn tích cực cũng được xem xét.

Dịp cuối năm, ngoài các bạn có thành tích học tập cao, một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được doanh nghiệp tặng quà Tết, mang thêm niềm vui về với gia đình trong dịp sum họp đầu năm.

Trân trọng cảm ơn PGS!

An Nhiên