HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông và giải pháp để tăng công bố khoa học quốc tế

16/05/2023 06:24
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Định hướng trong năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thúc đẩy các công bố quốc tế tăng 15% so với các năm trước.

Đầu tư cho khoa học công nghệ, tăng cường các giải pháp để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước và đặc biệt là các công bố quốc tế là một trong những mục tiêu trọng tâm trong năm 2023.

Đây là định hướng đã được Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện công bố tại Hội nghị tổng kết các hoạt động của Học viện tổ chức cuối năm 2022.

Giai đoạn năm 2020 - 2022, Học viện có 411 công bố quốc tế với tổng số 267 bài báo ISI/Scopus (Năm 2020 là 137 công bố quốc tế với 91 bài báo ISI/Scopus, năm 2021 là 176 công bố quốc tế với 85 bài báo ISI/Scopus, năm 2022 là 98 công bố quốc tế với 91 bài báo ISI/Scopus). Định hướng trong năm 2023, Học viện tăng cường thúc đẩy các công bố quốc tế tăng 15% so với các năm trước.

Để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, trọng tâm là tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, tăng trưởng công bố quốc tế, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã mạnh mẽ thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

Xây dựng cơ chế pháp lý hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ: Cụ thể là ban hành chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ban hành các quy chế quy định hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ trong đó nhấn mạnh vào việc hỗ trợ các nghiên cứu khoa học có các bài báo quốc tế, ban hành các quy chế hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh, các lab nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng và tiến tới ban hành quy chế quy định về tính giờ nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên…

Định hướng trong năm 2023, Học viện tăng cường thúc đẩy các công bố quốc tế tăng 15% so với các năm trước. Ảnh: portal.ptit.edu.vn
Định hướng trong năm 2023, Học viện tăng cường thúc đẩy các công bố quốc tế tăng 15% so với các năm trước. Ảnh: portal.ptit.edu.vn

Tính đến tháng 5/2023, gần 30 giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện đã đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học có cam kết đầu ra là bài báo đăng tải trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus (Q1, Q2, Q3). Ngoài ra, số đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đang được giảng viên, nghiên cứu viên thực hiện là hơn 200 đề tài. Số lượng đề tài cấp Nhà nước đang được thực hiện là 02 đề tài. Số lượng đề tài sinh viên đang thực hiện là 146 đề tài trong năm 2023.

Các tạp chí khoa học công nghệ của Học viện được xuất bản hàng quý với các chuyên san về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, kinh tế và truyền thông để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động công bố khoa học trong nước của cán bộ giảng viên. Trong thời gian tới, Học viện tiếp tục xin cấp phép xây dựng chuyên san về kinh tế số để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế số hiện nay.

Tăng cường giải pháp về thu hút nguồn nhân lực: Tăng cường các chính sách ưu đãi về tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao (giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học có uy tín, các tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài có công trình công bố quốc tế nổi trội, các quản lý có năng lực tốt); thúc đẩy, thu hút chuyên gia, giảng viên quốc tế đến nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện; phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa những nhà khoa học, giảng viên của các đơn vị trong Học viện, thu hút nguồn lực cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu tại các Lab nghiên cứu.

Năm 2023, Học viện thành lập 03 Lab nghiên cứu chuyên sâu là Lab Báo chí truyền thông, Lab kinh tế số và Lab dữ liệu và hệ thống thông minh. Các Lab nghiên cứu tập trung thu hút nguồn nhân lực nghiên cứu chuyên sâu để tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng phục vụ cho Học viện và tiến tới thương mại hóa phục vụ xã hội.

Năm 2023, Học viện thành lập 03 Lab nghiên cứu chuyên sâu là Lab Báo chí truyền thông, Lab kinh tế số và Lab dữ liệu và hệ thống thông minh. Ảnh: portal.ptit.edu.vn

Năm 2023, Học viện thành lập 03 Lab nghiên cứu chuyên sâu là Lab Báo chí truyền thông, Lab kinh tế số và Lab dữ liệu và hệ thống thông minh. Ảnh: portal.ptit.edu.vn

Nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế được tổ chức. Tính đến thời điểm hiện tại, Học viện đã tổ chức được gần 10 hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về AI, Blockchain, Fintech, báo chí truyền thông, an toàn an ninh mạng ….. Các hội nghị hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo giảng viên, sinh viên Học viện. Dự kiến quý 4 năm 2023 sẽ tổ chức các hội thảo quốc tế RIVF tại Hà Nội và APCC (phối hợp với ĐH Western Sydney) tại Úc.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu: Tổ chức các hoạt động xúc tiến, trao đổi hợp tác với doanh nghiệp khoa học công nghệ, các tổ chức khoa học công nghệ, các đối tác nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm về nghiên cứu; hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu viên trao đổi nghiên cứu, giảng dạy ngắn hạn và dài hạn ở các nước phát triển.

Tính đến tháng 05/2023, Học viện đã tổ chức 06 đoàn cán bộ tham gia học hỏi, trao đổi hợp tác quốc tế các nước Nhật Bản, Áo, Singapore, Ấn Độ, Tây Ban Nha…. Các đoàn cán bộ đã trao đổi và ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trường đại học quốc tế từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo cho Học viện. Định hướng nửa cuối năm 2023, Học viện sẽ tiếp tục trao đổi, hợp tác với các trường đại học quốc tế tại Úc, Canada, Hàn Quốc…. tiến tới xây dựng mạng lưới Học viện tại khắp các quốc gia và châu lục thông qua hệ thống cựu sinh viên, học viên của Học viện.

Học viện đẩy mạnh hợp tác phát triển các quan hệ với các Tập đoàn doanh nghiệp, hiệp hội ICT và với các địa phương. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin Truyền thông và các Bộ liên quan, Học viện đã duy trì và phát triển các các hợp tác hiệu quả với các tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về ICT (Vietel, VNPT, MobiFone, VinGroup, CMC, FPT, Rạng đông….) và hàng trăm Doanh nghiệp ICT tại Việt Nam. Học viện phối hợp với các địa phương thực hiện các nghiên cứu khoa học, cung cấp giải pháp chuyển đổi số, các giải pháp về kinh tế số, định mức kinh tế kỹ thuật và nhiều giải pháp nghiên cứu khác như: Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Bình, Quảng Ninh…. Các hoạt động kết nối doanh nghiệp và địa phương đã tăng cường vị thế của Học viện, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng và hoạt động của Học viện nói chung.

Học viện đẩy mạnh ký kết hợp tác với các cơ sở giáo dục như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Quy Nhơn, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Khoa học Công nghệ – Đại học Huế… Nhiều cơ sở đào tạo đã đến học tập và tham quan mô hình chuyển đổi số của Học viện.

Ngoài ra, Học viện luôn chú trọng trong các hoạt động truyền thông, xúc tiến và quảng bá các sản phẩm khoa học công nghệ. Các sản phẩm nghiên cứu của Học viện đã được mang giới thiệu tại nhiều tỉnh, thành và tham gia các triển lãm xúc tiến thương mại của Bộ, ngành liên quan đến hoạt động ICT. Các tin, bài, các clip giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ được đăng tải trên các kênh truyền thông nội bộ và trên các báo chí, tạp chí của Bộ, Ngành, Trung ương.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và tài chính: Đầu tư ưu tiên cho các phòng thí nghiệm chuyên sâu, nghiên cứu mạnh, đầu tư cho các chương trình nghiên cứu, sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ tiềm năng. Tăng cường nguồn kinh phí chi cho hoạt động khoa học công nghệ và hướng tới xây dựng Quỹ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh họa: portal.ptit.edu.vn
Ảnh minh họa: portal.ptit.edu.vn

Trong năm 2023, nhiều cơ chế của Học viện về việc tăng nguồn kinh phí hỗ trợ các nghiên cứu mạnh, nghiên cứu chuyên sâu của Học viện, nhiều nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học được hỗ trợ từ các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài như Tập đoàn Naver (Hàn Quốc), Tập đoàn Qualcomm (Mỹ), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc)…

Các chương trình dự án, quốc tế như APT, NICT… Như vậy, hoạt động khoa học công nghệ của Học viện ngày càng được quan tâm và đầu tư không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế, từ đó nâng cao được vị thế của các nhà khoa học của Học viện trong mạng lưới các nhà khoa học thế giới.

Định hướng trong thời gian tới, Học viện tiến tới xây dựng Quỹ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của Quỹ để thực hiện cho việc đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Học viện như đầu tư máy móc trang thiết bị phục vụ cho phòng thí nghiệm, đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm….

Nhờ những kết quả tăng trưởng về nghiên cứu khoa học, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xếp thứ 20 tại Việt Nam theo điểm chung cuộc theo bảng xếp hạng năm 2022 của tổ chức SCIMAGO (tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học – Tây Ban Nha). Căn cứ theo các tiêu chí đánh giá của Webometrics (trang đánh giá xếp hạng trường đại học quốc tế uy tín), Học viện nằm trong Top 10 các trường Đại học tại Việt Nam trong năm 2022. Có thể thấy, Học viện đang ngày càng khẳng định được thương hiệu và uy tín trong nước và quốc tế trong các hoạt động chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện nhấn mạnh, liên tục phát triển và nâng cao vị thế của Học viện là mục tiêu mà Ban lãnh đạo Học viện cũng như tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên hướng tới. Tiếp tục phấn đấu đưa hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển hơn nữa. Không chỉ nghiên cứu trong nước mà luôn vận động tăng cường liên kết, hợp tác về khoa học và công nghệ với các nước khác tiến tới xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu.

Phúc Khang