Từ ngày 24/12/2022, Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực.
Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy và quản lý việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Thông tư. Trong đó, 3 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và ít nhất 1 môn học lựa chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý.
Dù trước mắt muốn học chương trình học 4 môn văn hóa như vậy để giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, khi đi tìm hiểu, tham gia tư vấn tuyển sinh, nhiều phụ huynh, học sinh thắc mắc rằng, sau nếu học sinh đã hoàn thành chương trình 4 môn văn hóa đó có nguyện vọng thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ phải học thêm những gì, học bao lâu để có thể lấy được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông,...
Đáng nói, trong quy định hiện hành lại chưa có hướng dẫn như vậy khiến một số trường lo rằng nhiều người học sẽ không lựa chọn vừa học nghề vừa học văn hóa tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, sẽ khó tiến tới được mục tiêu theo Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024 là phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Võ Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ khi Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực, trường đã triển khai giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trung cấp theo đúng quy định của Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT.
Qua thời gian tổ chức, nhà trường nhận thấy rằng, đã có nhiều học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn, đăng ký học trung cấp và học thêm khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT để học liên thông lên trình độ cao hơn.
Học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết học (Nguồn: Fanpage nhà trường). |
Đáng nói, khi các em học sinh lựa chọn vừa học trung cấp vừa học văn hóa 4 môn của nhà trường sẽ không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Việc này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường do đa số phụ huynh vẫn mong muốn con em mình vừa học trung cấp vừa học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, nhiều em lựa chọn học ở trung tâm giáo dục thường xuyên thay vì vào học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Do đó, thầy Thuận mong rằng, để tạo điều kiện cho học sinh hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT có thể dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cần nghiên cứu và có quy định đối với những học sinh đã hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xem học thêm những môn học nào, học trong bao lâu, học ở đâu,… để tạo thêm cơ hội cho các em có đủ điều kiện và được tham gia kỳ thi này.
Việc đưa ra quy định như vậy cũng sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu của nước ta là thu hút từ 50-55% học sinh trung học vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chia sẻ về lý do tại sao không lựa chọn kết hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa, cán bộ phòng đào tạo của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đối với học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở nếu vừa học nghề vừa học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông sẽ gặp một số khó khăn.
Bởi, phần học văn hóa do trung tâm giáo dục thường xuyên phụ trách, phần học trung cấp do trường nghề giảng dạy khiến quá trình tổ chức đào tạo gặp nhiều khó khăn, học sinh phải di chuyển giữa hai nơi để vừa học văn hóa và học nghề.
Cũng bàn về vấn đề trên, theo Thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, việc đào tạo chương trình văn hóa trong trường nghề theo quy định của Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT là 3 môn bắt buộc và 1 môn lựa chọn đã giúp cho học sinh đỡ áp lực và tập trung vào nghề học của mình tốt hơn. Sau khi học xong chương trình 4 môn, các em có thể học liên thông lên hệ cao đẳng.
Theo thầy Đông, đa phần học sinh khi lựa chọn học trường nghề thường không muốn học nặng văn hóa, chủ yếu mong muốn, thắc mắc về việc sau khi học xong trường nghề có thể thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không đến từ phụ huynh khi lựa chọn, cân nhắc chọn trường cho con. Tuy nhiên, số phụ huynh có nhu cầu, mong muốn này hiện không còn nhiều như trước kia.
Thầy Đông mong rằng, cần đẩy mạnh công tác phân luồng để người học khi lựa chọn vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp biết được rằng bản thân mình phù hợp với môi trường này, từ đó mới góp phần hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh học sinh sau trung học vào học nghề nhiều hơn của nước ta.