HN cần ưu tiên đất xây trường, đẩy mạnh xã hội hóa để giảm áp lực tuyển sinh

25/07/2023 08:58
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta đã mất một quá trình rất lâu dài để giảm sĩ số các lớp học từ 60-70 em/lớp xuống còn 45 em/lớp như hiện nay.

Liên quan đến việc giải bài toán thiếu chỗ học ở trường công, sau sức nóng từ tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Nội đã có đề xuất cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù trong tuyển sinh lớp 10.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị, mở thêm 5 lớp ở mỗi trường, sĩ số lớp từ 45 lên 50 ở khu vực nội thành và giáp ranh để tăng số học sinh vào lớp 10 trường công. Theo quy định hiện nay, số học sinh ở bậc trung học phổ thông là 45 em/lớp, kiến nghị tăng lên thành 50 em/lớp.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

“Là một giáo viên, cũng là một bậc phụ huynh, tôi không đồng ý với đề xuất của Hà Nội”

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho rằng các kiến nghị giải pháp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ là giải pháp tình thế, giảm sức nóng trước mắt, tuy nhiên nếu đề xuất này được thông qua cũng có nguy cơ sẽ tạo ra nhiều bất cập khác.

“Trên cương vị là một giáo viên, cũng là một bậc phụ huynh, tôi không đồng ý với đề xuất này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội”, thầy Tùng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo thầy Tùng, cách làm này của Sở Giáo dục Hà Nội mới chỉ giải quyết được vấn đề về số lượng, không giải quyết được vấn đề chất lượng. Không những vậy, các yếu tố về sức khỏe học sinh khi phải học trong một môi trường quá đông như vậy cũng là một lo lắng cần nghiêm túc xem xét.

“Khi nhìn vào mục tiêu lấy học sinh là trung tâm đã đặt ra từ trước, rõ ràng cách làm này đang đi ngược lại với những điều chúng ta đang hướng đến”, thầy Tùng trăn trở.

Sĩ số tăng lên, việc dạy và học sẽ bị ảnh hưởng. Chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) đang hướng đến tiếp cận, phát huy năng lực của học sinh, vì thế dạy học cần sát sao, đồng hành với mỗi học sinh.

Tiêu chuẩn cho lớp học 45 học sinh đã được quy định. Vẫn phòng học đó, khuôn viên đó, chúng ta tăng lên 50 học sinh mỗi lớp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và các hoạt động khác của nhà trường (khu vui chơi, phòng chức năng…). Mỗi trường thêm 5 lớp thì bài toán giáo viên, cơ sở vật chất cũng là bài toán khó khi mà hầu hết các trường nội thành đều không dư giả về diện tích.

Hơn nữa, với cách làm này, vị giáo viên bày tỏ lo ngại nếu được thông qua, như vậy sẽ tạo ra tiền lệ, sẽ có thêm các địa phương khác đề xuất tương tự khi gặp bài toán áp lực tuyển sinh. Kết quả, quy mô sĩ số mỗi lớp, mỗi trường lại “phình to” ra trở lại, lúc này chúng ta lại luẩn quẩn với bài toán chất lượng.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề áp lực tuyển sinh hiện nay ở Thủ đô, thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho rằng Hà Nội cần sớm có quy hoạch lại mạng lưới các trường, đầu tư xây thêm trường mới.

“Đầu tư cho giáo dục cần phải được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đang ráo riết thực hiện việc quy hoạch, xây thêm trường lớp. Tuy nhiên, thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc của Sở, ban ngành liên quan thì mới đẩy nhanh được tiến độ và hiệu quả kế hoạch”, thầy Tùng chia sẻ.

Đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh học tập tại trường tư

Cũng theo các chuyên gia, bên cạnh đó, cần tạo thêm các điều kiện về mặt chính sách, thậm chí cả về tài chính để hỗ trợ, đồng hành cùng khối các trường tư thục. Trường tư thục cũng góp một phần quan trọng giúp giải quyết nhu cầu học tiếp bậc trung học phổ thông của phụ huynh học sinh, giúp giảm tải áp lực tuyển sinh đầu cấp đối với các trường công.

Suốt hơn 30 năm qua, hệ thống các trường tư thục trên địa bàn thành phố đã có nhiều đóng góp giúp giải quyết nhu cầu học tiếp bậc trung học phổ thông của phụ huynh học sinh, giảm tải áp lực tuyển sinh đầu cấp đối với các trường công.

Tuy nhiên, các trường tư thục vẫn chưa được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ, gần như các đơn vị đều phải tự túc về mọi mặt từ xây dựng trường lớp, mua sắm cơ sở vật chất, trả lương cho cán bộ nhân viên, bồi dưỡng giáo viên, nộp thuế,...

Bởi vậy, chi phí học tập tại các trường tư thục thường cao hơn so với các trường công lập. Thầy Tùng đề xuất Nhà nước nên có thêm các chính sách hỗ trợ về học phí cho đối với học sinh trường tư nhằm tạo điều kiện cho các em được tiếp cận giáo dục đa dạng.

“Trong thời gian diễn biến dịch Covid-19, thành phố cũng đã có chủ trương thực hiện giảm 50% học phí cả năm học 2021 - 2022 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục, trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài (mức hỗ trợ tính chung theo mức học phí của trường công lập).

Về lâu về dài, nhà nước có thể xem xét thực hiện chính sách miễn giảm này để hỗ trợ thêm một phần chi phí cho học sinh học tập tại các trường tư thục”, thầy giáo nêu đề xuất.

Ngoài ra, theo thầy Tùng, cần đẩy mạnh thêm công tác định hướng, hướng nghiệp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Thực tế hiện nay, học sinh lựa chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vì “vạn bất đắc dĩ”.

Thầy Tùng nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thu hút học sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa hiệu quả.

Thứ nhất, chất lượng của hệ thống các trường nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh.

Thứ hai, tâm lý học sinh, phụ huynh vẫn còn đặt nặng vấn đề bằng cấp; Trong khi đó, nước ta hiện vẫn trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Do vậy, cần đẩy mạnh đầu tư cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống các trường nghề để đáp ứng được đòi hỏi thực tế, tạo sự yên tâm đối với người học. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức về học nghề - tất nhiên đây là một bài toán cần nhiều thời gian để giải quyết.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh

Cũng đồng tình với ý kiến của thầy Trần Mạnh Tùng, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhấn mạnh:

“Hà Nội phải trở thành một Thủ đô gương mẫu. Chúng ta đã mất một quá trình rất lâu dài để giảm sĩ số các lớp học từ 60-70 em/lớp xuống còn 45 em/lớp như hiện nay. Tôi cho rằng đây là một giải pháp tình thế để giải quyết áp lực trước mắt, tuy nhiên thành phố cần nhanh chóng xây thêm trường, trả lại sĩ số đúng theo quy định để học sinh và phụ huynh yên tâm học tập”.

Giải pháp xây dựng thêm trường mới cũng là cách giải quyết được Tiến sĩ Tùng Lâm đề xuất. Tuy nhiên, ông cho rằng, Hà Nội nên giao quyền tự chủ cho các quận, huyện - dựa trên tốc độ phát triển dân số của mỗi địa phương, khu vực để có phương án xây dựng bổ sung trường lớp chủ động, kịp thời.

“Phải ưu tiên đất cho việc xây dựng trường, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, có chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển các trường ngoài công lập. Tạo điều kiện giao đất sạch để phục vụ xây trường, không thể kéo dài việc làm thủ tục xin đất tới 4-5 năm”, ông trăn trở.

Bắc Sơn