Trường tư muốn giảm học phí nhưng không dễ, khó nhất là có đất xây trường

16/07/2023 07:20
Diệu An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  "Nếu chỉ nói đến bàn, ghế…, nhà trường có thể sắm được nhưng để mua đất xây dựng trường là không thể", Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan nói.

Câu chuyện học sinh ở Hà Nội cạnh tranh khốc liệt tranh suất vào lớp 10 trường công không phải năm nay mới xảy ra. Một trong những lý do mà nhiều gia đình muốn cho con vào trường công là học phí rẻ, nếu vào trường tư, không phải gia đình nào cũng sẵn sàng có kinh tế để đáp ứng được.

Các trường trung học phổ thông tư thục phải "tự lực cánh sinh" nên gặp rất nhiều khó khăn, nếu có cơ chế tốt để thành lập thêm các trường tư thục, cùng với đó có chính sách khuyến khích ưu đãi giúp giảm học phí thì câu chuyện tranh suất vào trường công tại các thành phố lớn sẽ giảm bớt.

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Thiều Trần Trung (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan, Đống Đa, Hà Nội) đã có những chia sẻ về sự chênh lệch giữa trường công với trường tư.

Theo đó, đối với trường tư, họ có 2 vấn đề đang phải đối mặt. Vấn đề đầu tiên là điều kiện về cơ sở vật chất. Nếu chỉ nói đến bàn, ghế…, nhà trường có thể sắm được nhưng để mua đất xây dựng trường là không thể.

“Vốn đầu tư để xây dựng trường rất lớn, đồng thời tiếp cận được khu đất để xây trường cũng không hề đơn giản. Hiện tại, nhà trường vẫn đang phải đi thuê cơ sở hạ tầng”, thầy Trung chia sẻ.

Hai là, chính sách phải làm làm sao để có được sự công bằng trong giáo dục công và tư. Nếu học sinh vào trường công lập, học phí các em hầu như không phải đóng hoặc đóng rất ít, trong khi đó cũng là đối tượng vào trường tư thục, học sinh sẽ phải lo toàn bộ chi phí. Đó là sự bất công.

Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan (Ảnh: Mạnh Đoàn)

“Đã là công dân, khi sinh ra phải bình đẳng. Luật Giáo dục cũng quy định học sinh được quyền học. Đối với trường công lập được nhà nước lo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, còn trường tư không được nhận gì. Thậm chí nếu nhà trường có doanh thu nhiều phải nộp thuế. Mọi chi phí của trường tư, phụ huynh phải chịu”, thầy Trung chia sẻ.

Về việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, trường tư vẫn phải tham gia như trường công. Chi phí cho hoạt động này, trường tư phải tự lo.

"Ngoài việc trả tiền thuê cơ sở hạ tầng, nhà trường còn phải trả chi phí cho giáo viên, mua sắm cơ sở vật chất… thì như đơn vị là không có lãi, không có tích luỹ", thầy Trung nói.

Lãnh đạo trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan cho rằng, để có lãi, về lâu dài nhà trường phải có đất và trường mới, đồng nghĩa phải tăng cường đầu tư. Đồng thời, nhà trường phải nâng cao chất lượng giáo dục nhất là chương trình hoạt động giáo dục cho các em, khi đó đơn vị mới tăng được khoản thu.

Thực tế, tại một số quận như Hoàng Mai… có đất được quy hoạch xây trường nhưng chủ đầu tư không xây dựng, do việc này không thu hồi vốn nhanh như bán nhà chung cư. Điều này là rất lãng phí.

Lãnh đạo trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan cho rằng, Thành phố phải có giải pháp để giải quyết vấn đề này. Cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, các trường phải ngồi với nhau. Trong bài toán này, không ai tự giải quyết được một phía.

Đồng quan điểm với thầy Trung, thầy Bùi Minh Tuấn (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trí Đức, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, vấn đề về quỹ đất xây dựng trường là vấn đề lớn với bất kể trường tư nào. Đối với nhà trường, có điều may mắn hơn trong vấn đề này.

Theo đó, Hội đồng quản trị nhà trường thuê đất của nhà nước trong vòng 50 năm để xây dựng. Đến nay, đơn vị đã thuê đất được 20 năm, việc hoạt động được đơn vị thu chi theo quy định pháp luật nhà nước về tài chính.

“Hằng năm nhà trường cũng bổ sung mua sắm cơ sở vật chất, nói chung đơn vị cũng đã đi vào ổn định, khi vấn đề lớn nhất là quỹ đất được giải quyết", thầy Tuấn chia sẻ.

Về việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên cho nhà trường, thầy Tuấn cho hay, nhà trường có 50% giáo viên cơ hữu, còn lại là giáo viên thỉnh giảng. Hằng năm, nhà trường cũng tham gia việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Nguồn vốn chi cho hoạt động này là của nhà trường chi trả.

“Ví dụ như giáo viên đi bồi dưỡng 8 tiết sẽ được nhà trường chi trả tiền tương đương với 8 tiết dạy học”, thầy Tuấn nói.

Còn đối với trường đại học tư thục, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, (Chủ tịch Hội đồng trường đại học Phú Xuân) cho hay, câu chuyện về chính sách nhà nước với trường công và trường tư không phải là mới. Trường công được nhà nước cấp kinh phí đầu tư, còn trường tư thì doanh nghiệp tự túc và thu về bằng học phí.

"Sự chênh lệch vẫn còn về việc bảo hộ, nếu như nhà nước có chính sách với trường tư, hỗ trợ sinh viên và học sinh thì như vậy mới bền vững, lâu dài như các nước trên thế giới", thầy Minh nói.

Hiện nay, nhà nước đang phải chi ngân sách thường xuyên, đầu tư cơ bản cho các trường đại học công lập. Trong khi đó, đối với với các nước khác, họ thường đầu tư cho cả sinh viên trường tư thục, vì sau này các em đều sẽ giúp ích cho đất nước.

Chia sẻ thêm về kinh phí chi trả cho đội ngũ giáo viên, thầy Thiều Trần Trung (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan) cho hay, chuẩn bị cho năm học mới, tới đây đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng đã đầy đủ, phần lớn là giáo viên cơ hữu (ký hợp đồng dài hạn), còn lại là giáo viên được tuyển thêm. Về nguồn tuyển, đó là giáo viên đang công tác tại trường khác chuyển về đơn vị và sinh viên mới tốt nghiệp.

Về mức lương, nhà trường phải đảm bảo cho giáo viên có nhiều việc làm để ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, giáo viên còn được hưởng chế độ riêng của nhà trường như nghỉ hè, giáo viên không giảng dạy nhưng vẫn được nhận phụ cấp tối thiểu 3 triệu đồng.

"Nghỉ hè, công việc dạy thêm tại trung tâm cũng không có nhiều hoặc giáo viên đi tìm công việc khác cũng khó phù hợp. Vì vậy, nhà trường phải tính đến điều này để hỗ trợ cho giáo viên để họ gắn bó với trường.

Mức lương trung bình của giáo viên trong một năm học khoảng 11-13 triệu đồng/tháng, tương đương với mức lương giáo viên mới ra trường dạy trường công lập khoảng 7-8 năm. Còn đối với giáo viên công tác thâm niên trong trường, mức lương của họ khoảng 15-16 triệu đồng/tháng. Nếu không, giáo viên không thể đảm bảo được chi tiêu khi sống ở trung tâm thành phố. Đây là bài toán khó, không phải dễ với trường tư", thầy Trung chia sẻ.

Ngoài chế độ trên, giáo viên còn được hưởng tháng lương thứ 13, chế độ lễ tết vẫn được đảm bảo. Đồng thời, giáo viên giảng dạy có năng suất tốt, tiền giảng dạy theo tiết sẽ được trả cao hơn. Theo đó, đã có giáo viên được 130-140 nghìn đồng/tiết dạy.

Lãnh đạo trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan nhận định, quan điểm của nhà trường là phải làm sao để đời sống giáo viên càng ngày càng được tốt lên.

Diệu An