Hành trình 55 năm Trường ĐHSPHN2: Giàu trí tuệ, cao văn hóa, đẹp lòng người

17/12/2022 13:22
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, hội nhập quốc tế, Trường ĐHSPHN2 nghiên cứu chuyển đổi mô hình trường ĐH đơn ngành thành trường ĐH đa ngành.

Sáng ngày 17/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập trường, 47 năm đào tạo tại Xuân Hòa và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Đọc diễn văn kỷ niệm 55 thành lập trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 bày tỏ: “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập (1967-2022), 47 năm xây dựng và phát triển tại Xuân Hòa (1975-2022) và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Lễ kỷ niệm cũng là dịp để thầy và trò qua các thế hệ hội ngộ, ôn lại những kỷ niệm và lịch sử truyền thống của nhà trường”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đọc diễn văn kỷ niệm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đọc diễn văn kỷ niệm.

Vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX, trước yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên cấp 2 và cấp 3 phổ thông theo phương hướng cải cách giáo dục, ngày 14/8/1967 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 128/CP chia tách Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành 3 trường đại học thuộc Bộ Giáo dục: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đảm nhiệm việc đào tạo giáo viên các môn khoa học tự nhiên. Trụ sở ban đầu của Trường đặt tại Cầu Giấy (Từ Liêm, Hà Nội). Ngay khi mới thành lập, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cùng với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn Hà Nội đã phải sơ tán về các vùng nông thôn do chiến tranh phá hoại. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn mọi mặt nhưng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học vẫn diễn ra bình thường, đạt được nhiều thành tựu.

Sau khi đất nước được hòa bình, thống nhất (1975), để đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông trung học, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, ngày 11/10/1975, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ký Quyết định số 872/QĐ về việc cải tổ xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để mỗi trường đều có các khoa đào tạo giáo viên cấp 3 xã hội và các khoa đào tạo giáo viên cấp 3 tự nhiên. Theo Quyết định này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã được xây dựng tại Xuân Hòa.

Trải qua 55 năm thành lập, 47 năm xây dựng và phát triển tại Xuân Hòa, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Nhà trường đã đào tạo và bồi dưỡng hàng vạn giáo viên, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý cho các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước. Nhiều sinh viên của Trường đā trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, nhà giáo ưu tú. Nghiên cứu khoa học đạt được nhiều thành tựu. Hợp tác quốc tế có bước phát triển đáng ghi nhận. Trường đã có quan hệ hợp tác với các quốc gia có nền giáo dục và khoa học tiên tiến như: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,... Tập thể nhà trường, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã được Chủ tịch nước, Chính Phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên, tặng những phần thưởng cao quý.

Với truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc tới những người thầy thuộc thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2”.

“Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hội nhập quốc tế, nhà trường đã triển khai xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Với triết lý giáo dục “Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập” làm kim chỉ nam thực hiện sứ mạng và tầm nhìn, Nhà trường tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu chuyển đổi mô hình trường đại học đơn ngành thành trường đại học đa ngành, trên cơ sở bài học thành công chuyển đổi mô hình đại học đơn ngành thành đại học đa ngành của một số trường đại học trong nước từ nguồn lực nội sinh của trường, nhu cầu và khả năng của đội ngũ viên chức trong trường, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Hai là, xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số nhà trường, tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng bộ; đầu tư số hóa học liệu và phát triển thư viện điện tử đáp ứng yêu cầu dạy học theo phương thức kết hợp; xây dựng và phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá, trong nghiên cứu khoa học, quản lý điều hành, hướng tới mô hình đại học thông minh.

Ba là, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý của nhà trường.

Bốn là, đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại đạt chuẩn khu vực, hội nhập và đáp ứng nhu cầu xã hội, từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế; gắn kết chặt chẽ với các trường phổ thông trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi chuyên môn; chú trọng đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học, ưu tiên khoa học giáo dục.

Năm là, tìm kiếm các cơ hội và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Nhân buổi lễ long trọng này, tôi thay mặt tập thể lãnh đạo Nhà trường được bày tỏ niềm tin rằng, với sự tâm huyết, phát huy truyền thống lịch sử 55 năm, đội ngũ nhà giáo, người lao động của nhà trường nhất định sẽ cùng nhau đoàn kết, nỗ lực cố gắng thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những trường đại học sư phạm chủ chốt, hàng đầu của cả nước” - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhấn mạnh.

Tri ân đến các thế hệ cán bộ giảng viên đi trước của nhà trường.

Tri ân đến các thế hệ cán bộ giảng viên đi trước của nhà trường.

Tiếp nối chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố Quyết định trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc thay mặt trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc thay mặt trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Thứ trưởng cho biết: “Tôi rất vui mừng trước sự đổi mới và phát triển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Trải qua 55 năm thành lập và phát triển, tập thể nhà rường đã có sự phấn đấu và quyết tâm rất cao, vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển vì mục tiêu chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực trung du miền núi phía Bắc, đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo, cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của Trường Đại học Sư phạm 2.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của Trường Đại học Sư phạm 2.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, với vị thế là một trong các trường đại học sư phạm chủ chốt của cả nước, trường đã tích cực tham gia đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo tinh thần đổi mới và hội nhập quốc tế. Trường đã hưởng ứng và đạt được những kết quả tốt... Trường đã tạo được chuyển biến quan trọng trong tổ chức bộ máy quản trị, quản lý nhà trường, tập trung đội ngũ nhà giáo, cán bộ viên chức về số lượng, trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng đào tạo nhất là các ngành sư phạm, thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ của ngành, của Nhà nước, mở rộng hợp tác quốc tế.

Hiện tại, trường đang đào tạo gần 8.000 sinh viên hệ chính quy, học viên sau đại học và nghiên cứu sinh, với 24 ngành cử nhân, 17 chuyên ngành thạc sĩ, 5 chuyên ngành tiến sĩ.

Trong 55 năm qua,Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là ngành sư phạm cho đất nước. Trong số hơn 40.000 giáo viên, gần 3.000 thạc sĩ và hàng chục tiến sĩ đã tốt nghiệp tại trường, có nhiều người thành đạt, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước các bộ ban ngành Trung ương và địa phương. Nhiều người trở thành nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, giảng viên giỏi, giáo viên giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành, nhà quản lý... Điều này góp phần khẳng định vị thế của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tặng hoa chúc mừng nhà trường.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tặng hoa chúc mừng nhà trường.

“Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, và yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tôi xin gửi đến một số gợi ý về định hướng phát triển trường trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy mục tiêu chất lượng hội nhập quốc tế, chúng ta phải đổi mới đào tạo từ chương trình, nội dung, phương pháp và học tập kinh nghiệm quốc tế, thực hiện kiểm định nghiêm túc. Ngoài đào tạo, chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Đối với các trường đào tạo sư phạm, nghiên cứu khoa học là rất quan trọng. Đề nghị nhà trường tích cực tham gia Đề án 89 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay đang triển khai để tăng đào tạo tiến sĩ trong nước cũng như nước ngoài cho toàn bộ đội ngũ giảng viên, đặc biệt những ngành đào tạo giáo viên của nhà trường, đẩy mạnh đổi mới chất lượng đào tạo của chúng ta.

Các đơn vị chúc mừng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Các đơn vị chúc mừng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để nhà trường chuẩn bị cơ sở tốt nhất, trở thành một trong các trường đào tạo sư phạm trọng điểm và trong nhóm 8 trường tham gia vào VSTEP thời gian qua.

Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ tiếp tục đi lên mạnh mẽ, phát triển bền vững, xây dựng và phát triển nhà trường đáp ứng những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao hơn về phát triển nền giáo dục Việt Nam, về đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực, cho đất nước, có hiệu quả và đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo nước nhà” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Đức đại diện cho đội ngũ giảng viên nhà trường phát biểu chia sẻ cảm nhận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Đức đại diện cho đội ngũ giảng viên nhà trường phát biểu chia sẻ cảm nhận.

Sinh viên Nguyễn Thị Ngân (K45 khoa Tiếng Trung Quốc) thay mặt sinh viên, học viên toàn trường gửi lời tri ân đến các thầy cô.
Sinh viên Nguyễn Thị Ngân (K45 khoa Tiếng Trung Quốc) thay mặt sinh viên, học viên toàn trường gửi lời tri ân đến các thầy cô.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc do thầy và trò nhà trường biểu diễn:

Ngân Chi