Hàng chục cuộc thi, thời gian đâu HS đầu tư phát triển năng lực, phẩm chất?

04/09/2023 06:40
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giảm bớt các cuộc thi chính là giảm tải cho cả thầy và trò, giúp học sinh có thời gian hoạt động, thầy có thời gian bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho học trò.

Phẩm chất là gì? Năng lực là gì? Làm sao để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân, của học trò? Đó là câu hỏi của không ít giáo viên hiện nay?

Phẩm chất có thể hiểu một cách đơn giản nhất, đó là tư cách và tính cách của một con người, hay còn gọi là tư cách đạo đức trong con người. Phẩm chất là đặc trưng của từng cá nhân, là bản chất thực của con người.

Năng lực được hiểu đơn giản nhất, chính là khả năng của mỗi người để có thể làm tốt được một việc gì đó.

Chương trình 2018 được kì vọng sẽ phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực cho người học. Cụ thể, 5 phẩm chất: Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực, Trách nhiệm.

Trong 10 năng lực, có 03 năng lực chung: năng lực tự chủ, tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; 07 năng lực chuyên môn: năng lực tìm hiểu tự nhiên xã hội, năng lực công nghệ, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực tin học, năng lực tính toán và năng lực ngôn ngữ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, các phẩm chất, năng lực đó làm sao để phát triển và thước đo nào để đánh giá là điều khiến người viết bài này băn khoăn. Cùng với đó, thực tế hiện nay, nhà trường, thầy cô, học sinh có rất nhiều việc làm mà theo người viết là điều khiến thầy cô, học trò bị "phân tâm". Một năm cả chục cuộc thi, học sinh còn đâu thời gian phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân?

Năm đầu tiên đi dạy, sau cuộc họp hội đồng sư phạm, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Hùng, một giáo viên mới ra trường đang công tác tại phía Nam chia sẻ: “Lần đầu tiên trong đời tôi được họp hội đồng sư phạm đầu năm học, nó khác hẳn những gì mình tưởng tượng khi đang là sinh viên.

Cái bất ngờ, cái mà bản thân thấy “tá hỏa” nhất chính là các cuộc thi mà học sinh, giáo viên phải tham gia trong năm học 2023-2024.

Bất cứ học sinh nào cũng phải tham gia 2 lần kiểm tra giữa kì, 2 lần kiểm tra cuối kì; ngoài ra còn có các cuộc thi: Học sinh giỏi văn hóa cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; chạy xe thủy lực, quyển sách tôi yêu, lịch sử trường em, Olympic tiếng Anh, hùng biện tiếng Anh, Khoa học kĩ thuật, Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng …

Thầy cô giáo có các cuộc thi: giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh …

Nhìn vào kế hoạch các cuộc thi, tôi có cảm giác giáo dục mình chỉ dạy cho học sinh đi thi chứ không phải để phát triển phẩm chất, năng lực.

Giờ đi dạy, thấy học sinh, thầy cô thi chẳng khác mấy khi mình đi học, đầy áp lực".

Không ít giáo viên cũng có cảm xúc tương đồng về các cuộc thi mà học sinh, giáo viên phải tham gia trong năm học 2023-2024.

Vậy học sinh, giáo viên không tham gia các cuộc thi trong năm học được không?

Câu trả lời ngay và luôn là: không, ngoài 2 lần kiểm tra giữa kì, 2 lần kiểm tra cuối kì mà bất cứ học sinh nào cũng phải tham gia để kiểm tra đánh giá, các cuộc thi còn lại mang tính “phong trào”, thậm chí là các cuộc thi của công ty triển khải nhưng các nhà trường vẫn tổ chức và tham gia .

Người viết đã từng chứng kiến những cuộc thi khá "kỳ lạ" khi học sinh chuyền tay nhau đáp án, chép lại vào bài làm, nộp theo lớp, theo trường.

Chính tỷ lệ học sinh tham gia trong một số cuộc thi là một trong số cơ cấu của giải thưởng, chấm thi theo số lượng, đã làm cho cuộc thi phản giáo dục. .

Để đảm bảo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học, người viết có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, các cuộc thi học sinh giỏi văn hóa ở bậc trung học cơ sở không nên tổ chức. Nếu tổ chức thi học sinh giỏi văn hóa ở bậc trung học cơ sở chỉ nên tổ chức ở lớp 9.

Có ý kiến cho rằng, thi học sinh giỏi đâu phải bắt buộc, đâu phải tất cả học sinh tham gia, cần gì dừng.

Thực tế, để chọn học sinh đi thi, để học sinh đạt kết quả, có thành tích, giáo viên không thể dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, mà phải dạy theo kiểu luyện gà nòi, giải bài theo mẫu, tủ bài, nên bỏ thi học sinh giỏi là loại bỏ phương pháp dạy học tiêu cực ra khỏi lớp học.

Thứ hai, đề kiểm tra, đề thi phải hướng đến kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực người học trong việc ứng dụng kiến thức vào thực tế để định hướng dạy và học, học để làm.

Thứ ba, bỏ thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thay vào đó bằng tổ chức cuộc thi dạy trực tuyến do giáo viên tự quay video, công khai trên cổng thông tin điện tử của Phòng, Sở, Bộ, kết quả cuộc thi có thể do một ban giám khảo chấm, cùng với đó là người xem đánh giá.

Tổ chức cuộc thi dạy trực tuyến cho giáo viên có nhu cầu, không bắt buộc, giáo viên tự quay video công khai trên cổng thông tin điện tử của Phòng, Sở, Bộ, sẽ xây dựng được nguồn học liệu cho học sinh và giáo viên tham khảo miễn phí.

Học sinh có thể tự học miễn phí qua hướng dẫn của bài thi giáo viên đã quay, đồng nghiệp có thể xem, học hỏi, áp dụng.

Làm như thế cuộc thi giáo viên dạy giỏi mới vì giáo dục, kết quả khách quan, minh bạch, người đạt, người không đạt đều vui vẻ, loại bỏ hầu hết tác động tiêu cực của cuộc thi giáo viên dạy giỏi.

Thứ tư, các cuộc thi, kiểm tra, không mang tính bắt buộc, không được đưa vào xét thi đua giữa các đơn vị, tránh sự ganh đua, tham gia đối phó, không có tác dụng giáo dục.

Thứ năm, cấm tuyệt đối các cơ sở giáo dục dùng nguồn lực của các trường tổ chức thi cho các tổ chức, công ty nằm ngoài hệ thống cuộc thi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các cơ sở giáo dục dùng nguồn lực của mình tổ chức thi cho tổ chức, cá nhân khác, nhưng giáo viên không có chế độ sẽ gây nên áp lực không đáng có với giáo viên và học sinh.

Giảm bớt các cuộc thi chính là giảm tải cho cả thầy và trò, giúp học sinh có thời gian hoạt động, thầy cô có thời gian bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho học trò.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh