Dùng nhân sự, trường lớp phục vụ sân chơi Violympic: Bộ GD&ĐT cần làm rõ

24/08/2023 09:30
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH và chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD&ĐT cần làm rõ có hay không việc “mượn danh” Bộ để tổ chức cuộc thi Violympic?

Có hay không việc “mượn danh” Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi?

Các vấn đề xung quanh việc tổ chức sân chơi Violympic cũng như các sân chơi, cuộc thi trên mạng khác do các công ty triển khai trong trường học được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thời gian qua hiện vẫn đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh, các chuyên gia.

Mặc dù là cuộc thi của công ty tư nhân tổ chức, nhưng như chính website của sân chơi này đăng tải thông tin về sự kiện Lễ tôn vinh và trao giải Cuộc thi giải Toán và Vật lý qua Internet (Violympic) năm học 2021 – 2022, qua 15 năm triển khai, Violympic tiếp lửa niềm đam mê toán học và tạo cơ hội tiếp cận công nghệ số cho 40 triệu học sinh cả nước [1]. Theo bảng xếp hạng ở trang chủ của website này, 63 tỉnh thành/phố trên cả nước đều có học sinh tham gia sân chơi này.

Đáng nói, qua tìm hiểu của phóng viên mặc dù là sân chơi do công ty triển khai nhưng nhiều Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục lại dùng nhân sự, cơ sở vật chất, thậm chí cả thời gian trong năm học để tổ chức sân chơi này.

Đáng nói, tại công văn Công văn 350/CV-FPT của Công ty Cổ phần FPT về việc tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh phổ thông, có nêu: “Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, vui lòng liên hệ với đại diện Ban tổ chức”. Và 1 trong 2 đại diện Ban tổ chức được nêu trong công văn là ông Phạm Đức Tài - Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) với địa chỉ email cơ quan công tác, được ghi chú trong công văn là trả lời thắc mắc về “chủ trương, định hướng”.

Công văn số 350/CV-FPT của Công ty Cổ phần FPT được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi chuyển đến các trường. Ảnh: Mạnh Đoàn.

Công văn số 350/CV-FPT của Công ty Cổ phần FPT được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi chuyển đến các trường. Ảnh: Mạnh Đoàn.

Trong khi, trước đó, năm 2017, khi báo chí đăng tải nhiều bài viết liên quan đến các vấn đề từ các cuộc thi trên mạng, thời điểm tháng 8/2017, ông Nguyễn Xuân Thành - khi đó là Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không tham gia vào việc tổ chức các cuộc thi trên mạng.

Chính vì vậy, những dấu hỏi xung quanh các văn bản liên quan về việc tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh phổ thông của Bộ, Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều vấn đề cần làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ: “Trước tiên, tôi cho rằng, các cơ sở giáo dục khi cho học sinh tham gia vào bất kỳ cuộc thi nào cũng cần phải tìm hiểu tường tận mọi thông tin xoay quanh, từ đơn vị chủ trì, cơ quan cấp phép, đến quá trình tổ chức cuộc thi với quy mô, hình thức, quy trình...

Mặt khác, trên nguyên tắc, khi đã có những phản hồi từ phụ huynh về những băn khoăn đối với cuộc thi, các nhà trường, các phòng, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phải có ý kiến lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải có ý kiến chính thức, phải lên tiếng nếu đây không phải chủ trương của Bộ”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải có ý kiến chính thức làm rõ các vấn đề xung quanh việc dùng nhân sự, cơ sở vật chất của các trường học vào việc tổ chức cuộc thi. Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải có ý kiến chính thức làm rõ các vấn đề xung quanh việc dùng nhân sự, cơ sở vật chất của các trường học vào việc tổ chức cuộc thi. Ảnh: NVCC.

Phân tích cụ thể hơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đề cập: “Trong công văn của Công ty Cổ phần FPT đã đề cập đến ông Phạm Đức Tài - Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) như một “địa chỉ” để giải đáp về định hướng, chủ trương của sân chơi Violympic.

Vậy, phải làm rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trao trách nhiệm cho ai, đại diện cho Bộ, chỉ đạo tổ chức cuộc thi này hay không?

Trong trường hợp này, cần phải xác minh rõ, ông Phạm Đức Tài có vai trò như thế nào, có trách nhiệm trong việc tổ chức cuộc thi này hay không? Tức là, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm rõ, có giao cho ông Phạm Đức Tài nhiệm vụ này không, hay chỉ là Công ty Cổ phần FPT tự đưa tên ông Phạm Đức Tài vào công văn trên”.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cũng nhìn nhận: “Thực tế, cũng có những cuộc thi mặc dù do công ty tư nhân tổ chức nhưng khi “chào hàng”, lại có thông tin thể hiện rằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý.

Chính vì những thông tin như vậy, nên khi Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như cơ sở giáo dục ở mỗi địa phương nghe thấy có Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì đều tham gia cuộc thi.

Ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi, đây phải chăng là hình thức “mượn danh” Bộ để tổ chức, rõ ràng cần phải được làm rõ?”.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: NVCC.

“Đối với các cuộc thi như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không những không chỉ đạo các Sở, phòng, hay cơ sở giáo dục tham gia vào các khâu tổ chức, mà còn phải có một văn bản chấn chỉnh, thắt chặt các cuộc thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực sự vào cuộc, không thể đứng ngoài. Đồng thời, cũng cần hạn chế các cuộc thi qua mạng tràn lan vào các trường học.

Tại sao lại để các trường phổ thông phải tập trung nguồn lực từ cơ sở vật chất đến nhân sự để tổ chức một cuộc thi của tư nhân như vậy? Thậm chí, sử dụng cả thời gian học tập chính thức trong năm học để tổ chức cuộc thi này. Trong khi đó, chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn chưa đồng đều, ở vùng thuận lợi và khó khăn vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Hiện tại, ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng không thuận lợi, thậm chí còn chưa được trang bị đủ máy tính để học tập, có khi thầy cô còn phải đưa máy tính cá nhân đến cho học sinh sử dụng để tham gia cuộc thi. Những cuộc thi như vậy vừa mang tính hình thức lại vừa gây áp lực cho trẻ” - nữ đại biểu chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, Đại biểu Hồ Thị Minh cũng cho rằng: “Theo tôi, quan trọng nhất lúc này là toàn ngành cần tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới một cách toàn diện. Trong lúc triển khai chương trình mới còn gặp muôn vàn khó khăn, trong lúc vấn đề bạo lực học đường vẫn còn nhức nhối ở một số nơi, mà tốn công sức vào mấy cuộc thi này, chính là coi nhẹ chất lượng giáo dục”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chính thức lên tiếng

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục, cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Violympic do một công ty tư nhân đứng ra tổ chức, và về mặt nào đó cũng có một phần ý nghĩa về mặt giáo dục. “Tuy nhiên, với các công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng vô tình khiến “người bên ngoài” nhìn vào như đây là cuộc thi chính thức của Bộ tổ chức. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai, các Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo đến các cơ sở giáo dục cũng nếu "chuyển hóa" qua các văn bản chỉ đạo dễ bị hiểu thành một dạng cuộc thi chính thức” - ông lý giải.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng nhấn mạnh, các nhà trường chỉ nên giữ sân chơi này như một hoạt động ngoại khóa, không trở thành bắt buộc tổ chức với tất cả các trường.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương - Cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương - Cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi.

Ông nhấn mạnh: “Có lẽ, về mặt truyền thông, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chính thức lên tiếng, khẳng định đây là hoạt động mang tính giáo dục nhưng không bắt buộc và các cơ sở giáo dục có thể sử dụng như một phần hoạt động ngoại khóa. Còn việc cấm hay dừng tổ chức sân chơi này thì rất khó, dù sao cũng mang tính tự nguyện của các địa phương, các nhà trường.

Tuy nhiên, có một điều, các cơ sở giáo dục cũng như các cơ quan quản lý giáo dục không nên sử dụng số lượng, tỉ lệ học sinh tham gia hay kết quả cuộc thi, làm tiêu chí trong việc thi đua, đánh giá, xem xét, xếp loại thành tích...

Bởi vì, tôi sợ rằng, đâu đó sẽ có người sử dụng sân chơi Violympic này như một tiêu chí để đánh giá thi đua, gây áp lực cho các nhà trường cũng như các phòng Giáo dục và Đào tạo..., buộc phải tổ chức”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://violympic.vn/news/detail/6125/22

Thành An