Chia sẻ với Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tại buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều giáo viên, lãnh đạo các trường phổ thông đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như có kiến nghị trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mong sớm có hướng dẫn thi tốt nghiệp năm 2025
Trao đổi tại chương trình, cô Nguyễn Phương Thanh - tổ phó chuyên môn phụ trách môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An cho biết, trải qua một học kỳ, học sinh và giáo viên đã thích ứng được với việc dạy và học theo chương trình mới, các em đều thể hiện được phẩm chất người học là chủ động, tích cực, sáng tạo, tự tin hơn trước những phong trào hoạt động ngoại khoá.
Cô Nguyễn Phương Thanh - Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Ảnh: Thế Đại |
Tuy nhiên, về việc chọn môn học lựa chọn, dù nhà trường đã tổ chức trao đổi, thảo luận với phụ huynh, học sinh từ sớm thì vẫn có những học sinh chọn theo cảm tính, sau đó có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn.
Ở góc độ chuyên môn, cô Thanh cho biết, hiện nay, học sinh các trường dùng những bộ sách khác nhau nên rất cần được định hướng về yêu cầu cần đạt. Vì vậy rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có quy định về chuẩn đầu ra đối với học sinh học theo chương trình mới, cùng với đó là định hướng thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để học sinh yên tâm học tập, giáo viên đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho các em.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Ảnh: Thế Đại |
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An cũng nêu quan điểm: “Hiện chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa hay nhưng ở mỗi bộ sách vẫn có nội hàm khác nhau. Các giáo viên bộ môn đã trao đổi với nhà trường cần chuẩn đầu ra chung để tổ chức dạy học hiệu quả, vì năng lực và phẩm chất người học sẽ hình thành trên cơ sở những chuẩn chung đó.
Nhà trường cũng nhận được câu hỏi của nhiều học sinh và phụ huynh liên quan đến phương án thi tốt nghiệp năm 2025, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố và có hướng dẫn về phương thức tổ chức thi tốt nghiệp với lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình mới”.
Đồng quan điểm với lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, cô Bùi Thanh Hoa - giáo viên môn Hóa học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều cũng cho rằng, các trường đánh giá đầu ra theo kỳ thi tốt nghiệp và kết quả tuyển sinh đại học, vậy nên cần công bố chuẩn đầu ra của khóa học sinh lớp 10 năm nay.
Cô Bùi Thanh Hoa - giáo viên môn Hóa học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều. Ảnh: Thế Đại |
Đối với kỳ thi tốt nghiệp, hình thức, cách thức tổ chức thi như thế nào, phạm vi ôn tập theo sách giáo khoa hay cả sách chuyên đề nâng cao, nội dung chương trình lớp 12 hay dàn trải cả 3 năm học? Và việc xét tuyển đại học thay đổi ra sao? Những nội dung này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có hướng dẫn, chỉ đạo để giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy, học tập.
Theo cô Hoa, chương trình mới, sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm, khắc phục được sự quá tải của chương trình 2006, cập nhật nhiều kiến thức mới, phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ hiện nay, đồng thời tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên còn hạn chế là sách giáo khoa còn những chỗ dài dòng, nhiều chữ. Cùng với đó là hạn chế về thiết bị cũng như hóa chất, dụng cụ theo chương trình mới chưa được trang bị.
Thay đổi quản trị nhà trường khi thực hiện chương trình mới
Trao đổi về thực hiện chương trình mới, cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trung học phổ thông Trần Phú đã chia sẻ về 4 thay đổi trong quản trị nhà trường.
Cụ thể, thứ nhất, Trường Trung học phổ thông Trần Phú đã thay đổi văn hóa trong nhà trường. Nếu trước đây văn hoá nhà trường là thực hiện phân công và thực hiện nhiệm vụ thì khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới, thực hiện phân công nhiệm vụ thì sẽ gây khó khăn, không phát huy được nội lực, sở trường của mỗi thầy cô giáo.
Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trung học phổ thông Trần Phú. Ảnh: Thế Đại |
Nhà trường đã chuyển sang văn hoá xung phong, trên tinh thần hiểu biết về chương trình mới và với thế mạnh của giáo viên, thầy cô sẽ xung phong, từ đó, ban giám hiệu phân công nhiệm vụ cho phù hợp.
Thứ hai là xã hội hoá hoạt động dạy học trong nhà trường. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới về nội dung, cụ thể như giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Ví dụ dạy về giáo dục địa phương bao gồm các lĩnh vực văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, tệ nạn xã hội,... nếu chỉ chọn 1 thầy cô dạy 1 môn học nào đó đảm nhận dạy về giáo dục địa phương thì sẽ khó đáp ứng được.
Nhà trường xã hội hoá bằng cách mời cha mẹ học sinh là chuyên gia của các lĩnh vực đó để phụ huynh cộng tác với trường. Thực tế, đã có nhiều phụ huynh là các chuyên gia, giảng viên đại học của một số lĩnh vực đã sẵn sàng đồng hành cùng trường giảng dạy các nội dung trong chương trình mới.
Thay đổi thứ ba trong quản trị nhà trường là không xếp thời khóa biểu cứng như chương trình giáo dục phổ thông 2006, đặc biệt những nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, những chuyên đề dạy học sẽ không xếp thời khóa biểu theo tuần. Nhờ vậy các em học tập vui vẻ, phát huy sáng tạo, có giờ học ngoài sân, có giờ học ở bảo tàng, đi đến các viện nghiên cứu, nhà máy,...
Thứ tư là giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhà trường đã liên kết với một trường phổ thông trên địa bàn trong cụm để trao đổi giáo viên.
Cụ thể, Trường Trung học phổ thông Trần Phú thiếu giáo viên môn Thể dục, An ninh quốc phòng nên đã mượn giáo viên của Trường Trung học phổ thông Việt Đức. Đồng thời, nhà trường cũng đáp ứng giáo viên môn Hóa học, Giáo dục kinh tế và pháp luật cho Trường Trung học phổ thông Việt Đức khi trường này thiếu. Quá trình cho mượn giáo viên, nhà trường có một phần kinh phí nhỏ trong quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ cho thầy cô.
Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thành công, theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, cần truyền thông tích cực hơn về những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vì dù đã có văn bản chỉ đạo từ các cơ quan quản lý, các trường tổ chức trao đổi chia sẻ với phụ huynh học sinh từ sớm nhưng thời điểm cuối năm lớp 9, hầu hết các học sinh và phụ huynh chỉ quan tâm đến việc thi đỗ vào lớp 10 nên không quan tâm nhiều đến điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Tôi cũng kiến nghị các trường sư phạm cần chú trọng đào tạo sinh viên hiểu chắc, hiểu đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt, phải biết xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, xây dựng kế hoạch bài học. Bởi khi tiếp cận với sinh viên thực tập, tôi thấy các em chưa nắm chắc những vấn đề này. Đây cũng là vấn đề quan trọng để chúng ta thực hiện chương trình mới thành công", cô Nhiếp cho hay.