Giáo viên vui mừng khi không còn phải in giáo án chỉ để ký

12/11/2022 06:40
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên được chọn một trong 2 hình thức in giáo án ra giấy để ký duyệt hoặc để giáo án đã soạn ngay trong máy tính cho nhà trường kiểm tra.

Hồ sơ sổ sách mà đặc biệt là giáo án luôn là áp lực bủa vây giáo viên. Ngoài những quy định chung về việc soạn giảng thì mỗi địa phương, mỗi trường học thường đề ra một số luật lệ riêng khiến cho người thầy mất nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí cho những trang giáo án.

Nhận thấy rõ những bất cập trên, nhằm giải phóng cho thầy cô khỏi tốn thời gian vô ích để chú tâm cho công việc nghiên cứu bài dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều quy định về cách sử dụng giáo án trong nhà trường.

Nhiều chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép giáo viên sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử

Ngày 18/01/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Chỉ thị nêu rõ:

Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.

Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông”.{1}

Khoản 4, Điều 21, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, cũng quy định rõ ràng:

Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm: Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.

Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.{2}

Bên cạnh đó, Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030" cũng đã nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của yếu tố công nghệ thông tin đến quá trình chuyển đổi số giáo dục và đào tạo.

Giáo án được soạn và để ngay trong máy mà không phải in ra để ký (Ảnh minh hoạ của tác giả)
Giáo án được soạn và để ngay trong máy mà không phải in ra để ký (Ảnh minh hoạ của tác giả)

Nhiều địa phương vẫn chưa thay đổi, giáo viên vẫn phải in giáo án chỉ để kiểm tra và ký, một sự lãng phí không hề nhỏ

Những chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất rõ ràng khi cho phép giáo viên chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.

Từng bước tiến tới việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành...

Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn chưa mạnh dạn thực hiện. Giáo viên ở nhiều nơi dù được soạn bài trên máy tính nhưng vẫn phải in ra chỉ để kiểm tra và ký duyệt.

Có trường hợp, những trang giáo án còn mới tinh, thơm mùi giấy mới chỉ sau một ngày được Ban giám hiệu ký duyệt đã cũng nằm chung chỗ với đống giấy vụn trong những hàng đồng nát vì không thể sử dụng lại nữa.

Nếu như giáo án của chương trình cũ, mỗi tuần giáo viên chỉ soạn khoảng 10 đến 15 tờ giấy A4 thì với giáo án soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đặc biệt là soạn theo hướng dẫn của Công văn 5512) phải dài gấp chục lần như thế.

Có thầy cô giáo cho biết, mỗi bài soạn dài gần chục trang (thậm chí dài hơn), mỗi tuần có thầy cô phải soạn hàng trăm trang giáo án. Nếu tính một năm học (35 tuần) thì số giấy phải in ra của một giáo viên cũng ngót nghét cả gam giấy A4.

Nhiều thầy cô bày tỏ, chỉ nghĩ đến chuyện phải in giáo án ra để nộp đã thấy ngợp đến thế nào.

Nhiều giáo viên Bình Thuận vui mừng vì đã không còn phải in giáo án để ký

Tin vui là ở một số trường tiểu học ở thị xã La Gi hiện nay đã không còn phải in giáo để ký.

Một đồng nghiệp của người viết giảng dạy tại Trường Tiểu học Phước Lộc 2, thị xã La Gi cho biết: "Ngay từ năm học 2021-2022, nhà trường đã cho phép giáo viên được chọn một trong 2 hình thức in giáo án đã soạn ra để ký duyệt hoặc để giáo án đã soạn ngay trong máy tính cho nhà trường kiểm tra.

Điều kiện để giáo viên chọn soạn giáo án trong máy vi tính mà không in ra để ký phải có laptop đi dạy, nhà trường có thể kiểm tra giáo án bất cứ lúc nào cũng phải có".

Cũng trong năm học này, trường Phước Lộc 2 được phòng giáo dục thanh tra toàn diện. Phần kiểm tra hồ sơ sổ sách, đoàn kiểm tra cũng chấp nhận giáo viên để giáo án trong máy vi tính mà không yêu cầu phải in ra như nhiều năm trước đây.

Thông tin trên được nhiều thầy cô giáo chia sẻ, hiệu ứng tích cực được lan toả. Cũng trong năm học này, nhiều trường học trong thị xã (trong đó có trường tôi - Trường Tiểu học Tân An 1) hiệu trưởng cũng phổ biến quy định giáo viên được chọn hình thức trình bày giáo án và chọn cách in ra hoặc để trong máy tính cá nhân.

Ngay sau đó, tổ chuyên môn của tôi cũng đã thống nhất các thành viên soạn giáo án bằng đánh máy và không in ra. Tổ trưởng đã lập một địa chỉ chung và yêu cầu giáo viên sau khi soạn xong (giáo án được soạn trước một tuần giảng dạy) sẽ gửi về địa chỉ tổ để tổ trưởng chuyên môn duyệt.

Ưu điểm của hình thức này là, giáo viên đỡ mất công in ấn, đỡ tốn một khoản tiền giấy, mực. Điều nhận được lớn hơn khi được tổ chuyên môn góp ý về nội dung, phương pháp hay hình thức tổ chức tiết học trong bài soạn, các thầy cô giáo cũng thuận lợi hơn trong việc bổ sung, chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, sang năm học mới, giáo viên vẫn còn dạy khối lớp ấy cũng chỉ cần điều chỉnh lại giáo án sao cho phù hợp với trình độ học sinh của lớp mình là ổn.

Được biết, không phải trường học nào trong địa bàn cũng có cách chỉ đạo chuyên môn chủ động, linh hoạt như vậy. Theo phản ánh của một số đồng nghiệp, vẫn còn những trường học Ban giám hiệu kiên quyết bắt buộc giáo viên sau khi soạn giáo án trên máy phải in ra chỉ để ký duyệt.

Điều này cho thấy, cũng là chỉ đạo của Bộ Giáo dục, đặc biệt là chỉ đạo của Sở, của Phòng giáo dục địa phương nhưng ở từng trường học vẫn có những "luật lệ" riêng do Ban giám hiệu quy định.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ sổ sách đã làm giảm nhiều áp lực công việc cho giáo viên, giúp các thầy cô giáo dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu bài dạy đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa hiện nay.

Vì thế, những chỉ đạo sát thực từ Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong sẽ được các địa phương, các trường học trên cả nước hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện một cách triệt để, tránh tình trạng chỉ trong một địa bàn mà mỗi trường lại có một cách thực hiện khác nhau.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/chi-thi-138-ct-bgddt-2019-chan-chinh-viec-lam-dung-ho-so-so-sach-trong-nha-truong

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977

https://giaoducthoidai.vn/tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-va-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post582217.html {3}

Phan Tuyết