Giáo viên thường không được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó, quá vô lý

25/12/2021 07:03
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định quy trình bổ nhiệm viên chức quản lí gồm 5 bước nên đa số cơ quan quản lí giáo dục không tổ chức thi tuyển hiệu trưởng.

Thời gian qua, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải nhiều bài viết đề cập đến vấn đề nên tổ chức thi tuyển hiệu trưởng ở trường công lập nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Có thể liệt kê một số bài viết tiêu biểu như: “Thi tuyển hiệu trưởng công khai sẽ dẹp được “chạy chọt”, xóa “vua con” ở trường” (ngày 1/12/2021); “Muốn tuyển hiệu trưởng giỏi, hãy mở rộng đối tượng được ghi danh đào tạo, dự thi” (ngày 14/12/2021).

Tuy vậy, theo tìm hiểu của cá nhân người viết, cho đến thời điểm này cũng rất ít địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng công khai, có lẽ một phần do vướng Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên không giữ chức vụ lãnh đạo (tổ trưởng, tổ phó chuyên môn…) thì không được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó vì Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP không đề cập đến.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Quy trình trình 5 bước bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ

Ngày 7/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3205/QĐ-GDĐT-TC về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo, viên chức quản lí các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Quyết định 3205/QĐ-GDĐT-TC căn cứ Nghị định 115/2020/NĐ-CP, quy định quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ như sau (lược trích):

Bước 1: Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm của Sở Giáo dục yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. Thành phần: người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.

Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Thành phần: người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; thường vụ cấp ủy cùng cấp; người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Thành phần: như quy định ở bước 1.

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín. Thành phần: người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; cấp ủy; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các bộ phận chuyên môn và đơn vị thuộc và trực thuộc.

Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự. Thành phần: Thực hiện như quy định ở bước 1.

Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Giáo viên không giữ chức vụ thì không được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó là quá thiệt thòi

Quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ có vẻ rất chặt chẽ nhưng thực ra đã tước mất cơ hội của giáo viên, nhân viên không giữ chức vụ trong việc bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ quản lí (hiệu trưởng, hiệu phó) vì những quy định sau đây.

Thứ nhất, chiếu theo quy trình 5 bước như đã trình bày ở trên có thể nhận thấy, để được giới thiệu bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó thì nhân sự phải nằm trong diện quy hoạch nguồn và được hiệu trưởng, hiệu phó đương nhiệm tham mưu về tổ chức cán bộ (bước 1).

Ở trường công lập không thiếu giáo viên giỏi chuyên môn, quản lí tốt nhưng nếu họ không nằm trong nguồn thì không được hiệu trưởng cử đi học bằng trung cấp chính trị, quản lí – điều kiện bắt buộc phải có đối với giáo viên quản lí.

Thứ hai, khi đã lựa chọn được nhân sự quản lí đảm bảo quy định thì hiệu trưởng (thường kiêm nhiệm bí thi chi bộ), hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, tổ trưởng văn phòng tiến hành bỏ phiếu kín để lựa chọn nhân sự quản lí (bước 2, bước 3).

Thứ ba, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về nhân sự quản lí được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín. Thành phần tham gia bỏ phiếu ngoài hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, tổ trưởng văn phòng còn có trưởng các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và tổ phó chuyên môn, tổ phó văn phòng (bước 4).

Thứ tư, người đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Sau cùng, hiệu trưởng trình Sở (Phòng) Giáo dục xem xét, ra quyết định bổ nhiệm.

Người người viết từng tham gia bỏ phiếu tín nhiệm viên chức quản lí một đơn vị trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh lúc đầu cũng rất bất ngờ vì giáo viên, nhân viên không giữ chức vụ thì không được tham gia bỏ phiếu. Sau khi tìm hiểu thì được biết Quyết định 3205/QĐ-GDĐT-TC về quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lí căn cứ Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Chia sẻ về quy trình bổ nhiệm này, hiệu phó một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, quy trình bổ nhiệm 5 bước nhanh chóng, có thể lựa chọn được nhân sự trong thời gian ngắn giúp nhà trường kiện toàn bộ máy lãnh đạo.

“Trước đây tôi đã từng chứng kiến có một số trường học khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cho hiệu trưởng, hiệu phó (bổ nhiệm mới) thì gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí phải bỏ phiếu 2, 3 lần nhưng giáo viên vẫn không tín nhiệm đủ 50% số phiếu cho nhân sự quản lí”, vị hiệu phó nói thêm.

Nhìn chung, giáo viên không giữ chức vụ thì không được tham gia bỏ phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lãnh đạo là quá thiệt thòi về quyền lợi và nghĩa vụ, làm mất tính dân chủ ở cơ sở trường học.

Tài liệu tham khảo:

https://quantri.hcm.edu.vn/Data/hcmedu/phongtccb/Attachments/2020_12/qd3205071220812202015_1012202014.pdf?

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/nghi-dinh-115-2020-nd-cp-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-vien-chuc-453968.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Ánh Dương