Giáo viên lớp 1 chia sẻ tâm tư khi dạy học sinh chậm tiến

31/07/2023 06:47
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều mong mỏi của nhiều thầy cô giáo hiện nay, mình sẽ được quyền quyết định việc lên lớp hay ở lại cho học sinh mà không bị một áp lực nào chi phối.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, trong năm học 2022-2023, bậc tiểu học có hơn 50.000 học sinh lớp 1 bị đánh giá “chưa hoàn thành” nên phải rèn luyện trong hè và có nguy cơ sẽ ở lại lớp.

Với những học sinh này, giáo viên chúng tôi thường nói “các em đã có cơ hội được ở lại lớp”. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng nó đã phản ánh một sự thật đau lòng từ nhiều năm nay, học sinh rất khó ở lại lớp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đã có những trường hợp, có giáo viên bị phụ huynh chạy theo níu áo thầy cô nài nỉ “Cô (thầy) ơi! Cho con em xin được ở lại lớp”, hay lên thẳng phòng hiệu trưởng đề đạt nguyện vọng để nhận được câu trả lời “muốn ở lại lớp phải chuyển trường”.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh yếu kém. Từ thực tế giảng dạy cho thấy, hơn 50.000 học sinh lớp 1 “chưa hoàn thành” trong số đó có không ít học sinh thuộc dạng “khuyết tật trí tuệ”. Bởi thế, rất khó khăn cho giáo viên giảng dạy và rất thiệt thòi cho học sinh nếu các em không được ở lại lớp.

Có những học sinh, học 3 năm vẫn không thể đọc được âm, vần

Cô giáo Minh Thắm, giáo viên một trường tiểu học tại tỉnh Đắk Nông cho biết: “Lớp tôi có 2 học sinh nhìn cũng bình thường như các bạn. Tuy nhiên, ngồi trong lớp chỉ vận động tay chân mà không chịu nghe giảng.

Em đã lưu ban 2 năm nhưng học chữ nào quên chữ đó. Dễ nhất như học âm "o", giáo viên đã dùng mọi cách như đọc, viết, trực quan bằng hình ảnh, cho đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí vẽ vòng tròn và cho chạy quanh vòng tròn chữ "o" để giúp em nhớ. Thế nhưng, chỉ ngày mai thôi là quên luôn mặt chữ.

Mỗi lớp có khoảng 1 đến 2 em như vậy. Ai cũng biết em có vấn đề về nhận thức thuộc dạng khuyết tật trí tuệ. Tuy nhiên, để phụ huynh đi khám và có giấy của bác sĩ giúp cho em học hòa nhập lại không dễ dàng gì. Nhiều phụ huynh không chịu thừa nhận con mình như vậy nên rất khổ giáo viên và nhà trường.

Tại trường tiểu học nơi tôi công tác cũng có một số học sinh thuộc dạng này. Em bị suy dinh dưỡng, thể chất yếu không học được. Em bị trầm cảm do biến cố gia đình. Em lại bị tăng động giảm trí nhớ.

Có em ở lại lớp năm thứ hai, giáo viên đã tốn rất nhiều công sức như kèm riêng trong giờ học, trong mỗi tiết dạy tăng cường, dạy phân hóa kiểu tập trung vào 2 môn chính vào những giờ nghỉ, giờ ra chơi, thậm chí một số giờ học chuyên như Thể dục, Mỹ thuật…

Tuy nhiên, sau 2 năm học lớp 1, một số em vẫn không thể đọc viết như các bạn bình thường, vẫn là học chữ nào quên luôn chữ đó.

Một học sinh khác, giáo viên đã bỏ công dạy kèm kiểu môn tiếng Việt kiểu (một kèm một) suốt 2 tháng hè nhưng việc đọc, viết vẫn cứ ê a. Học kèm một mình cả sáng và chiều mà còn thế thì học chung với cả lớp em sẽ tiếp thu thế nào?

Khi gặp gỡ trao đổi, một số phụ huynh cũng thừa nhận con mình có vấn đề về nhận thức Tuy nhiên, gia đình thường từ chối đi giám định để lấy giấy chứng nhận cho các em.

Một số học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình nên học tập mỗi ngày cũng đuối dần

Ngoài một số học sinh học quá kém do có vấn đề về nhận thức thì một số học sinh khác học yếu kém do khó theo kịp chương trình và sách giáo khoa hiện nay.

Cô giáo Minh Thắm, cho biết: “Chương trình và sách giáo khoa mới hiện nay khá nhanh nên gây khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức của một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ở khu vực nơi tôi công tác, phần lớn cha mẹ các em là công nhân ở Bình Dương nên gửi con ở nhà cho ông bà. Thường những gia đình này, các con học được gì ở trường thì học, tối về ông bà cũng không nhắc nhở các em ôn bài.

Kiến thức mới nhiều, thời gian chuyển nội dung nhanh, yêu cầu bài học nhiều nhưng về nhà các em không được ôn bài nên những gì tiếp thu ở trường cũng quên hết. Kiến thức cũ không nhớ, đến lớp lại tiếp tục học kiến thức mới. Thế là, không đủ sức tiếp thu dẫn đến mỗi ngày một đuối dần cho đến lúc không thể theo kịp bài”.

Là giáo viên đang giảng dạy lớp 1 nhiều năm, cô Minh Thắm đã có sự so sánh: "Chương trình cũ phải sang học kỳ 2 mới học hết bảng chữ cái. Còn bây giờ, học kỳ 1 đã học xong . Học kỳ 2 bắt đầu yêu cầu đọc thông, viết thạo nên nhiều em khó theo kịp".

Cho học sinh ở lại lớp là đang giúp các em kéo dài con đường học tập

Từ thực tế cho thấy, những học sinh có lực học yếu, kém nhưng vẫn được xét lên lớp là đang hại các em. Khi kiến thức lớp cũ nắm chưa chắc, kiến thức lớp mới không thể nạp vào. Thế là, mỗi ngày học một yếu dần, sinh ra bất mãn, chán nản và nhiều em đã tự nghỉ học chỉ vài năm sau đó.

Những học sinh đọc yếu cố lắm cũng chỉ học hết bậc tiểu học là bỏ học ở nhà vì có muốn cũng không thể theo học tiếp ở bậc trung học cơ sở.

Ngược lại, không ít em, sau khi ở lại lớp, đã học tốt hơn rất nhiều. Nhờ đó, những học sinh này không bị đứt gãy con đường học tập. Thầy cô thương học sinh mới cho các em ở lại lớp sau khi đã nỗ lực rất nhiều nhưng không có kết quả.

Thầy cô giáo nào chẳng muốn lớp học mình dạy cuối năm đều 100% học sinh được lên lớp. Lớp nào có học sinh ở lại, giáo viên cũng sẽ chịu nhiều áp lực.

Chưa nói, thầy cô có thể bị một số cấp trên cho rằng: “Dạy chưa nhiệt tình, chưa tận tâm, chưa đúng phương pháp…” mà phải bỏ cả thời gian để kèm cặp, giúp đỡ các em trong những ngày hè. Tuy nhiên, có những giáo viên bắt buộc phải cho học sinh ở lại lớp vì lực học quá kém.

Thầy cô giảng dạy cả năm, theo dõi, kèm cặp các em nên chính thầy cô là những người biết làm điều gì là tốt nhất cho các em. Đã có những thầy cô “cãi lệnh” cấp trên cương quyết cho học sinh ở lại lớp.

Đã có những hiệu trưởng chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật cho học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức được học lại. Tất cả cũng xuất phát từ chữ thương, cũng chỉ vì muốn các em học tốt hơn để không phải nghỉ học giữa chừng vì mặc cảm với bạn bè do học quá kém.

Vì thế, điều mong mỏi của nhiều thầy cô giáo hiện nay là được quyền quyết định việc lên lớp hay ở lại cho học sinh mà không bị một áp lực nào chi phối.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết