Giáo viên đang chuẩn bị kế hoạch bài dạy như thế nào?

26/07/2023 06:44
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để phát triển phẩm chất và năng lực cho người học đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp dạy học tích cực, chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp.

Chương trình 2018 với định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị kiến thức sang hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực cho người học.

Phát triển phẩm chất và năng lực cho người học nói thì dễ làm không dễ, giáo viên trực tiếp giảng dạy chính là yếu tố quyết định rất nhiều trong việc thành công của chương trình mới.

Thực tế, còn một bộ phận không nhỏ giáo viên phụ thuộc vào dữ liệu sách giáo khoa, rời sách giáo khoa thì không biết lấy gì để dạy và dạy như thế nào.

Để phát triển phẩm chất và năng lực cho người học đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp dạy học tích cực, phải tự đổi mới chính mình, có kế hoạch bài dạy chi tiết, chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp.

Nhiều người băn khoăn rằng, giáo viên đang chuẩn bị Kế hoạch bài dạy như thế nào.

Người viết đã làm một khảo sát nhỏ với các giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông với nội dung như sau:

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp

Kết quả thật bất ngờ, tự soạn kế hoạch bài dạy chỉ đạt hơn 20%, còn lại là xin, mua, chỉnh sửa cho phù hợp.

Điều đáng buồn hơn là trong số các câu trả lời, có đến hơn 50% giáo viên không quan tâm đến kế hoạch bài dạy mà chỉ mang tính đối phó.

Thậm chí có giáo viên còn thẳng cho rằng, “Mua bộ giáo án giá chưa bằng tiền một cua dạy thêm, soạn chi cho cực”.

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Cũng có người bình luận “Kế hoạch bài dạy chỉ để nhà trường kiểm tra, có ai dạy theo kế hoạch bài dạy đâu”.

Rất nhiều ý kiến tham gia khảo sát chia sẻ, đồng tình với quan điểm: “Chỉ soạn kế hoạch bài dạy khi có người dự giờ, có cán bộ thanh tra thôi”.

Để giáo viên thay đổi, cần có định hướng và động lực từ nhà trường và các cấp quản lý.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, một hiệu phó phụ trách chuyên môn, đang công tác ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Thực tế hiện nay, giáo viên đang dạy cho học sinh để thi, để làm bài đạt điểm cao, lấy thành tích là chủ yếu.

Để thay đổi phương pháp và mục tiêu dạy học cho giáo viên theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, đơn giản nhất là đề kiểm tra, đề thi theo hướng kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực. Bởi rõ ràng, thi gì sẽ học nấy. Muốn điều chỉnh việc dạy và học thì phải có công cụ kiểm tra đánh giá phù hợp với tiêu chí, mục tiêu giáo dục đề ra.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giúp đỡ chuyên môn cũng phải chỉ ra cho giáo viên kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực thể hiện như thế nào.

Có thể giáo viên xin, mua kế hoạch bài dạy về chỉnh sửa cho phù hợp với mình thì giáo viên cũng rút ra được bài học, dù ít hay nhiều.

Mưa dầm, thấm lâu, có thể qua kế hoạch bài dạy đã chỉnh sửa phù hợp với mình, giáo viên sẽ dạy học hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.

Hiện nay, kế hoạch bài dạy từng môn học của các bộ sách giáo khoa đều được bán tràn lan trên mạng. Tất cả đều được giới thiệu, quảng cáo là soạn theo công văn 5512. Chất lượng thì cũng không ai đánh giá, người mua và bán giao dịch với nhau "tiền trao cháo múc".

Việc thanh, kiểm tra kế hoạch bài dạy hiện nay theo đánh giá của người viết là nặng về số lượng hơn chất lượng. Kế hoạch bài dạy tự soạn và kế hoạch bài dạy mua, xin là chưa có sự đánh giá khác nhau.

Từ thực tế trên, người viết đề nghị nên chăng mở cuộc thi soạn Kế hoạch bài dạy theo bài, theo môn của từng bộ sách, ban giám khảo chính là tác giả của các bộ sách và các chuyên gia giáo dục của Bộ.

Sau khi Kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của từng bài bài, từng môn, từng bộ sách với đối tượng học sinh trung bình, khá, giỏi.

Sau khi được thẩm định, Bộ công khai nội dung, coi như là tài nguyên giáo dục, cho giáo viên vào tải về tự do, chỉnh sửa cho phù hợp với bản thân và thực tế của địa phương.

Theo người viết, nếu làm như trên sẽ có những cái lợi sau:

Thứ nhất, giáo viên có nguồn tài nguyên giáo dục chính thống, chất lượng cao để học tập.

Thứ hai, giáo viên tải Kế hoạch bài dạy không tốn chi phí. Nó cũng là biện pháp giúp đỡ, động viên, khuyến khích giáo viên học tập theo kế hoạch bài dạy đã đạt yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Thứ ba, loại bỏ hoàn toàn tâm lý “đối phó” của giáo viên về kế hoạch dạy học.

Thứ tư, nguồn tài nguyên kế hoạch bài dạy không phải là văn mẫu mà là kế hoạch làm việc đề xuất cụ thể cho từng bài, từng chủ đề, nên giáo viên sẽ vận dụng sáng tạo phù hợp với mình, đối tượng học sinh mình đang dạy.

Để phát huy tốt nguồn tài nguyên kế hoạch bài dạy của Bộ, các cơ sở giáo dục chỉ cần dự giờ, đánh giá chất lượng qua tiết dạy, buộc giáo viên phải đầu tư vào dạy học, người hưởng lợi lớn nhất sẽ là học trò.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường