“Trong bối cảnh công nghệ số, cuộc sống số hiện nay không thể dùng tư duy cũ để giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Cần phải có một tư duy mới, đúng đắn về các giải pháp công nghệ được tích hợp trong quá trình này. Tư duy đó là làm sao để hình thành và phát triển tư duy số, hành động số và hạnh phúc số cho trẻ”. Đó là khẳng định của Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Ngày hội trải nghiệm công nghệ Trường mầm non song ngữ Merry Star.
Ngày hội trải nghiệm công nghệ Trường mầm non song ngữ Merry Star là sự kiện nhận được sự đồng hành và phối hợp tổ chức của nhiều đơn vị và các hãng công nghệ lớn: Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Công ty Samsung Việt Nam; Công ty Viettel High Tech; Hội STEM quốc tế (ISA); Công ty MaxHub Nexta; Công ty CP Giáo dục KidsEdu.
Sinh viên Khoa Công nghệ Giáo dục giới thiệu phụ huynh sử dụng một số phần mềm, học liệu số. |
Phóng viên có dịp phỏng vấn Tiến sĩ Tôn Quang Cường tại Ngày hội trải nghiệm công nghệ tại Trường mầm non song ngữ Merry Star – Khu đô thị Vinhomes Riverside 2, Việt Hưng, Long Biên.
Tiến sĩ Tôn Quang Cường, người được biết đến là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ giáo dục thông qua việc tích cực tham gia các dự án, nghiên cứu và là diễn giả của nhiều chương trình, hội nghị lớn, kênh trực tuyến liên quan đến lĩnh vực công nghệ giáo dục trong và ngoài nước.
PV: Xin chào Tiến sĩ Tôn Quang Cường!
Thầy có thể vui lòng cho biết quan điểm của mình về tầm quan trọng của việc tích hợp các giải pháp công nghệ giáo dục hiện đại vào giảng dạy cho trẻ ngay từ bậc Mầm non?
Tiến sĩ Tôn Quang Cường: Công nghệ giáo dục hiện đại không chỉ là việc áp dụng các thiết bị số, giải pháp số trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục hàng ngày của nhà trường. Trên hết, đó là việc tái cấu trúc lại hoạt động học tập, nhận biết, khám phá thế giới xung quanh của trẻ thông qua trò chơi như là hoạt động chủ đạo trong giáo dục trẻ mầm non, phù hợp với các giai đoạn phát triển của trẻ.
Làm thế nào để mỗi bài học của trẻ phải trở thành một “trò chơi”, trong đó các cô là những “người cùng chơi”, nội dung giáo dục là “luật chơi” và công nghệ là “đồ chơi giáo dục” của trẻ!
Trường Đại học Giáo dục với vị thế là cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong việc triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu thuộc các lĩnh vực mới về khoa học giáo dục và sư phạm |
Đối với giáo dục mầm non, việc tích hợp các giải pháp công nghệ giáo dục mới không chỉ giúp trẻ em phát triển về phẩm chất và năng lực mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi trong bối cảnh xã hội số hiện đại, mà còn khơi dậy những khả năng tiềm tàng, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng trong môi trường số, trong việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
Sinh viên Khoa Công nghệ Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục hướng dẫn trẻ thực hành với học liệu số. |
PV: Theo Thầy, Trường Mầm non cần những tiêu chí gì để có thể đưa yếu tố công nghệ vào giảng dạy cho trẻ một cách bài bản và hiệu quả nhất? (Về cơ sở vật chất, về đào tạo giáo viên, chương trình,...)
Tiến sĩ Tôn Quang Cường: Thực ra đó phải là những nguyên tắc, qui trình được nghiên cứu, kiểm chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho quá trình tích hợp công nghệ giáo dục, tạo thành hệ thống mang tính sư phạm và đảm bảo sự an toàn mọi mặt trong quá trình sử dụng công nghệ.
Các khung năng lực số cho giáo viên, cán bộ quản lý cũng như đối với trẻ mầm non cần sớm được xây dựng, ban hành kèm theo các hướng dẫn thực hiện trong thực tế. Trên nền tảng khung năng lực này, các điều kiện đảm bảo cho quá trình tích hợp công nghệ vào hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ của các nhà trường mầm non mới có thể được định hình rõ nét. Cụ thể như:
Nhà trường cần có định hướng chiến lược rõ ràng, có lộ trình, mốc thời gian đưa công nghệ vào theo yêu cầu đảm bảo sự an toàn trước hết cho trẻ, tạo môi trường tương tác sinh động, hấp dẫn…
Nội dung chương trình hoạt động giáo dục khuyến khích sự tham gia hoạt động của trẻ có áp dụng các giải pháp công nghệ, thiết bị số… để hỗ trợ thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tìm tòi khám phá môi trường xung quanh.
Yêu cầu về kĩ năng số, tư duy số đối với giáo viên, sáng tạo trong thiết kế học liệu số, sử dụng các thiết bị, giải pháp số để triển khai các hoạt động vui chơi, học tập cho trẻ, cũng như các giải pháp số trong quản trị nhà trường
Việc tích hợp công nghệ trong các hoạt động giáo dục cần đảm bảo sự hài hòa và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ khi tiếp xúc với các thiết bị số (điện tử); phòng ngừa và loại bỏ các rủi ro xâm phạm quyền trẻ em, quyền riêng tư, đảm bảo an toàn số trong học tập và sinh hoạt hàng ngày; đảm bảo liều lượng, tăng cường sự phối hợp, giám sát, quản lí thời gian tương tác phù hợp với các thiết bị, đồ chơi và nội dung số cho trẻ.
Bà Đậu Thúy Hà, đại diện Hiệp hội Mầm non ngoài công lập Việt Nam (Ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận cho sinh viên Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục. |
PV: Thầy đánh giá như thế nào về xu hướng giáo dục, trang bị năng lực số cho trẻ Mầm non hiện nay?
Tiến sĩ Tôn Quang Cường: Các định hướng tích hợp công nghệ giáo dục của nhà trường mầm non cần thể hiện tầm nhìn, sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo nhà trường để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trên cơ sở lựa chọn công nghệ là đòn bẩy để phát triển trong giai đoạn tới, đó sẽ là một hình mẫu về nhà trường thông minh và quản trị tiên tiến.
Đặc biệt là định hướng học thông qua chơi (bao gồm trò chơi và hoạt động chơi) có tích hợp các yếu tố công nghệ số. Các hoạt động giáo dục hàng ngày được thiết kế trên nền tảng số, sử dụng thiết bị, đồ chơi và học liệu số phù hợp với lứa tuổi, quá trình nhận thức và rèn luyện, phát triển tư duy, kĩ năng vận động của trẻ.
Bằng việc tăng cường sử dụng công nghệ trong mọi mặt hoạt động, nhà trường cần kiến tạo được môi trường giao tiếp, học tập kết nối số sinh động, hấp dẫn, khuyến khích trẻ tương tác với đồ chơi thông minh và các tài nguyên kĩ thuật số.
Bên cạnh đó, vấn đề cũng cần đặt ra là nâng cao năng lực số cho chính đội ngũ giáo viên thông qua các hoạt động tìm tòi, cập nhật các phần mềm giáo dục phù hợp, tổ chức hoạt động vui chơi, học tập sáng tạo, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, giải quyết vấn đề bằng việc áp dụng công nghệ và các thiết bị số.
Việc này không chỉ giúp trẻ phát triển tư duy logic, kĩ năng giải quyết vấn đề và khả năng ứng dụng công nghệ vào cuộc sống mà còn thúc đẩy phát triển năng lực số cho trẻ. Việc đẩy mạnh năng lực số cho trẻ mầm non có ý nghĩa gì đối với việc xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực và phẩm chất để kiến tạo tương lai cho đất nước trong bối cảnh xã hội số?
Tiến sĩ Tôn Quang Cường (áo đen đứng giữa) chụp ảnh cùng giáo viên Trường mầm non song ngữ Merry Star |
Việc hình thành và phát triển năng lực số cho trẻ mầm non ngay từ giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ trẻ phát triển toàn diện, sáng tạo và sẵn sàng thích ứng với bối cảnh xã hội số và những sự thay đổi nhanh chóng dưới tác động của công nghệ số hiện nay.
Cần phải khẳng định rằng, năng lực số của trẻ không chỉ là kĩ năng sử dụng công nghệ mà còn là cách tiếp cận trong nhận thức và giải quyết vấn đề trong sinh hoạt, học tập, phát triển bản thân. Nhờ có năng lực số, trẻ có thể biến nhu cầu tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, thói quen tò mò… thành một nhu cầu chính đáng cho việc tự chủ động học hỏi liên tục, khám phá kiến thức suốt đời.
Trong quá trình đó năng lực số cung cấp cho trẻ những công cụ tiền đề để khám phá và thể hiện tư duy sự sáng tạo của mình thông qua giao tiếp và sáng tạo nội dung số; thích ứng để chuẩn bị cho cuộc sống hiện đại, tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề xuất hiện trong xã hội số; chủ động sử dụng các phương tiện số để tham gia vào các quá trình kết nối, giao tiếp trong môi trường số hiện đại.
Trường Đại học Giáo dục với vị thế là cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong việc triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu thuộc các lĩnh vực mới về khoa học giáo dục và sư phạm như: công nghệ giáo dục, đo lường và đánh giá trong giáo dục, tham vấn học đường, quản trị trường học, tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên… Trường chúng tôi xác định, công nghệ giáo dục là mũi nhọn, là một trong những nhân tố cốt lõi để phát triển toàn diện giáo dục.
Bên cạnh việc triển khai các chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ Giáo dục, đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Lý luận, phương pháp và Công nghệ dạy học; Trường Đại học Giáo dục đã và đang tích cực trong các nhiệm vụ tham vấn chính sách cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UBND, Sở, ngành và địa phương; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên.
Trường tích cực xây dựng và mở rộng mạng lưới các trường học, doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái công nghệ giáo dục để cùng nhau nghiên cứu, áp dụng và triển khai các dự án công nghệ giáo dục mới, mang tính hiện đại và hiện thực hoá cao.
PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Tôn Quang Cường!