"Thầy đã nghèo và vất vả lắm rồi", câu nói học trò làm tôi day dứt

19/08/2021 08:33
Duyên Hà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi vẫn còn nhói lòng mỗi lần nhớ lại câu nói của cậu học trò cưng từ chối lời khuyên chọn nghề sư phạm: "Thầy đã nghèo và vất vả lắm rồi”.

Không còn tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” nhưng học sinh giỏi “quay lưng” với sư phạm vẫn mãi là điệp khúc của mỗi mùa tuyển sinh. Năm 2020, điểm chuẩn vào nhiều trường sư phạm không cao và mùa tuyển sinh năm 2021, tình trạng học sinh “ngó lơ” ngành sư phạm vẫn xảy ra.

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh chọn ngành sư phạm đứng thứ 12/15 nhóm ngành. Đây vẫn là con số đáng để những ai quan tâm đến giáo dục phải trăn trở.

Nặng lòng mùa tuyển sinh

Làm nghề giáo gần ba chục năm nên tôi được học trò, bạn bè, hàng xóm và người thân tin cậy hay hỏi ý kiến về chuyện học hành, thi cử, chọn trường, chọn nghề vào mỗi mùa tuyển sinh.

Năm nào cũng vậy, gần đến thời điểm đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, tôi lại nhận được những lời đề nghị giúp đỡ, cho lời khuyên về chọn ngành nghề.

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: VTV.vn

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: VTV.vn

Bằng kinh nghiệm, điều đó không khó với tôi. Tôi có thể chỉ bảo các em cặn kẽ từ việc xác định sở trường, năng khiếu, lực học, sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế đến niềm đam mê của các em.

Tôi rất hào hứng khi được các em nhờ cho lời khuyên thi vào các ngành khác nhau như sư phạm, báo chí, kinh tế, ngân hàng, y khoa...

Tôi thật sự vui mừng khi nhiều em có tài, có năng khiếu, lòng đam mê nghề giáo chọn phấn trắng bảng đen làm nghiệp của mình.

Có lẽ tôi vui sướng vì sự đồng cảm, sự chia sẻ của học trò về nghề giáo dù cuộc sống còn vô số khó khăn.

Nhà tôi có 5 người thì hết 3 theo nghề giáo, họ hàng thân thích cũng nhiều gia đình làm thầy, nhiều người đã là giáo sư, tiến sĩ, nhưng cuộc sống thì luôn cực nhọc, vất vả, chẳng được giàu sang.

Chạnh lòng nhất là những ngày lễ và dịp tết đến, xuân về. Cuộc sống đạm bạc, thanh cao của nhà giáo, ai không cùng nghề cũng hiểu, thậm chí còn hiểu rõ hơn người trong cuộc. Vậy mà vẫn có những học trò nối nghiệp mình thì hỏi sao không vui cho được.

Thế nhưng, chẳng có gì đáng nói nếu như những năm gần đây, số các em học sinh giỏi của tôi theo nghề giáo cứ ít dần đi mà thay vào đó là các ngành nghề hot, thời thượng. Học trò thường thần tượng thầy cô và nhìn bằng con mắt khâm phục.

Các em thấy thầy lúc nào cũng lịch lãm, áo quần phẳng phiu, khuôn mặt tươi rói; cô giáo thì thướt tha áo dài, miệng lúc nào cũng tươi cười như hoa. Học trò nghe, đọc báo biết có thầy cô dạy thêm tháng bốn, năm chục triệu, lễ tết nhà nhiều quà... Song các em biết đó chỉ là cá biệt. Phần lớn thầy cô đang phải chạy ngược chạy xuôi cùng cơm áo gạo tiền, làm thêm bằng nghề khác cũng chẳng được mấy ngọt ngào cho lắm.

Giới trẻ ngày nay rất thức thời. Họ phấn đấu học giỏi để mong có việc làm tốt, một thu nhập cao sau khi tốt nghiệp đại học. Đó là những suy nghĩ hết sức tích cực của người trẻ, không thể trách các em được. Cống hiến, xây dựng đất nước thì ngành nào chẳng có cơ hội ngang nhau. Nhưng sao tôi vẫn thấy lòng buồn hiu hắt.

Mùa tuyển sinh năm nay tôi lại càng buồn hơn khi không một em nào nhờ tư vấn về ngành sư phạm. Cậu học trò “cưng” giỏi Toán cũng đã khéo léo từ chối khi tôi gợi ý em chọn sư phạm vì tôi biết em có đủ tố chất làm một người thầy giỏi.

Tôi vẫn còn đắng lòng mỗi lần nhớ lại câu nói của em: “Thầy đã nghèo và vất vả lắm rồi”. Càng nghĩ lòng tôi càng trĩu nặng.

Ngày càng nhiều học sinh quay lưng với sư phạm

Để chữa trị căn bệnh trầm kha này của giáo dục, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp và các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm. Đó là việc tuyển sinh siết chặt đầu vào, hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm. Ngành sư phạm vẫn khó thu hút nhân tài.

Cốt lõi của vấn đề là nằm ở các nguyên nhân: tuyển dụng, việc làm khi ra trường, chế độ lương bổng và môi trường làm việc. Đây là 4 nguyên nhân khiến các trường sư phạm “rớt giá” trong khi ngành công an, quân đội điểm đầu vào vẫn rất cao.

Trước hết, nói về việc tuyển dụng giáo viên các cấp học vào mỗi đầu năm học với bao bất cập. Vẫn còn tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường phải “lao tâm khổ tứ” thi viên chức và không dễ có một chỗ dạy.

Ở đâu đó, nơi này nơi kia chuyện chạy một suất đi dạy tốn kém hàng trăm triệu đồng đã được dư luận đặt ra mà vẫn không giảm khiến nhiều sinh viên giỏi không có điều kiện chạy chọt bỏ nghề, những học sinh chưa vào đại học khước từ trường sư phạm.

Tôi đã nhiều lần nghe những sinh viên mình hướng dẫn thực tập sư phạm hồ hởi ra trường và thất vọng vì không “chạy” được chỗ dạy.

Bên cạnh đó, năm 2020 có dự báo khoảng trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp. Một lãng phí quá lớn khi hàng năm nhà nước phải miễn học phí cho hàng trăm ngàn sinh viên ngành sư phạm.

Nhìn vào con số thất nghiệp thôi, chẳng cha mẹ, học sinh nào dám “đánh cược” nghề nghiệp tương lai bằng con đường sư phạm dù có yêu nghề này đến mấy!?

Tiếp theo là chế độ tiền lương, đãi ngộ cho giáo viên đang đặt ra cho những nhà quản lý giáo dục, các nhiệm kỳ Bộ trưởng một bài toán khó chưa có lời giải. Không thể phủ nhận chính sách đầu tư thời gian qua của nhà nước cho giáo dục.

Theo quy định thì hàng năm Nhà nước phải chi đến 20% ngân sách được chi cho “quốc sách hàng đầu”, lương giáo viên có hai chế độ đãi ngộ là phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên, mặt bằng lương giáo viên không phải là thấp so với các cơ quan hành chính sự nghiệp khác.

Thế nhưng phải khẳng định rằng lương của hơn 1 triệu thầy cô giáo cả nước vẫn chưa đủ sống.

Để tiếp tục sống với nghề, giáo viên phải làm thêm đủ nghề tay trái, dạy thêm, thỉnh giảng, bán hàng online, làm cò đất…

Có bất cập không khi một sinh viên đại học ra trường tròm trèm chỉ có 3 triệu đồng trong khi sinh viên các ngành khác làm trong các doanh nghiệp hơn gấp nhiều lần. Đó là chưa nói đến chế độ thưởng lễ, tết là con số 0 so với hàng chục triệu đồng của các ngành khác – chuyện mà giáo viên cho đó là xa xỉ mỗi năm tết đến xuân về. Vậy thì hỏi tại sao học sinh lại chọn nghề giáo thay vì nghề khác?

Cuối cùng phải nói đến môi trường làm việc hiện nay của giáo viên hết sức khắc nghiệt. Xã hội, phụ huynh đang đòi hỏi ở thầy cô trách nhiệm vô cùng lớn. Chuyện phụ huynh đánh giáo viên, học sinh vô lễ với thầy cô. Chuyện sinh nghề, tử nghiệp là thường. Nghề giáo quả thật nguy hiểm nên học sinh ái ngại khi chọn ngành sư phạm.

Để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm

Thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh. Có lương sư thì mới mong hưng quốc được. Với một nhà giáo có nhiều năm đứng trên bục giảng, trải qua không ít thăng trầm của nền giáo dục nước nhà, tôi thấy mình cần góp một tiếng nói để đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề sống còn của giáo dục nước nhà trong tương lai.

Đó là việc cần phải đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên thật sự minh bạch, công khai, công bằng, thu hút nhân tài bằng chế độ đãi ngộ cao như cách làm của tỉnh Quảng Nam và Tuyên Quang.

Ở tỉnh Quảng Nam, sinh viên ra trường được tự chọn trường, chọn nơi làm việc dựa trên điểm trúng tuyển.

Với tỉnh Tuyên Quang, chế độ đãi ngộ cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp là: Thủ khoa, loại giỏi trở lên được hỗ trợ 55 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần mức lương cơ sở; được hỗ trợ 45 lần mức lương cơ sở đối với tốt nghiệp loại giỏi.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ về chính sách, chế độ tiền lương đặc biệt, tiền thưởng lễ tết… cho giáo viên. Sao cho giáo viên sống được với chính nghề nghiệp của mình.

Sau cùng là phải làm sao tạo cho môi trường giáo dục thật lành mạnh, những hành xử của phụ huynh với giáo viên cần được chấn chỉnh, phụ huynh tôn trọng thầy cô, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp.

Một môi trường trong sáng không vướng bận thị trường, không bị thương mại hóa mới thật sự đào tạo cho xã hội những con người có tài, nhân cách tốt, thu hút mọi người chọn nghề sư phạm.

Giải quyết căn cơ các vấn đề cơ bản trên thì mới mong học sinh không quay lưng với ngành sư phạm, mới mong giáo dục phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Duyên Hà