Tạo thương hiệu nhà trường qua những “Cuộc họp phụ huynh hạnh phúc”

26/12/2021 06:43
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều phụ huynh nói đi họp tại trường như đi dự tiệc vì các thầy cô giáo chuẩn bị chu đáo từ giấy mời, trang trí lớp học, sắp xếp bàn ghế để phụ huynh thảo luận.

“Quan điểm của tôi trường học hạnh phúc là nơi cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh được yêu thương, tôn trọng và an toàn. Giáo viên đến trường bằng tình yêu thương học sinh, tâm huyết với nghề và trách nhiệm với nhà trường. Muốn có trường học hạnh phúc thì hiệu trưởng phải là người thay đổi đầu tiên. Thay đổi về nhận thức, về tư duy và hành động.

Tháng 11 năm 2019, được tham gia lớp nâng cao năng lực quản lý tại Australia, 12 ngày học trên nước bạn chúng tôi được học nhiều điều quý giá về quản trị, phát triển năng lực lãnh đạo cho cán bộ quản lý nhà trường. Phong cách lãnh đạo dân chủ, sâu sát, chuyển đổi, dẫn đường…Chính vì vậy tôi đã áp dụng một cách sáng tạo, phù hợp với nhà trường và tôi coi xây dựng trường học hạnh phúc là một trong hai nhiệm vụ then chốt trong mỗi năm học”.

Thạc sỹ quản lý giáo dục Vũ Thị Lan Anh- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Cô Lan Anh cũng là một trong số các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V năm học 2020 - 2021.

Thạc sỹ quản lý giáo dục Vũ Thị Lan Anh- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), cô Lan Anh cũng là một trong số các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC.
Thạc sỹ quản lý giáo dục Vũ Thị Lan Anh- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), cô Lan Anh cũng là một trong số các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC.

Cô Lan Anh cho biết: “Để xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ có thầy cô nhà trường, mà phải xây dựng được mối quan hệ gần gũi gắn bó giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Người làm tốt nhiệm vụ này chính là các thầy cô giáo chủ nhiệm, vì họ là cầu nối để chuyển tải các nội dung giữa lãnh đạo nhà trường với phụ huynh.

Khó khăn lớn nhất của nhà trường là phụ huynh học sinh ở các tỉnh thành khác nhau, phụ huynh với nhiều nghề nghiệp, nhận thức và phong tục tập quán khác nhau. Vì vậy việc tạo mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình gặp nhiều trở ngại. Học kỳ I năm học 2018-2019 tôi đã triển khai thí điểm tại 2 lớp, sau buổi họp phụ huynh bản thân tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các em học sinh và phụ huynh của lớp. Vì vậy, để thầy cô chủ nhiệm có thể hiểu và thay đổi cách tổ chức cuộc họp phụ huynh, tôi tập huấn, tọa đàm cho các thầy cô tổ chức những “ Buổi họp phụ huynh hạnh phúc”.

Giờ đây, các cuộc họp phụ huynh đã sáng tạo và đổi mới, những bậc phụ huynh đến dự không phải để nghe các thầy cô giáo chủ nhiệm thông báo, nhận xét về kết quả học tập và khuyết điểm của con mình, mà đây là buổi họp thực sự thân mật, ấm áp giữa các thầy cô với phụ huynh, giữa phụ huynh với phụ huynh. Ở đó mọi người được chia sẻ, trao đổi về các phương pháp giáo dục tích cực, được nghe thầy cô tư vấn thêm cách làm bạn cùng con, được nghe các con tự trình bày bằng các video, clip về các hoạt động học tập và rèn luyện trong năm học.

Ở đó, cô giáo còn chia sẻ cho các bậc phụ huynh những lá thư nói lên những tâm sự của các con, bố mẹ được viết những dòng tâm sự để sáng hôm sau cô giáo lại chuyển tận tay đến các con. Ở đó bố mẹ có thể tham gia các gameshow bằng việc trả lời các câu hỏi liên quan đến việc học tập, tâm tư, tình cảm của con mình, từ đó nhận thấy mình đã hiểu các con được bao nhiêu phần trăm để các bậc phụ huynh tự thấy cần phải dành sự quan tâm cho các con nhiều hơn, ở đó các phụ huynh còn được chia sẻ cho nhau cách gần gũi con để các con có thể coi bố mẹ như những người bạn mà tâm sự chuyện buồn vui và còn rất nhiều cách thức, phương pháp tổ chức khác nhau tùy theo sự sáng tạo của mỗi thầy cô chủ nhiệm.

Nhiều phụ huynh tâm sự đi họp phụ huynh của nhà trường như đi dự tiệc vì các thầy cô giáo chủ nhiệm chuẩn bị chu đáo từ việc giấy mời trang trọng, trang trí lớp học, sắp xếp bàn ghế để các phụ huynh thảo luận, chuẩn bị nước uống, giấy bút cho phụ huynh ghi chép. Thông qua các buổi họp phụ huynh đã tạo thêm tình cảm gắn bó, sự chia sẻ, đồng hành của các bậc phụ huynh với nhà trường. Từ những việc làm như vậy mà phụ huynh đã tin tưởng, cùng chung tay đóng góp xây dựng nhà trường ngày càng đẹp hơn”.

Cô Lan Anh với các em học sinh Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Lan Anh với các em học sinh Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Tư vấn tâm lý, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

Theo cô Lan Anh: “Để học sinh cảm thấy trường học như ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi đã cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm cho các con thảo luận những tiêu chí xây dựng các tiết học hạnh phúc, thầy cô giúp các con biết đồng cảm, yêu thương, chia sẻ với nhau, hiểu nhau để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Xác định việc giáo dục kỹ năng sống cho các con là vô cùng cần thiết, tôi đã đưa vào tiết học của buổi 2 trong ngày, hướng dẫn thầy cô tìm các chủ đề thiết thực để dạy cho các con, học sinh tất cả các khối lớp đều rất vui khi được học kỹ năng sống. Tôi phối hợp với các tổ chức ngoài nhà trường như huyện đoàn, hội phụ nữ, đội phòng cháy chữa cháy về nói chuyện về các kỹ năng mềm cho học sinh như tâm lý lứa tuổi, tình bạn tình yêu tuổi học đường, phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, các thầy cô chủ nhiệm còn phối hợp mời chuyên gia, hoặc mời các bậc phụ huynh có kiến thức dạy về kỹ năng sống. Qua những tiết học như vậy, các thầy cô nhận thức rằng mình dạy cho các con không phải chỉ có kiến thức, mà phải dạy cho các con các kỹ năng sống, luôn đồng cảm yêu thương, chia sẻ tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi con để từ đó giúp các con trong học tập cũng như rèn luyện.

Ban giám hiệu nhà trường đã làm một phòng “cân bằng cảm xúc”, ở đó các thầy cô và học sinh có thể “xả bớt” những căng thẳng mà mọi người gặp phải trong cuộc sống, trong công việc cũng như học tập. Căn phòng có bảng check in cảm xúc hạnh phúc, buồn phiền, mệt mỏi, lo lắng để khi các con vào phòng sẽ nhận diện cảm xúc của mình, để biết kìm chế cảm xúc bằng các đồ vật trong phòng như: máy nghe nhạc, giấy, bút vẽ, các đồ chơi với các sắc màu vui nhộn để các con quên đi những căng thẳng buồn phiền. Chúng tôi còn phân công ba đồng chí giáo viên có năng lực để tư vấn tâm lý và sẵn sàng giúp đỡ cho các con khi cần”.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Khơi nguồn truyền cảm hứng cho học sinh và đồng nghiệp.

Cô lan Anh chia sẻ: “Trường mới thành lập nên đội ngũ giáo viên ở nhiều trường chuyển về, lại có nhiều giáo viên trẻ mới ra trường, nên tôi coi trọng việc đoàn kết tập thể và bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ hàng đầu. Tìm hiểu hoàn cảnh và vị trí công tác của từng thầy cô ở trường cũ để phân công đúng người, đúng việc, phát huy thế mạnh của từng người thì công việc mới có kết quả tốt. Khi phân công giáo viên, tôi xen vào các thầy cô có kinh nghiệm với giáo viên trẻ để từ đó các thầy cô có cơ hội học hỏi lẫn nhau, cùng tiến bộ.

Chú trọng xây dựng các tiêu chí đánh giá, các nội qui quy chế đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh để thầy và trò cùng tuân thủ tạo nền nếp dạy và học tốt trong nhà trường. Các quy định quy chế đều được xây dựng từ sự thảo luận đóng góp của các thầy cô giáo, các con học sinh nhờ đó mà mọi người rất thoải mái khi thực hiện những nội qui, quy chế mà không cảm thấy bị gò ép.

Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ giáo viên về nghiệp vụ. Bên cạnh đó nhà trường còn mời chuyên gia về tập huấn, truyền đạt những kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp ứng xử sư phạm, giúp các thầy cô có nhận thức đầy đủ, đúng đắn nhất về một môi trường văn hóa.

Tổ chức các buổi tọa đàm cho tập thể hội đồng sư phạm về xây dựng các kỹ năng: Làm chủ cảm xúc, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giải quyết vấn đề, để từ đó các thầy cô có thêm kinh nghiệm trong giải quyết các tình huống, biết lắng nghe, yêu thương, tôn trọng học sinh hơn, gần gũi thân thiện với phụ huynh.

Xác định chất lượng giáo dục là thương hiệu của nhà trường. Ban giám hiệu đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Ngoài việc sắp xếp cho giáo viên tham dự các chuyên đề do sở giáo dục, phòng giáo dục tổ chức, tôi đã chủ động mời các chuyên gia về tập huấn cho giáo viên nhà trường các chuyên đề về dạy học tích cực. Để từ đó thầy cô áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào bài giảng giúp học sinh học tập sôi nổi, phát huy tốt năng lực của các con.

Chúng tôi tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, để các thầy cô có cơ hội thể hiện mình, thi đua nhau bằng việc sáng tạo trong thiết kế bài giảng, bằng các kinh nghiệm trong giảng dạy để giúp các giờ học sinh động, hiệu quả từ đó tăng thêm lòng nhiệt huyết trong công tác giảng dạy.

Nhờ việc chỉ đạo nhà trường thực hiện nhiều cải tiến trong hoạt động, tôi đã tổng hợp được cho mình nhiều sáng kiến kinh nghiệm, cách làm mới, đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, trong bồi dưỡng giáo viên, nhân viên. Với suy nghĩ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lĩnh vực nào, con người muốn thành công đều cần không ngừng vận động, tôi luôn mạnh dạn thử sức mình và tập thể để tiếp thu và áp dụng những cách làm hay vào hoạt động của nhà trường”.

Tùng Dương