Liên minh "ma quỷ" trong bếp ăn các trường học (1)

08/03/2019 07:09
Vũ Ninh
(GDVN) - Trong nhiều khu bếp ăn tại một số trường học, Táo quân chẳng thấy đâu chỉ thấy toàn "ma quỷ" ngày đêm tìm cách bòn rút tiền của phụ huynh, làm giàu bất chính.

Chất lượng bữa ăn của học sinh tại nhiều trường thực sự có vấn đề

Vị phụ huynh đồng thời cũng là nhà báo truy gay gắt: "Điều các phụ huynh chúng tôi quan tâm ở đây chính là nguồn gốc thực phẩm được đưa vào các nhà trường.

Bản thân tôi cũng là người làm báo từng làm rất nhiều vụ về thực phẩm bẩn trong các trường học.

Nhiều trường luôn nói làm tốt nhưng đến khi xảy ra vụ việc, con em ngộ độc thì mới lộ ra nhiều sai phạm".

Liên minh "ma quỷ" trong bếp ăn các trường học (1) ảnh 1Công ty Hương Thành bị nghi bán thịt có sán, gà thối đang cung cấp cho 19 trường

Trả lời vấn đề này, một Phó phòng Giáo dục một quận tại Hà Nội cho biết:

"Nguồn thực phẩm đưa vào các trường học trên địa bàn quận đều được kiểm tra cũng như đáp ứng các yếu tố về dinh dưỡng, chất lượng.

Các đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học đều có hồ sơ năng lực, có cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".

Thế nhưng nếu như được nghe trực tiếp tiết lộ của một bà trùm kinh doanh thực phẩm, đã từng cung cấp rất nhiều thực phẩm cho các trường học vị Phó phòng này có thay đổi suy nghĩ hay không?

"Thực phẩm họ trà trộn sạch, bẩn vào các trường học nhiều. Muốn giấy tờ có giấy tờ.

Ai làm trong ngành này (cung cấp thực phẩm cho trường học) đều thuộc lòng cái bài này.

Tại sao không có đồ sạch mà lại có giấy tờ vì giấy tờ có thể mua được hết. Anh bạn tôi mất rất nhiều tiền để chạy một bộ hồ sơ năng lực.

Lấy ví dụ giấy cấp đất trồng rau có thể chạy được nhưng trên thực tế lại không có khu đất ấy".

Mới đây dư luận xôn xao trước thông tin trường mầm non Thanh Khương nhập thịt lợn nghi nhiễm sán gạo khiến hơn 400 học sinh phải nghỉ học.

Trước đó khoảng nửa tháng, một vị phụ huynh đã chụp hình ảnh, quay video hình ảnh những miếng thịt lợn nhúc nhúc sán giòi.

"Thật đáng sợ khi nhìn thấy cháu mình đi học lại phải ăn những món đồ ăn như thế này. Thịt lợn thì có sán, ấu trùng lợn gạo.

Đi học tiền đóng gạo mất mà lại phải ăn những thứ bẩn thỉu ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe trẻ nhỏ như vậy.

Sức khỏe của con cháu chúng tôi ai là người sẽ chịu trách nhiệm đây".

Xin được điểm qua một số vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học.

Tháng 10/ 2018 hơn 350 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) có những triệu chứng do ngộ độc thực phẩm.

Trong cùng tháng hơn 170 học sinh tại trường Tiểu học Bán trú Xín Cái bị đau bụng, buồn nôn…sau bữa ăn sang do nhà trường tổ chức.

Ngay tại Hà Nội tháng 11/2018 hơn 200 học sinh và giáo viên của trường mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội nhập viên sau khi dung bữa tại bếp ăn tập thể.

Những vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra trong các trường học đặt ra một câu hỏi rằng: Ai là người chịu trách nhiệm khi không kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm cung cấp vào các trường học?

Thịt lợn nghi nhiễm sán lúc sống và chín tại trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) (Ảnh: Vũ Ninh)
Thịt lợn nghi nhiễm sán lúc sống và chín tại trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) (Ảnh: Vũ Ninh)

Bữa cơm của trò đến thầy còn chẳng dám ăn

Chị N.T.H kế toán tại một trường tiểu học thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) giãi bày với phóng viên Báo điện tử Giao dục Việt Nam:

"Nhiều hôm các cô mang cả suất cơm lên đặt trước mặt kế toán. Trường chúng tôi mỗi học sinh đóng 25.000 đồng để ăn trưa.

Tuy nhiên theo nhiều giáo viên suất cơm của các con chỉ đáng 15.000 đồng.

Họ không hiểu cho rằng kế toán ăn chặn, ăn bớt nhưng thực tế việc quản lý bếp không do kế toán phụ trách mà có các bếp trưởng được thông qua bởi hiệu trưởng".

Liên minh "ma quỷ" trong bếp ăn các trường học (1) ảnh 3Nhiều khó khăn trong đảm bảo an toàn thực phẩm trường học

Chị T. cũng cho biết: Nhiều khi nhìn suất cơm các cháu ăn mình ức phát khóc nhưng không thể làm gì được.

"Có hôm các con ăn thịt bò băm còn thừa một chút mình mới ăn thử.

Không thể nào mà ăn được, thứ nhất thịt bò nhưng thực chất là thịt lợn.

Thứ hai chế biến không thể nào mà ăn nổi.

Cái mùi thịt nó ôi rất khó ăn mà các con vẫn phải ăn hằng ngày.

Nhiều hôm bữa phụ của học sinh là gói bim bim, viên thạch".

Theo chị H. tiết lộ, nhiều trường tiểu học tại huyện Thường Tín không trực tiếp nấu ăn trong trường mà thuê các đơn vị nấu cơm hộp không đảm bảo vệ sinh.

Vì quá bức xúc chị H. có lén chụp hình ảnh một bữa ăn của học sinh để gửi cho phóng viên.

Bữa cơm 25.000 đồng chỉ có một miếng đậu, chút rau,miếng trứng rán. Thức ăn mất vệ sinh đã đành đến nước uống nhiều trường cũng chỉ nhập loại nước có giá 8.000 đồng.

Ngay tại Hà Nội, có trường còn chủ động bội tín, thay nước uống khác với nước đã được phụ huynh cùng nhà trường lựa chọn từ đầu năm học chỉ vì giá rẻ hơn chút.

Đến giờ cơm trưa, cô N.P.T (Nam Định) cùng nhiều giáo viên lại rủ nhau ra ngoài hoặc mang cơm từ nhà đi.

Mặc dù có chế độ cơm dành cho các giáo viên nhưng hiếm khi các cô ăn ở trường.

Nguyên nhân cô T. cho biết suất giáo viên còn đỡ suất học sinh thì không ăn nổi. Đã từng kinh qua 2 trường tiểu học chỉ trong 6 tháng cô T. có sự so sánh:

"Đi dạy thực tế tôi mới thấy nhiều vấn đề đặc biệt là trong vấn đề ăn uống của học sinh.

Trước đây trường cũ tôi dạy học sinh đóng 28.000 đồng/ 1 bữa ăn.

Trường mới thì 25.000 đồng/ 1 bữa ăn nhưng theo tôi quan sát suất cơm chỉ khoảng 15.000 đồng có khi còn không đến.

Đến giờ ăn giáo viên có tiêu chuẩn riêng, suất ăn đầy đặn hơn nhưng hiếm khi các thấy cô ăn cơm ở trường. Họ lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm".

Suất ăn của học sinh tại môi trường tiểu học thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) (Ảnh: Vũ Ninh)
Suất ăn của học sinh tại môi trường tiểu học thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) (Ảnh: Vũ Ninh)

Có mặt tại một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, phóng viên được nhà trường mời cơm trưa.

Suất cơm của học sinh chỉ lõng bõng chút canh, ít thịt kho đậu. Đến nửa bữa, bếp trưởng bê lên phòng vài món ăn cải thiện dành cho giáo viên có thịt nướng, cá và chút thịt kho.

Kể ra câu chuyện này để thấy rằng chính những thầy cô trong trường còn không ăn nổi suất cơm của học sinh.

Vậy mà trong khi cơm đóng, gạo góp nhưng học sinh vẫn phải hằng ngày ăn những bữa cơm vừa thiếu dinh dưỡng lại vừa mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Những người trong cuộc đều hiểu rõ vấn đề này. Các đơn vị cung cấp thực phẩm trường học, bếp ăn cho đến hiệu trưởng nhắm mắt làm ngơ vì lợi ích quá lớn.

Tiếp xúc với nhiều giáo viên, công ty cung cấp thực phẩm tại các địa phương khác nhau phóng viên nhận thấy đây là một vấn đề nhức nhối trong ngành giáo dục.

Nó không chỉ diễn ra ở Hà Nội, Nam Định mà xảy ra ở rất nhiều các địa phương khác nhau. Các vụ ngộ độc diễn ra ở Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Trong khi các bậc phu huynh lo ngay ngáy con em đi học ăn phải thực phẩm bẩn thì nhiều công ty, hiệu trưởng, bếp ăn vẫn dửng dưng làm giàu trên tính mạng của học sinh.

Còn tiếp...

Vũ Ninh