Kiểm tra trực tuyến tiểu học cuối năm dở khóc dở cười, Bộ nên chỉ đạo thay đổi

04/08/2021 07:23
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh lớp 1, lớp 2 kiểm tra trực tuyến quả là cực hình. Nhiều học sinh, phụ huynh đã phải "dở khóc, dở cười" với kiểm tra cuối kỳ trực tuyến tại Hà Nội.

Khi học sinh tiểu học trên cả nước đang bước vào tuần học thứ 32, chỉ còn 3 tuần học nữa các em sẽ kết thúc năm học thì bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Nhiều địa phương cũng đã kịp cho học sinh tham gia kiểm tra định kỳ cuối năm học nhưng cũng có những nơi chưa kịp tổ chức kiểm tra đã buộc cho học sinh nghỉ học.

Mặc dù đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, để chuẩn bị cho việc tổng kết năm học, một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng bắt buộc phải tổ chức cho học sinh kiểm tra trực tuyến.

Căng thẳng, áp lực khi học sinh tiểu học phải kiểm tra trực tuyến

Nếu là học sinh bậc trung học phổ thông hoặc ít nhất cũng là học sinh bậc trung học cơ sở tham gia kiểm tra trực tuyến cũng đỡ khó khăn cho nhà trường, gia đình và bản thân các em. Bởi, dù sao những học sinh này cũng đã lớn, đã ít nhiều cũng biết sử dụng công nghệ thông tin, biết khắc phục sự cố nhỏ khi cần…

Ảnh minh họa: AN/GDVN.

Ảnh minh họa: AN/GDVN.

Riêng học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2 mà kiểm tra trực tuyến quả là cực hình đối với tất cả mọi người. Nhiều học sinh, phụ huynh đã phải "dở khóc, dở cười" với kiểm tra cuối kỳ trực tuyến vừa qua tại Hà Nội.

Để đảm bảo học sinh làm bài nghiêm túc, không có sự can thiệp của cha mẹ, mỗi trường đã đề ra một biện pháp khác nhau. Lần đầu tiên nhiều đứa trẻ phải trải qua bài kiểm tra đặc biệt với sự giám sát của máy móc và những quy định chi tiết hơn cả khi trên lớp.

"Bố mẹ phải chuẩn bị 2 camera, 1 cái đặt thẳng theo máy tính con làm bài, 1 máy đặt ở góc xa để giáo viên nhìn được cả căn phòng. Học sinh phải ngồi ngay ngắn, không được quay ngang ngửa, đứng lên trong khi làm bài. Nếu làm xong trước cũng không được nộp bài mà phải ngồi yên chờ có hiệu lệnh...".

“Con trai làm bài không tốt vì căng thẳng. Trong nhóm lớp có phụ huynh cho biết con đã khóc rất nhiều sau khi làm bài vì lo sợ phạm quy do con lỡ "quay người vì mỏi".

Để có được buổi thi thật thì học sinh phải "thi thử" mấy lần và sẽ "thi thật" vào tuần tới với các phần đọc, chính tả, toán và làm văn.

Trong thời gian con kiểm tra, phải bật mic để giáo viên kiểm soát việc bố mẹ có "gà" bài cho con không, bố mẹ cũng không được tới gần vì nếu lọt vào hình là con "phạm quy". Học sinh làm bài trên giấy ghi rõ họ tên. Hết giờ, các bố mẹ có 5 phút để chụp ảnh bài kiểm tra gửi cho cô, quá thời gian này bài kiểm tra không có giá trị. [1]

Có thể cho học sinh bậc tiểu học hoàn tất chương trình mà không cần kiểm tra học kỳ II theo kiểu trực tuyến như thế không?

Chưa nói đến việc nghỉ học thời gian dài nhưng vẫn chưa được kết thúc chương trình đã tạo cho học sinh, phụ huynh nhiều nỗi lo, sự bất an trong lòng. Chắc hẳn hơn 2 tháng qua, những học sinh này và cả cha mẹ đã rất lo lắng ôn bài để chuẩn bị cho một kỳ kiểm tra hết năm mà chưa biết xảy ra lúc nào.

Nỗi lo chưa xong, nay lại buộc những đứa trẻ trải qua một kỳ kiểm tra xa lạ và khá căng thẳng. Nhiều câu hỏi thắc mắc đặt ra: Có thể cho học sinh bậc tiểu học hoàn tất chương trình mà không cần kiểm tra học kỳ II theo kiểu trực tuyến?

Theo bản thân người viết là một giáo viên tiểu học có gần 30 năm đứng lớp thì hoàn toàn có thể cho học sinh tiểu học hoàn thành chương trình năm học khi thời gian học đã gần xong, không cần và không nên tổ chức kiểm tra cuối kỳ trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục.

Thứ nhất, các em đã học đến tuần thứ 32 (có nơi tuần 33/35 tuần). Trong thực tế giảng dạy, mặc dù còn tới 2 đến 3 tuần học nữa nhưng đa phần giáo viên các trường đã dạy hết chương trình cho học sinh để dành thời gian ôn lại kiến thức giúp việc kiểm tra định kỳ được tốt.

Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học (mỗi tuần dạy ít nhất lớp chủ nhiệm là 23 tiết) đã nắm rất rõ năng lực, phẩm chất, điểm mạnh, yếu của từng học sinh. Nay, giao quyền cho giáo viên chủ nhiệm đánh giá (dựa vào cả quá trình học tập, rèn luyện và dựa vào kết quả kiểm tra học kỳ 1) mà không cần tổ chức kiểm tra vẫn rất chính xác.

Bên cạnh đó, Thông tư số: 22/2016/TT-BGDĐT cũng không đặt nặng điểm số của học sinh trong các kỳ kiểm tra mà sự đánh giá cả một quá trình mới thật sự quan trọng.

Hiểu Thông tư 22 để linh động hơn trong việc đánh giá học sinh

"Điều 4. Yêu cầu đánh giá" trong Thông tư 22 quy định

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 4 như sau:

"1. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan."

"3. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất."

Có thể thấy, đánh giá định kỳ bằng điểm số chỉ là một phần nhỏ so với đánh giá thường xuyên bằng nhận xét trong cả quá trình học. Và trong thực tế, đánh giá ở bậc tiểu học, điểm số của học sinh đạt được trong các lần kiểm tra cũng chỉ mang tính tham khảo chứ không quyết định kết quả xếp loại học lực, khen thưởng của mỗi học sinh.

Trong ngành có lẽ ai cũng hiểu, học thì phải có đánh giá kết quả và việc kiểm tra học kỳ II cũng cần thiết. Tuy nhiên đấy là trong bối cảnh bình thường, nhưng trong hoàn cảnh bất thường (thiên tai, dịch bệnh) thì việc thay thế hình thức đánh giá từ kiểm tra cuối năm sang trao quyền đánh giá cho giáo viên là hoàn toàn có thể, hợp lý và cần thiết.

Bởi lẽ kiểm tra học kỳ II chỉ có 1 con điểm trong khi các em đã có ít nhất 1 con điểm (lớp 1, 2, 3) và 3 con điểm (lớp 4 và 5), nên trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm thì việc trao quyền đánh giá, nhận xét cho giáo viên thay vì phải tổ chức kiểm tra trực tuyến mà không làm ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng đánh giá.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn mở thì các địa phương mới dám thực hiện

Để các trường tự quyết bỏ kiểm tra định kỳ trong bối cảnh bất thường xảy ra cũng vô cùng khó. Bởi, nói là giao quyền cho nhà trường nhưng trong giáo dục mà đặc biệt là các bậc tiểu học, trung học cơ sở thì gần như chưa bao có tiền lệ trường nào dám thực hiện sai chỉ đạo của các công văn, thông tư dù thấy có điều chưa hợp lý.

Dịch bệnh không thể báo trước cũng như không biết trước những năm học tiếp theo có còn xảy ra tình trạng học sinh chưa kiểm tra mà đã phải nghỉ học hay không?

Vậy nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải có những hướng dẫn mở để các địa phương linh hoạt hơn trong việc áp dụng khi có tình huống bất ngờ xảy ra để không còn xảy ra tình trạng buồn như cô Nguyễn Thị Huyền (giáo viên tiểu học một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội) chia sẻ:

“Bản thân các giáo viên cũng không mong muốn các con phải thi trực tuyến, vất vả cho cả trò và cô. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học đã vô cùng khó khăn thì nay lại kiểm tra trực tuyến. Ngay cả khi trong giờ thi, dù được thông báo quy chế thi liên tục, nhiều học sinh vẫn cố tình tắt cam, tắt míc, chạy ra khỏi chỗ trong giờ thi, làm bài quá nhanh để nộp. Có học sinh vừa phát đề 5 phút sau đã nộp bài, kết quả con được 2 đ”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/kiem-tra-truc-tuyen-hoc-sinh-lop-1-2-co-can-thiet-cang-thang-vay-khong-20210730084628041.htm

Phan Tuyết