Vì sao có GV giỏi được quy hoạch, bổ nhiệm phó hiệu trưởng lại từ chối

23/04/2024 06:42
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Mọi công việc tại đơn vị đều do hiệu trưởng quyết định còn phó hiệu trưởng là giúp việc cho hiệu trưởng.

Phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục phổ thông nếu được bổ nhiệm phải là những người có kinh nghiệm công tác, có năng lực là những người được tín nhiệm, có uy tín,…

Nhưng chế độ, quyền lợi của phó hiệu trưởng còn thấp, chưa tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc, chưa tạo động lực để những giáo viên giỏi, nhiều thành tích phấn đấu để được bổ nhiệm.

Nhiều người giỏi, uy tín thậm chí còn từ chối quy hoạch, đề xuất bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng vì công việc quá vất vả, phụ cấp thấp nhưng trách nhiệm cao, quyền hạn lại thấp.

hieu-truong-4978-5372-6045.jpg
Ảnh minh họa

Chế độ thủ trưởng, quyền hạn phó hiệu trưởng ít, trách nhiệm cao

Tại các trường phổ thông công lập hiện nay thực hiện chế độ thủ trưởng.

Chế độ thủ trưởng được hiểu là chế độ lãnh đạo, làm việc trong đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan, tổ chức do mình quản lí.

Do đó, mọi công việc tại đơn vị đều do hiệu trưởng quyết định còn phó hiệu trưởng là giúp việc cho hiệu trưởng.

Tuy là cấp phó nhưng hầu như không được quyết định bất kỳ việc gì, không có nhiều quyền hạn.

Nếu đơn vị nào thủ trưởng có phần độc tài, chuyên quyền thì vai trò phó hiệu trưởng càng mờ nhạt.

Thế nhưng, ở không ít cơ sở giáo dục, gần như mọi công việc đều giao cho cấp phó thực hiện, phó hiệu trưởng tham gia vào hầu hết các hoạt động của nhà trường, một số công việc thực hiện không đúng ý hiệu trưởng phải làm lại nhiều lần.

Phụ cấp chức vụ phó hiệu trưởng còn thấp, chưa tương xứng

Với hệ số lương hiện nay là 1,800,000 đồng mỗi tháng, phó hiệu trưởng tùy theo cấp học, số lượng lớp mà được hưởng phụ cấp chức vụ khác nhau từ 0,25- 0,55.

Cụ thể, hiện nay mỗi phó hiệu trưởng được hưởng phụ cấp chức vụ mỗi tháng tương ứng như sau:

Cơ sở giáo dục
Loại trường
Hệ số phụ cấp
Mức hưởng hiện nay
Trường trung học phổ thông
+ Trường hạng I
0,55
990,000
+ Trường hạng II
0,45
810,000
+ Trường hạng III
0,35
630,000
Trường trung học cơ sở
+ Trường hạng I
0,45
810,000
+ Trường hạng II
0,35
630,000
+ Trường hạng III
0,25
450,000
Trường tiểu học
+ Trường hạng I
0,40
720,000
+ Trường hạng II
0,30
540,000
+ Trường hạng III
0,25
450,000

Mỗi tháng phó hiệu trưởng quản lý, thực hiện vô số công việc nhưng chỉ được phụ cấp như trên là còn thấp, chưa tương xứng, nhất là các phó hiệu trưởng ở các trường hạng III công việc cũng giống như hạng I, II nhưng phụ cấp chức vụ thấp. Có phó hiệu trưởng chỉ hưởng phụ cấp chức vụ 0,25 mỗi tháng, tương ứng 450,000 đồng.

Trong khi đó, tổ trưởng chuyên môn (không phân biệt hạng trường) được hưởng phụ cấp chức vụ 0,2 tương ứng 360,000 đồng mỗi tháng, hay tổ phó chuyên môn được hưởng phụ cấp 0,15 tương ứng 270,000 đồng mỗi tháng mà trách nhiệm thì ít hơn nhiều so với phó hiệu trưởng.

Thực tế, mức phụ cấp của hiệu trưởng hiện nay cũng không cao nhưng hiệu trưởng là thủ trưởng đồng thời là chủ tài khoản đơn vị nên sẽ có nhiều khoản ngoài phụ cấp, các khoản chiết khấu, “hoa hồng”, các khoản thu từ dạy thêm học thêm, quản lý,…

Không chỉ phụ trách chuyên môn mà còn kiêm nhiều công việc khác

Thường chức danh phó hiệu trưởng gắn với nhiệm vụ chuyên môn, nên thường gọi là phó hiệu trưởng chuyên môn, tức quản lý chất lượng, hồ sơ chuyên môn trường,…

Tuy nhiên, thực tế công việc phó hiệu trưởng hiện nay làm rất nhiều công việc, phụ trách nhiều mảng công việc như:

Kiêm chủ tịch hội đồng trường ban hành chủ trương hoạt động của trường,…

Kiêm phó chủ tịch trực hội đồng thi đua, khen thưởng, gần như công tác xét thi đua, khen thưởng, hồ sơ,…đều do phó hiệu trưởng thực hiện, mà công việc này thì cũng vất vả, thực hiện suốt cả năm học;

Phó chủ tịch trực hội đồng kỷ luật giáo viên, học sinh;

Nhiều nơi, phó hiệu trưởng kiêm chủ tịch công đoàn; bí thư hoặc phó bí thư chi bộ,…

Mảng nào cũng vất vả, công việc liên tục nhưng những kiêm nhiệm này, phó hiệu trưởng gần như chỉ có trách nhiệm, không được giảm định mức tiết dạy cũng như không được hưởng chế độ kiêm nhiệm.

Nhu cầu phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông

Trước đây, số lượng phó hiệu trưởng được quy định theo loại hình trường, các trường tiểu học, trung học cơ sở hạng I trở lên, trường trung học phổ thông mới được bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng. Các trường còn lại chỉ được bổ nhiệm 1 phó hiệu trưởng.

Tuy nhiên, hiện nay, việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng các trường phổ thông được thực hiện theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo đó, tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông quy định về số lượng phó hiệu trưởng như sau: “số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.”

Tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/12/2020 quy định về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí không quá 02 cấp phó.”

Với số lượng hàng ngàn trường trường tiểu học, trung học cơ sở trước đây đã bổ nhiệm 1 phó hiệu trưởng nay với quy định mới có thể bổ sung thêm 1 phó hiệu trưởng. Cùng với đó, các trường mầm non cũng có thể bổ sung 1 phó hiệu trưởng theo Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT.

Nhiều giáo viên giỏi từ chối khi được quy hoạch, bổ nhiệm phó hiệu trưởng

Thực tế, có nhiều cơ hội cho các giáo viên giỏi thể hiện năng lực, để được bổ nhiệm chức vụ quản lý, có cơ hội phát triển cao hơn.

Tuy nhiên, hiện nay một số giáo viên giỏi, có năng lực nhưng khi được giới thiệu, quy hoạch thì một số lại không đồng ý hoặc từ chối.

Một số phó hiệu trưởng khi đã nhận nhiệm vụ cảm thấy công việc quá vất vả lại xin từ chức, xin thôi giữ nhiệm vụ,…

Ngay tại địa phương người viết công tác, năm học qua đã có trên dưới 10 phó hiệu trưởng ở các cấp học xin thôi giữ chức vụ phó hiệu trưởng vì áp lực lớn, thu nhập thấp. Vì ngoài nhiệm vụ nặng nề, về thời gian làm việc hiện nay mặc định phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, thực hiện giờ hành chính, làm tất cả các ngày trong tuần.

Trong khi đó, giáo viên hay tổ trưởng, tổ phó chuyên môn lại chỉ là những người thực hiện công việc theo định mức tiết dạy quy định, có nhiều thời gian rảnh hơn nên họ thường sẽ từ chối khi được quy hoạch, bổ nhiệm phó hiệu trưởng dù một số người thừa năng lực chuyên môn, quản lý.

Từ 01/7 sẽ thực hiện lương theo vị trí việc làm, cải cách lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, hy vọng thu nhập của phó hiệu trưởng sẽ được cải thiện khi sẽ không còn phụ cấp chức vụ (phụ cấp chức vụ được đưa vào lương và phụ cấp khác) và kỳ vọng cân đối thời gian làm việc phó hiệu trưởng, giáo viên để không còn việc giáo viên giỏi, có năng lực từ chối quy hoạch, bổ nhiệm quản lý.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi