Có những đứa trẻ từng bị ngáo game, cả tháng ăn mì tôm, không tắm

14/06/2020 06:10
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời đại công nghệ, việc "sống chung" với điện thoại, máy tính là điều không thể tránh khỏi và nguy cơ trẻ nghiện game online cũng từ đó tăng lên.

Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận câu chuyện cai nghiện game ở một trung tâm tại Bắc Ninh để cảnh tỉnh cho phụ huynh về vấn nạn không thể bỏ qua này.

Trường phổ thông nội trú IVS (Viện nghiên cứu phát triển vovinam và thể thao) phân hiệu tại Bắc Ninh nằm trong khuôn viên của Trường Đại học Thể dục, Thể thao Bắc Ninh, nơi học tập của hơn 160 học viên đặc biệt.

Thầy giáo Trần Thanh Quang, Trưởng ban Quản sinh của trường Phổ thông nội chú IVS cho biết, số trẻ nghiện game trong độ tuổi học sinh trong vòng vài năm trở lại đây đang có sự ra tăng do các em có điều kiện tiếp xúc với máy tính từ sớm.

Nếu hôm nay trẻ chỉ chơi game một phút, rồi chơi tăng lên mỗi ngày, dần dần thời gian dành cho game có thể năm đến sáu tiếng một ngày.

Rèn luyện kỷ luật ngăn lắp tại trường IVS phân hiệu Bắc Ninh. Ảnh: IVS

Rèn luyện kỷ luật ngăn lắp tại trường IVS phân hiệu Bắc Ninh. Ảnh: IVS

Trẻ bị nghiện game từ lúc nào không hay. Nhiều trẻ khi điều trị cho biết, lúc nào cũng có cảm giác màn hình máy vi tính vô hình ở trước mặt mình, mọi tâm trí đều tập trung vào đấy và không có ý thức đến sự việc ở xung quanh.

Thầy Quang cũng cho biết, trên thực tế, trong những năm gần đây, sự phát triển của Internet và các thiết bị điện tử đã khiến trẻ nghiện game rất nhiều.

Tuy nhiên, nhiều gia đình đã không để ý và không kiểm soát được thời gian con cái chơi game khiến trẻ nghiện lúc nào không biết.

Một số gia đình đã sử dụng những biện pháp phản giáo dục khi ngăn cấm con mình đến với game đã không đem lại kết quả tốt mà ngược lại khiến các em bị tổn thương tâm lyý.

Nhiều trường hợp khi gia đình đưa đến trường IVS các em đã bị khá nặng khi có những hành vi như trầm cảm, hay đập phá, rối loạn nhân cách, đêm ngủ hay mê sảng vì game.

Có những trường hợp gia đình phải đi bắt con về vì hành vi lẩn trốn bố mẹ, người thân, tìm cách thoát khỏi vòng kiểm soát để tìm cách được chơi game.

Có những em cả tháng không tắm, ăn mì triền miên nên thể chất bị suy giảm nặng nề.

Hoạt động ngoại khóa giúp các em phát triển thể chất và trí lực. Ảnh: IVS

Hoạt động ngoại khóa giúp các em phát triển thể chất và trí lực. Ảnh: IVS

Thầy Quang cũng cho biết, việc giáo dục ban đầu cho học sinh nghiện game rất khó khăn, nhiều lúc các em còn sử dụng cả những “nghiệp vụ” được học trong game để lẩn trốn khỏi trung tâm như bôi xà phòng làm gỉ trấn song sắt, sử dụng chỉ để kéo thuốc lá hút lén lút…

Thời gian đầu các em bị bứt dứt vì thiếu game không kém các biểu hiện bứt dứt như nghiện ma túy.

Trong nhiều trường nặng, các em còn cả việc vệ sinh cá nhân, không chịu tắm rửa nên người rất hôi hám.

Nhiều trường hợp gia đình đưa đến trường IVS khi phát hiện ra con họ từng có thời gian ăn ngủ có thâm niên trong các phòng game được nuôi ăn ở nhiều ngày.

Khi các em đến học tại trường IVS các em sẽ được phân loại theo sở thích, năng khiếu, những mối quan tâm khác ngoài game, đối với các em không có năng lực gì nổi trội, cách em sẽ được học thể lực.

Việc rèn luyện tại trường Phổ thông IVS được áp dụng như trong học kỳ quân đội.

Từ 5h30 sáng đến 22h những “game thủ” được khép vào kỷ luật để đảm bảo giờ giấc sinh hoạt, tất nhiên, game và điện thoại được cắt hẳn.

“Mọi sinh hoạt ở đây cứ như trong quân đội, giờ nào việc nấy. Hằng ngày, cứ 18h là phòng em thay phiên nhau đi tắm, rồi tự giặt quần áo. 19h là đi ăn tối.

Ăn xong được ra sân hóng mát, nói chuyện phiếm với các bạn hoặc xem tivi khoảng 40-45 phút, sau đó thì ôn bài.

Đúng 22h phải tắt điện đi ngủ, không được hó hé câu nào vì tất cả các bạn cùng tuân theo quy định răm rắp, mình cũng không thể làm khác đi”, một học viên tại trường IVS chia sẻ với Giáo dục Việt Nam.

Những cậu bé từng bỏ nhà đi, ăn mì cả tháng lười tắm rửa vì nghiện game. Ảnh: TL

Những cậu bé từng bỏ nhà đi, ăn mì cả tháng lười tắm rửa vì nghiện game. Ảnh: TL

Nguyễn Thúy Hồng (Hà Nội) và Nguyễn Đặng Hải Ngọc (Hà Nam) 2 học sinh lớp 12, chuẩn bị tốt nghiệp Trường IVS nhớ lại những ngày trước khi vào trường: “Nghĩ lại những ngày ấy chúng em cũng sợ, và nếu được chọn lựa lại chúng em sẽ chẳng bao giờ làm như thế nữa”.

Hồng và Ngọc đều là những học viên trốn nhà đi theo bạn, dù là con gái nhưng các em cũng đã từng vùi đầu vào những trận game không còn biết giới hạn về thời gian.

Riêng Ngọc, gia đình đã từng huy động cả một “đội quân” đi tìm về, sau khi bị bố mẹ quản quá trặt, Ngọc từng nhảy từ tầng 2 xuống để trốn nhà đi tiếp…

Học viên đặc biệt này từng ăn 2 cái tên trên trường IVS, nhìn gương mặt sáng, thanh tú của Ngọc, không ai nghĩ cô bé này từng nghiện game lờ đờ trong chính cuộc sống của mình.

Đặng Văn Hùng, học viên có thâm niên đến 6 năm tại IVS cho biết em từng bị ảo game khi nhiều ngày vùi đầu trong game, nhìn đâu cũng thấy “chưởng pháp” và có thành tích bỏ nhà đi từ năm lớp 6.

Khi nhà đưa sang IVS nói là đi học võ, em nghĩ ngay đến việc mình có thể “phun chưởng” như trong game…

Sau quá trình học tập, rèn luyện và rời xa game, Hùng cho biết mình đã trưởng thành lên rất nhiều.

Dự định của em là tiếp tục đi học ngành du lịch để được đi đây đi đó, mở mang kiến thức trong cuộc sống.

Nói về quy trình cai nghiện, thầy Quang cho biết: “Quy trình cai nghiện game là một quá trình trị liệu với ba phương pháp chính. Thứ nhất, tách trẻ ra khỏi môi trường nghiện với những giải pháp thay thế như: chơi thể thao, tập võ thuật, tham gia các hoạt động tập thể...

Thứ hai là trẻ được quan tâm, chăm sóc, đưa ra mục tiêu phấn đấu để các em vượt qua chính mình, không bị cơn nghiện hành hạ nữa. Và cuối cùng là dạy cho trẻ những kỹ năng để trẻ nhận biết tác hại của việc nghiện game, đồng thời biết kiềm chế để không tái nghiện".

Trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sỹ , Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã nhất trí quan điểm coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo.

Phiên bản ICD cập nhật này sẽ được trình bày tới các quốc gia thành viên tại Hội nghị Đại hội đồng Y tế thế giới hàng năm và sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2022. Dữ liệu và thông tin về nghiện game sẽ được bổ sung vào hồ sơ dành cho các chuyên gia và tổ chức thuộc lĩnh vực y tế trên toàn thế giới.

Lại Cường