LTS: Tiến sĩ Phạm Long, Giảng viên Đại học Louisiana (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính chia sẻ bài viết về vấn đề học trực tuyến tại Mỹ và định hướng giải pháp giáo dục giai đoạn hậu Covid-19 cho Việt Nam.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona hay còn gọi là Covid-19 xuất hiện tại Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã lây lan ra hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hàng nghìn người tử vong, gây ra những tác động tiêu cực trên khắp thế giới cả về kinh tế, chính trị, giáo dục và xã hội.
Trong lĩnh vực giáo dục, khoảng 50 quốc gia đã tạm đóng cửa một phần hay toàn bộ các trường từ cấp cơ sở cho đến đại học.
Ví dụ, tại Mỹ, tính đến cuối ngày 15/3/2020, hầu như toàn bộ các trường đại học đóng cửa và chuyển đổi hình thức học trực tiếp trên lớp sang học trực tuyến cho đến hết học kỳ, bao gồm cả các đại học danh tiếng như Harvard và MIT.
Tại châu Âu, tình hình còn trầm trọng hơn bởi tốc độ lây lan nhanh chóng của Covid-19. Một số quốc gia ở châu Âu, ví dụ Italia đã phải đóng cửa toàn bộ các trường học trong nỗ lực kiềm chế Covid-19.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, toàn bộ học sinh hệ mầm non đến trung học phổ thông trên toàn quốc và nhiều sinh viên đại học, cao đẳng chưa thể trở lại trường.
Việc cho sinh viên nghỉ học là một giải pháp tình thế được các chuyên gia đánh giá là hợp lý và bước đầu đã góp phần đáng kể phòng chống sự lây lan của Covid-19, tuy nhiên để đảm bảo đảm bảo tiến độ giảng dạy, trang bị kiến thức, kết thúc học kỳ, cũng như tốt nghiệp thì nhiều trường đại học đang triển khai hình thức học trực tuyến.
Bản chất của học trực tuyến đó là chỉ với một máy tính hay thiết bị di động có kết nối với Internet, các sinh viên có thể chủ động tham gia vào quá trình học tập mọi lúc mọi nơi.
Nói cách khác, sinh viên tiến hành truy cập vào hệ thống học trực tuyến được xây dựng bởi trường đại học để hoàn thành các bài tập, kiểm tra định kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ cho từng môn học, mà không cần phải đến trường.
Tiến sĩ Phạm Long (ngoài cùng bên phải) cùng các chuyên gia giáo dục tại Mỹ. ảnh: PL. |
Hình thức học trực tuyến có nhiều ưu điểm so với hình thức học trực tiếp trên lớp.
Lợi ích đối với trường đại học: Thứ nhất đó là mang lại một phương thức học tập mới bổ sung cho phương thức học bằng cách trực tiếp đến các lớp học;
Thứ hai chính là cơ hội để cho các trường đại học tiết kiệm được chi phí trường lớp, tập trung cho các hoạt động sáng tạo ra giá trị gia tăng;
Thứ ba liên quan đến nỗ lực mang lại sự hài lòng và gắn bó của sinh viên, có thể tham gia vào quá trình học tập mọi lúc, mọi nơi.
Đây là tiền đề quan trọng cho trường đại học phát triển bền vững trong tương lai.
Đối với các sinh viên, lợi ích hữu hình được cảm nhận ngay đó là có thể tham gia vào quá trình học tập mọi lúc mọi nơi, chỉ với một máy tính hay thiết bị di động có kết nối với Internet để hoàn thành các môn học.
Bên cạnh đó còn có một số lợi ích khác là hệ quả của lợi ích trên, ví dụ sinh viên có thể vừa học vừa làm, hay thậm chí có thể du học tại chỗ mà không cần phải bay sang một nước khác để học, nhờ đó tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Những vấn đề nảy sinh trong triển khai giảng/dạy học trực tuyến
Nói một cách thẳng thắn thì học trực tuyến được triển khai tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay mới chỉ là giải pháp tình thế, vì vậy các trường đại học nên sớm có chiến lược bài bản để nghiêm túc triển khai một cách có hệ thống như nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển đang áp dụng.
Để vượt qua những khó khăn, đòi hỏi phải xem xét trên bình diện tổng thể.
Vấn đề thứ nhất mà các trường đại học ở Việt Nam đang đối mặt đó là hiện nay chưa có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện điều tiết và định hướng cho hình thức giảng dạy và học tập này.
Trong các quy định hiện hành, chỉ có quy chế đào tạo từ xa và Thông tư 12 được ban hành bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng, có đề cập đến hình thức đào tạo trực tuyến, tuy nhiên cũng chưa đầy đủ và chi tiết về nội dung đào tạo trực tuyến trong các trường đại học.
Khủng hoảng đang làm cho nền kinh tế giáo dục trực tuyến trở thành xu hướng |
Hơn nữa, quy chế đào tạo từ xa và Thông tư 12 cũng chưa thật sự tạo ra một khung pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng các chiến lược phát triển đào tạo trực tuyến và không thể hiện rõ các nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng như quyền lợi của các bên liên quan, ví dụ của cơ quan quản lý, trường đại học, giảng viên, và sinh viên; bởi vì phương thức đào tạo trực tuyến khác xa so với phương thức đào tạo trực tiếp trên lớp học.
Vấn đề thứ hai đó là các trường đại học trong quá trình xây dựng chiến lược và triển khai học trực tuyến không có sự gắn kết hay “tích hợp” vào một bức tranh tổng thể hơn liên quan đến chiến lược “Chuyển Đổi Số” ở cấp độ quốc gia.
Chiến lược “Chuyển Đổi Số” chính thức được khởi xướng trong năm 2019 với kỳ vọng xây dựng nên một chính phủ điện tử hiệu quả trong tương tác và cung cấp các dịch vụ hành chính công cho người dân. Một xã hội với các thành phố và đô thị thông minh, đáp ứng được những tiêu chuẩn cốt lõi của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0; và một nền thương mại điện tử đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân, nơi các trao đổi mua bán hàng hóa được thực hiện thông qua tương tác giữa người dân và trang web của doanh nghiệp.
Nếu xác định được vị thế chiến lược trong bức tranh tổng thể của “Chuyển Đổi Số”, thì giáo dục trực tuyến mới thực sự được quy hoạch, triển khai và có thể đạt được các kết quả mong muốn trên bước đường kiến tạo ra những công dân sống và làm việc có trách nhiệm, đáp ứng được những đòi hỏi của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, được đặc trưng hóa bởi “vạn vật kết nối”.
Vấn đề thứ ba liên quan đến hệ thống sách và tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy trực tuyến.
Nhìn chung, trong phương thức giảng dạy trực tiếp trên lớp, về cơ bản thì các bộ môn trong các trường đại học phụ trách việc viết giáo trình cho các môn học thuộc bộ môn; gọi là viết giáo trình, nhưng đa số là dịch một số chương trong các sách của nước ngoài.
Khi triển khai phương thức học trực tuyến, thì vấn đề bản quyền trở nên rất quan trọng, các trường đại học cần phải xây dựng mối quan hệ đối tác với các nhà xuất bản uy tín trên thế giới để mua các sách giáo trình và những tài liệu cần thiết phục vụ cho việc giảng dạy trực tuyến; tránh tình trạng vi phạm bản quyển có thể ảnh hưởng đến uy tín của các trường đại học của Việt Nam.
Vấn đề thứ 4 đó là chưa định hình một nền “văn hóa” hay thói quen giảng dạy và học tập trực tuyến.
Đối với phương thức học trực tiếp trên lớp, giảng viên và sinh viên gặp gỡ nhau “mặt đối mặt” trong các giờ giảng, nên khả năng tương tác cao hơn, giúp cho quá trình truyền đạt và tiếp thu kiến thức thuận tiện hơn.
Còn đối với hình thức học trực tuyến, các cơ hội để tương tác giữa sinh viên với sinh viên, hay giữa giảng viên với sinh viên bị hạn chế hơn, bởi chủ yếu là thông qua thư điện tử hoặc phần mềm chat, nên độ trễ về thời gian có thể xảy ra, ví dụ câu hỏi của sinh viên gửi cho giảng viên có thể phải chờ một thời gian để giảng viên trả lời cho sinh viên.
Hơn nữa, trong môi trường học trực tuyến, rất có thể sinh viên sẽ trở nên thụ động và dẫn đến việc tiếp thu kiến thức và kết quả học bị hạn chế.
Vấn đề thứ năm liên quan đến cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc học trực tuyến.
Việc triển khai học trực tuyến tại các trường đại học hiện nay mang tính bị động, chưa nằm trong một chiến lược tổng thể, mà chỉ do sự xuất hiện của Covid-19, sinh viên phải nghỉ học ở nhà để phòng chống lây lan của dịch bệnh, đồng thời tham gia học trực tuyến.
Nói một cách khác, hầu như các trường đại học chưa đầu tư hoàn chỉnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm đầu tư để có được một hệ thống học trực tuyến hiện đại, ví dụ Moodle, Blackboard, Canvas (rất thông dụng tại các trường đại học ở các nước phát triển).
Hơn nữa, các trường đại học cũng chưa thực sự hướng dẫn chi tiết các quá trình và quy trình cho giảng viên và sinh viên để họ trở nên quen thuộc và sử dụng hiệu quả hệ thống học trực tuyến của trường.
Những vấn đề khác có thể nảy sinh, chẳn hạn làm thế nào để hạn chế toàn bộ hay một phần tình trạng không trung thực trong các tình huống mà sinh viên làm bài tập, bài kiểm tra định kỳ, giữa kỳ, hay cuối kỳ.
Trong các tình huống như thế này, rất có thể một số hay nhiều sinh viên chép bài hay quay cóp của nhau, dẫn tới việc đánh giá kết quả học của sinh viên là không chính xác.
Hơn nữa, thực tế triển khai học trực tuyến trong thời gian qua cho thấy quy mô các lớp học trực tuyến quá lớn, dẫn tới chất lượng dạy và học có thể bị ảnh hưởng.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là làm sao có thể quản lý người giảng viên “trên lớp học trực tuyến” để đảm bảo rằng việc dạy học đáp ứng được những yêu cầu quản lý của trường đại học và những kỳ vọng tiếp nhận kiến thức của sinh viên.
Giảng dạy trực tuyến được triển khai ở tất cả các trường đại học tại Mỹ, nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. ảnh: PL. |
Định hướng xây dựng giải pháp triển khai hiệu quả phương thức giảng/học trực tuyến thời kỳ hậu Covid-19
Mặc dù việc triển khai phương thức học trực tuyến tại nhiều trường đại học ở Việt Nam vừa qua mang tính chất tình huống vì sự xuất hiện của Covid-19, các trường đại học nên bắt đầu hướng tới một kế hoặc đồng bộ để triển khai có hệ thống phương thức học này thời kỳ hậu Covid-19.
Nếu dạy online không được thu phí, trường tư sẽ khó khăn chồng chất |
Việc triển khai phương thức học trực tuyến, kết hợp với duy trì phương thức học truyền thống sẽ giúp cho các trường đại học hòa vào nhịp đập chung với giáo dục thế giới, đặc biệt là nền giáo dục ở những nước phát triển.
Hơn nữa, triển khai phương thức học trực tuyến sẽ giúp các trường đại học có tính thích nghi hay khả năng chống đỡ trước những rủi ro và bất trắc hơn, mà câu chuyện Covid-19 chỉ là một trong những rủi ro và bất trắc.
Có thể nói rằng triển khai phương thức học trực tuyến là yêu cầu “bắt buộc”, ngay cả trong ngắn hạn, chứ không phải chỉ trung hạn và dài hạn.
Tại sao là “bắt buộc”? Lý do rất đơn giản: Nếu không triển khai thì nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi “Hệ Sinh Thái” giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu là rất lớn.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ giao tiếp, viễn thông, và Internet tốc độ cao, bất cứ một tổ chức nào cũng có thể trở thành một thành viên trong “Hệ Sinh Thái” này.
Nói cách khác, bất cứ một tổ chức nào cũng có thể trở thành một trường đại học theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Các tổ chức này có thể cung cấp các dịch vụ giảng dạy và đào tạo cho chính nhân viên của mình kiến thức về lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành và tiến tới mở rộng ra cung cấp dịch vụ cho toàn xã hội (nếu có khả năng), bởi vì trường đại học theo quan điểm của họ sẽ tinh gọn, không cần thiết phải có phòng học.
Các trường đại học không những trên thế giới mà còn ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm thách thức từ chính các doanh nghiệp.
Nhiều tư tưởng cho rằng có thể trong thời gian tới, các doanh nghiệp không cần sinh viên phải tốt nghiệp đại học, mà chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, là họ có thể tuyển dụng và cho vào môi trường đào tạo của chính họ, sau đó trở thành những nhân viên có kỹ năng, khả năng làm tốt những việc được giao trong công ty.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các trường đại học phải có chiến lược đào tạo chất lượng, năng lực thích nghi, trở nên tinh gọn hơn, và đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng gia tăng của khu vực tuyển dụng từ các doanh nghiệp.
Hơn nữa, các trường đại học phải xem việc triển khai phương thức học trực tuyến là một bộ phận cấu thành trong chiến lược tổng thể của mình.
Nếu xem việc triển khai phương thức học trực tuyến là một bộ phận quan trọng trong chiến lược tổng thể, thì kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả trường, sinh viên, và xã hội; trên nền tảng trở thành một trường đại học chất lượng, tinh gọn, và thích nghi hơn.
Để thành công trong việc triển khai chính thức và mang tính hệ thống phương thức giảng/học trực tuyến, những định hướng cho việc xây dựng chiến lược sau đây cần được cân nhắc thận trọng:
Một là, lãnh đạo cao cấp của trường đại học và bộ chủ quản cần phải đặt kế hoạch triển khai phương thức học trực tuyến của trường mình trong tổng thể và tương quan với kế hoạch triển khai “chuyển đổi số” ở cấp độ quốc gia, vì “chuyển đổi số” ở cấp độ quốc gia sẽ tạo ra hạ tầng chung cho việc hình thành chính phủ điện tử, đô thị/thành phố thông minh, và môi trường thương mại điện tử.
Lãnh đạo trường đại học và bộ chủ quản phải xem xem xét những hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông chung nào có thể được tận dụng và những hạ tầng nào khác phải đầu tư ở cấp bộ chủ quản và trường đại học.
Hai là, quy hoạch “tinh gọn” đội ngũ quản lý và giảng viên của trường đại học.
Rõ ràng, khi ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông vào quản lý và triển khai học trực tuyến, trường đại học không chỉ tiết kiệm được nhiều khoản chi phí liên quan đến trường lớp, mà còn liên quan đến giảng viên.
Nói cách khác, trường đại học cần phải giảm số lượng cán bộ quản lý trung gian; tập trung tuyển dụng và duy trì những giảng viên giỏi, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của sinh viên và kỳ vọng của xã hội.
Cắt giảm được các cấp quản lý trung gian và duy trì đội ngũ giảng viên giỏi sẽ giúp trường tiết kiệm được chi phí hoạt động và dành ưu tiên cho các hoạt động sáng tạo ra giá trị gia tăng cho trường.
Thứ ba, phải thiết lập các mối quan hệ chiến lược với các nhà xuất bản uy tín trên thế giới.
Các mối quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ giúp cho giảng viên và sinh viên có được sách và tài liệu học cập nhật nhất, với chi phí phải chăng, phục vụ hiệu quả cho việc học tập và nghiên cứu của thầy và trò.
Hơn nữa, nếu có thể thì hệ thống học trực tuyến của trường đại học nên tích hợp với hệ thống học của các nhà xuất bản để giảng viên và sinh viên có thể chủ động hơn trong việc tìm sách và tài liệu, thậm chí có thể trực tiếp làm các bài tập, kiểm tra định kỳ, thi giữa kỳ và cuối kỳ trên hệ thống học của nhà xuất bản.
Tích hợp hệ thống học trực tuyến của trường đại học và hệ thống học của nhà xuất bản sẽ giúp các giảng viên “cá biệt hóa” bài giảng của mình để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên, và giảm áp lực về hạ tầng công nghệ đối với trường đại học.
Thứ tư, các trường đại học phải cân nhắc lựa chọn một hệ thống học trực tuyến tốt từ thế giới hoặc trong nước, trên cơ sở so sánh chất lượng và chi phí.
Thứ năm, tổ chức đào tạo và huấn luyện các giảng viên và sinh viên về các quá trình và quy trình khi tham gia học trực tuyến, để các giảng viên và sinh viên luôn cảm nhận việc giảng dạy và học trực tuyến là không có khó khăn gì về mặt kỹ năng công nghệ.
Xây dựng văn hóa học trực tuyến ở đó các tương tác giữa thầy trò hay giữa sinh viên với nhau luôn chuẩn mực, hiệu quả, và lịch sự; tất cả đều hướng tới chất lượng giảng dạy và học cao.
Thứ sáu, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, và điều kiện để quản lý tốt và hiệu quả việc giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên.
Những quy định điều tiết phải quy định rõ các quyền, trách nhiệm, và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến quá trình giảng và học trực tuyến; hướng tới xây dựng hình ảnh tốt về học trực tuyến trong suy nghĩ của người dân, doanh nghiệp, và sinh viên.
Thứ bảy, hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp để có thể chủ động mời các giảng viên là những lãnh đạo doanh nghiệp tham gia chia sẻ các kiến thức thực tế trong các lớp học trực tuyến, với mục tiêu giúp sinh viên không chỉ có lý thuyết mà còn kỹ năng thực hành tốt, chuẩn bị cho việc tìm kiếm cơ hội việc làm khi tốt nghiệp.